Phòng bạo lực với phụ nữ: Cộng đồng lên tiếng, nam giới tiên phong



Để thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa hiệu quả bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, rất cần các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, đưa nam giới trở thành một phần quan trọng ngăn ngừa bạo lực giới.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái sẽ tác động đến toàn xã hội khi hiện trạng này được nhìn nhận và đối xử bằng sự hiểu biết, lòng tôn trọng, tình yêu thương nảy mầm, lan tỏa trong cộng đồng cũng như nam giới, một bên trực tiếp liên quan.

Nam giới - nhân tố quyết định để ngăn ngừa bạo lực giới

Nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập” do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) thực hiện với hơn 2.500 nam giới trong độ tuổi lao động, công bố vào tháng 11/2020 cho thấy, cứ 3 nam giới có đến 2 người tin rằng nam giới làm việc hiệu quả hơn phụ nữ, đặc biệt là trong vai trò lãnh đạo.

Một tỷ lệ đáng chú ý là hơn 92% số nam giới đồng ý với quan niệm cho rằng “thiên chức của người phụ nữ là chăm sóc gia đình và là hậu phương vững chắc cho chồng phát triển sự nghiệp.”

Tương ứng, hơn 82% nam giới cho rằng “phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn là phấn đấu cho sự nghiệp,” “phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gìn hạnh phúc gia đình.”

Hơn 84% nam giới đồng ý với ý kiến cho rằng phụ nữ nên làm những công việc nhẹ nhàng và đơn giản.

Những phát hiện này cho thấy, nam giới tin rằng phụ nữ có năng lực làm việc kém hơn đàn ông và phụ nữ nên hy sinh sự nghiệp của mình để chăm lo gia đình, hỗ trợ cho sự thành công của người chồng.

[Mô hình nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực giới được nhân rộng]

Chính những suy nghĩ trên và chế độ gia trưởng hà khắc, ăn sâu, bám rễ qua nhiều thế hệ đã khiến nhiều đàn ông cảm thấy thất bại nặng nề nếu họ không thể hiện được vai trò trụ cột của gia đình. Điều đó cùng với việc uống rượu như một biểu tượng nam tính, có thể dẫn đến bạo lực gia đình.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội nhấn mạnh: “Tư tưởng gia trưởng đã ăn sâu vào nếp nghĩ của đàn ông Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực gia đình. Theo đó, một người đàn ông tự cho mình là chủ gia đình có quyền được giáo dục, đưa vợ con vào khuôn phép.”

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng, để thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa hiệu quả bạo lực với phụ nữ, trẻ em gái, bên cạnh các hoạt động vận động từ phía nữ giới như lâu nay, rất cần các hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, đưa nam giới trở thành một phần quan trọng, “chìa khóa thành công” của mỗi chiến dịch bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực giới.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phong-bao-luc-voi-phu-nu-cong-dong-len-tieng-nam-gioi-tien-phong/681197.vnp