Đàn ông ở rể

 Gần 5 năm kể từ ngày cưới và sống ở nhà vợ, Quân chẳng dám mời bạn bè tới chơi bởi ngại người nhà vợ một phần, ngại với bạn mười phần.

"Mời đến, chúng nó lại bảo gầm chạn nhà mày rộng thế kia thảo nào chui vừa", người đàn ông 31 tuổi nói. Quân từng bị trêu như vậy ngay trong ngày cưới, thậm chí bạn bè còn đặt biệt danh cho anh là "chạn vương".

Hoàng Quân là trai tỉnh lẻ, còn vợ anh Minh Khuê là cô gái con một, nhà ở Hà Nội. Sau kết hôn, do đã mang bầu trước nên Khuê bàn với chồng ở luôn cùng căn nhà 100 m2 ở Cầu Giấy cùng bố mẹ vợ. Quân chẳng thích thú gì việc ở rể nhưng thu nhập của anh lúc đó chỉ khoảng 15 triệu đồng, cộng với khoản lương ít ỏi của vợ trong một cơ quan nhà nước chẳng biết bao giờ mới mua được nhà. Nghe vợ đề nghị, Quân đồng ý vì nghĩ "nhà rộng, ở bốn người cũng đủ lại có ông bà ngoại chăm con".

Ở rể, Quân dần dần bỏ hết các lời mời nhậu nhẹt với bạn bè, đồng nghiệp bởi ngại bị hỏi chuyện nhà cửa. Cứ sau vài ba chén là chuyện ở rể của anh bị khơi ra bàn tán. Có người đùa anh là "chọn bố vợ giỏi" hay "nhà cao cửa rộng mà chẳng mời ai tới chơi".

Ngay chính họ hàng đằng nội cũng xem thường Quân ra mặt. Không ít lần, anh phải chịu những lời nói móc máy của các ông chú, ông cậu ở quê. "Họ bảo, là thằng đàn ông, không được ở rể dù phải tay gậy tay bị cũng phải là chính mình", Quân nói.

Ở rể, Quân biết gánh vác việc nhà giúp vợ. Tuy vậy anh vẫn luôn tự ti khi bị gọi là chạn vương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở rể, Quân biết gánh vác việc nhà giúp vợ. Tuy vậy anh vẫn luôn tự ti khi bị gọi là "chạn vương". Ảnh: Minh Nhật

Quang Hiếu, ở Phủ Lý, Hà Nam cũng ở rể giống Quân. Sau đám cưới cuối năm 2020, vợ chồng Hiếu không ở chung nhà với bố mẹ trong phố bởi không muốn chịu cảnh chật chội. Trong khi đó, nhà vợ, các chị em gái đều lấy chồng xa nên anh quyết định ở rể để tiện chăm sóc bố mẹ già.

Sợ Hiếu không thoải mái, bố mẹ vợ tạo mọi điều kiện để con rể cảm thấy như sống trong nhà mình. Họ dành riêng cho anh một căn phòng làm việc, trang bị đầy đủ vật dụng hiện đại. Cuộc sống sau đám cưới dù dễ chịu nhưng hễ bước chân ra khỏi nhà mọi việc lại hoàn toàn khác.

Trong mắt nhiều người, ở rể có nghĩa Hiếu là một người đàn ông thất bại, thậm chí "bám váy vợ". Có lần đi đổ rác, vừa quay lưng đi anh đã nghe mấy bà hàng xóm kháo nhau, nói bố mẹ vợ xây nhà từ thiện cho con rể ở. "Dù cả năm sống ở đây nhưng chủ đề ở rể của tôi chưa có hồi kết", Hiếu thở dài.

Quân và Hiếu là những ví dụ đàn ông ở rể sau khi kết hôn, do kinh tế cũng như hoàn cảnh gia đình. Theo tiến sĩ Khuất Thị Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), lý do mà hầu hết đàn ông Việt Nam mặc cảm thậm chí sợ ở rể chính là định kiến xã hội.

"Con gái theo chồng mặc định là hiển nhiên, còn đàn ông về nhà vợ ít nhiều cũng gặp phải những ánh mắt dè bỉu, bị coi là bất tài", bà Hồng nói và cho biết thêm ở rể cũng là một trong những định kiến giới mà đàn ông Việt Nam phải chịu đựng.

Năm 2020, ISDS từng khảo sát hơn 2.500 nam giới ở độ tuổi 18-64, sống tại Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa và Hòa Bình. Do mang nặng định kiến giới "đàn ông phải là trụ cột trong gia đình", gần 1/4 đối tượng tham gia khảo sát thừa nhận họ cảm thấy rất áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% nam giới cảm thấy áp lực về tình trạng tài chính, 70% không hài lòng với công việc.

"Mua nhà, kiếm tiền nuôi vợ con, thờ cúng tổ tiên... trở thành bổn phận và áp lực lớn với nam giới. Một khi chưa hoàn thành những bổn phận này, rất dễ dẫn đến những lo ngại về sức khỏe tâm thần của họ", bà Hồng chia sẻ. Khi bị đụng chạm đến việc chưa làm tròn bổn phận, lòng tự tôn của người đàn ông bị tổn thương, có thể là ngòi nổ cho những mâu thuẫn trong hôn nhân.

Hồi mới ở rể hai năm trước, Quân mất cả tháng để quen sinh hoạt nhà vợ. Vợ chồng sống cùng nhau nhưng anh chưa bao giờ dán nói nặng lời dù đôi lúc mâu thuẫn bởi Khuê hay mách mẹ. "Đừng làm vợ con sợ. Nhà người ta con gái giận chồng còn về được nhà mẹ đẻ, đằng này...", câu nói bỏ lửng của mẹ vợ khiến Quân vô cùng khó xử.

Ngày con trai chào đời, giữa anh và bố mẹ vợ xảy ra xung đột trong cách nuôi dạy con. Sau lưng Quân, họ chê anh nhà quê, chăm con không khéo. Thậm chí ông bà nội lên chơi với cháu được nửa ngày đã đòi về, bởi "họ sống khác mình quá".

Kể từ ngày cưới, Quân cảm thấy mình không có chút "quyền đàn ông" nào, thậm chí chẳng được tự quyết nhiều việc trong nhà. Một lần về quê lên Hà Nội muộn, anh bị mẹ vợ mắng, nói không biết thương vợ con. Ngay ngày hôm sau, Quân thu dọn đồ đạc chuyển ra ngoài, cùng lời nhắn vợ: "Anh thuê nhà sống tạm. Em hãy suy nghĩ kỹ việc này, quyết định rồi báo anh".

Quân bảo, ra ngoài thuê nhà dù mỗi tháng mất 5 triệu còn sướng hơn sống trong nhà to nhưng đầy sự coi thường và thị phi.

Hiếu cũng thường lấy bia rượu để quên "cái kiếp ăn nhờ ở đậu của mình", như cách anh ví von.

Để đối phó với áp lực và tình trạng căng thẳng với định kiến "đàn ông phải là trụ cột gia đình", không ít người như Hiếu "tìm đến những cách giải tỏa có hại", theo khảo sát của ISDS. Trong đó, hút thuốc lá và uống rượu bia là phổ biến nhất, cứ 10 nam giới có 6 người đã từng uống tới say xỉn ít nhất một lần trong đời.

Vài bữa trước, mải nhậu nên tối mịt Hiếu mới gọi điện báo không ăn cơm nhà. Ái ngại bởi bố mẹ phải chờ cơm con rể, khi chồng vừa về, vợ anh mặt nặng mày nhẹ. Lời qua tiếng lại, ông bà dưới tầng nghe thấy lên nhắc nhở hai con. Có tý men trong người, Hiếu vin vào đó nói bố mẹ vợ khinh anh ở rể. Kết thúc, cả vợ và mẹ vợ đều ngồi khóc.

"Ở rể không dễ dàng với bất cứ người đàn ông nào. Nhưng cũng đừng vì những định kiến cổ hủ, những chê bai không đáng mà đánh mất hạnh phúc của mình", chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ. Theo ông, ở rể hay làm dâu giống nhau ở việc phải học cách sống chung. Việc hạnh phúc hay khổ sở phụ thuộc nhiều vào việc người trong cuộc ứng xử thế nào, có làm chủ được bản thân hay không.

...

Đọc bài từ LINK gốc tại đây: Nỗi niềm của những người đàn ông ở rể (vnexpress.net)