Vì sao nam giới Nhật Bản đi tiểu ngồi?
Không muốn nước tiểu văng tung tóe, gây phiền hà cho người vệ sinh, hơn 60% nam giới Nhật chọn tư thế ngồi tiểu, theo khảo sát của các hãng sản xuất thiết bị vệ sinh.
Nhật Bản là quốc gia có hệ thống nhà vệ sinh tiên tiến nhất thế giới. Các nhà sản xuất nước này cạnh tranh nhau để cung cấp tất cả các tính năng tốt nhất để phục vụ khách hàng. Nhằm tìm hiểu nhu cầu khách hàng, duy trì tính cạnh tranh, các nhà sản xuất bồn cầu như Toto và Matsushita Electric Works thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát liên quan đến nhu cầu tế nhị này.
Các khảo sát chứng minh xu hướng đi tiểu ngồi ngày càng phổ biến ở nam giới Nhật Bản, đến mức có một thuật ngữ dành cho những người này là "suwari-shon", ghép từ hai chữ "suwari" có nghĩa là "ngồi" và "shonben" có nghĩa là "nước tiểu".
Xu hướng suwari-shon được phát hiện từ cuối những năm 1990 và dần phổ biến. Năm 2007, các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 40% nam giới Nhật thừa nhận là suwari-shon, phổ biến ở độ tuổi 25-35.
Năm 2021, khảo sát của nhà sản xuất đồ vệ sinh cá nhân Nhật Bản Lion Corp cho thấy, 60,9% nam giới thích tư thế ngồi khi tiểu tiện. Trong số 1.500 người được hỏi ở độ tuổi 20 đến 60, chỉ có 2,7% suwari-shon là người trên 60 tuổi, trong khi 25,7% là người ngoài 20.
Khoảng 37,5% số người khảo sát giải thích thói quen này hình thành khi thấy nước tiểu bắn ra ngoài, khoảng 27,9% ngại để người khác dọn bồn cầu vì mình làm mất vệ sinh. Ngoài ra, khoảng 19,3% tự dọn bồn cầu và nhận thấy sự mất vệ sinh này, trong khi 16,6% được người thân khuyên nên ngồi.
Nhà phân tích tiếp thị Yohei Harada cho biết, cha mẹ nâng cao nhận thức về thực hành vệ sinh tốt có ảnh hưởng đến các bé trai ngay từ nhỏ. "Thế hệ trẻ có mối quan hệ tốt với cha mẹ. Vì vậy chúng sẽ lắng nghe nếu được yêu cầu giữ nhà vệ sinh sạch sẽ", ông nói.
...
Nhật Minh (Theo OC/Japan Times)
Đọc tiếp tại đây Link: Vì sao nam giới Nhật Bản đi tiểu ngồi? - VnExpress Đời sống