Những bóng hồng thích cảm giác mạnh - Kỳ 7: Người đàn bà cưỡi trên sóng biển


TTO - Vượt qua biết bao định kiến như "kiêng đàn bà xuống tàu" cùng những bất tiện giới tính, một phụ nữ đã được gọi là "bông hồng thép" khi chỉ huy cả đội ngang dọc trên vùng biển phía Nam.

Đó là chị Nguyễn Thị Phượng, 50 tuổi, quê xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau...

Hồi mới đi chuyến biển đầu tiên một mình, tôi chuẩn bị kỹ lắm, có khi thủ chai xịt hơi cay phòng thân. May là chưa lần nào gặp bọn xấu, mà toàn anh em tốt.

Chị Nguyễn Thị Phượng

Cầm tàu ra khơi

Giữa vô số tiếng người trao đổi trong máy bộ đàm gắn trên chiếc tàu băng ra biển, bất ngờ có giọng một phụ nữ lọt vào. Chị hỏi thăm các tàu có trúng được mẻ cá nào to không, có cần hỗ trợ gì không... Đáp lại chị là những chia sẻ về tình hình ghe tàu, cả những giải đáp giá cả cá, mực hôm nay lên xuống ra sao. 

Một tài công giới thiệu cho chúng tôi: "Giọng chế Phượng đó, vậy là chuyến này bả đi hướng Hòn Khoai. Bả thương anh em đi biển dữ lắm. Mà đàn bà con gái đi biển sóng gió như vậy chắc cũng chẳng mấy người".

Cửa biển Rạch Gốc là một trong ba cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau. Từ trung tâm Ngọc Hiển, huyện cuối cùng của cực nam đất nước, dòng chảy qua những cánh rừng ngập mặn đổ ra vùng phía nam Biển Đông. 

Dẫn dắt theo là đoàn tàu khắp nơi từ Bình Định, Phú Yên cho đến Bến Tre, Kiên Giang... đổ về ngư trường được coi là giàu có bậc nhất. Mỗi con nước lại có hàng trăm tàu ra vào cửa biển Rạch Gốc để bán hải sản và mua sở phí cho chuyến biển tiếp theo.

Chị Hứa Minh Quang, chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Ân, nói rằng ở vùng biển này có những người đầy cá tính. Nhưng tất cả đều nể chị Nguyễn Thị Phượng, không chỉ vì làm ăn uy tín, mà chị là phụ nữ duy nhất ở Rạch Gốc "lì đòn" cầm tàu ra khơi.

Sau bão Linda 1997, ghe tàu số đi không về, số hư hại. Vùng biển lại thưa thớt người giong tàu. Chị Phượng hằng ngày chạy vỏ lãi băng qua các cánh rừng, vuông tôm để mua cá bán ra chợ huyện. 

Làm ăn nhỏ lẻ, lại nhiều cạnh tranh với lái cá khác, chị quyết định không rảo đi mua cá nữa mà mở hẳn vựa cá để mua lại từ thương lái. Bạn hàng chủ yếu của chị là đội tàu đánh bắt xa bờ sau hơn 10 năm hồi phục từ trận bão Linda. 

Chị làm ăn uy tín, tính tình rộng rãi, lại rất thương anh em đi biển vất vả nên tàu bè ra vào, vựa cá cô Phượng mua được giá, lại luôn có quà cáp cho anh em ra khơi. Tiếng lành đồn xa, không bao lâu ghe tàu đánh bắt ngoài biển tìm đến bán cá, mực cho nhà chị.

Tuy nhiên, vùng biển nhiều cá tôm nhưng lại quá xa xôi. Giao thông cách trở khiến hải sản từ Rạch Gốc để đến được các chợ đầu mối, nhà hàng đã không còn tươi ngon như ý muốn.

Cho đến khi đường Hồ Chí Minh nối Năm Căn đến Đất Mũi có đi qua Rạch Gốc đã mở ra con đường nhanh hơn cho hải sản xứ này. "Mình phải mua hải sản ngay khi vừa đánh bắt được, rồi bảo quản, chở thẳng đến nơi tiêu thụ. Như vậy hải sản xứ mình mới có giá". 

Nghĩ là làm, chị Phượng nhờ những người đi biển cố cựu tư vấn cho việc đóng một chiếc tàu đủ sức đi xa bờ để chuyên thu mua hải sản ngoài khơi và cung ứng nhiên liệu thiết yếu cho tàu cá.

Có được chiếc tàu ngon lành, trang bị đủ thiết bị tất yếu cho hải trình hàng trăm hải lý. Nhưng chị lại đối diện với vấn đề khác là kiếm đâu ra người đi biển. Lao động trên tàu mỗi ngày được trả công 500.000 đồng vẫn bị chê rẻ. Chị lại cần người thông thạo biển để theo các con tàu xa khơi, đảm bảo không vi phạm vùng biển nước khác.

Sống tử tế, chồng mất, một thân một mình nuôi các con ăn học, chị đã được từ các chủ ghe cho đến các cán bộ kiểm ngư, bộ đội biên phòng nhiệt tình giúp đỡ. Có được người đi biển thì thiếu người đứng ra giao dịch mua bán trên biển, đảm bảo hải sản mua vào bờ phải là hàng tươi ngon. Sau nhiều ngày đắn đo, chị quyết định tự cầm tàu ra khơi.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-bong-hong-thich-cam-giac-manh-ky-7-nguoi-dan-ba-cuoi-tren-song-bien-20210616210231058.htm