Đàn ông không được rửa bát quét nhà

 TTO - Nghiên cứu do một phụ nữ chủ trì (*) vừa công bố về nam giới Việt Nam cho thấy bổn phận phải trở thành một người đàn ông đích thực chính là một trong những căn nguyên gây nên áp lực tinh thần cho họ.

Đàn ông không được rửa bát quét nhà - Ảnh 1.

Từ tấm bé, nam giới đã được kiến tạo bởi khuôn mẫu này, được củng cố bởi một nền tảng gốc rễ là cấu trúc trọng nam truyền thống và khó tìm cách thay đổi. Nữ giới cũng chịu hệ quả xấu từ hiện trạng này.

"Làm trai cho đáng nên trai" đã là câu thành ngữ cửa miệng bắt nhịp vào đời sống của mỗi gia đình ngay từ khi các gia đình bắt đầu nuôi dạy một bé trai. Các nhà nghiên cứu xã hội gọi đó là một quá trình "xã hội hóa giới" (gender socialization) một đứa trẻ.

Phái mạnh bất ổn

Nhưng thế nào là "đáng nên trai"? Câu hỏi tưởng như rất đơn giản này đã góp phần hé mở những hiểu biết căn bản về thước đo, hay "khuôn mẫu" giới, dành cho nam trước đây chưa hề được đề cập để lượng hóa trong các nghiên cứu về con người ở Việt Nam. 

Quá trình "xã hội hóa" một bé trai ở Việt Nam có những vấn đề gì đặt ra cũng ít được phân tích. 

Hầu hết mỗi người thường tự hình dung bằng cảm nhận và trải nghiệm trong đời sống, thay vì có những khảo sát ở phạm vi rộng. Sự im ắng, thiếu vắng nghiên cứu này trái ngược với một xu hướng tìm hiểu, chỉ ra từ điểm tốt cho tới thói hư tật xấu rồi so sánh đàn ông Việt với Tây đang nở rộ trên nhiều diễn đàn.

Một "phái mạnh" (và buộc luôn phải mạnh) được coi đương nhiên là có nhiều ưu trội, về mặt giới luôn là giới nắm quyền chi phối (các) giới còn lại, lãnh đạo xã hội, đảm đương nhiều trọng trách rường cột nên cũng mặc nhiên không cần được nghiên cứu suốt bao năm qua. 

Điều này trái ngược với phụ nữ, phái yếu thế hơn. Trong suốt mấy chục năm qua, phụ nữ lên tiếng nhiều và tự tiến hành các nghiên cứu về cái gọi là bổn phận của nữ giới - vốn gắn quá chặt với một ý thức hệ phụ hệ phụ quyền đòi hỏi phụ nữ phải nhún nhường, phải lệ thuộc vào nam giới và đòi được giảm bớt sự lệ thuộc ấy.

Hệ quả là trong khi các chị em có thể rành mạch chỉ ra nữ giới Việt Nam đang phải đảm đương những nhiệm vụ gì, vấp phải bao nhiêu rào cản với sự phát triển của phụ nữ, đòi hỏi nữ giới được giải phóng khỏi các lực cản không cần thiết thì không mấy ai trong cánh mày râu biết rõ có bao nhiêu trở lực đối với các anh, các anh đang gặp phải những khó khăn đặc thù gì mà chỉ nam giới mới phải gánh chịu.

Việc lờ đi nam giới Việt Nam trong các nghiên cứu về con người đó, việc xã hội và chính người đàn ông không tự đặt câu hỏi cho mình thực ra là sự tự che mắt cứ bước về phía trước mặc cho những thực tế nguy hiểm có thể tới. 

Ví dụ, sẽ không ai hiểu điều gì khiến tỉ lệ tự sát của đàn ông Việt - nhóm được cho là nhiều ưu thế - luôn cao hơn hẳn so với nữ vốn luôn là phái được tin là chịu nhiều khổ sở. 

Số liệu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2016 (1) cho thấy tỉ lệ tự sát của nam giới Việt Nam là 10,8/100.000, trong khi ở phụ nữ kém gần 3 lần với khoảng 3,7/100.000, cũng như cao hơn hẳn tỉ lệ trung bình của Việt Nam ở khoảng 7,3/100.000 (so với năm 2000, tỉ lệ này tương ứng là 10 - 3,6 - 7, nghĩa là tỉ lệ tự tử ở nam giới vẫn tăng nhanh rõ rệt hơn so với nữ).

Tương tự, không ai biết liệu có phải đàn ông sinh ra đã có bản tính giới là bạo lực, hay trấn áp người khác không nhưng các thực hành tiêu cực với bản thân như rượu bia nhiều, lái xe ẩu, tai nạn hầu như chỉ gắn liền với đàn ông.

Đã nhiều năm qua, các con số điều tra khảo sát nào cũng cho thấy các kết quả tương tự: cứ 10 đàn ông Việt thì 7 ông uống, thậm chí ¼ số đó uống ở mức có hại; gần một nửa đàn ông Việt hút thuốc; 80% các vụ tai nạn là do nam, dù nam nữ tham gia giao thông như nhau. Và rượu là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn.

Sự im ắng trong nghiên cứu và thảo luận về nam giới Việt này khá trái ngược với thế giới. 

Trong 20-30 năm qua, các nghiên cứu nam giới đã được thúc đẩy ngày càng nhiều hơn; hàng loạt tạp chí, tổ chức nghiên cứu dành riêng cho việc phân tích chân dung nam giới, nam tính hoặc ở từng khía cạnh như tâm lý, bản sắc văn hóa tác động tới nam giới, nam tính trong bối cảnh chuyển đổi xã hội... ra đời nhằm tìm hiểu những gánh nặng nào đang đè lên một nửa của thế giới. 

Trong đó, giới nghiên cứu chẻ ra những vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần cụ thể gắn với những đặc thù giới, với hàng loạt khuyến cáo chi tiết về những gì cần thay đổi để người đàn ông cải thiện môi trường sống lành mạnh hơn cho họ (2).

Khi khám phá nam giới như một thế giới đa dạng có nhiều nhóm, các nhà nghiên cứu đã thảo luận về việc có nhiều loại nam tính khác nhau như nam tính bá quyền, nam tính trực thuộc/phụ thuộc, nam tính đồng lõa, nam tính bị ngoại biên hóa/lề hóa. 

Trong đó, cuộc thảo luận về nam tính bá quyền (3) (hegemonic masculinity) - với bản sắc đặc trưng ưa thích bạo lực, xâm lược, khắc kỷ, đề cao lòng dũng cảm, độ dẻo dai, thích phiêu lưu mạo hiểm, chinh phục, khả năng cạnh tranh, lập chiến tích... là kiểu nam tính được nam giới đánh giá cao nhất và có nhiều quyền lực nhất - cho thấy nếu mẫu hình này được đề cao thái quá thì sẽ để lại nhiều hệ lụy với cả nam giới và các nhóm khác vì nó quá gây áp lực cho nam giới và các giới còn lại.

Đọc toàn bài tại đây: https://tuoitre.vn/dan-ong-khong-duoc-rua-bat-quet-nha-20201016163556921.htm