Bình đẳng giới chỉ cho phụ nữ nấc trên?

 

Việt Nam được coi là một trong các quốc gia có bình đẳng giới tương đối tốt vì có nhiều phụ nữ là lãnh đạo chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Phụ nữ xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề như ngoại giao, y tế, giáo dục, lao động sản xuất, thậm chí lái xe taxi. Ngoài nguyên nhân do phụ nữ được huy động tham gia sản xuất và chiến đấu trong kháng chiến (giặc đến nhà đàn bà cũng đánh), các tiến bộ này còn do Việt Nam có pháp luật bảo vệ phụ nữ trong sử dụng đất đai, hôn nhân gia đình, và đặc biệt trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.


Ở một quốc gia nơi khổng giáo vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng, quy định người phụ nữ phải là “nội tướng” quán xuyến việc bếp núc, chăm sóc con cái, và giữ trách nhiệm duy trì hạnh phúc gia đình, việc nhiều người trong số họ tham gia vào hoạt động kinh tế xã hội có phải là một điều đáng tự hào?

Chúng ta có thể chia những người phụ nữ này làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Có nghĩa, ngoài lao động 8 tiếng một ngày như những người đàn ông khác, họ còn làm công việc nội trợ ở nhà. Những công việc này có thể là cho con ăn buổi sáng, tắm cho con buổi chiều, đi chợ và nấu cơm phục vụ chồng. Nếu còn sức (hoặc thậm chí không còn sức), họ vẫn đảm bảo chuyện chăn gối với chồng để duy trì hạnh phúc gia đình. Với họ, liệu đây có phải là công bằng?

Nhóm thứ hai là những người phụ nữ “giỏi việc nước nhưng không phải làm việc nhà”. Không phải làm việc nhà vì khi nền kinh tế thị trường phát triển, họ có thể thuê những người phụ nữ khác, thường là ở quê lên, làm Osin cho mình. Như vậy, họ có thể toàn tâm toàn ý vào công việc cơ quan vì mọi việc ở nhà đã có một bàn tay người phụ nữ khác lo lắng. Với những người phụ nữ này, họ có bình đẳng với chồng (đều đi làm và đều không phải làm việc nội trợ), nhưng sự bất bình đẳng đã được chuyển sang người phụ nữ khác, người phụ nữ giúp việc nhà.

Nhóm thứ ba là những người phụ nữ “giỏi việc nước và chia sẻ việc nhà”. Những người phụ nữ này có người đàn ông sẵn sàng san sẻ công việc nội trợ với mình. Vợ thổi cơm, chồng tắm cho con; vợ rửa bát, chồng dọn dẹp nhà cửa. Những người phụ nữ này có bình đẳng với chồng. Nhưng tiếc thay, số lượng của họ chưa nhiều nhiều. Tại sao?

Trong gia đình bé gái và bé trai đang được dậy những điều khác nhau. Công việc nhà buồn tẻ và nặng nhọc, cần thiết nhưng lại không được trả tiền được khoác lên mình một mỹ từ “nữ công gia chánh”. Những người mẹ trong gia đình và những người cô trong nhà trường đã đẩy bé trai và bé gái vào những khuôn mẫu giới. Chính vì vậy, những người phụ nữ không vun vén được gia đình, không giữ được chồng là những người phụ nữ thất bại dù họ có thành đạt ngoài xã hội đến đâu. Đây chính là gông cùm ép người phụ nữ hoặc từ bỏ đam mê công việc của mình, hoặc phải cố gắng gấp đôi để “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Nó cũng là định kiến hằn sâu trong suy nghĩ của nam giới, với họ làm việc nhà là thấp kém, hoặc ít ra cũng “không khéo bằng phụ nữ” nên nghiễm nhiên không cần động chân động tay.

Theo tiến sĩ Kristy Kelly của trường đại học Drexel, nhiều phụ nữ thành thị đạt được sự bình đẳng cho mình bằng việc chuyển gánh nặng cho người phụ nữ khác. Ngành dịch vụ giúp việc nhà là một ví dụ điển hình. Có lẽ, đây là ngành kinh tế duy nhất phụ nữ độc quyền. Ở cấp độ quốc gia như ở Việt Nam, phụ nữ thành thị thuê phụ nữ nông thôn làm việc nhà để được bình đẳng. Ở cấp độ quốc tế như Singapore và Hongkong, phụ nữ thuê chị em khác từ Indonesia hay Phillipine qua làm Osin cho họ. Thay vì “đàm phán” với đàn ông, những người phụ nữ đã quay ra “cạnh tranh” với nhau, và tất nhiên người ở nấc trên của sự thành đạt có được bình đẳng, người phụ nữ ở cấp thấp gánh lấy phần thiệt thòi.

Tại sao việc thuê những người phụ nữ khác không phải là một giải pháp tốt? Dầu sao đây cũng là một công việc nội trợ được trả tiền, và những người phụ nữ nông thôn tự nguyện làm chứ không phải vì bị ép buộc? Nếu ở quê, họ vẫn phải làm việc trên đồng áng, vẫn phải làm việc nhà (mà không được trả tiền). Khi ra thành phố, họ chỉ phải làm việc nội trợ (mà đằng nào họ cũng phải làm ở quê) và được trả tiền. Như vậy, giúp việc vừa tốt cho họ vừa tốt cho những người phụ nữ nấc trên – một hoàn cảnh hai bên cùng thắng?

Nghe có vẻ hợp lý, nhưng sự “ra đi” của người phụ nữ để lại rất nhiều vấn đề cho gia đình của họ ở quê. Trước tiên, gánh nặng nội trợ thường để lại cho người con gái ở nhà. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc học cũng như tương lai của thế hệ phụ nữ tiếp sau. Hơn nữa, việc làm Osin trở thành một viễn cảnh rõ ràng, nổi trội nhất trong tâm trí của bé gái vì nó lấy hình mẫu của mẹ. Điều này làm giới hạn các cơ hội khác có thể tốt hơn cho bé gái. Philippine là một minh chứng điển hình khi trở thành nơi cung cấp thường xuyên những người giúp việc nhà cho các nước phát triển hơn, và là một ngành nghề được lựa chọn bởi nhiều người phụ nữ.


Đọc toàn bài ở link http://dienngon.vn/Blog/Article/binh-dang-gioi-chi-cho-phu-nu-nac-tren