Bình đẳng giới phải thực chất - Bài 1: Những rào cản vô hình

 

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, song quan niệm gắn vai trò và giá trị mặc định cho phụ nữ là người chăm sóc gia đình và nam giới là trụ cột kinh tế trong gia đình và xã hội đang tạo ra những “gọng kìm” kìm hãm sự phát triển của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ thuộc nhóm đối tượng yếu thế và dễ tổn thương.

Không có quyền quyết định việc sinh con

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc triển khai Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục đã có những cải thiện tích cực. Vào năm 2015, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai là 80%, tỷ lệ tử vong bà mẹ là 60/100.000 ca. Với những bước tiến này, Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5... Tuy nhiên, sự chênh lệch, không đồng đều và bất bình đẳng về sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng vẫn tồn tại ở các nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, di cư…).

Điều 17 Luật Bình đẳng giới quy định, nam nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế cũng như bình đẳng trong lựa chọn quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Rõ ràng, phụ nữ và nam giới đều cần được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó có sức khỏe sinh sản như nhau. Nhưng trước đây và kể đến tận bây giờ, nhiều đấng mày râu vẫn cho rằng việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là chuyện chỉ dành cho phụ nữ và gắn liền với phụ nữ.

Thực tế, hiện tượng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực dân số - sức khỏe sinh sản ở nước ta còn khá phổ biến. Việc mang thai và sinh đẻ tuy là thiên chức của người phụ nữ nhưng mang thai khi nào và sinh bao nhiêu con lại thường do người chồng hoặc gia đình chồng quyết định. Hậu quả là đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn lao động, ảnh hưởng các cơ hội học tập, việc làm, chăm sóc y tế của cả hai giới, tăng chi phí không cần thiết như chăm sóc sức khỏe do nạo phá thai nhiều lần, chi phí chữa chạy vết thương do bạo lực về giới, chữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục...

Đọc tiếp bài viết từ LINK gốc tại đây: Bình đẳng giới phải thực chất - Bài 1: Những rào cản vô hình