Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Việt Nam đạt nhiều thành tựu
(PLVN) - Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019 và Tóm tắt chính sách Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam công bố ngày 4/8.
Hai tài liệu này do Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam.
Những thành tựu nổi bật
Các báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khá tiến bộ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Luật Bình đẳng giới (2006), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, các Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 đều có quy định nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng DTTS.
Ngoài ra, còn có một số chính sách đặc thù cho vùng DTTS như Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2025”, Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 và gần đây nhất là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của các chính sách này nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS.
Kết quả phân tích số liệu tách biệt giới tính trong giai đoạn 2015-2019 trong các báo cáo cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam.
Điển hình như tỷ lệ tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7%; tỷ lệ hộ gia đình DTTS có kết nối internet (wifi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019; thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình DTTS có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam; tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em DTTS tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019; tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các báo cáo cũng chỉ rõ một số vấn đề giới ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại trong vùng DTTS và miền núi. Điển hình, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chung ở 53 DTTS tuy có giảm nhưng mức giảm chưa đồng đều và cá biệt vẫn tiếp tục tăng trong một số dân tộc.
Báo cáo cũng cho thấy lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh.Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%...
Theo ông Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình.
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam - cho biết mục tiêu của báo cáo nhằm cung cấp cho các bên liên quan một bức tranh rõ nét hơn về thực trạng bình đẳng giới ở các vùng DTTS ở Việt Nam, về những vấn đề giới đang được Chính phủ giải quyết tốt và các vấn đề cần tiếp tục nỗ lực can thiệp về cả chính sách và chương trình.
Đọc toàn bài ở link https://baophapluat.vn/binh-dang-gioi-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-viet-nam-dat-nhieu-thanh-tuu-post406263.html