Sự kỳ thị dai dẳng đối với lông trên cơ thể phụ nữ

Thay vì được quyền tự quyết với cơ thể của mình, nhiều cô gái cảm thấy bản thân buộc phải tẩy lông để đáp ứng những tiêu chuẩn về sự gợi cảm, nữ tính.


Phụ nữ bắt đầu tẩy lông từ nhiều thế kỷ trước. Việc loại bỏ lông trên cơ thể đôi lúc biểu hiện cho tính giai cấp hay xác định các khái niệm như "nữ tính", "thân hình lý tưởng".

Heather Widdows, giáo sư tại Đại học Birmingham (Anh) và là tác giả của cuốn sách Perfect Me: Beauty as a Ethical Ideal, cho biết: "Từ một nhu cầu làm đẹp, tẩy lông thậm chí trở thành thói quen vệ sinh của nữ giới. Hầu hết cô gái cảm thấy họ buộc phải tẩy lông mà không có lựa chọn nào khác".

Tuy vậy, những năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ bắt đầu chấp nhận lông trên cơ thể của mình. Từ việc phô bày ria mép, lông chân, lông dưới cánh tay, họ dần biến nguồn gốc xấu hổ về giới thành một biểu hiện của sức mạnh cá nhân.

Nguồn gốc của sự kỳ thị

Từ thời kỳ đồ đá cho đến đầu thế kỷ 20, việc tẩy lông phổ biến ở cả nam và nữ. Người xưa đã sử dụng vỏ sò, sáp ong và nhiều chất tẩy lông khác.

Người La Mã cổ đại quan niệm da càng mịn thì càng thuần khiết và đẳng cấp. Ở Trung Đông, cũng như Đông và Nam Á, sợi chỉ thường được dùng để loại bỏ lông trên mặt.

Với người Ba Tư, tẩy lông và tạo hình chân mày là dấu hiệu của tuổi trưởng thành và hôn nhân ở phụ nữ.

Tại các nước phương Tây, ở thế kỷ 14, phụ nữ thường loại bỏ những sợi lông hoặc tóc mọc lem ở phần trán để tạo hình bầu dục cho gương mặt.

Khi Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi vào năm 1558, bà đã khiến việc tẩy lông mày trở thành mốt.

Đến cuối những năm 1800, phụ nữ ở cả hai bờ Đại Tây Dương bắt đầu biến việc tẩy lông thành một phần không thể thiếu trong thói quen làm đẹp.

Rebecca Herzig, giáo sư nghiên cứu về giới tính và tình dục tại Đại học Bates (Mỹ), tác giả sách Plucked: A History of Hair Removal, nói về thuyết tiến hóa của Darwin. Trong đó, nhà tự nhiên học người Anh gợi ý rằng con người có ít lông hơn tổ tiên nguyên thủy là một dấu hiệu của sự tiến hóa và hấp dẫn hơn về mặt giới tính.

Khi lý thuyết của Darwin được phổ biến rộng rãi, các chuyên gia y tế và nhà khoa học thế kỷ 19 bắt đầu liên kết tình trạng rậm lông với "đồng tính luyến ái, các bệnh lý, chứng cuồng dâm và bạo lực tội phạm", theo Herzig.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cách nghĩ này chủ yếu được áp dụng cho nữ giới.

Vào đầu những năm 1900, người Mỹ da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu coi làn da mịn màng là biểu hiện của sự nữ tính. Vì vậy, lông trên cơ thể phụ nữ bị xem là thứ ghê tởm, cần bị loại bỏ để phân biệt với những người nhập cư, tầng lớp thấp hơn.

Lông, da và sự gợi cảm

Năm 1915, Harper's Bazaar là tạp chí dành cho phụ nữ đầu tiên thực hiện chiến dịch tẩy lông dưới cánh tay. Cùng năm đó, thương hiệu dao cạo râu cho nam giới Gillette đã tung ra thị trường chiếc dao cạo đầu tiên dành riêng cho phụ nữ, Milady Décolletée.

Khi những chiếc váy ngắn hơn xuất hiện năm 1930-1940, nhiều phụ nữ Mỹ bắt đầu cạo lông chân. Sự ra đời của bikini ở Mỹ vào năm 1946 tiếp tục tạo ra xu hướng triệt lông vùng kín.

Vào những năm 1950, khi Playboy xuất hiện trên các sạp báo (số đầu tiên ra mắt vào năm 1953), hình ảnh những người mẫu mặc đồ bơi, có làn da nhẵn nhụi đã đặt ra một tiêu chuẩn mới về sự gợi cảm.

Đến năm 1964, 98% phụ nữ Mỹ 15-44 tuổi thường xuyên cạo lông chân. Các loại sáp và phương pháp triệt lông bằng laser cũng ra mắt vào khoảng thời gian này.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải lúc việc triệt lông trở nên cực đoan nhất. "Vào cuối những năm 1960 và 1970, làn sóng nữ quyền thứ hai và sự lan rộng của văn hóa hippie đã từ chối những cơ thể không có lông. Đối với rất nhiều phụ nữ, lông trên cơ thể là biểu tượng của cuộc chiến bình đẳng giới", giáo sư Heather Widdows nói.

Sự thay đổi nhen nhóm trong những thập kỷ tiếp theo, với sự phổ biến của nội dung khiêu dâm, quảng cáo và các phương tiện truyền thông.

"Lông lộ rõ trên mặt, tay, chân của phụ nữ bị coi là thứ tồi tệ và loại bỏ chúng được xem là cách duy nhất để làm sạch cơ thể", Widdows nói.

Quyền lựa chọn cá nhân

Năm 2008, Breanne Fahs, giáo sư nghiên cứu về phụ nữ và giới tính tại Đại học bang Arizona (Mỹ), đưa ra một bài tập đặc biệt cho sinh viên của mình.

Bà yêu cầu các nữ sinh không triệt lông, trong khi nam sinh thử cạo lông chân. Tất cả phải viết báo cáo về trải nghiệm mới mẻ này.

"Trong những năm qua, phụ nữ thường chia sẻ cảm giác xấu hổ, đấu tranh với sự tự ti, thậm chí sự tẩy chay khi việc tẩy lông được xã hội mặc nhiên là tất yếu. Những cô gái không tẩy lông bị xem là kỳ dị trong khi những chàng trai triệt lông chân bị kỳ thị về giới tính. Bao nhiêu người đang tẩy lông vì sự lựa chọn của bản thân? Đa số đều làm theo những gì thế hệ trước truyền lại để đáp ứng kỳ vọng xã hội", giáo sư nói.

Tuy nhiên, trong hai năm qua Fahs bắt đầu nhìn thấy sự thay đổi, không chỉ dừng lại ở những sinh viên của bà. "Thông qua phong trào #MeToo, người ta nhận thức sâu sắc hơn về những hạn chế xung quanh cơ thể phụ nữ, về nữ quyền, giới tính, tình dục và sẵn sàng đẩy lùi tất cả, hoặc ít nhất là thoát ra khỏi vùng an toàn".

Đọc toàn bài ở link https://zingnews.vn/su-ky-thi-dai-dang-doi-voi-long-tren-co-the-phu-nu-post1246417.html

Lady Gaga để lộ phần lông dưới cánh tay khi biểu diễn ở Toronto, Canada vào năm 2011. Ảnh: WireImage.