Nam Tính Độc Hại Trong Xã Hội Hiện Đại
Tính Nam Độc Hại Trong Xã Hội Hiện Đại
"Có nín ngay đi không?! Con trai mà cứ hơi tý là nước mắt ngắn nước mắt dài thế kia thì sau này lớn lên làm được trò trống gì cho đời hả?"
"Mày không biết chơi thể thao, không ăn mặc bụi bặm và không đi xe xịn thì làm sao mà tán gái được?"
Là con trai thì không được khóc, không được phép yếu đuối, nhạy cảm và bộc lộ cảm xúc! Con trai mà không mạnh dạn tán gái thì hỏng! Không ở đâu xa, chỉ cần nhìn quanh cũng thấy những cậu bé và những người con trai bên cạnh chúng mình đều phải chịu sự mỉa mai song hành cùng sự áp đặt tính nam độc hại của xã hội về tiêu chuẩn nam tính lên trên nhu cầu cá nhân. Ở đó, người ta cho rằng con trai mà bày tỏ sự sợ hãi, bất bình thông qua những giọt nước mắt là biểu hiện của tính nữ mang sự yếu đuối; con trai mà không thể biết thể hiện bản thân qua vẻ mạnh bạo, cơ bắp cùng tài sản thì chỉ là loser trong hội anh em vì không tạo được sức hấp dẫn cho con gái; và đã như vậy thì không được coi là một người đàn ông thực thụ.
Tính nam độc hại đã nhào nặn một cậu bé trở thành một người đàn ông sắt đá, cứng rắn cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, thích quy phục phụ nữ, phấn đấu cả đời cho được sự công nhận "nam tính" từ xã hội, bất cứ điều gì xâm phạm tới sự nam tính thì đều có khả năng cao đẩy họ vào nguy hiểm và họ buộc phải phòng vệ bằng vũ lực.
1. Vậy tính nam độc hại là gì?
Tính nam độc hại (toxic masculinity) - theo Geek Feminism - là một trong những hậu quả mà chế độ phụ hệ gây ra cho nam giới. Đặt trong từng thời kỳ lịch sử và bối cảnh xã hội khác nhau thì cách định nghĩa về tư tưởng nam tính độc hại trở cũng trở nên khác nhau. Cụ thể, tính nam độc hại là những đặc tính tiêu cực mà xã hội gán cho đàn ông như hung hãn, vô tâm, trăng hoa, bạo lực, bất cần và xốc nổi.
Bên cạnh đó, tính nam độc hại còn bao gồm những kỳ vọng được đặt lên người đàn ông như là phải mạnh mẽ, phải che giấu cảm xúc, không được khóc hay thậm chí không được bộc lộ sự yếu đổi của mình ra bên ngoài. Những đặc điểm bên ngoài như râu ria, cơ bắp, giọng nói, dáng đi, cách đứng thường được dùng để mô tả sự nam tính. Nhậu nhẹt, cặp kè, nghe hard core, chơi nhạc điện tử, uống vodka và phì phèo điếu Malboro là những sở thích, tính chất được gắn với sự nam tính. Ngược lại thì nước ngọt, nhạc pop, nấu ăn, may vá, khóc lóc và đồng tính không được coi là nam tính.
Hiện tại, có quá nhiều người đàn ông đang bị mắc kẹt trong cùng một mô hình của tính nam độc hại nơi mà những thương tổn của họ trở thành yếu điểm đồng thời là thứ để người khác coi thường, chê bai. Họ không sao tìm được ngôn ngữ nào để diễn đạt tình trạng mắc kẹt của mình ngoài sử dụng bạo lực, chất kích thích và vô số những hành động cực đoan khác để rồi hậu quả là những ảnh hưởng tiêu cực đến chính bản thân mình, những người xung quanh họ và toàn xã hội.
2. Nạn nhân chính của tính nam độc hại - người đàn ông
- Mất đi khả năng thấu hiểu cảm xúc của chính mình. "Mạnh mẽ lên!", " Không được khóc!", "Che dấu cảm xúc thật đi!", những mệnh lệnh nặng nề từ phía người thân, xã hội như chiếc gông trói trặt họ lại cho đến khi họ không thể chịu đựng được nữa và tìm đến bản án cuối cùng mang tên "tự sát".
- Sợ hãi thất bại và sai lầm. Họ sợ bị nhìn nhận như một người yếu kém, thảm hại nên phần lớn nạn nhân đều chôn chặt những trải nghiệm tiêu cực này vào sâu bên trong bản thể mà người thân không hề hay biết.
- Đàn ông thì không thể là nạn nhân của bạo hành và nếu có thì đó là nỗi nhục của họ.
- Ngoài ra, tính nam độc hại còn khuyến khích nam giới phải mở rộng quyền lực và ham muốn thống trị. Cảm xúc cùng hành động thì phải luôn dứt khoát và không bao giờ được sợ hãi cùng sự tuyệt đối bài trừ những gì liên quan đến tính nữ.
3. Nạn nhân thứ của tính nam độc hại - gia đình nhỏ và cộng đồng lớn
3.1 Ảnh hưởng xám xịt lên gia đình nhỏ:
- Rõ ràng một người đàn ông mang trong mình tính nam độc hại sẽ dễ dàng trở nên nóng nảy và áp đặt nếu mọi việc không đi theo chiều hướng mà họ mong muốn. Lúc này, họ sẽ sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề và chế ngự người trong cuộc vì trong nhận thức của họ, việc ngồi xuống nói chuyện là một phương thức rườm rà chỉ của phụ nữ. Nam tính độc hại đã dạy rằng đàn ông phải sử dụng bạo lực để có được sự tôn trọng do vậy nắm đấm và sức mạnh trong tư tưởng nam tính độc hại chính là một. Nếu đứa bé trong gia đình không nghe lời, sự dày vò về tinh thần qua tiếng quát tháo, mắng chửi hoặc những trận đòn roi nhừ tử từ người bố sẽ là bản án cho sự bướng bỉnh của con trẻ. Người mẹ tội nghiệp chân yếu tay mềm trong hoàn cảnh đó chỉ có thể khóc ngất đi vì chính mình cũng đã kiệt quệ cả về thể lực lẫn tinh thần trong sự bạo tàn của người bố. Một vòng tròn luẩn quẩn của bất mãn, vũ lực và đau đớn không có điểm dừng xoáy sâu vào cuộc đời tăm tối của nạn nhân bị kiểm soát bởi tính nam độc hại và những người liên lụy.
- Bởi vì những gì thuộc về tính nữ không được phép chào đón ở khuôn mẫu của tính nam độc hại nên điều này đã mang tới cho người đàn ông tư tưởng hạ thấp phụ nữ. Họ cho rằng nam giới thì luôn có trách nhiệm gánh vác nhiều hơn nữ giới, do đó vị thế của nam giới cũng cao hơn nên đã nhanh chóng đưa ra kết luận rằng tính nam luôn luôn cao cấp hơn tính nữ. Trong hôn nhân, người đàn ông sẽ cư xử và hành động như bậc bề trên, một vị thế có toàn quyền quyết định cuộc sống cũng như sự tự do của người phụ nữ. Họ sẽ tác động tâm lý tiêu cực tệ hại đến nỗi hình thành tư tưởng lệ thuộc và phục tùng ở người bạn đời mà đáng lẽ ra mình phải nâng niu và trân trọng. Ở mức độ nhẹ hơn, người đàn ông sẽ thiếu đi hoàn toàn sự đồng cảm, sẻ chia với chính người vợ của mình để rồi từ đó xảy ra những bất đồng, mâu thuẫn không hồi kết.
3.2 Ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng lớn:
a. Nam tính độc hại góp phần hình thành nên một xã hội gia trưởng khiến cho đàn ông có tuổi thọ ngắn hơn phụ nữ. Trên thực tế, có nhiều kẻ phạm tội liên quan đến bạo lực là nam giới hơn phụ nữ, và chính những kẻ phạm tội ấy hầu hết cũng từng là nạn nhân của bạo lực.
b. Khuyến khích những hành vi quấy rối tình dục ở nam giới
Tính nam độc hại dạy cho đàn ông rằng họ được định nghĩa bằng năng lực trong việc chiếm đoạt phụ nữ, và một cách phổ biến để đàn ông khẳng định sự thống trị của họ là thông qua tấn công và quấy rối tình dục. Phụ nữ lúc này trong tư tưởng của họ giống như một chiến lợi phẩm, một món quà của sự chinh phục và một sinh vật mềm yếu mà họ có quyền quyết định trên cơ thể nhỏ bé. Trước sự thách thức về chuẩn mực trở thành một “người đàn ông đích thực”, không ít chàng trai đã có những hành vi sai phạm pháp luật, đồi bại nhân phẩm đối với phụ nữ để minh chứng cho sự “uy phong” đáng lên án của mình. Mỗi ngày ở Ấn Độ, trung bình sẽ có 93 người phụ nữ bị cưỡng hiếp. Còn tại Nam Phi, mỗi năm có hơn 500.000 vụ cưỡng hiếp, trong đó, 40% phụ nữ tại Nam Phi chính là nạn nhân cho cơn bạo bệnh nhận thức này của nhân loại.
c. Hình thành tiêu chuẩn kép (double standard)
Nếu nữ giới mang tính nam như độc lập, khảng khái và quyết đoán được xã hội công nhận là có thiên hướng lãnh đạo, có khả năng thăng tiến đầy hứa hẹn trên con đường sự nghiệp thì trái lại, khi nam giới có trong mình những phẩm chất thuộc về tính nữ như đảm đang, dễ khóc, không ưa bạo lực đáng buồn thay luôn bị coi là ẻo lả, bóng gồng.
Trong bài luận "Animus and Anima" (1985) của Emma Jung - người vợ xuất sắc của nhà tâm lý học người Thụy Sỹ Carl Gustav Jung đã viết:
- Trong mỗi người phụ nữ đều tồn tại tính nam (Animus) và tương tự, bên trong mỗi người đàn ông đều tồn tại tính nữ (Anima)
- Nhắc tới Anima như một nguyên tố cấu thành nên tâm lý của người đàn ông, hệt như là nước, lửa và đất được ta cho rằng là những nguyên tố không thể thiếu trong cuộc đời đã làm nên cuộc đời. Anima được sinh ra một cách tự nhiên từ lúc người đàn ông chào đời, và sẽ tồn tại ngay cả khi không tiếp xúc với bất cứ người phụ nữ nào.
Đặc biệt, trong cuốn sách Digesting Jung của mình, Daryl Sharp viết: "Anima, người phụ nữ trong tâm trí đàn ông, có vai trò như linh hồn của anh ta. Khi một người đàn ông tràn đầy sự sống, ta nói anh ta "animated" - năng động, hoạt bát, đầy sức sống. Người đàn ông không có kết nối với mặt nữ tính của mình luôn cảm thấy trống rỗng và lơ đãng. Ngày nay người ta gọi nó là trầm cảm, nhưng trải nghiệm không hề mới. Trong hàng ngàn năm, giữa những người mà ta gọi là "tiền sử", nó còn được gọi là "sự đánh mất linh hồn".
Chính những dẫn chứng dưới góc nhìn tâm lý học xuất sắc trên đã phần nào làm rõ được định kiến xã hội sai lầm và tiêu chuẩn kép bị áp đặt nặng nề lên cả hai giới. Sẽ thật tốt biết mấy khi các nạn nhân của tính nam độc hại xung quanh chúng mình được biết đến nhiều tài liệu nghiên cứu tính nam - tính nữ hơn để giảm tải những nỗi đau tinh thần đang chờ trực giày xéo mỗi ngày!
4. Câu chuyện của mình
Đưa lăng kính về gần hơn để nhìn lại người đàn ông đóng vai trò quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của một người con gái, mình đã chỉ quan sát được một màu xám lạnh lẽo thường thấy trên khuôn mặt hiếm khi cười, vẻ thờ ơ đầy xa cách cùng tính gia trưởng nặng nề những áp đặt. Không giống như các bạn trong xóm, từ nhỏ mình đã thấy bố vô cùng lạ lẫm và cũng đầy uy nghiêm, nóng nảy. Trong khi các bạn được bố đón sau giờ học, được bố đưa đi chơi vào cuối tuần, được bố ôm ấp vỗ về nếu có bị các bạn con trai trêu ghẹo thì mình chỉ có thể quanh quẩn ở nhà tự chơi một mình hay phụ mẹ những công việc lặt vặt ở nhà vì trong lúc ấy, bố mình còn đang bận bồng bế và cưng nựng em trai mình. Bố luôn to tiếng với mẹ khi trong nhà xảy ra những việc không vừa mắt, bố luôn xách mình lên như một con mèo hen mỗi khi mình làm trái ý bố và bố sẽ chỉ dành sự chú ý ít ỏi tới mình nếu như ngày hôm đó của bố suôn sẻ, thuận lợi. Tất cả mọi vấn đề về lịch trình học hành, thói quen ngủ nghỉ và những sự cố có liên quan đến sự tồn tại của mình đều do một tay mẹ đảm đương, lo liệu. Nhưng có lẽ duyên phận giữa mẹ và gia đình mình mỏng manh quá đỗi, nên mình và em trai đã phải sớm kết thúc những tháng ngày êm đềm được mẹ bao bọc, âu yếm vào một ngày nắng tháng Giêng, năm ấy mình vừa lên năm tuổi.
Một năm sau, bố đã có một gia đình nhỏ mới; tình yêu thương cùng sự quan tâm bé xíu mà mình ngày ngày mong chờ được nhận từ bố đã dần trở thành con số 0 tròn trĩnh, một nét tròn trịa không khiếm khuyết nhưng sao mà mình căm ghét đến vậy. Thậm chí cho đến thời điểm này mình vẫn rất có ác cảm và hiềm khích với số 0 bởi đó là con số minh chứng cho sự thất bại ê chề ở ngay gia đình mình và cố chấp ám ảnh trong tuổi thơ của mình dù mình có cố gắng xóa sạch như thế nào đi chăng nữa. Suốt quãng thời gian lớn lên đầy khó nhọc ấy, mình đã kịp xây cho riêng mình một thành trì vững vàng với bố để không còn phải nuôi hy vọng được yêu thương đồng thời tách biệt bản thân khỏi những người khác giới. Mình đã phòng vệ, dè chừng và không ngần ngại bóp chết tất cả những mầm nhỏ chứa đựng cảm tình, ấn tượng ban đầu và những mong muốn được biết thêm về mình từ những người con trai có thiện ý. Trong tâm tưởng của mình đã luôn tồn tại ý niệm rằng nếu như bố không thể yêu thương, bảo vệ mình thì còn ai có thể thực tâm thực lòng khiến mình an ổn đây?
Tháng 4 này mình đã về thăm nhà với tư cách là một người con xa quê nhưng hành động của mình lại như thể là một người khách phương xa ghé chơi thân chủ; mình chọn ở bên ngoài thay vì về nhà bởi đối với mình, đã từ lâu rồi mình không còn nhà để mà về nữa. Bố mình biết tin đã rất giận và ngay lập tức gọi điện nhắc mình về. Thực tâm mình cảm thấy khó chịu vô cùng nhưng đành miễn cưỡng qua nhà một ngày để người lớn khỏi phiền lòng. Vậy mà mình đã phải sững sờ khi nhìn thấy người đàn ông gần 60 tuổi bật khóc nức nở như một đứa trẻ giữa câu chuyện đầy gượng gạo, chắp vá của hai bố con. Suốt bao năm qua, có bao giờ mình thấy bố rơi một giọt nước mắt nào, lại càng không có chuyện xảy ra một đoạn hội thoại đúng nghĩa giữa bố và con gái mà ở đó, mình được thấy bố của những điều khổ tâm khó nói, nỗi tủi thân của tuổi ngày một cao đan xen với sự yếu ớt mong cầu được lắng nghe. Khoảnh khắc mình tự động bật chế độ tường thành như một phản xạ có điều kiện, đâu đó trong lồng ngực mình vỡ vụn và đau xót. Hóa ra phải đi đến nửa bên kia của cuộc đời, có người mới nhận ra được những sai lầm, ích kỷ trong quá khứ đã gây ra cho con trẻ. Hóa ra bố cũng chỉ là một nạn nhân chính của tính nam độc hại, bị áp đặt và gieo những tư tưởng cực đoan, lệch lạc về sự nam tính bao gồm tư tưởng hạ thấp tính nữ, tính gia trưởng và và thói quen che dấu những đau đớn bất an thường ngày.
Vết thương lòng không thể một sớm một chiều mà liền miệng, nhưng gần đây mình đã cho phép bản thân được lắng nghe và đi sâu vào những vết cắt còn sưng tấy của bố, và của mình. Hành trình hàn gắn và chữa lành sẽ còn cần rất nhiều kiên nhẫn, bao dung và tha thứ, mình biết chứ. Chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hiểu lầm mới chồng chất lên những suy nghĩ vốn chưa bao giờ đồng điệu giữa hai bố con trước đó, dẫu vậy mình vẫn mong cầu còn kịp thì giờ để làm những điều trước đây mình chưa được thực hiện cùng bố, chỉ đơn giản như đưa bố đi dạo trước khi thời điểm sinh tử trở nên mong manh và rồi mình sẽ lại phải khóc nấc lên khi tiễn thêm một người thân nữa ra đi.
5. Vậy để tránh và không rơi vào nam tính độc hại chúng ta cần phải làm gì?
- Thừa nhận những suy nghĩ của bản thân về sự nam tính, nữ tính và tuyệt đối không áp đặt định kiến của mình lên người khác.
- Không áp đặt định kiến giới lên trẻ em ( Ví dụ: bé trai phải dùng đồ màu xanh, chơi đấu kiếm, được phép nghịch ngợm; bé gái chỉ được có đồ màu hồng, chơi đồ hàng, luôn phải ngoan ngoãn, vâng lời)
- Ngừng sử dụng những câu miệt thị, xúc phạm nhân phẩm đối phương như "đồ đàn bà", "đồ ẻo lả", "đồ bánh bèo", "con đàn ông", "bóng lộ", "xăng pha nhớt",...
- Thay đổi và mở rộng định nghĩa về sự nam tính/nữ tính. (Ví dụ: vẫn khuyến khích đàn ông khỏe mạnh và cứng cỏi, song song cùng với sự chân thành và ôn nhu)
- Không im lặng trước những hành động, lời nói thù ghét/bạo lực.
6. Lời kết:
Đặc trưng của tạo hóa đã ban cho người đàn ông một sức khỏe bền bỉ để bảo vệ bản thân họ và những người thân thiết trong vòng tròn xã hội. Một trực giác nhanh nhạy đi cùng với sự mềm mỏng, khéo léo thuộc về người phụ nữ để dù tuy không dẻo dai vững mạnh như người đàn ông nhưng họ lại có khả năng tuyệt vời như lường trước được hiểm nguy, biết cách xoa dịu và động viên mọi người. Mỗi giới đều có những phẩm chất, đức tính tốt đẹp mà nếu được giáo dục, định hướng đúng đắn cũng như nhận được sự chăm sóc và nuôi dưỡng một cách ân cần thì sẽ đều bổ trợ rất tốt cho cả đôi bên. Thế gian này vạn vật đều nương tự vào nhau để cùng sinh sống và phát triển, con người chúng ta cũng vậy mà. Sau cùng thì việc mình đề cập đến tác động tiêu cực của tính nam độc hại không phải là để lên án hay chỉ trích; mục đích chính là để giúp người trẻ nhận thức sâu sắc về những áp lực mà nam giới phải chịu đựng, như cách mà Chimamanda Ngozi Adichie từng nói “Cho tới tận bây giờ, điều tệ hại nhất mà chúng ta gây ra cho đàn ông bằng cách luôn khiến họ phải cảm thấy thật khó khăn, đó là chúng ta bỏ mặc họ với những cái tôi mỏng manh.”
Tác Giả: Nguyễn Bích Ngọc
Link bài gốc: https://ybox.vn/triet-hoc-tuoi-tre/tinh-nam-doc-hai-trong-xa-hoi-hien-dai-613f37494fbabb22c3074c59