Giành học bổng danh giá châu Âu sau hai lần trượt đại học
Thanh Hằng - VnExpress
Hai lần trượt Đại học An ninh nhân dân, một lần trượt học bổng Erasmus Mundus của châu Âu, Đỗ Phú Tiến tự hỏi "Chẳng lẽ cứ thất bại mãi"?
Ngày cuối tháng 7, sau khi sắp xếp hành lý, kiểm tra đầy đủ giấy tờ cần thiết, Đỗ Phú Tiến, 27 tuổi, lấy xe đạp, dạo quanh phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Gắn bó với mảnh đất này từ nhỏ, đây là nơi anh muốn ghé qua nhất trước khi rời quê nhà, sang châu Âu học thạc sĩ.
Trong đợt xét đầu năm nay của học bổng Erasmus Mundus, Tiến trúng tuyển chương trình Lâm nghiệp châu Âu (European Forestry), nhận hỗ trợ toàn phần trị giá 47.000 euro (khoảng 1,2 tỷ đồng). "Kể từ khi trượt đại học vào năm 18 tuổi, mình phải đợi đến 9 năm sau mới được trải qua cảm giác thỏa mãn khi chinh phục thành công mục tiêu đã ấp ủ từ rất lâu", anh nói.
Lớn lên tại Hội An, tuổi thơ của Tiến gắn liền với những góc phố cổ. Suốt ba năm học trường THPT Trần Quý Cáp, cậu học trò luôn muốn trúng tuyển Đại học An ninh nhân dân tại TP HCM. Thế nhưng trong kỳ thi đại học năm 2012, Tiến chỉ đạt 16 điểm tổ hợp A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh), trượt nguyện vọng vào trường yêu thích.
Không từ bỏ, Tiến xin bố mẹ vào TP HCM để vừa làm, vừa tự ôn thi lại. Một năm vất vả, làm đủ các nghề nhưng kết quả lần thi thứ hai của Tiến không khác gì lần đầu. Vì trường chỉ nhận thí sinh trúng tuyển không quá 20 tuổi, lần thất bại thứ hai cũng khép lại ước mơ học An ninh của Tiến. "Vừa sốc, vừa thất vọng" là những gì anh nhớ về cảm giác khi đó.
Thêm một năm nữa ở nhà trong khi bạn bè đã bước vào năm hai đại học, Tiến có chuyến đi Singapore tự túc bằng tiền tích góp. Ấn tượng với môi trường và hệ sinh thái rừng của đảo quốc sử tử, lại được người quen khuyên học lâm nghiệp, Tiến đồng ý nộp nguyện vọng 2 dù chưa biết sẽ học gì và làm gì.
Trở thành sinh viên ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên, chương trình tiên tiến của Đại học Lâm nghiệp, Tiến khăn gói ra Hà Nội. Thời gian đầu, với chất giọng địa phương, anh như người ngoại quốc với bạn bè trong lớp, nói mà không ai hiểu. Mùa đông Hà Nội cũng là trải nghiệm khó khăn với chàng trai Hội An. Những ngày rét đậm, Tiến không thể ra khỏi nhà để lên lớp vì không chịu được. Sau vài tháng, anh mới sửa giọng, dần bắt nhịp và quen với khí hậu miền Bắc.
Nỗi tiếc nuối khi trượt đại học hai năm, không thể học An ninh của chàng trai 21 tuổi dần được lấp đầy bằng sự hứng thú khi được tìm hiểu về thảm thực vật, tài nguyên đa dạng sinh học. Vào năm ba đại học, Tiến được nghe giảng viên chia sẻ về một số loại học bổng, trong đó có Erasmus Mundus và nhiều cựu sinh viên của trường đã giành được học bổng danh giá. Vốn thích trải nghiệm văn hóa châu Âu nhưng chưa có dịp, đồng thời biết một số quốc gia như Phần Lan, Đức, Hà Lan rất mạnh về lâm nghiệp, Tiến đặt mục tiêu giành học bổng du học.
Dù vậy khi tốt nghiệp vào mùa hè năm 2018, hồ sơ của anh gần như không có gì: GPA không lung linh vì tốt nghiệp loại khá, chưa có chứng chỉ ngoại ngữ, bài báo khoa học, thư giới thiệu. Trong thời gian đợi các công ty phản hồi đơn xin việc, Tiến dành thời gian ôn tiếng Anh. Anh sau đó được nhận vào dự án lâm nghiệp tại Đà Nẵng, dự định đi làm một năm để lấy kinh nghiệm làm việc, học thêm các khóa lấy chứng chỉ online để làm mạnh hồ sơ.
Trong bài luận gửi hội đồng tuyển sinh, Tiến đề cập thực trạng phá rừng ở Quảng Nam, gây ra lũ lụt. Năm đó, anh nộp ba chương trình, đều liên quan đến lâm nghiệp. Nhưng vì thời gian chuẩn bị gấp rút, cùng với việc hồ sơ chưa dày dặn, anh bị từ chối. Liên tiếp nếm mùi thất bại, Tiến hoang mang, nghi ngờ khả năng của bản thân. "Khi so sánh với người khác, mình từng thấy bản thân không đến nỗi nào. Thế nhưng mình vẫn không làm được. Do mình không đủ giỏi hay do thiếu may mắn?", anh nhớ lại thời điểm khó khăn.
Khi biết chuyện, bố mẹ và người thân khuyên anh còn trẻ, cứ làm lại, nộp thêm nhiều học bổng khác nữa. Nghĩ về nỗ lực đã bỏ ra và nhìn bạn bè đạt được nhiều thành quả, anh cũng tự hỏi "Chẳng lẽ cứ thất bại mãi?" và quyết định cho mình thêm cơ hội.
Lần này, anh đầu tư thời gian gấp bốn lần để hoàn thành hồ sơ, trau chuốt từng chi tiết. Khi hoàn thành bái báo khoa học và được đăng trong một hội thảo, Tiến giảm một nửa gánh nặng bởi đây vốn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Anh cũng quan tâm đến việc chọn người viết thư giới thiệu để thể hiện được nhiều khía cạnh của bản thân. Ngoài ra, anh tranh thủ học thêm các chứng chỉ online, dự án và hoạt động cộng đồng.
Trong lần thứ hai chinh phục Erasmus Mundus, Tiến chỉ nộp chương trình Lâm nghiệp châu Âu với tinh thần "liều ăn nhiều". Gần nửa đêm ngày cuối tháng 3, Tiến nhận email chúc mừng vì giành học bổng toàn phần. Anh vội vàng chia sẻ kết quả với bố mẹ, những người luôn ủng hộ anh theo đuổi điều mong muốn. Đêm đó, anh thao thức, không thể chợp mắt vì quá sung sướng.
Thầy Bùi Thế Đồi, Phó hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp, đồng thời là giáo viên phụ trách chương trình tiên tiến ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên, ấn tượng với chất giọng của cậu học trò quê miền Trung ngay từ những ngày đầu. Thầy đánh giá Tiến năng nổ, không ngại khó hay nề hà việc gì. Đến khi trực tiếp đứng lớp, thầy Đồi cho rằng Tiến phát âm tiếng Anh chưa thực sự tốt nhưng tin tưởng học trò có thể tiến xa nếu được định hướng, chỉ bảo tốt.
Chứng kiến Tiến thất bại trong lần đầu và thành công giành học bổng ở lần nộp thứ hai, thầy giáo ghi nhận nỗ lực, sự kiên trì của học trò. "Tiến hay tham gia các hoạt động và dự án xã hội nên tôi nghĩ sau này em cũng phù hợp với những công việc nâng cao nhận thức cộng đồng để khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững", thầy nói.
Hành trình du học của Tiến kéo dài hai năm tại sáu quốc gia châu Âu gồm Phần Lan, Đức, Áo, Pháp, Tây Ban Nha, Romania. Quá trình giành học bổng giúp anh hiểu khi theo đuổi mục tiêu chính luôn cần chuẩn bị phương án dự phòng, tránh để bản thân rơi vào tuyệt vọng. Sau khi hoàn thành chương trình, anh sẽ về Việt Nam, tiếp tục thực hiện các dự án cộng đồng để phát triển lâm nghiệp bền vững.
Năm nay, Tiến không đón Tết Độc lập tại quê nhà mà đang làm quen với cuộc sống mới ở Phần Lan. Mỗi lần đạp xe trên cung đường từ ký túc xá tới trường học, thi thoảng anh vẫn nhớ về rất nhiều thất bại đã trải qua. Niềm vui, sự thỏa mãn khi chinh phục thành công mục tiêu ấp ủ từ lâu đến với Tiến muộn 9 năm, kể từ lần đầu tiên trượt đại học. Thế nên với anh, thành quả này càng đẹp và đáng trân trọng gấp bội.
Báo VnExpresscho phép Gendertalkviet đăng toàn văn. Thay mặt cho, Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Thanh Hằng và VnExpress vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Quý Báo VnExpress rất quý giá và ý nghĩa.
Link bài gốc xem tại đây: https://vnexpress.net/gianh-hoc-bong-danh-gia-chau-au-sau-hai-lan-truot-dai-hoc-4351632.html