Chẳng có mặt trời rực rỡ nào cho phụ nữ Afghanistan: Nơi 1 cô gái chỉ rời khỏi nhà cha mẹ trong bộ cô dâu trắng, và chỉ trở về nhà trong tấm khăn tang trắng


Có một câu ngạn ngữ Afghanistan nói về việc ly hôn như này: "Một người phụ nữ chỉ rời khỏi nhà cha mẹ trong trang phục cô dâu trắng, và chỉ trở về nhà trong tấm khăn tang trắng."

Trong một xã hội gia trưởng và bảo thủ, những người phụ nữ mong muốn ly hôn được coi như sự xúc phạm với gia đình, bị xã hội Afghanistan chê cười. Cuộc sống của những người phụ nữ ly hôn gặp phải nhiều trắc trở. Họ phải tranh đấu cho những quyền cơ bản nhất, từ việc thuê một căn hộ yêu cầu có người giám hộ là thành viên nam trong gia đình.

Dẫu vậy, vẫn có những người phụ nữ ly hôn đang sống tại Afghanistan. Ly hôn đã được 7 và 8 năm, Roquia và Tahira đang thuê chung một căn hộ. Đồng thanh tương ứng, hoàn cảnh đẩy đưa đã khiến hai người phụ nữ gặp nhau và cùng vượt qua nhiều rào cản trong cuộc sống.

Đều là người tị nạn sinh ra tại Iran, Roquia, 30 tuổi, trở về Afghanistan năm 2009. Ở thời điểm đó, tương lai của Afghanistan xán lạn hơn bây giờ với đầy hy vọng. "Khi tôi 20 tuổi, gia đình gả tôi cho một người đàn ông tôi còn không biết rõ. Đó là một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và chúng tôi ly dị sau vài năm."

Ngay sau khi ly hôn, Roquia nhận ra rằng cô không chỉ ly hôn người chồng của mình, đó còn là sự đoạn tuyệt với gia đình và cộng đồng. "Tôi bị chối bỏ, không chốn dung thân và không có gì trong tay," Roquia nói. "Dắt con trai 5 tuổi về nhà mong được nương náu nhưng lúc đó cha tôi đã ở trên giường bệnh. Tôi không có người đàn ông nào khác trong đời để giúp đỡ. Anh trai tôi đã qua đời vài năm trước."

Những người xung quanh dần xa lánh Roquia. "Mẹ tôi và những người họ hàng khác chối bỏ, nói rằng tôi bướng bỉnh, không nghe lời họ đừng ly hôn. Tôi không biết phải bấu víu vào ai cả," Roquia tâm sự.

Roquia và con trai đã trải qua mùa đông lạnh lẽo trong một nơi tị nạn dành cho phụ nữ tại Kabul. "Khi tôi nhận ra rằng mình không thể chăm sóc con, tôi đành lòng trao con cho nhà chồng," Roquia nói. Trong phần lớn cuộc ly hôn tại Afghanistan, quyền giám hộ con thuộc về người cha.

Thức ăn phụ nữ ly hôn nấu đầy bẩn thỉu

Tahira đến từ thành phố Herat. Cô cũng trải qua câu chuyện tương tự. "Tôi được gả cho một người đàn ông lạ mặt khi mới 19 tuổi. Hai năm sống với anh ta như một chương tối của cuộc đời. Cuối cùng tôi ly dị," Tahira kể. Cuối cùng, cô cũng chịu chung cảnh bị gia đình ruồng bỏ như Roquia.

"Không ngồi ăn chung bàn với tôi hay chạm vào thức ăn tôi nấu. Họ nói với tôi rằng tôi là một người phụ nữ ly dị, những thứ tôi nấu bẩn thỉu." Cuối cùng, mệt mỏi và căng thẳng vì những áp lực gia đình, Tahira đành lòng phải rời bỏ gia đình. "Khi bầu trời còn chập choạng, mặt trời vẫn khuất lấp trong mây, tôi rời bỏ gia đình, chẳng mang theo thứ gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người. Tôi bắt chiếc taxi đến Kabul và không bao giờ trở lại."

Giờ đây, trước viễn cảnh u ám của đất nước, cuộc sống của những người phụ nữ như Roquia, Tahira và hàng nghìn phụ nữ khác rơi vào những thách thức mới. Khi Taliban ngày càng tiến gần hơn tới Kabul, cánh cửa tương lai của họ cũng hẹp lại. "Nếu như Taliban tiếp quản Kabul, họ sẽ không cho phép chúng tôi sống độc lập như hiện tại. Chúng tôi sẽ không thể ra khỏi nhà vì không có một người giám hộ nam giới," Roquia nói.

Tại nhiều nơi bị Taliban chiếm đóng, những đạo luật mới đã được thông qua, bao gồm giới hạn hoạt động của phụ nữ. Phụ nữ không được rời khỏi nhà trừ khi có người giám hộ nam giới đi cùng và phải che kín toàn bộ cơ thể trong trang phục Burqa truyền thống.

Căng thẳng leo thang đã khiến nhiều người Afghanistan tìm được chạy trốn nhưng những người phụ nữ ly hôn đơn thân không biết mình có thể chạy trốn tới đâu. Đáng sợ hơn, những người phụ nữ trẻ và góa phụ bị ép cưới chiến binh Taliban. "Chúng tôi sợ rằng mình sẽ phải kết hôn với những chiến binh Taliban. Tôi thà chết còn hơn - đó sẽ là lựa chọn duy nhất tôi chấp nhận," Tahira cho biết.

Dù không có số liệu về số vụ ly hôn, có hàng nghìn phụ nữ trẻ và các góa phụ sống một mình trên khắp đất nước Afghanistan, đặc biệt tại các vùng đô thị. Sinh mệnh của họ như ngàn cân treo sợi tóc khi Taliban ngày càng tiến gần hơn tới Kabul.

Tại tỉnh Parwan phía bắc Kabul, Sanobar, 35 tuổi, sống với chị gái. Cha mẹ hai chị em đã qua đời không lâu sau cuộc nổi dậy của Taliban và người anh trai duy nhất đã qua đời trong một tai nạn giao thông cách đây 10 năm, để lại hai chị em côi cút chăm nhau.

Mồ côi và đơn độc, hai chị em không thể đi học. "Tôi muốn trở thành bác sĩ và phục vụ cộng đồng. Có nhiều điều chúng tôi muốn làm nhưng cái nghèo đói và nghịch cảnh khiến chúng tôi không thể làm được gì," Sanobar ngậm ngùi. Sống trong một cộng đồng với niềm tin rằng ai cũng cần có gia đình và nếu không có một người đàn ông nào trong gia đình thì người phụ nữ đó đã bị ruồng bỏ. "Hàng xóm cũng xa lánh chúng tôi. Chẳng còn ai trên đời này quan tâm chúng tôi nữa cả."

Những ngày tới đây, cuộc sống của Sanobar và chị gái không biết sẽ đi về đâu. Những nỗi lo lắng cứ lửng lơ trên đầu họ.

"Chúng tôi không biết đi về đâu, tiền không còn, chẳng thể trả nổi tiền thuê nhà nữa. Đêm nào cũng vậy, tôi trằn trọc vì nỗi sợ Taliban sẽ xộc vô nhà và bắt chúng tôi đi," Sanobar nói.

Mặt trời không rực rỡ cho phụ nữ Afghanistan

Farzara Ahmadi đứng nhìn một người hàng xóm trong làng bị đánh bằng roi bởi những chiến binh Taliban.

Tội trạng: Không che mặt khi ra đường.

"Phụ nữ phải che kín mặt khi ra đường," Ahmadi nhớ lại những lời một chiến binh Taliban từng nói. Mọi người im lặng đứng nhìn trận đòn như mưa trút xuống cô hàng xóm.

Sợ hãi - đó là tình cảnh chung của phụ nữ Afghanistan ở thời điểm hiện tại. Dù có thay đổi điều gì đi chăng nữa, tương lai sẽ không dễ dàng gì với phụ nữ Afghanistan.

"Phụ nữ luôn là nạn nhân của các cuộc chiến tranh gây ra bởi nam giới," Raihana Azad, một thành viên Quốc hội Afghanistan cho biết. "Và họ cũng sẽ là nạn nhân của hòa bình."

Khi Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ không được đến trường và bị cấm với hầu hết các công việc. Họ bị cư xử như tù nhân trong chính ngôi nhà của mình.

Đọc toàn bài ở link https://cafebiz.vn/chang-co-mat-troi-ruc-ro-nao-cho-phu-nu-afghanistan-noi-1-co-gai-chi-roi-khoi-nha-cha-me-trong-bo-co-dau-trang-va-chi-tro-ve-nha-trong-tam-khan-tang-trang-20210818071543584.chn