Bình Đẳng Giới Và Những Ánh Nhìn Tiêu Cực
Chúng ta mỗi ngày cắp sách đến trường, đèn sách 12 năm không ngừng rèn luyện đạo đức, thông văn giỏi toán. Chúng ta học vô vàn kiến thức từ địa lý đến lịch sử xa xưa hay khoa học vật lý để biết về cách thế giới này vận hành, lý giải vô vàn hiện tượng xung quanh. Nhưng có lẽ, thế thôi là chưa đủ. Nên mạng internet ngày nay chính là thứ giúp ta khai phá nhiều thứ mới lạ hơn. Google hay những mạng xã hội với lượng truy cập lớn như facebook, tiktok, youtube,...mở rộng khái niệm giới tính thứ ba và đưa chúng ta biết đến thứ gọi là bình đẳng giới. Dù nhiều năm trước đã có rất nhiều tấm gương đứng lên để đấu tranh và dành quyền bình đẳng giới. Nhưng đến nay còn rất nhiều hiểu lầm và định kiến gay gắt về bình đẳng giới.
Quyền bình đẳng là gì? Bình đẳng và công bằng khác gì nhau?
Quyền bình đẳng là quyền cơ bản của con người. Theo điều 16 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không một ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
Từ đó ta có thể hiểu bình đẳng là được đối xử bình đẳng, không phân biệt giới tính, màu da, sắc tộc. Bất kể giới tính, màu da, sắc tộc đều có quyền đi học, bầu cử khi đủ tuổi, sinh sống và lớn lên dưới sự bảo hộ của pháp luật, được hưởng mọi lợi ích từ việc sáng tác văn hóa, không bị phân biệt trong lương thưởng đối với những công việc và trách nhiệm tương đồng,...thế nhưng ngày nay vẫn còn tồn tại những mặt bất đồng và chưa thực hiện được triệt để điểu 16 Hiến pháp. Ví dụ như bạo lực gia đình, tư tưởng tình dục hóa về cơ thể phụ nữ, đòi hỏi nam giới phải luôn mạnh mẽ và áp đặt rằng nữ giới thì luôn yếu đuối, nam giới phải luôn gánh vác mọi chuyện trong gia đình, và gần như không có ngày lễ tôn vinh đàn ông,...
Đúng vậy, bình đẳng giới không phải khái niệm được sinh ra nhằm bảo vệ nữ giới, nó được sinh ra, tồn tại đến ngày hôm nay là để bảo vệ mọi quyền hạn, lợi ích của con người bất kể giới tính.
Chúng ta luôn suy nghĩ nếu đòi công bằng vậy thì nữ giới cũng phải đi bộ đội như nam giới, cũng phải làm việc nặng nhọc như sửa xe, xây dựng,... Những thắc mắc này xuất hiện chính là do bình đẳng giới còn chưa phổ cập đến được tất cả mọi người dẫn đến việc thiếu hiểu biết.
Công bằng và bình đẳng là hai khái niệm khác nhau. Nếu như đi từ hệ quy chiếu với mục tiêu là công việc tốt; công bằng sẽ tồn tại điều kiện là mọi người đều học tốt hay điều kiện để có một công việc tốt đều thấp và ai cũng dễ dàng có được một công việc tốt, nhưng bình đẳng không như vậy. Nó sẽ tồn tại với điều kiện là mọi người đều được đi học đầy đủ và không một ai bị phân biệt đối xử vì màu da, giới tính, chủng tộc. Như chúng ta đã được học sinh học suốt những năm cấp hai và cấp ba, nữ giới và nam giới khác biệt nhau về sức mạnh thể chất, phân biệt màu, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ,... Chính việc xã hội ngày một phát triển mà minh chứng cho việc phân chia sản xuất và phát triển. Chúng ta dựa vào khả năng của bản thân mà phân chia công việc với mục đích là hoàn thành nó một cách tốt nhất với hiệu quả tốt nhất. Đàn ông có thể lựa chọn những công việc nặng nhọc nhờ sức mạnh thể chất vượt trội hơn phụ nữ, tuy nhiên không có nghĩa không có phụ nữ làm việc lao động chân tay. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào vấn đề hướng nghiệp cũng như đam mê của mỗi chúng ta. Hay ngày nay rất nhiều nhà nghiên cứu về mĩ phẩm, nước hoa cũng có góp mặt của đàn ông. Không phải người đàn ông nào cũng chọn những công việc lao động chân tay vất vả mà theo đuổi con đường nghệ thuật, nghiên cứu về cái đẹp. Chính định kiến giới mới là thứ ngăn cả việc phụ nữ lựa chọn công việc lao động vất vả hay một người đàn ông theo đuổi công việc đòi hỏi nhiều tính nữ. Chúng ta là con người và chỉ cần cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho cuộc đời, xã hội chứ không cần thỏa mãn bất kì ai khác. Giống như Thanh Hải trong tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” đã từng viết:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Mỗi chúng ta đều là một phần của đất nước. Học tập làm việc góp phần làm giàu đẹp mảnh đất thân yêu, nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên. Phát huy điểm mạnh, cải thiện điểm yếu, cùng nhau góp phần xây dựng đất nước, đền đáp lại công ơn dựng nước, giữ nước của hàng vạn anh hùng đã đánh đổi xương máu để giành lấy độc lập ngày nay.
Và nếu như có ai nói nữ giới không ra đánh trận bảo vệ tổ quốc. Xin hãy nhớ về những nữ tướng hào kiệt cưỡi voi diệt giặc; nhớ về người không chịu luồn cúi làm phận tiểu thiếp mà nuôi chí lớn muốn cưỡi gió lớn, đạp sóng rữ, chém cá kình biển khơi; hay nhớ về người con gái miền đất đỏ, Võ Thị Sáu và những cô gái thanh niên xung phong, mà ta có thể biết từ tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Và hãy tự hỏi hậu phương vững chắc là ai, những người cung cấp lương thực để nối tiếp những chuyến xe, những trận đánh oanh tạc của dân tộc ta. Những người đi trước để lại trong tôi rất nhiều những cảm xúc khi đọc lịch sử, những tác phẩm hay những bài hát. Lịch sử không phải thứ học để chỉ lấy điểm mà là thứ giúp ta yêu tổ quốc và hiểu về sự hy sinh, cách vệ nước suốt hàng trăm triệu năm lịch sử.
Sự thiếu hiểu biết và ánh nhìn tiêu cực
Ngày nay chúng ta được tiếp cận với bình đẳng giới nhiều hơn, thông qua những bộ phim, thông qua các sự kiện trên báo, sách, qua facebook, tiktok,...
Điển hình là nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey, Nicole Kidman, Cate blanchett, nhà hoạt động xã hội Janet Mock, nhà hoạt động xã hội Emma Watson,...hay chủ tịch Hồ Chí Minh, từ cuối những năm 50 Người đã có những tư tưởng tiến bộ với Hiến pháp giúp nhân dân phát triển tiến bộ. Theo điều 24, Chương 3 của Hiến pháp năm 1959: “Phụ nữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.”
Chúng ta có thể thừa biết về sự tài trí của chủ tịch Hồ Chí Minh và sẽ là khập khiễng nếu chúng ta so sánh kiến thức còn nông cạn của mình với Người. Nhưng chúng ta phải tự biết hổ thẹn vì không thể vận dụng và phát huy những kiến thức Người truyền dạy lại. Dẫn đến việc có những thành phần mang trong mình “tính nam độc hại” và “tính nữ độc hại”. Những tư tưởng này hoàn toàn đi ngược lại lời dạy của Người.
“Tính nam độc hại” luôn áp đặt tư tưởng lên đàn ông thì phải luôn mạnh mẽ, không được khóc không được yếu đuối; giống như việc áp đặt con gái phải nội chợ, thì con trai phải biết sửa điện; con trai không biết uống rượu bia, thuốc lá là kém; con trai không được mặc váy, không được thích đồ màu hồng; tự cho mình cái quyền nói gì cũng luôn đúng và buộc người khác phải tuân theo;...
“Tính nữ độc hại” luôn áp đặt tư tưởng lên con gái bạo lực với nam giới là bình thường; con gái thì luôn yếu kém hơn con trai; tự cho rằng mọi người phải giúp đỡ và nhường nhịn mình vì mình là phái yếu; tức giận và bài trừ người khác nếu họ chọn phát triển công việc sự nghiệp thay vì lui về chăm lo gia đình;...
“Tính nam độc hại” và “tính nữ độc hại” chính là những tư tưởng sai lệch khiến nhiều người chưa hiểu về bình đẳng giới có cái nhìn sai lệch về bình đẳng giới. Mục đích của bình đẳng giới và tạo ra điều kiện sống từ vật chất đến tinh thần cho công dân trên hành tinh này. Giúp mọi người không phải chịu những định kiến giới, áp lực, soi mói của xã hội.
Trong thế giới với bình đẳng giới được công nhận, bạn sẽ có thể làm những gì bạn thích mà không phải đi vào một khuôn đúc nào cả. Bạn sẽ dùng chiếc cọ của mình, vẽ lên những màu sắc xinh đẹp, độc nhất vô nhịn, màu sắc vừa văn minh vừa phá cách. Nếu bạn là nạn nhân của định kiến giới hay là một người thấu hiểu, thậm chí là một người đã hiểu lầm về định kiến giới. Tôi mong bạn sẽ có ánh nhìn khác về bình đẳng giới. Đừng để định kiến giới biến thành chiếc thòng lọng siết chặt bạn và biến bạn thành con rối không biết suy nghĩ, không biết phân định đúng sai.
Tác Giả: Nguyễn Hà
LINK gốc: Bình Đẳng Giới Và Những Ánh Nhìn Tiêu Cực - YBOX
Thay mặt cho Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả Nguyễn Hà, Báo Ybox Online vì cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Tác giả và Quý Báo rất quý giá và ý nghĩa. Xin trân trọng cảm ơn!