Vai trò kép của người phụ nữ tham chính - những vấn đề đặt ra và kinh nghiệm giải quyết

 


Phụ nữ tham chính, một thành tựu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, tham gia vào các hoạt động của xã hội cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ phải gánh thêm nhiều trách nhiệm hơn, phải chia sẻ quỹ thời gian làm nhiều phần hơn và đặc biệt là phải đối mặt với nhiều hơn những khó khăn thách thức. Đi sâu vào vai trò của người phụ nữ tham chính ở trong gia đình hay ngoài xã hội sẽ có nhiều vấn đề đặt ra. Trong bài viết này, chúng tôi quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ nói trên, cùng chị em phụ nữ chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm giải quyết để có được một cuộc sống tốt nhất cả trong gia đình và ngoài xã hội.

 

 

Như chúng ta đã thấy: hiện nay, mặc dù đã có sự thay đổi trong phân công lao động theo giới trong gia đình, song phụ nữ vẫn làm chủ yếu các công việc trong gia đình. Như vậy, bên cạnh việc tham gia lao động kiếm tiền như nam giới phụ nữ còn là lao động chính trong công việc gia đình. Phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý cũng không nằm ngoài bối cảnh chung này. Phụ nữ tham chính phải thực hiện vai trò kép, luôn phải chịu đựng những áp lực trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là gia đình và một bên là sự nghiệp. Bài toán đặt ra là làm thế nào để giữ cân bằng và đạt kết quả tốt đẹp nhất ở cả hai vai trò nói trên.

 

Thứ nhất, những khó khăn về quỹ thời gian và sức khỏe. Cũng như nam giới, phụ nữ chỉ có quỹ thời gian hữu hạn 24 giờ mỗi ngày, trong khi phụ nữ tham chính phải thực hiện cả việc nước, việc nhà. Điều này đòi hỏi chị em phải biết sắp xếp thời gian và công việc một cách khoa học và linh hoạt mới có thể đảm nhận tốt cả hai vai trò. Thêm vào đó, so với nam giới, phụ nữ có nhiều trở ngại về sức khỏe, ảnh hưởng nhiều đến công việc xã hội cũng như trong gia đình, phụ nữ được xem là chân yếu tay mềm với nhiều hạn chế về thể lực cũng như độ dẻo dai, nhất là những ảnh hưởng của giới tính.

 

Thứ hai, khó khăn trong việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội (đối nội, đối ngoại). Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có thể làm gia tăng căng thẳng và xung đột gia đình. Bởi vì khi phụ nữ làm quản lý giỏi thường ít hoặc không có thời gian quan tâm, chăm sóc cho gia đình, chồng con...hay thiên lệch tình cảm với đồng nghiệp ở cơ quan. Một sự quan tâm không hài hòa, không được sự chia sẻ của các thành viên trong gia đình sẽ dễ dẫn tới sự hiểu lầm, khó khăn cho người phụ nữ ở cả hai vai trò của mình. Một số phụ nữ có thể mang tính cách, thái độ của một thủ trưởng cơ quan và cả những lo lắng, bực tức trong công việc về gia đình, tạo nên những buồn phiền và xung đột vô cớ.

 

Thứ ba, khó khăn trước những định kiến của các thành viên trong gia đình, sự gia trưởng của người chồng. Ở một số gia đình thì ba mẹ chồng, chồng có quan niệm là người phụ nữ phải dành nhiều thời gian để chăm sóc cho gia đình. Một số người chồng không muốn cho vợ tham gia công tác xã hội, và vì thế sẽ luôn không hài lòng hoặc gây khó khăn, làm ảnh hưởng đến tình cảm và hạnh phúc gia đình.  Không chỉ vậy, với những phụ nữ sống chung với gia đình chồng, sẽ là khó khăn cho người phụ nữ tham chính nếu không nhận được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình chồng và cả chính gia đình mình (của ba mẹ, ba mẹ chồng, chồng, anh chị em trong gia đình…)


Nguồn: https://phunudanang.org.vn/vn/1788-vai-tro-kep-cua-nguoi-phu-nu-tham-chinh-nhung-van-de-dat-ra-va-kinh-nghiem-giai-quyet.html