Hàng trăm giảng viên đại học đã từng bị quấy rối tình dục
TTO - Báo cáo của UN Women nêu rõ 51,8% sinh viên và 30,2% giảng viên đã từng bị quấy rối tình dục.
Báo cáo kết quả khảo sát chương trình xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) thực hiện từ tháng 2 đến tháng 6-2022, tại 3 trường đại học.
Có 72,5% sinh viên không biết đến nơi hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực là ngôi nhà bình yên hay nhà tạm lánh, trong khi con số này đối với giáo viên là 61,7%. Gần 51% sinh viên không biết đến phòng tham vấn cho sinh viên các trường đang theo học; 26,5% sinh viên từng phải trải qua bạo lực giới.
Tuổi Trẻ Online đã có cuộc phỏng vấn với bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ (UN Women).
* Bà đánh giá như thế nào về những con số nổi bật trong báo cáo và chúng phản ánh những vấn đề gì?
- Khảo sát về mức độ an toàn của khuôn viên các trường đại học có sự tham gia của khoảng 2.000 sinh viên, qua đó phát hiện 51,8% sinh viên và 30,2% giảng viên (tổng số 350 giảng viên được khảo sát - PV) đã từng bị quấy rối tình dục.
Thực tế chúng tôi biết được rằng những con số này chưa phản ánh được tình hình quấy rối tình dục vì những vụ việc ấy thường bị che giấu.
Trong khảo sát vừa rồi, chúng tôi thấy một số dữ liệu rất đáng quan tâm là các bạn sinh viên cũng bị bạo lực về kinh tế, nghĩa là họ bị người yêu bóc lột thông qua các hình thức cống nạp về tiền.
* Có thể thấy rằng các sinh viên với tầm hiểu biết ở mức độ tương đối nhưng vẫn e ngại lên tiếng khi phải trải qua các hình thức bạo lực khác nhau. Theo bà, thách thức lớn nhất để đạt được mục tiêu bình đẳng giới là gì?
- Đó không chỉ là vấn đề đặt ra với các bạn sinh viên mà với nhóm phụ nữ, theo khảo sát quốc gia đưa ra thì hơn 90% không tìm đến sự giúp đỡ nào và chỉ có hơn 50% chia sẻ với bạn bè, người thân.
Vì vậy UN Women và các cơ quan khác đã có nhiều dự án truyền thông, nổi bật là dự án Khuôn viên trường học an toàn. Facebook của các bạn sinh viên có nhiều hoạt động như cuộc thi Lá thư chữa lành.
Thông qua những lá thư, những nạn nhân của bạo hành sẽ nhận được sự trợ giúp của các phòng tâm lý của trường, đồng thời họ có thể kết nối với các dịch vụ khác ở cấp quốc gia.
* Dự án sẽ có những kế hoạch cụ thể nào cho thế hệ thanh niên trẻ ở Việt Nam để góp phần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới?
- UN Women, UNFPA (Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc) và UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc) đang phối hợp trong một dự án chung chấm dứt bạo lực cho phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021 - 2025.
Trong chương trình đó, chúng tôi sẽ có 3 bộ công cụ dành cho giới trẻ gồm bộ công cụ xây dựng mối quan hệ tôn trọng bình đẳng trong trường học, bộ công cụ dành cho các bạn sinh viên và bộ công cụ về xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn.
Trong thời gian qua, chúng tôi thực hiện thí điểm ở các trường đại học sư phạm bởi các bạn sinh viên ở đó sẽ tuyên truyền tinh thần bình đẳng đó đến các thế hệ học sinh tương lai. Sắp tới, các chương trình Safe Campus (khuôn viên an toàn) sẽ được mở rộng ra ở các tỉnh thành khác như TP.HCM, Điện Biên, Đà Nẵng và Hà Nội.
...
Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Hàng trăm giảng viên đại học đã từng bị quấy rối tình dục - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)