Những lần cải trang phá án của nữ trinh sát say nghề
HÀ NỘI“Cô giáo” Nguyễn Phương Thảo theo chân nam phụ huynh vào cửa ngôi nhà đang đóng kín. Ông bố dáo dác nhìn quanh khi mở khóa thì bất ngờ, từ phía sau cảnh sát hình sự ập vào.
"Tất cả ngồi im. Cảnh sát đây", giọng người chỉ huy vang khắp năm gian nhà. Hàng chục con bạc đang nhấp nhổm trên chiếu giật mình, nháo nhào tháo chạy theo lối cửa sổ, nhà tắm, sau vườn. Nhưng tất cả lập tức bị cảnh sát đang phục kích tại đó khống chế, thượng uý Nguyễn Phương Thảo (Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Ứng Hoà) kể về kỷ niệm đánh án không thể quên vào năm 2018.
Hôm đó, ông chủ sới bạc đang đứng trước cửa nhà chưa kịp ngoảnh đầu, đã bị "cô giáo" Thảo xoay người, vặn tay ra sau lưng và khoá bằng còng số 8, động tác dứt khoát chưa đến hai giây. Bực bội, sửng sốt, ông ta quay lại nói với người phụ nữ đang ghì chặt tay mình: "Cô giáo là công an à? Cô cho bọn tôi ăn quả lừa to quá".
Chưa đầy 5 phút trước, dừng xe máy trước cửa nhà ông ta, "cô giáo" Thảo gọi lớn: "Anh Hùng ơi em đưa cháu về rồi đây". Người đàn ông xuất hiện, cẩn thận khoá lại cánh cửa nhà sau lưng rồi bước tới mở cổng.
Không đợi ông ta mời vào, Thảo phóng xe thẳng vào sân, đỡ đứa trẻ xuống rồi quay ra bảo người bố với vẻ nghiêm trọng: "Anh cứ để cổng đấy tí em về ngay. Nay em đưa cháu về sớm cốt trao đổi trực tiếp với anh mấy chuyện quan trọng về tình hình học tập".
Ông bố vội vã mở cửa nhà, chưa kịp cất lời mời cô giáo vào trong thì cảnh sát hình sự ập vào. Các con bạc bị dẫn đi trong đêm, trong lời khai sau này đều cho hay không ngờ lại "sa lưới" trong một hoàn cảnh "giống phim" đến vậy.
Theo công an, vợ chồng Hùng chuyên tổ chức sới bạc tại nhà, chỉ hoạt động về đêm. Quanh nhà có nhiều camera, nhiều điểm thoáng để tháo chạy, và luôn khoá cửa, khoá cổng. Xác định việc "đánh úp" không khả thi, ban chuyên án thay đổi chiến thuật: Dụ Hùng mở cửa nhà để ập vào.
Con trai của Hùng mỗi buổi tối ngày lẻ trong tuần đều đi học thêm. Đêm đó, người vợ, cũng là người duy nhất trong nhà biết mặt cô giáo lại có việc bận nên nhờ cô chở con về. Không bỏ lỡ cơ hội này, ban chuyên án lập tức giao Thảo đóng vai cô giáo đưa cháu bé về, tìm cách thuyết phục Hùng mở khoá cửa.
Thượng uý Thảo gặp và thuyết phục cô giáo hỗ trợ cho chuyên án, cam kết mình sẽ đưa cháu bé về an toàn. Và kế hoạch đã thành công.
Nếu "chịu" nữ tính và chiều lòng mẹ hơn một chút, Thảo rất có thể đã thực sự trở thành cô giáo. "Nhưng cả hai thứ đó, mình đều không có", cô gái 30 tuổi cười lớn, thừa nhận mình ương bướng.
Thảo thần tượng màu xanh cảnh phục, thích những pha đấu võ, bắt tội phạm từ năm 2000, khi những tập đầu tiên của cơn sốt phim Cảnh sát hình sự. Vài ngày sau khi nói với mẹ "mai sau con cũng sẽ đi bắt tội phạm thế này", Thảo khi đó 9 tuổi đăng ký học lớp võ thuật của trường.
Lăn lộn trên mảnh sân tập nền gạch của thành cổ Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, (Thanh Hoá) dưới cái nắng như lửa và trở về nhà sau buổi tập đầu với đầu gối tím bầm và lòng bàn tay rướm máu, Thảo bị mẹ mắng, không cho học võ. Thảo kể, dù vậy cô vẫn lén đến võ đường, cố giấu những xây xát trên người bằng bộ quần áo kín mít.
Sư phụ ở võ đường biết chuyện, đến nhà thuyết phục cha mẹ Thảo, hứa không để cô gặp chấn thương. Thảo dần khiến cha mẹ xuôi lòng với thành tích học tập tốt, những bộ huy chương võ thuật và bằng khen treo kín tường nhà.
Từ lớp 8 đến 10, Thảo được chọn vào trường năng khiếu võ thuật, có tên trong đội tuyển năng khiếu karatedo của tỉnh Thanh Hoá, hướng tới thi đấu chuyên nghiệp. Phân vân giữa hai con đường, Thảo cuối cùng kiên định với màu áo xanh cảnh phục, trở về học văn hoá và thi vào trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân.
Là một trong hai nữ học viên duy nhất của lớp 110 người song những bài học quân sự, bắn súng, võ thuật, không làm khó nổi Thảo. Nhưng trong nghề trinh sát hình sự, Thảo nhận thấy "sức mạnh trí tuệ, mưu mẹo còn quan trọng hơn cả nắm đấm".
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Những lần cải trang phá án của nữ trinh sát say nghề - VnExpress