Nhân ngày IDAHOT nhìn lại thành quả và thách thức trong việc bảo vệ quyền của người LGBT ở Việt Nam***
Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Cụ thể, Luật Hôn nhân và Gia đình 2013 đã bỏ điều cấm hôn nhân cùng giới. Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận một kiến nghị của Chile trong Phiên kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) tháng 6 năm 2014 để xây dựng một Luật chống kỳ thị và phân biệt đối xử, bao gồm cả trên bản dạng giới và xu hướng tính dục. Việt Nam cũng bỏ phiếu thuận cho việc thông qua một nghị quyết của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc bảo vệ quyền của người đồng tính song tính và chuyển giới vào tháng 9 năm 2014.
Các tiến bộ này là nền tảng để Việt Nam tiếp tục bảo vệ quyền của người LGBT trong quá trình triển khai Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan. Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người LGBT trong giáo dục, công ăn việc làm, y tế, sức khỏe tình dục và phòng chống HIV thông qua các công cụ pháp lý, truyền thông và giáo dục. Trong bối cảnh Bộ luật dân sự đang được sửa đổi, Việt Nam cần hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính, cho phép người chuyển giới thay đổi họ tên, giới tính trên giấy tờ tùy thân.
Tuy có nhiều tiến bộ, cộng đồng LGBT vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Thứ nhất, cộng đồng LGBT vẫn phải đối mặt với những định kiến và kỳ thị ở gia đình, trường học và nơi làm việc. Theo kết quả khảo sát trên hơn 3000 người LGBT do Trung tâm ICS và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tiến hành năm 2014, 39% bị kỳ thị trong gia đình, chủ yếu bị mắng chửi (22,8%), hoặc bị đuổi ra khỏi nhà (4,6%); 44% bị kỳ thị trong trường học, chủ yếu bị bạn bè trêu ghẹo, bị ép buộc cách ăn mặc, hoặc bị gọi phụ huynh đến. Trong môi trường công việc, 21% đã từng bị kỳ thị; tỉ lệ này cao đặc biệt trong nhóm chuyển giới, với 68% đã bị kỳ thị, bao gồm cả các trường hợp nghiêm trọng như cho thôi việc.
Thứ hai, đa số người LGBT vẫn đang phải che giấu xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình và không có được sự trợ giúp tâm lý, pháp lý và sức khỏe khi cần thiết. Theo khảo sát của Trung tâm ICS và iSEE, đa số người LGBT nhận ra xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình trong độ tuổi từ 10-20 tuổi, trong đó 39% biết khi còn rất trẻ, trong độ tuổi 10-15. Tuy tỉ lệ công khai xu hướng tính dục đã tăng lên theo thời gian, hiện mới chỉ có 9,8% người LGBT công khai hoàn toàn với gia đình, 16,9% công khai hoàn toàn trong trường học, 12% ở nơi làm việc, và 15% ngoài xã hội. Chính do phải che giấu bản thân nên nhiều bạn trẻ phải tự đối đầu với những khủng hoảng tâm lý, không chia sẻ được khó khăn của mình với những người xung quanh. Điều này dẫn đến các vấn đề như trầm cảm, tự làm hại bản thân, sử dụng chất kích thích, gây nghiện, hoặc thậm chí tự tử. Theo một nghiên cứu của iSEE với hơn 2000 người đồng tính nữ năm 2012, có tới 17% người tham gia khảo sát đã từng tự tử một lần (không thành).
Thứ ba, do việc chuyển giới bị nghiêm cấm nên người chuyển giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, tính mạng, và bất bình đẳng trong giao dịch dân sự. Theo kết quả khảo sát của ICS và iSEE, 53,3% người chuyển giới tham gia nghiên cứu tự mua hoóc môn ở Việt Nam, 30% thực hiện phẫu thuật ở nước ngoài, 33% phẫu thuật một phần ở Việt Nam, một phần ở nước ngoài, hoặc hoàn toàn ở Việt Nam. Do không được tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan nên người chuyển giới đang tự chịu nhiều rủi ro về tài chính, sức khỏe, thậm chí tính mạng. Người chuyển giới cũng gặp phải khó khăn trong các giao dịch dân sự như đi lại, ngân hàng, sở hữu tài sản do có thể hiện giới khác với giới tính sinh học và tên gọi của mình.
Thứ tư, nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới (bao gồm cả người đồng tính nam và chuyển giới từ nam sang nữ) đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh lây qua đường tình dục. Theo Báo cáo tiến độ phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam của Cục phòng chống HIV/AIDS bộ Y tế năm 2014, tỉ lệ có HIV trong nhóm này là 3,7%, cá biệt ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính tỉ lệ này lên đến 16%. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng quan trọng là sự kỳ thị và định kiến với người đồng tính còn phổ biến trong các cơ sở y tế, ngăn cản cộng đồng này chủ động tiếp cận thông tin và hình thành văn hóa tình dục an toàn. Hơn nữa, chương trình phòng chống HIV quốc gia vẫn chưa chú ý đầu tư đúng mức cho các can thiệp dành cho nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới, còn phải dựa vào các nguồn tài trợ nước ngoài.
Chính vì vậy, Việt Nam cần có những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề này. Theo kết quả thảo luận tại hội thảo “Thành quả và thách thức của Việt Nam trong bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới” được tổ chức ngày 15 tháng 5 năm 2015 tại Hà Nội được tổ chức bởi Viện iSEE và Liên Hợp quốc, các kiến nghị sau đã được đưa ra.
Đọc toàn bài ở link: http://dienngon.vn/Blog/Article/nhan-ngay-idahot-nhinlai-thanh-qua-va-thach-thuc-trong-viec-bao-ve-quyen-cua-nguoi-lgbt-o-viet-nam