Xoá Bỏ Những Định Kiến về Giới Đang Cản Trở Phát Huy Quyền và Năng Lực của Phụ Nữ tại Việt Nam

Tạo cơ hội việc làm để trao quyền và nâng cao năng lực cho phụ nữ tại Việt Nam

 

Tháng 8/2015, tôi cùng đồng nghiệp đến An Giang thăm các đối tượng hưởng lợi của một dự án sáng tạo giúp 200 phụ nữ dân tộc Chăm học nghề thêu. Những phụ nữ này có thể tự tạo thu nhập bằng cách bán sản phẩm thêu của mình. Chúng tôi cảm thấy rất ấn tượng trước sự thay đổi tích cực mà khoản đầu tư nhỏ của dự án đã mang lại cho những phụ nữ này và gia đình họ.

 
Dự án nhận được sự tài trợ của Chương trình Ngày Phụ nữ Sáng tạo Việt Nam 2013 và hỗ trợ của Hội Phụ nữ Việt Nam đã cho phép Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ công và tư nhân khác hỗ trợ phụ nữ Chăm, tăng cường năng lực kinh tế của mình bằng nghệ thuật thêu truyền thống.
 
“Dự án đào tạo và tạo việc làm này đã giúp một số phụ nữ tạo được thu nhập ổn định, khoảng trên 2 triệu đồng, mà không phải đi làm xa nhà. Như vậy có nghĩa là họ vẫn có thể trong nom con cái và lo việc gia đình”, bà Kim Chi, một chủ doanh nghiệp địa phương và đồng thời là người khởi xướng dự án chia sẻ. “Phụ nữ tham gia dự án không chỉ học được nghề dệt, gìn giữ truyền thống của người Chăm mà còn có thể trao đối kinh nghiệm nuôi dạy con cái, tổ chức một cuộc sống lành mạnh và giúp đỡ nhau khi cần.”
 
Tuy rất phấn khích về thành công của dự án nhưng chúng tôi cũng nhận thấy rằng nếu các chuẩn mực văn hoá đòi hỏi phụ nữ Chăm phải làm việc ở nhà không thay đổi thì khó có thể nào giúp phụ nữ Chăm phát huy quyền của mình và phát triển đầy đủ tiềm năng kinh tế và xã hội của họ thông qua các dự án tương tự, dù các dự án đó được thiết kế và thực hiện tốt như thế nào.
 

Những nỗ lực phấn đấu bình đẳng giới trong mọi xã hội, trong đó có Việt Nam, thường vấp phải những định kiến về giới—đó là những định kiến đã ăn sâu vào trong nền văn hoá, tôn giáo và chuẩn mực xã hội và khó có thể thay đổi. Muốn thay đổi các chuẩn mực đó ta cần phải nhận biết, chấp nhận và tôn trọng khía cạnh văn hoá cũng như các cá nhân, và những tác động gây cản trở của các chuẩn mực đó. Thông thường, thay đổi sẽ xuất phát từ bên trong và diễn ra chậm chạp, nhưng chúng cũng đòi hỏi một chút sáng tạo và ý thức sẵn sàng chấp nhận cái nhìn mới.
 
Một chuẩn mực văn hoá đang tác động tiêu cực lên vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam là tâm lí thích con trai. Vì quan niệm đó mà các cặp vợ chồng thực hiện phá thai theo ý muốn, dẫn đến tình trạng mất cân đối tỉ lệ giới khi sinh (được hiểu là số trẻ em nam sinh ra trên 100 trẻ em nữ). Trong giai đoạn 2006-2013, tỉ lệ giới khi sinh đã tăng mạnh, đạt mức gần 114/100 trong năm 2013, trong khi đó tỉ lệ bình thường là 105 hoặc 106/100. Với tỉ lệ đó, Việt Nam, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc, là những nước có tỉ lệ chênh lệch giới khi sinh cao nhất thế giới. Sự mất cân đối này sẽ dẫn đến dư thừa nam giới và sẽ tác động lớn lên xã hội. Làm sao ta có thể nghĩ về phát huy quyền của các em gái khi không có các em trong xã hội—các em thậm chí còn không được phép ra đời—chỉ vì tâm lí muốn có con trai?
 
Định kiến thứ hai liên quan đến vấn đề phụ nữ được và không được làm nghề gì. Thông tư năm 2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định 77 loại công việc mà phụ nữ không được làm với ý định “bảo vệ phụ nữ trước các công việc được cho là nguy hiểm” theo quan niệm của chúng ta. Nhưng điều đó cũng thể hiện thành kiến về những nghề được coi là phù hợp với phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ trẻ thường không được khuyến khích công tác trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kĩ thuật hoặc toán học—những nghề được coi là cao siêu và khó và vì vậy “phù hợp” hơn với nam giới. Những định kiến đó rõ ràng là làm giảm cơ hội của phụ nữ và ngăn cản phụ nữ khai thác hết tiềm năng của mình và tham gia vào thị trường lao động một cách bình đẳng với nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chiếm trên 40% cán bộ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Nhưng chỉ có 19% các đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do phụ nữ đứng đầu hoặc có tỉ lệ phụ nữ tham gia cao. Điều đó nói lên rằng còn rất nhiều tài năng của Việt Nam chưa được khai thác. Những phụ nữ trên là tài sản quan trọng giúp Việt Nam tạo một số lượng tối thiểu cần thiết các nhà khoa học có năng lực nhằm nâng cao năng suất lao động—và đó chính là yếu tố sống còn để tăng trưởng nhanh và bền vững.

(Đọc tiếp theo link bên dưới)

|OCTOBER 20, 2015