Vượt Qua Overthinking, Stress, Burn Out Bằng Trí Tuệ "Vô Vi"

 


"Vô vi nhi vô bất vi - Không làm gì nhưng không gì là không làm". Đây là câu nói của Lão Tử, chứa đựng cốt lõi triết lý sống VÔ VI. "Vô vi" có nghĩa là không làm. Tuy nhiên, hai chữ này mang nghĩa lý thâm sâu vượt ra khỏi ngôn từ. Triết lý vô vi rất sâu rộng nhiệm màu, phạm vi bài viết này chỉ khai thác một vài khía cạnh của nó nhằm áp dụng, thực hành được trong cuộc sống. Mặc dù có vẻ trái ngược với lẽ thông thường, nhưng "vô vi" thực sự là một phương thuốc chữa lành tâm trí hữu hiệu với những bộ óc "bận rộn" và nhạy cảm. 

1. Tinh thần suy nhược 

Chúng ta đã quen thuộc với trạng thái bận rộn, luôn luôn làm cái gì đó, kiếm tìm cái gì đó. Chúng ta để bản thân bận rộn trong hàng nghìn thứ: công việc, việc nhà, lướt net... Ngay cả khi không có gì để làm, tâm trí sẽ dẫn bạn hàng nghìn tự vấn "Không biết đã xong hết hạn nộp chưa, check hết email chưa, xong bài vở chưa, lát nữa cần mua sắm gì,...".

Lối sống bận rộn 

Khi đã an tâm, có lẽ bạn sẽ kiếm tìm niềm vui bằng cách lướt mạng xã hội, xem phim, đi chơi, tán gẫu, nấu nướng, chơi game, nghe nhạc, đọc sách.... Hàng nghìn hình thức vui chơi giải trí khác nhằm thỏa mãn nhu cầu hạnh phúc của con người đã được sinh ra. Game ngày càng đa dạng phong phú hơn, kho phim ngày càng nhiều hơn với đủ mọi thể loại , các trung tâm thương mại mọc lên như nấm, điện thoại ngày càng hấp dẫn hơn với ti tỉ ứng dụng gây nghiện khác. Chờ xe, ăn uống, giải lao... chúng ta vẫn lướt điện thoại nhiều hơn là mục đích chính. 




Dường như không được phép có chút khe hở nào trong ngày. Bạn đã bao giờ dành một khoảng thời gian không làm gì chưa? Tôi chắc hẳn bạn không thể ngồi quá 1 phút trong chánh niệm. Có thể bạn sẽ tự phán xét chính mình đang lãng phí thời gian vô ích, phải mau mau chóng chóng làm gì đó để lấp đầy khoảng trống. Tại sao chúng ta lại sợ những khoảng trống như vậy? Phải chăng đó là lúc chúng ta phải đối mặt với vấn đề của chính mình nhiều nhất? Hoặc chỉ đơn giản bạn đang thỏa mãn 1 nhu cầu nào đó của tâm trí, nên chúng ta phải bám víu vào cái gì đó để xa rời thực tại. Chỉ cần ngồi im một chút thôi, muôn vàn trạng thái, cảm xúc, lời nói, hình ảnh sẽ không ngừng bép xép trong đầu, bạn lại bị suy nghĩ quá nhiều. Suy nghĩ quá tải dẫn đến hàng nghìn căn bệnh tâm lí khác. Cạn kiệt năng lượng, thiếu kiên nhẫn, nóng giận, cả thèm chóng chán, loạn động, hoảng loạn, sợ hãi. Nếu bạn thấy hình ảnh chính mình trong những mô tả trên, tôi nghĩ rằng bạn có thể sử dụng trí tuệ cổ xưa của các bậc thầy phương Đông, như Lão Tử, để chữa lành tâm trí của mình.

2. Cách áp dụng Vô vi 

"Vô vi" nghĩa là không làm. Cụ thể, ngừng làm những thứ xảy ra ở bên ngoài. Tắt điện thoại, đóng laptop, gấp sách, tắt tivi, ngừng mọi hoạt động trong ngày. Dành một khoảng thời gian không làm gì cả. Bạn có thể đối diện với việc cả cơ thể lẫn tâm trí đều cố gắng tìm kiếm thứ gì đó để làm. Không vấn đề gì. Hãy để mọi cảm xúc, suy nghĩ, cảm giác được bộc lộ ra. Điều bạn cần làm là để tất cả mọi thứ đến và đi. Nhắc nhở bản thân không đồng hóa "chính mình" với mớ lộn xộn đó. Quan sát nó. Đối diện với sự trống rỗng. Bạn có thể nghĩ mình đang lãng phí thời gian. Nhưng tôi sẽ nói rằng đó là khoảng thời gian giá trị nhất trong đời bạn. Mục đích của bài tập này là để giúp bạn nhận ra những vấn đề của bạn là hư ảo. Tất cả những gì khiến bạn lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, né tránh, buồn chán,... chúng đều thực sự không làm gì được bạn. Càng loạn động, chúng ta càng bối rối và đưa ra các quyết định sai lầm. Đối diện với sự trống rỗng là bài tập giúp chúng ta lắng đọng và dọn dẹp tâm trí.

Bạn có thể để ý, tâm trí con người giống như một con trâu lang thang. Chúng ta làm nô lệ cho tâm mà không hề biết. Ví dụ, bạn đang có ý định học bài, nhưng bạn tự nhủ lướt mạng xã hội 5 phút cũng không hại gì, bạn thấy hình ảnh đồ ăn, bạn lại thèm đồ ăn. Mắt, tai, mũi, lưỡi, toàn bộ tri giác của bạn chạy theo cảnh bên ngoài và khiến bạn quên mất ý định ban đầu. Vì vậy, bạn cần huấn luyện tâm của mình gom lại 1 chỗ. Đây cũng là mục đích của thiền. 

Thiền tông ví điều ngự tâm trí như việc chăn trâu 



3. Cơ chế sinh tồn 

Vậy thì, tại sao "không-làm-gì" lại có thể giúp chúng ta chữa lành tâm trí? Mỗi người đối diện với sự trống không sẽ thấy những điều khác nhau. Tôi sẽ tạm giải thích theo cơ chế khoa học. Trong não con người có một bộ phận gọi là hạch hạnh nhân "amygdala". Hạch hạnh nhân thường tự động kích hoạt khi não bộ cho rằng bạn đang gặp nguy hiểm. Từ thuở xa xưa, khi tổ tiên loài người còn lang thang trong những khu rừng đầy hiểm nguy bởi thú dữ để săn bắt và hái lượm, họ luôn phải cảnh giác 24/7 và luôn trong trạng thái sinh tồn - sẵn sàng chiến đấu và bỏ chạy. Cơ chế bảo vệ này vẫn còn lưu trong mã ADN con người đến ngày hôm nay và vận hành như một chiếc còi báo động. Vậy nên, khi não bộ xác định một sự việc có thể gây nguy hiểm, còi ở hạch hạnh nhân sẽ hú lên và khiến bạn làm hết cái nọ cái kia để đảm bảo bạn không rơi vào nguy hiểm. Tuy nhiên, đây chỉ là bản năng, một sự sợ hãi không kiểm soát, giống một con ngựa hoang chưa được thuần hóa. Trong thời hiện đại, mặc dù con người không còn phải canh chừng cảnh giác trong những hang động hay bìa rừng, chúng ta an toàn thoải mái trong những tòa nhà xi măng cốt thép tiện nghi, nhưng con người vẫn luôn bị tấn công bởi những thứ bên ngoài - những thứ chúng ta không thể kiểm soát và khiến ta lung lay chao đảo. Ví dụ, các nhà quảng cáo thương mại khiến bạn tin rằng bạn phải sở hữu loại mỹ phẩm này, nước hoa nọ thì bạn mới trở nên xinh đẹp quyến rũ hơn. Điều này dấy lên một nỗi sợ rằng bạn sẽ thiếu hấp dẫn nếu không có món đồ đó. Chuyện gì xảy ra tiếp theo thì bạn cũng đoán được. Hoặc là bạn cố gắng làm gì đó để có được nó, hoặc bạn sẽ đau khổ vì không có thứ mình muốn. 

Vì bạn bị gieo quá nhiều nỗi sợ và tham muốn, lúc nào hạch hạnh nhân cũng bật mode "sinh tồn", khiến bạn dễ bị căng thẳng, mệt mỏi triền miên. Có thể bạn sẽ đổ tại hoàn cảnh. Tiền nhà chưa đóng, xăng chưa đổ, hóa đơn đang chờ thanh toán, mà tôi đang không có tiền. Ngày mai đến hạn nộp báo cáo mà tôi chưa viết được chữ nào. Sắp đến kì thi quan trọng nên tôi phải học bài. Một số hoàn cảnh khiến bạn lao vào chế độ chiến đấu, vì tâm trí cho rằng nếu không có tiền trong ngay hôm nay thì bạn sẽ chết đói và vô gia cư, bạn sẽ bị đuổi việc nếu bạn không viết báo cáo, bạn sẽ trượt và bị trách mắng nếu bị điểm kém trong bài kiểm tra.... Nhiều người luôn thấy những hoàn cảnh trên là dấu hiệu nguy hiểm, họ lập tức lao ra ngoài tìm cách giải quyết, họ luôn thấy sợ hãi và thiếu thời gian. Bình tĩnh đã. Hãy ngồi đối diện với sự sợ hãi và tham muốn của mình. Bằng cách an trú trong tĩnh lặng. Đối đầu trực diện với nó. Rồi bạn sẽ phát hiện, những nỗi sợ kia chỉ là ảo ảnh. Dần dần, khi tâm trí đã được tĩnh lặng, hạch hạnh nhân ngừng kêu vì thấy những sự kiện kia không phải là nguy hiểm, mọi chuyện hiển lộ ra như một bầu trời sáng tỏ sau cơn bão. Bạn nhìn rõ được thực tại hơn, sắp xếp được thứ tự ưu tiên những điều cần phải làm, nảy ra một số ý tưởng mới, buông bỏ những thứ không thật sự cần thiết, tìm ra được phương pháp giải quyết vấn đề.

Chúng ta không thể kiểm soát ngoại cảnh, thứ duy nhất ta có thể thay đổi và kiểm soát  chính mình. Do đó, "VÔ VI" thực chất là ngừng hành động hướng ra bên ngoài. Thay vào đó, hướng toàn bộ năng lượng và sự chú ý vào bên trong để nghỉ ngơi và tìm kiếm câu trả lời đúng đắn. Bạn không thể làm được điều đó nếu cứ tản mát ra bên ngoài, bám dính lấy những thứ gây xao nhãng khác.
Hãy dành thời gian ngồi im lặng, không làm gì cả. Quán chiếu, quan sát, đối mặt, cảm nhận, để ý từng suy nghĩ, cảm xúc, trạng thái, hành động của bản thân. Cứ thả lỏng và cho phép bản thân được thư giãn hết mức. Không cần quá trang trọng như một vị sư. Chúc bạn luyện tập tốt và thật nhiều bình an nội tại. 


                      

   Tác Giả: The Void- Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ