Nghịch lý nữ quyền

Khi nhiều người, trong đó có cả phụ nữ, còn không hiểu nữ quyền thực sự là gì để đồng tình với nó, sợi dây định kiến vẫn ràng buộc nữ giới trên khắp mọi nơi.

"Ở Mỹ, nhiều định kiến ​​bủa vây nhà nữ quyền. Không ít người coi các nhà nữ quyền là ích kỷ, thiếu suy xét, chống việc lập gia đình và không muốn ở nhà nuôi dạy con cái".

"Phản xã hội, kém hấp dẫn, không được yêu thương, mất việc là những gì người Hàn nghĩ về nhà hoạt động nữ quyền".

"Tại Bồ Đào Nha, người ta sẽ nói: 'Bạn bất mãn về điều gì? Mọi thứ tốt hơn bao giờ hết' với nhà nữ quyền".

Đó chỉ là một vài trong số hàng nghìn phần trả lời cho câu hỏi: Trở thành một "nhà nữ quyền" ở đất nước của bạn có nghĩa là gì? được đài NPR đặt ra cho khán giả trên khắp thế giới của họ.

Theo Oxford Dictionary, chủ nghĩa nữ quyền là niềm tin, mục tiêu rằng phụ nữ phải có các quyền và cơ hội như nam giới và những cuộc đấu tranh để đạt được mục tiêu này.

Dù được coi là truyền cảm hứng cho mọi người nhìn nhận, hành động và tin tưởng vào phụ nữ, mở ra các phong trào góp phần thay đổi lịch sử, đây vẫn bị coi là một đặc quyền ảo tưởng, phi thực tế ở một số nơi trên thế giới.

Nhiều người đưa ra lập luận rằng phụ nữ và nam giới ngay từ khi sinh ra đã không giống nhau (về thể chất chẳng hạn) nên không thể đòi hỏi bình đẳng.

Thế nhưng, “giống nhau” không có nghĩa là “bình đẳng”. Cốt lõi của chủ nghĩa nữ quyền là về bình đẳng nam nữ, không phải sự giống hay khác nhau.

Theo Kathy Caprino, tác giả cuốn sách The most powerful you: 7 brave paths to building the career of your dreams, ngày càng có nhiều phong trào, cuộc đấu tranh được gắn mác nữ quyền, nhưng cùng với đó, ác cảm, thậm chí là sự thù ghét với chủ nghĩa này cũng gia tăng.

Khi nhiều người, trong đó có cả phụ nữ, còn không hiểu nữ quyền thực sự là gì để đồng tình với nó, sợi dây định kiến vẫn ràng buộc nữ giới trên khắp mọi nơi.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nghich-ly-nu-quyen-718192.html