Người có HIV: dấu cộng cũng là thêm vào!
Trong thời gian qua, xã hội Việt Nam thay đổi rất nhiều, đặc biệt trong việc chấp nhận khác biệt và tôn trọng các nhóm yếu thế. Tuy nhiên, điều này không phải xảy ra ở tất cả các nhóm, ví dụ như người sống với HIV vẫn đang chịu kỳ thị nặng nề. Quả thực, rất hiếm người trong số họ dám công khai danh tính của mình vì xã hội đang còn sợ hãi với HIV. Đối với nhiều người nghĩ đến HIV là nghĩ đến con virut nguy hiểm, chứ không phải là những con người bình thường trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Diễn Ngôn xin giới thiệu một bài trò chuyện với một người có HIV bình thường để hiểu hơn họ là ai, và tại sao họ xứng đáng được tôn trọng và đối xử công bằng như những người khác.
DN: Nếu anh hỏi Ba Mẹ em là người thế nào thì họ sẽ trả lời sao?
KR: Em không chắc họ sẽ trả lời chính xác ra sao về em, nhưng em có thể mường tượng họ sẽ nói em một đứa con trai chưa bao giờ làm họ thất vọng về điều gì, ngay cả khi ba mẹ biết em có HIV. Anh có tin không?
DN: Chắc tin thôi. Mà sao Ba Mẹ biết em có HIV?
KR: Người em nghĩ đến đầu tiên khi biết mình có HIV là Mẹ nhưng em không gọi ngay. Em gọi cho người yêu cũ của em, khuyên họ nên đi xét nghiệm để có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình.
DN: Người yêu cũ của em phản ứng thế nào?
KR: Ảnh hét lên, “cái gì”? Rồi hỏi tới tấp em xét nghiệm ở đâu, bao giờ, rồi họ cúp máy. Khoảng bốn ngày sau họ gọi lại báo là âm tính.
DN: Thế còn mẹ em?
KR: Em không gọi cho mẹ vì em muốn chính mình trực tiếp đối diện để biết Mẹ đang nghĩ gì và có cách gì để Mẹ không phải suy sụp về tinh thần. Nhưng không ngờ Mẹ cũng là một người phụ nữ mạnh mẽ. Em nói với mẹ em bị SIDA, em muốn dùng từ bình dân để mẹ em hiểu. Mẹ em không tin, kêu em đi xét nghiệm lại, dẫn đi tận bốn chỗ. Cả bốn chỗ kết quả dấu + to đùng.
DN: Khi đó Mẹ và Ba phản ứng sao?
KR: Em còn nhớ ba em nói: thôi chờ Ba Mẹ chết rồi chết chung luôn. Rồi ba cười.
DN: Vậy em phát hiện mình có HIV trong trường hợp nào?
KR: Lúc đó em đi mổ mắt để tiếp tục tham gia lực lượng công an nhân dân. Khi mổ mắt Bệnh viện có yêu cầu em xét nghiệm HIV, và em coi điều đó là bình thường. Khi biết mình dương tính, em đã quá bất ngờ. Em thấy dường như mọi thứ nó không là hiện thực, nó cứ như một cơn ác mộng . Nhưng rồi em lấy lại bình tĩnh. Có thể nói ngắn gọn là em lấy lại can đảm sau hai tiếng bần thần. Em cũng không nghĩ em có thể vượt qua cú sốc một cách nhanh chóng như thế.
DN: Vậy cơ quan phản ứng thế nào?
KR: Em ngưng ngay công tác và căn bệnh của em cũng là một ẩn số với họ. Nhưng nếu em nghĩ họ mà có biết thì chắc cũng ngạc nhiên như bao người mà thôi, em nghĩ thế.
DN: Sao em lại tự thôi việc?
KR: Vì bên này xét nghiệm định kỳ hàng năm anh ạ. Nếu mình lọt vào diện đó thì sẽ bị đồn thổi khắp cơ quan anh ạ. Không thể như thế được. Mà có thì cũng không đủ điều kiện để công tác, nên cùng ngưng anh ạ.
DN: Thế giờ em có công việc mới chưa?
KR: Hiện em làm cho một công ty tài chính của Nhật, cũng khá ổn định, đủ trang trải.
DN: Thế nghĩ lại em có biết mình nhiễm HIV trong trường hợp nào không?
KR: Nói chung em cũng tiếp xúc với máu, cũng nhiều lần nên không biết lần nào.
DN: Tiếp xúc với máu nhiều lần là sao?
KR: Thì em cũng ngây ngô, ai bị thương em cũng chạy vào giúp băng bó. Nói chung cũng bất cẩn lắm anh, giờ nghĩ lại thấy mình cũng như đần.
DN: Em có người yêu chưa?
KR: Em yêu hắn tình cờ, vì hắn là người quen. Em biết hắn tận hai năm rồi hai đứa mới đến với nhau. Đơn giản em và hắn đi cùng một chuyến xe đò. Hắn nắm tay em, rồi đòi hôn em. Thế là kết dính à.
DN: Bạn em có HIV không?
KR: Không anh, hắn là người bình thường.
DN: Bạn em biết em có HIV không?
KR: Có chứ, chính em là người nói cho hắn biết em có HIV.
DN: Hắn phản ứng sao?
KR: Hắn nói có sao. Hắn cũng bệnh máu cao, cũng uống thuốc hằng ngày mà, cứ bình thường đi. Nhiều lúc hắn còn nói đùa chính nhờ em có HIV hai đứa mới yêu nhau, vì em ở nhà nên mới gặp nhau.
DN: Thế cuộc sống tình dục của hai người thế nào?
KR: Người yêu em thì hắn cũng không đòi hỏi gì hết. Hai đứa nằm ôm nhau ngủ cứ như phim hoạt hình, đó cũng là sự kết nối rồi. Em đã ngừng quan hệ từ lúc biết mình nhiễm phải căn bệnh thế này. Thủ dâm là cách giải quyết hiện tại dành cho bản thân em, có thể do rào cản về sự sợ lây nhiễm cho người khác.
DN: Em chăm sóc sức khỏe như thế nào? Có nhiều trở ngại không?
KR: Lúc đầu điều trị cũng bị phản ứng phụ, nhưng giờ khỏe ru rồi. Tất nhiên nếu so sánh thì cũng chỉ được 80-90% so với ngày xưa thôi. Em chú ý hơn xưa, đặc biệt những chi tiết nhỏ nhặt thay đổi trên cơ thể đều làm em quan tâm, vì đó có thể là dấu hiệu của một loại bệnh nào đó. Về trở ngại thì dường như không nhiều, chỉ có điều quá trình điều trị ARV cũng cản trở một số sinh hoạt thường nhật của em, vì mình phải uống thuốc đúng giờ, đúng phút, đôi lúc cũng khá bất tiện trong cuộc sống. Tuy nhiên em luôn duy trì chế độ tuân thủ điều trị nghiêm ngặt
DN: Hiện tại chi phí của việc chăm sóc sức khỏe tốn không?
KR: Hiện tại cơ sở y tế đã bắt đầu tính phí, không còn được hỗ trợ trọn gói như xưa nữa. Việc các dự án ngưng hỗ trợ gây khó khăn về kinh tế cho cá nhân em và rất nhiều người vì con số chi phí điều trị hàng tháng tính tới hàng triệu, đó là một nỗi ray rứt khá lớn. Riêng bản thân em có thể dùng tiền lương để trang trải nhưng còn những người có hoàn cảnh khó khăn khác thì có vẻ là một điều nan giải.
DN: Việc những người có HIV có tìm đến với nhau không? Có chia sẻ giúp đỡ cho nhau gì không?
KR: Đây cũng là tình trạng phổ biến, bọn em thường đến với nhau thông qua những cuộc trò chuyện, những lúc cùng khám bệnh hoặc tham gia những sinh hoạt cộng đồng hội nhóm. Không những vậy có cả những người bình thường cũng ở bên cạnh chia sẻ về những phương án chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ hỗ trợ về cả lẫn vật chất và tình thần
DN: Nếu em đã biết được điều gì trước đây, trước khi em có HIV, thì có thể em đã tránh được HIV?
KR: Em không hối hận và cũng không hối tiếc những gì đã qua, cho nên em cũng không muốn nghĩ tới nó nữa. Hiện tại em vẫn sống tốt với những gì em có. Còn đối với các bạn chưa có HIV, điều em nghĩ họ nên tìm hiểu thêm kiến thức về cách phòng tránh cũng như những thông tin để có thể bảo vệ cho bản thân mình, cũng như không còn kì thị những ai có HIV. Còn việc thực hành tình dục an toàn thì điều này nó hơi quá lớn lao, em không dám đưa ra ý kiến, chỉ biết nói rằng “Hãy bảo vệ bản thân bất cứ mọi lúc nào, vì HIV không từ chối một ai”
Đọc toàn bài ở link http://dienngon.vn/Blog/Article/nguoi-co-hiv-dau-cong-cung-la-them-vao