Chuyện nữ quyền từ trang phục thi đấu của nữ vận động viên


Bắt đầu từ bộ trang phục thi đấu “kín toàn thân” của đội tuyển thể dục dụng cụ Đức, phong trào phản đối loại trang phục để lộ thân thể quá nhiều được nhắc tới sôi nổi ở Olympic Tokyo. Tuy nhiên, không chỉ tại kỳ Thế vận hội này, trang phục của các nữ VĐV luôn là vấn đề được bàn tán trong nhiều sự kiện thi đấu trước đây. Suốt nhiều năm qua, tình dục hóa trong thể thao là vấn đề kinh niên, mà các vận động viên nữ là nhóm nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất.

CẦN MẶC "HỞ" ĐỂ THU HÚT NAM GIỚI XEM THỂ THAO?

Vừa qua, trong khuôn khổ Giải vô địch châu Âu, đội tuyển bóng ném bãi biển nữ Na Uy đã nhận án phạt 1.500 EUR (hơn 40 triệu đồng) với lý do “trang phục không phù hợp” - vì các cầu thủ mặc quần đùi thay vì đồng phục dạng bikini thông thường. Vận động viên Julie Aspelund Berg chia sẻ rằng đội của cô biết họ sẽ bị phạt, nhưng vẫn quyết định không mặc bikini vì nó quá ngắn và có thể gây lộ vùng nhạy cảm. “Khi mặc bikini, lúc nào chúng tôi cũng phải để ý xem nó có đang đúng vị trí hay không. Chúng tôi bị phân tâm vào điều đó và thực sự đó là điều không ai muốn cả. Chúng tôi chỉ muốn được đối xử bình đẳng như nam giới”.

Theo nhà nghiên cứu truyền thông thể thao Mary Jo Kane, việc có hẳn quy định vận động viên nữ phải mặc bikini với những tiêu chuẩn như không được dài quá 10 cm, hay phải cắt chéo hở xương hông... trong danh sách trang phục thi đấu là kết quả của tham vọng thu hút đàn ông theo dõi thể thao phái nữ hơn.

"Chính sách đồng phục phân biệt giới tính có thể xuất phát từ lầm tưởng rằng nếu để hở và làm nổi bật cơ thể phụ nữ, khán giả sẽ bị thu hút nhiều hơn, và các môn thể thao cũng trở nên 'ngon lành' hơn đối với khán giả nam", Yahoo News trích lại nghiên cứu của Mary Jo Kane.

Và rõ ràng, với mục đích thu hút ánh nhìn nam giới, những người đưa ra quy định về trang phục thi đấu (thực chất chỉ là những bộ bikini hoặc swimsuit, quần quá ngắn) đã cố ý tình dục hóa những người phụ nữ đang nỗ lực thi đấu và ghi danh trên bảng vàng thể thao. Đồng thời, việc này cũng khiến nhiều người lầm tưởng rằng với phụ nữ, ngoại hình quan trọng không kém năng lực.

TRANG PHỤC CỦA NỮ VẬN ĐỘNG VIÊN TỪNG "TÔN THỜ" TÍNH NỮ

Phụ nữ từ lâu đã đấu tranh cho quyền tham gia thể thao chỉ để được công nhận những thành tích của họ. Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên diễn ra vào năm 1896, nhưng phụ nữ vẫn không được tham gia mãi cho đến năm 1900. Khi đó, trong tổng số 997 vận động viên, chỉ có 22 phụ nữ thi đấu ở 5 môn thể thao: quần vợt, chèo thuyền, bóng cửa, cưỡi ngựa và golf. Vận động viên quần vợt người Anh Charlotte Cooper đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giành được huy chương vàng Olympic, lúc đó cô ấy mặc một chiếc váy dài.

Vào thế kỷ 19, phụ nữ thi đấu các môn thể thao sân cỏ như quần vợt thường mặc áo nịt ngực và váy rộng, trang phục này rõ ràng làm hạn chế khả năng vận động. Michelle Flemons, giảng viên cao cấp về giáo dục thể thao và phát triển thanh thiếu niên tại Đại học St Mary cho biết "quy tắc trang phục" lúc bấy giờ "hướng đến việc cân bằng giữa sự nữ tính và tinh thần thể thao". Tương tự, Liên đoàn Cầu lông Quốc tế lại tuyên bố váy ngắn sẽ là trang phục bắt buộc của các nữ vận động viên trong kỳ Olympic 2012 tại London. Hội đồng cho rằng, vận động viên nữ thì phải trông “thật nữ tính” và trong trường hợp này, chiếc váy ngắn sẽ làm đúng nhiệm vụ của nó. 

Hilborne, Giám đốc Điều hành của Women in Sport, nói rằng các quy tắc về việc nên mặc gì trong các cuộc thi ngày nay “nên được dựa trên sự công bằng”, đồ bơi là một ví dụ. Năm 2019, Cơ quan Quản lý Bơi lội Quốc tế FINA quyết định cấm tất cả các loại áo bơi được sản xuất từ chất liệu polyurethane. Những trang phục này lúc đó bị ví như một loại “doping hợp pháp” khi giúp các kình ngư rút ngắn thời gian thi đấu nhờ khả năng làm giảm tối đa lực cản của nước. Điều này đã gây ra tranh cãi lớn sau khi hàng loạt kỷ lục thế giới được thiết lập bởi các VĐV mặc những bộ đồ này. 

RÀO CẢN TỪ SỰ KHÁC BIỆT CHỦNG TỘC

Các quy tắc, quy định và bình luận trên phương tiện truyền thông xung quanh trang phục của vận động viên đôi khi có thể làm gia tăng sự phân biệt chủng tộc. Trong tháng này, Liên đoàn Bơi lội Quốc tế (FINA) đã hứng chịu những chỉ trích nặng nề sau khi Soul Cap, một thương hiệu có trụ sở tại Anh, thông báo rằng cơ quan quản lý các môn thể thao dưới nước từ chối chấp thuận những chiếc mũ được thiết kế cho vận động viên bơi lội có mái tóc đen tự nhiên trong các trận thi đấu quốc tế, bao gồm cả thế vận hội.

"Thể thao là một mô hình thu nhỏ của xã hội và vì vậy, theo nhiều cách, nó phản ánh những thái độ, tập tục văn hóa, hệ tư tưởng; chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, sự ám ảnh của kỳ thị đồng tính, bài ngoại thực sự đang diễn ra”, Akilah Carter-Francique, Giám đốc Điều hành tại Viện Nghiên cứu Thể thao, Xã hội và Thay đổi Xã hội nhận định. "Chúng tôi thấy điều đó qua sự thể hiện của các vận động viên, trong những quy định hoặc thậm chí ngay trong các trận đấu".

Fiona May, một vận động viên điền kinh đã nghỉ hưu, cho biết các nữ vận động viên da đen "được miêu tả theo một cách nhất định, thường được đánh giá là hung hăng và ngoại hình của họ bị săm soi rất kỹ".

Lipa Nessa, Ủy viên của Hiệp hội Thể thao Muslimah cho biết phụ nữ Hồi giáo gặp nhiều rào cản trong việc tham gia thể thao. "Khi bắt đầu chơi bóng đá, trước năm 2014, tôi không thể thi đấu vì không được phép đeo khăn trùm đầu", cô cho biết một bộ phận rất lớn phụ nữ Hồi giáo không thể chơi môn thể thao này do lệnh cấm đội khăn trùm đầu trong thi đấu (2007) của Cơ quan Quản lý Bóng đá Thế giới.

NỖ LỰC CHẤM DỨT TÌNH DỤC HÓA VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG GIỚI

FIFA chính thức phê chuẩn cho phép vận động viên đội khăn trùm đầu theo tôn giáo từ năm 2014. Nessa cho biết đó là điều đáng mừng khi thấy những cơ quan quản lý lớn đứng lên sửa đổi các quy tắc của họ, nhiều tổ chức khác cũng đã bắt đầu làm theo, ví dụ như Liên đoàn Bóng rổ Quốc tế (FIBA) cũng chấp thuận việc các vận động viên đeo khăn trùm đầu trong các trận đấu năm 2017.

Hòa chung với các phong trào nữ quyền rộ lên những năm gần đây, các vận động viên nữ cũng đang cất lên tiếng nói về quyền phụ nữ trong thể thao. Mới đây, tại kỳ Thế vận hội đang diễn ra tại Tokyo, đội tuyển thể dục dụng cụ nữ của Đức mặc đồng phục che toàn thân thay vì kiểu bikini-cut như thường lệ, nhằm phản đối vấn đề tình dục hóa trong thể thao: “Chúng tôi muốn cho mọi người thấy rằng, phụ nữ hay bất kỳ ai cũng có quyền quyết định mình sẽ mặc gì”.