Làm sao ngăn chặn việc chuyển đổi giới tính bừa bãi ở Việt Nam?
Người chuyển giới thường phát hiện giới tính thật của mình khác với giới tính sinh học từ rất sớm (khoảng 3-5 tuổi) (APA, n.d; Nemour Foundation, n.d; WPATH, 2012). Dù vậy, vì nhiều lý do trong đó có sự thiểu hiểu biết của người lớn và xã hội về vấn đề này, họ gặp phải nhiều tổn hại về tâm lý và sức khỏe, từ trầm cảm, xa lánh cho đến tự sát (APA, n.d; Nemour Foundation, n.d; WPATH, 2012). Hơn 80 nghiên cứu trường hợp chuyển đổi giới tính trên hơn 12 quốc gia từ hơn 30 năm qua đã chứng minh quá trình chuyển giới, nếu đảm bảo đúng quá trình y tế, là có hiệu quả và an toàn cho người chuyển giới (WPATH, 2012). Việc chuyển giới thậm chí đã được công nhận là cần thiết về mặt y tế cho người chuyển giới ở các quốc gia phát triển trên thế giới (WPATH, 2012). Qúa trình này bao gồm nhiều giai đoạn như: tư vấn tâm lý với chuyên môn, điều trị hormone, theo dõi sức khỏe thường xuyên, cũng như các quá trình y học khác tùy thuộc hoàn cảnh của người chuyển giới.
Điều chỉnh lại thông tin cá nhân trên giấy tờ tùy thân cho người chuyển giới song hành với chữa trị y học là một phần rất quan trọng giúp người chuyển giới hòa nhập vào xã hội, tránh bị phân biệt trong công việc, đời sống, cũng như bảo vệ an toàn cá nhân của họ theo pháp luật. Việt Nam đang cân nhắc việc cho phép chuyển đổi giới tính và chỉnh sửa lại giấy tờ tùy thân cho người chuyển giới trong Bộ Luật Dân Sự sửa đổi; tuy nhiên vẫn có một số thắc mắc về quá trình này. Nhiều người đặt ra câu hỏi “liệu cho phép chuyển giới hợp pháp và điều chỉnh giấy tờ tùy thân có tạo ra “phong trào” chuyển giới ở Việt Nam hay không?”
Bài viết này giải thích về quá trình tư vấn tâm lý mà nhiều nước buộc tất cả người chuyển giới phài trải qua trước và trong quá trình phẫu thuật giới tính để tránh chuyện chuyển đổi giới tính sai hoặc mang tính cách “phong trào” nói trên. Quá trình tư vấn tâm lý cũng giúp người chuyển giới xác định đúng việc chuyển đổi giới tính là nguyện vọng chân chính của họ và không vì lý do khác trước khi bắt đầu liệu pháp hormone, hoặc xa hơn nữa là phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Bài viết ngắn này dựa trên tài liệu 120 trang của tổ chức Tiêu Chuẩn Chăm Sóc sức khỏe cho người chuyển giới của Hội Chuyên Môn Thế Giới về Sức Khỏe của Người Chuyển Giới (World Professional Association for Transgender Health), gọi tắt là WPATH, ấn bản cập nhật năm 2012. Nó đã được dịch và sử dụng trên 10 thứ tiếng (Anh, Hoa, Croatian, Pháp, Đức, Nhật, Na Uy, Bồ Đào Nha, Nga, và Tây Ban Nha) và phổ biến trên trang chính thứ của WPATH cho chuyên gia tâm lý và bác sỹ làm việc với những người có nguyện vọng chuyển giới (WPATH, 2012). Việt Nam có thể giam gia dịch tài liệu này để phổ biến tăng hiểu biết về quá trình chăm sóc y tế cho người chuyển giới.
Thực chất, việc lo ngại chuyển đổi giới tính bừa bãi ở người không phải là người chuyển giới (cis-genders) là không có cơ sở. Hầu hết các bác sỹ phẫu thuật chuyển đổi giới tính đều có yêu cầu rất nghiêm khắc, và theo quy trình trước khi đồng ý phẫu thuật cho bệnh nhân (WPATH, 2012). Nhiều bác sỹ phẫu thuật đòi hỏi phải có hai giấy xác nhận đánh giá của bác sỹ tâm lý/tâm thần có hiểu biết về vấn đề giới tính trước khi đồng ý cho phẫu thuật. Các bản đánh giá này phải khai rằng cá nhân đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cho phẫu thuật giới tính, theo DSM IV, ICD 10 của WPATH. Ngay cả khi đã có thư giới thiệu từ chuyên môn tư vấn tâm lý sinh học, bác sỹ phẫu thuật vẫn có cuộc họp mặt nói chuyện thêm và đánh giá trước ngày phẫu thuật để đảm bảo người chuyển giới chắc chắn việc phẫu thuật là hoàn toàn cần thiết cho họ, vì một khi đã phẫu thuật là không thể thay đổi trở lại tình trạng như trước khi phẫu thuật (WPATH, 2012). Họ cũng phải ký tên trên giấy tờ đồng ý cho việc phẫu thuật.
Cụ thể hơn, chuyên gia sức khỏe tâm thần đánh giá người có nhu cầu chuyển giới bằng việc đánh giá quá trình phát triển và điểu chỉnh tâm sinh học của họ (Bockting et al, 2006; Lev, 2004, 2009). Bản đánh giá này, ở mức tối thiểu, đánh giá về quá trình phát triển nhận thức, từ lúc họ phát hiện mình là người chuyển giới, tác động của sự phân biệt đối xử của bạn bè, gia đình, và xã hội họ gặp phải từ lúc nhỏ vì khác biệt về giới tính, cho đến quá trình tiềm hiểu của họ về việc chuyển giới (ví dụ: tìm hiểu trên Internet, gặp gỡ trên mạng hoặc thực tế với người chuyển giới). Thêm vào đó, trong quá trình tư vấn, chuyên gia tâm lý cũng có nhiệm vụ phải tư vấn cho người chuyển giới về sự đa dạng của tính dục (đồng tính, song tính). Chuyên gia và người chuyển giới cũng cần nói chuyện với nhau về những việc có thể xảy ra, ngắn và dài hạn, của những thay đổi về vai trò của xã hội có liên quan đến giới tính và việc can thiệp của y học, mặc dù tất nhiên, có thể người chuyển giới đã biết tất cả chuyện này trước khi tư vấn tâm lý.
Về chuyên môn, bác sĩ có thể tham khảo việc xác định đúng người cần được điều trị bằng hormone và phẫu thuật chuyển đổi giới tính theo mục DSM5 của WPATH (2012) như dưới đây.
DSM5 Tiêu chuẩn xác định chuyển đổi giới tính ở người lớn và thanh thiếu niên:
A. Sự không hòa hợp rõ ràng giữa cảm nhận về giới tính thật của mình và giới tính lúc sinh, kéo dài ít nhất 6 tháng, được biểu hiện bởi hai hay nhiều hơn điều sau:
a. Sự không thống nhất giữa giới tính mong muốn/thể hiện và giới tính sinh học.
b. Mong muốn được bỏ đi các biểu hiện giới tính sinh học trên cơ thể gây nên bởi sự không thống nhất của giới tính mong muốn và giới tính sinh học.
c. Mong muốn được có các biểu hiện giới tính của giới tính khác giới tính sinh ra
d. Mong muốn được đối xử như người có giới tính khác với giới tính sinh ra.
e. Sự tin tưởng mạnh là mình có suy nghĩ và hành động như người của giới tính đối diện với giới tính sinh ra
B. Tình trạng này ảnh hưởng đến tâm lý đến đời sống và sinh hoạt xã hội, công việc, hoặc các lĩnh vực khác của bệnh nhân.
Đọc toàn bài ở link http://dienngon.vn/Blog/Article/lam-sao-ngan-chan-viec-chuyen-doi-gioi-tinh-bua-bai-o-viet-nam