Khi những nhà vô địch nữ bị tấn công bởi câu hỏi 'Bao giờ lấy chồng?'
Thay vì tọc mạch về ngoại hình, chuyện lấy chồng, sinh con của các nữ VĐV, mọi người cần nói nhiều hơn về ước mơ và thành công của họ.
“Bạn sẽ làm gì tiếp theo với tư cách là một người phụ nữ?”
“Bạn có bạn trai chưa và định bao giờ lấy chồng?”
“Điều gì xảy ra nếu bạn và người yêu thi vật tay?”
Phóng viên Lu You của đài truyền hình Trung Quốc CCTV liên tục “tấn công” nhà vô địch Olympic Gong Lijiao bằng những câu hỏi về ngoại hình, hôn nhân, con cái. Lu cũng mô tả trước máy quay rằng Gong là một "cô gái nam tính" và so sánh nữ VĐV đẩy tạ với tomboy.
Nhiều người dùng Internet đã chỉ trích các câu hỏi phỏng vấn rập khuôn, đầy định kiến của phóng viên đài CCTV.
“Cô ấy là nhà vô địch Olympic, điều đó vẫn không đủ để bạn ngừng bắt cô ấy phải gầy đi, kết hôn và sinh con? Đây là năm 2021: Khỏe mạnh và tự tin mới là vẻ đẹp thực sự”, một người bình luận.
Người khác viết: “Đã đến lúc chúng ta không chỉ nên nói về hôn nhân, ngoại hình của phụ nữ mà hãy nói về ước mơ và thành công của họ”.
Ai mới là nhà vô địch?
Khi VĐV bắn súng của Mỹ, Corey Cogdell-Unrein, giành huy chương đồng ở Olympic Rio 2016, Chicago Tribune đã bỏ qua một chi tiết quan trọng lúc đưa tin: tên của Corey. Tiêu đề bài báo gọi cô là vợ của Mitch Unrein, một cầu thủ bóng bầu dục.
Cách đưa tin này vấp phải sự chỉ trích dữ dội của công chúng, những người cho rằng Chicago Tribune đã hạ thấp giá trị, thành công của Corey và thể hiện sự phân biệt giới rõ ràng.
“Vậy bố cô ấy rồi cả anh trai cô ấy làm nghề gì? Chắc chúng tôi sẽ cần thêm thông tin về các thành viên nam trong gia đình Corey”, một người dùng Twitter mỉa mai.
Trước làn sóng phản đối, Chicago Tribune cuối cùng đã chính thức xin lỗi.
Năm 2016, nhà xuất bản Đại học Cambridge đã nghiên cứu sự khác biệt trong cách mọi người nói về các vận động viên Olympic nam, nữ và những từ đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến thái độ giới đối với các vận động viên.
Sarah Grieves, một nhà nghiên cứu của nhóm Cambridge, cho biết từ "đàn ông" thường được sử dụng nhiều gấp ba lần từ "phụ nữ" trong những tin tức liên quan đến thể thao, mặc dù thực tế là phụ nữ chiếm khoảng 45% vận động viên thi đấu.
“Chúng tôi nhận thấy rằng đàn ông thường được mô tả là nhanh, mạnh mẽ và to lớn. Nhưng đối với phụ nữ, thông tin lại chỉ xoay quanh chủ đề chưa kết hôn, đã kết hôn, tuổi tác. Có một sự bất bình đẳng ở đây”, bà Grieves nói.
Marie Hardin, trưởng khoa truyền thông tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và là nhà nghiên cứu lâu năm về chân dung phụ nữ trong thể thao, đưa ra một danh sách dài các ví dụ phân biệt giới tại Olympic để chứng minh trường hợp của Corey Cogdell-Unrein hoàn toàn không hiếm thấy.
Trong một chương trình của BBC năm 2016, khi khen ngợi VĐV Andy Murray, MC John Inverdale nhấn mạnh Murray là người đầu tiên giành được hai huy chương vàng quần vợt Olympic. Ngay sau đó, tay vợt nam 34 tuổi đã phải sửa lại bằng cách nhắc đến trường hợp của chị em nhà Williams, mỗi người có 4 huy chương vàng Olympic.
BBC đã bảo vệ ông Inverdale, gọi bình luận là một "sai sót đơn giản".
Còn tại một chương trình phát sóng Olympic 2016 của NBC, phát thanh viên Dan Hicks đã hết lời khen ngợi chồng của VĐV bơi lội người Hungary Katinka Hosszu sau khi cô giành huy chương vàng và phá kỷ lục thế giới ở nội dung 400 m cá nhân.
Hicks gọi huấn luyện viên kiêm chồng của Katinka, Shane Tusup, là "người chịu trách nhiệm" cho sự thay đổi của cô trên đường đua xanh.
“Không thể kể chính xác câu chuyện của Katinka mà không ghi công xứng đáng cho Shane”, Hicks giải thích với AP sau khi bị chỉ trích.
Kết hôn, sinh con không phải điều để hỏi ở nơi làm việc
Bà Grieves, nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge, nói rằng trong hầu hết vụ việc kể trên, những người đưa ra bình luận phân biệt giới hầu như không nhận ra lỗi sai của mình cho đến khi vụ việc được đưa ra ánh sáng.
Olympic 4 năm diễn ra một lần và khi kỳ Thế vận hội đến, các nhà vô địch nữ xuất hiện thì dư luận mới dành sự quan tâm lớn đến việc truyền thông đưa tin về nữ giới trong thể thao.
“Khoảng thời gian còn lại không nhiều người quan tâm. Các phóng viên, nhà báo, bình luận viên vì vậy mà gần giống với những VĐV chưa được luyện tập đã phải ra sân thi đấu, trình diễn kỹ thuật”.
Thế nên, theo bà Grieves, để giải quyết triệt để vấn đề, cần phải có một cách tiếp cận rộng hơn. Không chỉ Olympic hay riêng trong lĩnh vực thể thao, những câu hỏi rập khuôn, đầy định kiến, phân biệt giới cần bị loại bỏ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Khi đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, kỹ sư Lisa Jackson, nhà nghiên cứu Louise Richardson, chính trị gia Elizabeth Warren… luôn nhận những câu hỏi về vai trò của họ trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Đó là điều mà những đồng nghiệp nam không bao giờ được hỏi, ít nhất là tại nơi làm việc.
Đọc toàn bài ở link https://zingnews.vn/khi-nhung-nha-vo-dich-nu-bi-tan-cong-boi-cau-hoi-bao-gio-lay-chong-post1247949.html