Tác Hại của Định Kiến Giới Trong Cuộc Sống
Trước hết, chúng tôi xin hỏi bạn đọc, trong tư tưởng,
có bao giờ các bạn nghĩ “công việc nội trợ là của đàn bà, con gái không?” “Hay
thấy một phụ nữ làm lãnh đạo hay chuẩn bị được bầu vào vị trí lãnh đạo thì bạn
không tin vào năng lực của họ không” “Hay bạn đã bao giờ có ý nghĩ nữ giới là yếu
đuối, còn nam giới là mạnh mẽ không?” “Hay con gái gì mà quậy phá như con trai?”
Hay bạn có nghe bao giờ nghe câu cửa miệng nói về phụ nữ như ““Đồ đàn bà:Biết gì mà nói”, “Các bà biết
gì mà tham gia”; “Thôi đừng dây với đàn bà” , hay “Hôm nay xui quá, ra ngõ gặp phải đàn
bà”.
Theo như một số nghiên cứu ở mức độ cao hơn, định
kiến giới được thể hiện trong nhận thức xã hội, trong quan niệm xã hội về những
gì nam giới và nữ giới “có thể” hay “không thể”, “nên làm” hay “không nên làm”,
theo kiểu: “Phụ nữ không thể giữ các vị trí trưởng”, “Phụ nữ không thể làm lãnh
đạo” “Nam giới lãnh đạo là tốt nhất vì họ mạnh mẽ, quyết đoán…”
Hơn
nữa, chắc hẳn trong chúng ta ai cũng rất quen thuộc với những câu ca dao dưới
đây:
1. Đàn
ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm
2. Đàn
ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang của nhà.
3. Đàn
ông nông cạn giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.
4. Người
gì mà nam không ra nam, nữ không ra nữ.
Theo quan điểm giới, nếu chúng ta từng nói hay có những
ý nghĩ thoáng qua trong đầu như vậy thì có nghĩa là chúng ta có tư tưởng định
kiến giới. Nhưng không sao, ai trong chúng ta cũng mang định kiến nhiều hay ít
mà thôi. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận diện ra những hành vi, suy nghĩ
mang định kiến giới có trong chúng ta trước đã và bắt đầu hình thành ý thức thay
đổi, sửa đổi những hành vi, suy nghĩ định kiến đó.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chủ đề Định
Kiến Giới (ĐKG). Vậy theo các bạn, định kiến giới là gì? Theo Luật Bình đẳng giới (2007), ĐKG là nhận thức,
thái độ và đánh giá thiên lệch,
tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của
nam và nữ (bao gồm LGBTIQ+).
Đứng trên quan điểm giới, chúng ta dễ dàng nhận
thấy định kiến giới len lỏi vào trong mọi hoạt động của xã hội, tồn tại trong mọi
tầng lớp dân cư. Chúng ta bắt gặp định kiến giới ở bất cứ đâu, nam hay nữ giới,
LGBTIQ+, và bất cứ mối quan hệ nào trong xã hội. Tuy nhiên, khi hỏi một người rằng
“Liệu bạn có định kiến về giới nữ hay giới nam hay LGBTIQ+ không?”. Có lẽ một số
đông đã có sẵn câu trả lời: “Không, không, hoàn toàn không! Tôi không có định
kiến và không định kiến giới”.
Thực tế và các nghiên cứu đều cho thấy mỗi cá
nhân có thể dễ dàng chỉ ra những định kiến và sự cố chấp mù quáng của người
khác trong mối tương quan giữa nam giới và nữ giới hay LGBTIQ+, nhưng lại không
nhận thấy những xu hướng như vậy cũng tồn tại ngay trong chính bản thân mình.
Và hiển nhiên, những hình thức của định kiến giới trở nên rất khó phát hiện vì
chúng ta đã quá quen với nó và thậm chí không thể nhận diện ra đâu là định kiến
giới.
Chúng ta đã sống trong một môi trường mà ở đó các
khuôn mẫu giới trở nên “phổ biến”, “bị bình thường hóa” theo kiểu đàn ông phải
mạnh mẽ, lo cho gia đình, đầu đội trời, chân đạp đất, còn phụ nữ là phải dịu
dàng và thấp kém hơn đàn ông và đối xử không công bằng với họ. Chúng ta thường gắn
phụ nữ vào vai trò gia đình và cho đây là vai trò đương nhiên của họ và nếu họ
không hoàn thành vai trò gia đình thì chúng ta chê trách, phán xét tiêu cực một
các vội vã mà không tìm hiểu lý do vì đâu. Chúng ta dễ dàng cảm thấy kỳ quặc
khi nữ giới nấu ăn không giỏi hay không biết nấu ăn, nhưng nếu nam giới không
biết nấu ăn thì lại cho là bình thường. Nếu nam giới nào biết nấu ăn nhưng
không giỏi thì chúng ta khen và có vẻ “nể” và “khen tặng” quá mức hoặc bị chê nấu
ăn dở, bừa bộn và không cho nấu ăn. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy e ngại và xì
xào khi thấy nam giới nào đó dịu dàng và cho rằng, “Thằng bé này có vẻ “bóng”,
hoặc khó chịu khi “Lão ấy cư xử như đàn bà”. Đó chính là những khuôn mẫu đã trở
thành định kiến mà mỗi người ít nhiều tiếp thu được, tuỳ thuộc vào giới tính của
mình. (2).
Một mẩu chuyện nhỏ của bạn Hằng chia sẻ trong buổi
“ Đối thoại trẻ về xóa bỏ khuôn mẫu
giới quanh ta” như sau: “Khi em trai mình bắt đầu lên cấp 3, em phải lựa chọn
giữa lớp chuyên toán và chuyên văn. Vì việc này có ảnh hưởng tới kỳ thi đại học
và nghề nghiệp của em sau này, nên bố mẹ mình đã hỏi ý kiến của các thầy cô
giáo. Mọi người đều khuyên con trai thì nên học chuyên toán. Mọi người thường
nói con trai mà học văn hay múa thì đều không phải đàn ông đích thực".
Trong buổi đối thoại này nhấn mạnh ảnh hưởng của khuôn mẫu giới trong việc lựa
chọn ngành học, nghề nghiệp và rộng hơn là ảnh hưởng tới sự bình đẳng đối với mọi
cá nhân cho dù thuộc giới tính nào.
Khuôn mẫu giới là một trong những nguyên nhân gốc
rễ của phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới trong xã hội. Khuôn mẫu giới rất
phổ biến và thường ngăn không cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái
phát triển năng lực toàn diện, theo đuổi ước mơ và giới hạn những lĩnh vực và
hành vi của cá nhân, gò chúng phải phù hợp với giới tính của mình (4).
Ở góc độ của khoa học giới, chắc chắn rằng nam giới và nữ giới
cùng phải chịu những định kiến và áp lực trong vai trò của họ. Ví dụ, phụ nữ được quan niệm là gắn liền với vai trò của
người mẹ, người vợ, người nội trợ, là người phụ thuộc không quan tâm đến việc họ
có thu nhập cao hay thấp. Ngược lại, nam giới cũng bị những định kiến giới như trở
thành trụ cột về kinh tế, là tấm gương đạo đức, là chỗ dựa về tinh thần của vợ
và con, là người chủ gia đình, đại diện cho gia đình trong các quan hệ xã hội
và cộng đồng. Đặc biệt, vai trò “trụ cột kinh tế” trong
gia đình là một vai trò được xã hội quy gán cho người đàn ông và gây nhiều áp lực,
nếu đàn ông không thể kiếm việc hoặc không có tiền lo cho gia đình thì bị mất
giá, bị coi thường. Vì vậy, khi gia đình gặp khó khăn, người ta thường quy
trách nhiệm cho nam giới vì không lo nổi cho vợ con. Với bản thân nam giới, nếu
rơi vào tình huống như vậy, họ dễ bị mặc cảm trong vai trò người chồng, người
cha của mình cho dù họ đã hết sức cố gắng để làm tròn vai trò.
Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu những biểu hiện khác nhau về định kiến
giới. Trên thực tế có rất nhiều loại định kiến, song phổ biến có 3 loại định kiến
sau:
Thứ nhất, định
kiến về tính cách:
Chúng ta khó có thể phủ nhận một thực tế hiện nay là phụ nữ đang ở
vị trí thấp hơn về nhiều mặt so với nam giới mặc dù xã hội đã và đang có những tiến
bộ và thay đổi tích cực nhất định. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong gia đình, ông bà, cha mẹ truyền dạy cho
cháu con những nguyên mẫu về các quan niệm và hành vi mong đợi được cho là
thích hợp đối với mỗi giới và các kỳ vọng của xã hội đối với nam giới và nữ giới.
Con người học những bài học đầu tiên về tính cách, về sự tuân thủ, sự phân biệt
đối xử ngay trong gia đình. Con trai học để trở thành nhưng người sáng suốt, tự
chủ, tự quyết, quyết đoán, chủ động và thống trị. Ngược lại, con gái học được dạy
sự phục tùng, phụ thuộc, tình cảm, yếu ớt, thụ động, thiếu chí tiến thủ, rụt rè, e lệ, ngoan
ngoãn, dễ sai, dịu dàng và nhõng nhẽo. Về góc độ quản lý, quan sát biểu hiện của định kiến giới qua lời nói hàng
ngày, chúng ta dễ nhận thấy những ngôn từ như: anh ấy xông xáo - chị ấy
liều lĩnh; anh ấy sâu sát - chị ấy cầu kỳ; anh ấy ít nói - chị ấy giữ kẽ; ông ấy
tự tin - bà ấy tự phụ; ông ấy vững vàng - bà ấy cứng rắn; ông ấy nghiêm nghị -
bà ấy khó khăn v.v nói đến nhiều và chúng cũng rất phổ biến ở xã hội
Việt Nam (From Doyle, 1983), (2).
Vậy tất cả những
mong đợi hay được giáo dục theo tính cách trên thì gọi là định kiến giới về tính cách đã tồn tại và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những
định kiến giới đó đã dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới phổ biến trong xã
hội mà chúng ta không nhận ra. Từ đó cho thấy, trẻ em có được đặc tính
về giới mà đặc tính này sẽ xác định một loạt các hoạt động được xã hội chấp
nhận cho nam và nữ cũng như mối quan hệ giữa chúng là từ gia đình cho đến ngoài
xã hội. Do vậy, nhận thức không đúng đắn sẽ ảnh hưởng tới hành vi, thái độ, cư
xử hàng ngày của các thế hệ sau. Điều này sẽ làm chậm mục tiêu tiến tới bình
đẳng giới. Ngược lại, khi các thế hệ đi trước nhận thức đúng đắn về bình đẳng
giới, nhận diện và xóa bỏ định kiến giới thì họ sẽ truyền trao cho các thế hệ
kế tiếp những nhận thức phù hợp, đúng
đắn với xã hội hiện đại và đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi tư duy nhanh chóng
và triệt để. Vậy, các đặc tính
về tính cách này rất đa dạng và đều có cả trong nam, nữ, LGBTIQ+ với mức độ rất
khác nhau.
Thứ hai, định kiến
về hành vi trong gia đình
Định kiến giới gây bất lợi cho cả nam và nữ, nhưng phụ
nữ thường ở vị thế bất lợi nhiều hơn và sự bất lợi này thể hiện trên nhiều khía
cạnh. Một trong những định kiến giới biểu hiện khá rõ là gắn phụ nữ với vai trò
gia đình, với việc nhà, với công việc chăm sóc con cái gia đình quá nhiều. Trong nhiều gia đình Việt Nam, chúng ta
vẫn giáo dục trẻ em gái và trẻ em trai theo khuôn mẫu giới truyền thống một
cách vô thức. Cha mẹ thường cho bé trai chơi súng, chơi siêu nhân, chơi xe hơi,
chơi xe tải, khuyến khích bé trai học cao để chúng học làm người quyết định,
người trụ cột hay lãnh đạo trong tương lai. Còn bé gái, cha mẹ thường cho chơi
búp bê, banh đũa, nhảy dây để sau này các bé biết nuôi dạy con, chăm sóc người
khác; cho chơi các đồ hàng để sau này chúng biết làm bếp theo khuôn mẫu truyền
thống, người phụ nữ tề gia nội trợ giỏi.
Chúng ta quên không dạy cho bé trai trách nhiệm công
việc nhà, tổ chức gia đình, chăm sóc con cái và người thân trong nhà, hiểu về
các giá trị thực của công việc nuôi dưỡng và sinh đẻ là quan trọng và mang tính
cộng sinh và cộng hưởng. Chúng ta cũng thường không nhấn mạinh dạy cho trẻ gái
tính độc lập, tự chăm sóc mình, tự chịu trách nhiệm, tự quyết, có tri thức, độc
lập về kinh tế, độc lập về cảm xúc, tính can đảm, sự quyết tâm, khả năng hoạt
động đa dạng và chơi những trò sáng tạo như trẻ em trai. Vấn đề không phải là
dạy cho bé gái nam tính giống bé trai, mà giáo dục cho các bé gái và bé trai những
phẩm chất, năng lực đa dạng và phù hợp với yêu cầu của cuộc sống hiện đại để
các bé có cơ hội phát huy tiềm năng, khả năng, trưởng thành và vững vàng trong
cuộc sống (2).
Khi phụ nữ trường thành họ tiếp tục được dạy là phải lo
việc nội trợ, nấu nướng, giặt
giũ, duy trì tổ ấm gia đình. Rồi chúng ta thường nghĩ phụ nữ chăm sóc
người ốm là phù hợp nhất. Chính vì vậy, khi có ai bệnh thì người phụ nữ thường
là người phải bỏ công việc ở cơ quan để về lo cho người bệnh trước hết. Hay phụ
nữ tránh thai là phù hợp nhất vì họ liên quan tới việc sinh đẻ nhiều hơn nam giới.
Ngược lại, trong khi sửa chữa đồ đạc như điện, nước, xây dựng, trang trí nhà cửa,
mang vác nặng trong gia đình lại dành cho đàn ông mà thôi. Chúng ta thường thể
hiện sự thương hại thiếu hiểu biết rất khác nhau khi thấy một người đàn ông hay
một người phụ nữ sống độc thân.
Từ những định kiến như vậy nhiều phụ nữ bị hạn chế trên con đường độc lập, tự
quyết, tự chọn, học tập, lao động, phấn đấu và vươn lên trong sự nghiệp, giảm
khả năng đóng góp nhiều hơn về sức lực và trí tuệ cho xã hội. Còn nhiều người thì
hiểu lệch, hiểu sai rằng việc nhà vẫn chỉ dành cho phụ nữ. Nam nhi đại trượng
phu ai đi làm việc nhà thường xuyên.
Nhìn bề ngoài của cuộc sống hiện
tại, ai cũng ngỡ, hầu như phụ nữ đã được "lên ngôi", “được bình đẳng”,
nhưng họ được bình đẳng tới đâu? Trong tư tưởng của nam giới, với tư cách là
người chồng, người cha, người anh, người em trai, có lẽ cũng khá nhiều người
ủng hộ phụ nữ tham gia hoạt động xã hội. Nhưng không ít nam giới cho phép phụ
nữ "thoải mái" tham gia công việc xã hội nhưng vẫn phải làm tốt việc
nhà. Nhưng vấn đề là họ muốn người phụ nữ vừa là người xuất sắc ở cơ quan, vừa xuất
sắc, chăm chỉ trong gia đình. Thế con nam giới thì sao? Nếu có bình đẳng và
tiến bộ thì nam và nữ đều cần đảm việc nước, đảm việc nhà (1).
Trong tình hình hiện nay, do yêu
cầu công việc, nếu vừa làm tốt bổn phận trong gia đình, vừa làm tốt công việc
xã hội thì rất khó hay còn nói là vô cùng khó. Đó gọi là vai trò kép của đa số
phụ nữ ngày nay. Theo các nghiên cứu cho thấy thời gian lao động trong một ngày
giữa phụ nữ so với nam giới cao hơn bởi họ phải làm các công việc gia đình
nhiều hơn (phụ nữ là 13 giờ/ngày trong khi của nam giới chỉ khoảng 9 giờ),
nhưng nữ giới thường lại hưởng lợi ít hơn, giá trị thấp hơn. Do vậy, phụ nữ ít
có thời gian để học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tham gia hoạt động xã hội so
với nam giới (1). Gánh nặng công việc gia đình đã làm cho nhiều phụ nữ không
thể vươn xa trong sự nghiệp. Vì những lý do gia đình mà nhiều phụ nữ chấp nhận
tụt hậu, hoặc phấn đấu có chừng mực, chỉ ở mức độ hoàn thành công việc. Thậm
chí nhiều người phụ nữ giỏi giang, được học hành tử tế đã phải nhường bước cho
chồng và lui về chăm sóc gia đình, chỉ cốt để giữ tròn hạnh phúc. Họ có thể đặt
câu hỏi tôi được gì nếu không có gia đình? Dù được đào tạo như nhau nhưng nam
giới phát triển tốt hơn, có vị trí cao hơn, được học hành đào tạo chuyên môn
cao hơn (1). Chúng ta đều biết ở thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội
nhập kinh tế quốc tế, cũng như nam giới, phụ nữ cần phải có kiến thức chiều
sâu, trình độ ngoại ngữ, tin học, sự nhạy bén và lăn lộn thực tế cuộc sống và
rất áp lực và căng thẳng như nhau.
Cuối cùng, định
kiến về nghề nghiệp
:
Các bạn có bao giờ tự hỏi những công việc hiện
tại mình đang làm là do ý thích cá nhân, do điểm mạnh của bản thân, do đam mê
nên mình mới chọn nghề này hay là vì tính cách đã được dạy và do giới tính là
nam hay nữ?
Trên thực tế, mọi người thường cho rằng nam
giới làm lãnh đạo là tốt vì họ là người quyết đoán, thông minh, nhanh nhẹn, lý
trí, khỏe mạnh, không cảm tính, ít vướng bận gia đình, không sinh đẻ, chăm sóc con
cái, hầu như không có nghỉ thai sản... Ngược lại, mọi người cho rằng phụ nữ là
tỉ mỉ, tình cảm, cẩn thận, siêng năng, chu đáo, yếu đuối, sinh con đẻ cái, vướng
bận con cái, vướng bận gia đình, sức khỏe yếu, không an toàn khi đi công tác xa
hay đi làm vào ban đêm …nên hướng cho họ chọn nghề nhẹ nhàng, giá trị thấp, đầu
tạo ngắn như: thư ký, y tá, kế toán, bảo mẫu, giáo viên v.v.vừa nhàn, vừa gần
nhà nên tiện bề chăm sóc con cái (2).
Ở nhiều cơ quan, một số phụ nữ
không được đề bạt làm lãnh đạo (ngay cả khi người phụ nữ này có trình độ và
kinh nghiệm phù hợp), bởi mọi người (phụ nữ và nam giới, cả trong cán bộ lãnh
đạo – những người có vai trò quyết định đối với việc hoạch định và thực hiện
chính sách đối với phụ nữ – và người dân) vẫn cho rằng, chỉ có nam giới mới nên
làm việc "đại sự", phụ nữ thì chỉ nên làm công việc nhẹ nhàng, phụ tá
… để có thời gian dành cho gia đình. Tư tưởng này không chỉ ở người dân, mà cả
trong các cấp lãnh đạo, đặc biệt ngay cả trong một bộ phận phụ nữ cũng có định
kiến giới. Trong các kỳ bầu cử, những người gạt phụ nữ khỏi danh sách bầu cử không
chỉ có nam, mà cả nữ giới. Nhiều người vẫn chưa tin vào bản lĩnh, năng lực của nữ
giới, hoặc chưa thực tâm ủng hộ phụ nữ làm công việc xã hội. Đây là một trong
những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp,
chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Phụ nữ
chiếm tỷ lệ không thua kém trong nhiều ngành nghề và học tập trong các trường,
lớp đào tạo, nhưng số nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đạt tỷ lệ thấp. Hoặc nếu
đưa nữ giới phụ nữ vào vị trí lãnh đạo thì được cho là do “chỉ tiêu” “ưu tiên,
đặc quyền” chứ không đủ năng lực (1).
Tóm lại: định kiến giới trong cuộc sống là rào cản của xã hội, có tác động
đến sự phát triển cá nhân, gia đình, tổ chức và xã hội và quan niệm của những
người xung quanh. Có rất nhiều biểu hiện về ĐKG như:về đặc điểm tính cách-phẩm
chất của nam và nữ; về hành vi trong gia đình và về nghề nghiệp trong xã hội.
ĐKG thường RẬP KHUÔN, mang tính
cố định, được lập đi lập lại qua các thế hệ nên nam và nữ không có sự lựa chọn
nào khác. Khi ĐKG trở nên phổ biến trong xã hội chúng ta thì nó trở thành chuẩn
mực để nhận xét, đánh giá và dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ và
LGBTIQ+ trong cuộc sống. Trong xã hội chúng ta, ĐKG đã ăn sâu, bám rễ trong nhận
thức của nhiều người và trở thành lực cản trong quá trình thực hiện các chế độ,
chính sách, chương trình, kế hoạch trong mọi lãnh vực. ĐKG có tác động xấu về vị
trí, thái độ và những hoạt động của nam
và nữ, đặc biệt là hạn chế những mong muốn, ước vọng, dự định phát triển của cá
nhân và cả việc đón nhận những cơ hội và điều kiện phát triển đối với phụ nữ. Dù
phá bỏ định kiến giới rất khó, nhưng chúng ta đều quyết tâm xóa bỏ để mọi người
được đối xử công bằng, bình đẳng, và có cơ hội phát triển tiềm năng và tài năng.
Doãn Thi Ngọc- Khoa
KHXH& NV-Trường ĐH Hoa Sen (HSU)
Tài liệu tham khảo
- Định kiến
giới – “Rào cản” đối với sự tiến bộ và phát triển của phu nữ Việt Nam-
TAP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 19 (187) NĂM
2009 - THS. PHẠM HẠNH SÂM – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp
Phụ nữ Việt Nam.
- Định kiến và áp lực xã hội đối với nữ tri thức-
PGS.TS. Trần Thị Minh Đức- http://xhh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=2964c414-69f7-4bae-95c9-97f9a7b203e4
- Định kiến và phân biệt đối xử theo giới”,
tác giả PGS.TS Trần Thị Minh Đức, do NXB ĐHQG Hà Nội phát hành. http://www.socialwork.vn/l%E1%BB%9Di-m%E1%BB%9F-d%E1%BA%A7u-d%E1%BB%8Bnh-ki%E1%BA%BFn-va-phan-bi%E1%BB%87t-d%E1%BB%91i-x%E1%BB%AD-theo-gi%E1%BB%9Bi/
- Đối thoại trẻ về xóa bỏ khuôn mẫu giới quanh ta http://www.un.org.vn/vi/feature-articles-press-centre-submenu-252/3049-vietnamese-young-students-discuss-gender-stereotypes.html