Vì sao mô-típ trai giàu yêu gái nghèo luôn hot?
Thiên Nhi-Zingnews
Câu chuyện “Lọ Lem và hoàng tử” nổi tiếng vì thu hút sự chú ý vào những phụ nữ nghèo, vẻ ngoài giản dị, địa vị xã hội thấp nhưng vẫn giành được trái tim người đàn ông ưu tú.
Business Proposal là bộ phim truyền hình lãng mạn nhận được sự yêu thích trên toàn thế giới thời gian qua. Tại Hàn Quốc, rating phim đạt mốc 11,6% toàn quốc và 12,1% ở khu vực đô thị Seoul, theo Nielsen Korea.
Đặc biệt, khán giả được thấy sự trở lại của mô-típ “Lọ Lem và hoàng tử” kinh điển trên phim truyền hình Hàn Quốc: cô gái bình thường, gia cảnh khó khăn bỗng thu hút sự chú ý của công tử đẹp trai, nhà giàu. Sau những lần chạm mặt không mong muốn và cùng vượt qua nhiều thử thách, cả hai yêu nhau.
Xuất hiện cách đây hàng chục năm nhưng nội dung kiểu này vẫn chưa bao giờ hết gây chú ý.
“Lọ Lem” qua từng thời kỳ
Lee Young Mi, nhà phê bình văn hóa đại chúng Hàn Quốc, cho biết không có nhiều câu chuyện Lọ Lem xuất hiện trên phim điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc cho đến giữa thế kỷ 20, theo Korea JoongAng Daily.
Vào những năm 1960, trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của đất nước, giấc mơ trở thành Lọ Lem chỉ dành cho nam giới chứ không phải phụ nữ. Hầu hết bộ phim dành cho giới trẻ trong thời kỳ này đều kể câu chuyện tình yêu giữa tiểu thư nhà giàu và chàng trai nghèo khó.
Thực tế, cuộc sống khó khăn đối với tất cả. Vì vậy, ước mơ trở thành Lọ Lem đều xa vời với cả nam và nữ. Viễn cảnh kết hôn với “người ấy” chỉ có thể xuất hiện trong truyện tranh lãng mạn.
Đến những năm 1990, khi nền kinh tế Hàn Quốc phát triển, câu chuyện Lọ Lem quay trở lại.
Bộ phim truyền hình đầu tiên có cốt truyện Lọ Lem là Love is in Your Embrace (1994). Trong đó, tài tử Cha In Pyo vào vai người thừa kế trẻ tuổi của một tập đoàn với tính cách nổi loạn. Nhân vật của anh yêu một cô gái nghèo, ít học nhưng tính cách vui vẻ.
Nữ chính có phần hơi khác so với Lọ Lem vì thời điểm này, phụ nữ đã trở nên tự tin và may mắn hơn. Bởi vậy, họ có sự lạc quan của Lọ Lem và lòng tham vọng, kiên cường của Candy - nhân vật trong anime Nhật Bản.
Kể từ đó, nhiều bộ phim truyền hình Hàn Quốc áp dụng cốt truyện Lọ Lem.
Ngoài ra, tác động của Love is in Your Embrace và cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã tạo nên mô-típ mới, trong đó nữ chính cạnh tranh với nữ phản diện để đạt được thành công trong sự nghiệp. Trong khi đó, nhân vật nam đóng vai trò hỗ trợ, đồng thời là hình mẫu để nhân vật nữ noi theo.
Nói cách khác, phụ nữ trẻ lớn lên trong thập niên 90, với sự phân biệt giới tính tương đối ít hơn so với thế hệ trước, luôn nỗ lực vươn tới thành công ngay cả trong thời điểm khó khăn.
Từ năm 2004, khi công chúng nhận ra ước mơ có được tất cả chỉ là viển vông, Lọ Lem trở thành nhân vật nhẹ nhàng, thực tế hơn.
Có 2 Lọ Lem tương phản trong thời gian này. Trong Lovers in Paris, nữ chính, hấp dẫn nhưng không có nhiều tham vọng, phải lòng người đàn ông giàu có. Vì vậy, cốt truyện biến bộ phim thành câu chuyện cổ tích ngọt ngào. Ngược lại, nhân vật nữ trong What Happened in Bali, nghèo và ít học, chạy theo tiền bạc rồi bị người yêu sát hại. Nhìn chung, cả 2 nhân vật nữ đều thiếu tự tin so với bạn trai và không mạnh mẽ theo đuổi sự nghiệp.
Khi hình ảnh từ các bộ phim truyền hình thập niên 90 dần phai nhạt, khán giả bắt đầu thích thú với phiên bản Lọ Lem chân thực hơn, ví như nhân vật trong My Name is Kim Sam Soon (2005) là cô gái bình thường.
Một xu hướng khác nổi lên trong thời kỳ này là những câu chuyện lãng mạn phi lý giữa phụ nữ phù phiếm và đàn ông giàu có. Các bộ phim truyền hình như Sweet 18, Full House (2004), Princess Hours, Boys over Flowers (2006) và You're Beautiful (2009) đều miêu tả cô gái trẻ, vụng về và không có tham vọng theo đuổi sự nghiệp, phải lòng người đàn ông là công tố viên xuất thân danh giá, ngôi sao nổi tiếng hoặc con trai của gia đình chaebol (tài phiệt).
Không có thực tế nào ở đây vì mục tiêu chính là chạy trốn thực tại.
Đời không như phim
Theo SCMP, “trai giàu yêu gái nghèo” không phải mô-típ duy nhất trong phim truyền hình Hàn Quốc nhưng là phổ biến nhất và luôn nhận được sự yêu thích từ khán giả.
Seoul Beats lý giải câu chuyện về “Lọ Lem và hoàng tử” nổi tiếng vì thu hút sự chú ý vào những phụ nữ không giàu, có vẻ ngoài giản dị và địa vị xã hội thấp. Dù có nhiều khuyết điểm, cuối cùng, họ vẫn giành được trái tim người đàn ông ưu tú.
Nhưng thật không may, điều này chỉ xuất hiện trên phim ảnh.
Thực tế là trong xã hội Hàn Quốc, chẳng có người đàn ông giàu có nào chỉ ngồi chờ một cô gái mồ côi, nghèo khó, nóng tính nhưng chăm chỉ đến đánh cắp trái tim của mình.
Việc hẹn hò, kết hôn của người Hàn phức tạp hơn nhiều và bị ràng buộc bởi các quan niệm về địa vị xã hội, trình độ học vấn, gia đình. Hôn nhân không đơn thuần là sự gắn bó giữa 2 cá nhân mà được coi là sự hợp tác của 2 gia đình. Chính vì việc lấy vợ/chồng liên quan chặt chẽ với gia đình, hôn nhân không bao giờ được coi nhẹ.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây Vì sao mô-típ trai giàu yêu gái nghèo luôn hot? - Gender - ZINGNEWS.VN