Nữ Tính Độc Hại
Vì Một Thế Giới Không Còn Nữ Tính Độc Hại
Việc “độc hại” trở thành từ khoá của năm 2018 ít nhiều góp phần vào sự tăng thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn về khái niệm “Tính nam độc hại” (toxic masculinity) vốn đã tồn tại trong một thời gian tương đối dài. “Tính nam độc hại”, kể từ đó, được tiếp cận một cách rộng rãi hơn, với những góc nhìn khách quan và giàu sức thuyết phục hơn, góp phần định hình “giới hạn mới” của nam giới trong xã hội hiện đại.
Bên cạnh cuộc cách mạng về tư tưởng cho “tính nam” ấy, chúng ta cũng cần tiến hành một cuộc cách mạng tư tưởng khác, không kém phần quan trọng và khó khăn: định hình lại “tính nữ” trong xã hội hiện đại, loại bỏ những quan niệm đã không còn phù hợp, kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.
Đã tới lúc chúng ta cần hành động để loại bỏ tính nữ độc hại trong thế giới của mình.
Thế nào là “tính nữ độc hại/nữ tính độc hại”?
Trước tiên, không thể không nhắc tới một mặt của cuộc cách mạng tư tưởng: nam tính độc hại. Tính nam độc hại (toxic masculinity) là một tập hợp các hành vi tiêu cực mà nam giới được cho rằng phải tuân theo để trở thành “người đàn ông thực thụ”, bao gồm: lẩn tránh bộc lộ cảm xúc, không tin rằng đàn ông có thể là nạn nhân (của sự tấn công, quấy rối hay xâm hại,...), từ chối tìm kiếm sự giúp đỡ ngay cả khi cần thiết.
Nhìn chung, tính nam độc hại xuất hiện khi những đặc điểm nam tính “khuôn mẫu” được xác nhận và rập khuôn trong một nền văn hoá, trở thành những hình thức gây tổn hại cho xã hội và cuối cùng là chính bản thân nam giới. Sức mạnh biến thành bạo lực, sự phủ nhận biến thành sự còi cọc về cảm xúc. Kết quả của quá trình ấy là những người đàn ông luôn bị buộc phải có câu trả lời cho những vấn đề xung quanh mình, những người không thể đồng cảm với người khác và đôi khi trở thành sự sợ hãi của một nửa thế giới còn lại.
Bên cạnh sự rập khuôn cho “tính nam” trong xã hội, “tính nữ” cũng chịu những ràng buộc tương đương.
Tính nữ truyền thống cho rằng làm mẹ, kết hôn, một vẻ đẹp hoàn mỹ, mềm mại và “nữ tính”, kỹ năng nữ công gia chánh, im lặng trước sự đàn áp, thậm chí giữ thái độ phục tùng nam giới là những yếu tố cần thiết để một người phụ nữ có được sự chấp nhận đầy đủ từ xã hội. Mặc cho sự phát triển ngày một mạnh mẽ và sâu rộng của xã hội, những hệ tư tưởng này đã khắc sâu đến mức trở thành thước đo để đánh giá “đức hạnh” hay “chuẩn mực” của một người phụ nữ.
Do đó, những người phụ nữ đi ngược lại những tiêu chuẩn này thường được cho là “ngoài luồng”, dị biệt, chịu những sự phán xét nặng nề từ những người ngoài cuộc.
Điều gì khiến một người phụ nữ với mái tóc ngắn, cơ thể không sở hữu những đường cong hoàn hảo hay không có một tác phong “thuỳ mị” truyền thống lại trở nên kém phụ nữ hơn những người khác?
Điều gì khiến một người phụ nữ với mái tóc ngắn, cơ thể không sở hữu những đường cong hoàn hảo hay không có một tác phong “thuỳ mị” truyền thống lại trở nên kém phụ nữ hơn những người khác? Chế độ phụ quyền tồn tại hàng thế kỷ là câu trả lời cho những câu hỏi này, thông qua tư tưởng tưởng khuôn mẫu và phổ biến về tính nữ truyền thống đã được tuân theo từ nhiều thời đại. Một người phụ nữ không thể gò mình vào những khuôn thước chuẩn mực như thế sẽ trở nên “bất bình thường”. Chẳng hạn, thuật ngữ “tomboy” xuất hiện cũng một phần bởi lý do đó: khi không hoàn toàn ăn khớp với những tiêu chuẩn về phụ nữ, những cô gái “tomboy” được xem là chẳng khác nào những chàng trai, và thường xuyên được gán mác người đồng tính, bỏ qua việc thực sự xác nhận xu hướng tính dục của họ.
Từ đó, sự nữ tính, vốn được coi là định nghĩa của phái đẹp, trở nên hạn hẹp, gò bó và độc hại, một khi được sử dụng để hạn chế sự phát triển và những tiềm năng của phụ nữ. Các tiêu chuẩn về ngoại hình và hành vi của phụ nữ truyền thống được đặt lên cao. Mọi phụ nữ đều được mong đợi sẽ đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn nữ tính này để được chấp nhận hoàn toàn như một phụ nữ.
Cùng với sự phát triển của xã hội, những tiêu chuẩn “nữ tính” ngày càng có xu hướng được nới lỏng, phụ nữ ngày càng có cơ hội thể hiện bản thân mình trong đa dạng môi trường. Tuy nhiên, thế giới mà chúng ta đang sống vẫn tồn tại rất nhiều nạn nhân của sự ràng buộc ấy: những người phụ nữ của thế hệ cũ, chịu những đàn áp nặng nề của tư tưởng để rồi trở nên không có tiếng nói, không có lựa chọn và không có sự độc lập; rất nhiều trong số đó buộc phải sống cuộc đời mà mình không mong muốn, chỉ vì những áp đặt của xã hội, và thậm chí hoàn toàn không cho rằng mình có quyền được giải phóng.
Bởi thế, đã tới lúc nhận ra rằng “tại sao chỉ có “phụ nữ” mà không có “phụ nam”?” không phải một trò đùa hay ho, và giải phóng hoàn toàn mọi thế hệ phụ nữ khỏi sự thiếu công bằng của hệ tư tưởng ấy.
Những tác hại của “tính nữ độc hại”
Sự sai lệch phản tác dụng và không lành mạnh
“Tính nữ” truyền thống xác định và phân chia quyền phụ nữ trên cơ sở những ảnh hưởng của tư tưởng gia trưởng về một người phụ nữ hoàn hảo. Nó thu hẹp định nghĩa về một người phụ nữ vào trong những phẩm chất như đoan trang, gợi cảm, tỉ mẩn, thân hình mảnh mai, giọng nói ngọt ngào, nhạy cảm, không lý trí và phụ thuộc. Đồng thời, nó cũng hợp thức hóa chính tư tưởng này cũng vô hình trung hợp thức hoá hình ảnh một người phụ nữ và những nhiệm vụ mà nó mong đợi một người phụ nữ phải hoàn thành.
Nếu một người phụ nữ không đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, cô ấy có thể bị xã hội chỉ trích đến mức bắt đầu tự trách mình không đủ tốt. Các tiêu chuẩn nữ tính sau đó trở thành độc hại, ảnh hưởng đến phụ nữ cả về tinh thần và thể chất bằng cách trói buộc họ với cảm giác tội lỗi và xấu hổ vì không phải là người phụ nữ hoàn hảo, hay vì đã “trở nên khác biệt”. Chúng đặt nặng cái nhìn phán xét lên ý thức độc lập của một phụ nữ, hay những lựa chọn trong cuộc sống của họ. Những vấn đề như cảm giác tội lỗi của người mẹ, sự xấu hổ về cơ thể, sự tự ti về bản thân vẫn tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới phụ nữ ngay cả ngày nay.
Sự tổn thương lòng tự trọng của trẻ em gái và phụ nữ
Chịu ảnh hưởng của khuôn mẫu, các thiếu nữ dễ rơi vào trạng thái bất an và xấu hổ về các đặc điểm cơ thể như chiều cao, cân nặng, mái tóc,…, sợ bị từ chối vì không đáp ứng được kỳ vọng của ai đó (không đủ thon thả, trông không đủ “dịu dàng”…) Từ đó, thanh thiếu niên dễ dàng trở thành nạn nhân của bắt nạt, trêu chọc hoặc body-shaming vì không phù hợp với khuôn mẫu. Một nghiên cứu tại Mỹ từng chỉ ra rằng 53% thiếu nữ tại đây cảm thấy “chán nản với thân hình của mình”; con số ấy nâng lên 78% ở độ tuổi 17.
Chịu ảnh hưởng của khuôn mẫu, các thiếu nữ dễ rơi vào trạng thái bất an và xấu hổ về các đặc điểm cơ thể như chiều cao, cân nặng, mái tóc,…, sợ bị từ chối vì không đáp ứng được kỳ vọng của ai đó (không đủ thon thả, trông không đủ “dịu dàng”…)
Trong những xã hội như vậy, khi lớn lên, các cô gái và phụ nữ trẻ dần học được rằng: họ phải làm cho mình hấp dẫn trước đàn ông và phục tùng những khoái cảm của đàn ông. Từ đó, phụ nữ dễ trở nên bị động trong cuộc sống và hôn nhân, ít đề cao nhu cầu và mong muốn của cơ thể hơn để chấp thuận những nhu cầu từ phía nam giới.
Ngoài ra, những tiêu chuẩn nữ tính còn tạo ra sự phán xét lẫn nhau trong phái nữ, dẫn tới sự so sánh và cuối cùng là trạng thái tự ti nặng nề vì sự khiếm khuyết những “tính nữ” được mặc định là cần thiết.
Bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, nam giới hiện vẫn thống trị các vị trí quyền lực về chính trị, kinh tế và xã hội. Suy nghĩ nam giới được ưu tiên hơn nữ giới là một trong những nền tảng của bất bình đẳng giới, hay chế độ phụ hệ hiện đại. Cụ thể, gần đây, Chủ tịch Olympic Tokyo 2020 đã gánh chịu chỉ trích nặng nề với phát ngôn của mình, "Những cuộc họp của ban chỉ đạo có sự góp mặt của nhiều phụ nữ sẽ tốn thời gian. Phụ nữ có tâm lý ganh đua mạnh mẽ. Nếu một thành viên phụ nữ giơ tay phát biểu, tất cả những người còn lại sẽ đều cảm thấy mình cần phải nói.”
Ngoài ra, ở nhiều nơi, công việc nội trợ được coi là công việc của phụ nữ. Tư tưởng này hạn chế quyền được tiếp cận với giáo dục tương đương nam giới, đồng thời hạn chế những đóng góp của phụ nữ cho xã hội, gián tiếp hạ thấp giá trị của họ.
Niềm tin rằng phụ nữ yếu hơn và đàn ông xứng đáng là người thống trị dẫn đến việc “vật thể hóa” phụ nữ.
Những ý tưởng về sự yếu đuối của nữ giới và sức mạnh của nam giới khiến trẻ em gái và phụ nữ phải chịu nhiều bạo lực hơn và củng cố niềm tin vào tính ưu việt của nam giới, vốn là trọng tâm của nam tính gia trưởng. Điều này khiến đàn ông tin rằng họ sở hữu phụ nữ. Theo một nghiên cứu của Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc, ⅓ phụ nữ Việt Nam đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng bạo hành thể xác hoặc tình dục vào một thời điểm nào đó trong đời.
Gia tăng bạo lực và quan niệm cổ hủ với người thuộc cộng đồng LGBT
Những cặp đôi đồng tính thường chịu áp lực của một mặc định phi lý: trong một cặp đôi phải có một người mạnh mẽ hơn, “đàn ông” hơn và một người yếu đuối, “nữ tính” hơn. Hành vi dùng tiêu chuẩn dị tính áp đặt lên một mối quan hệ đồng tính này cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm rành mạch “tính nam” và “tính nữ”.
Hành vi dùng tiêu chuẩn dị tính áp đặt lên một mối quan hệ đồng tính này cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm rành mạch “tính nam” và “tính nữ”.
Ngay cả khi hoàn thành phẫu thuật thể chất, người chuyển giới vẫn mang trong mình một số đặc điểm nữ tính. Đó là lý do khiến một bộ phận nam giới có ác cảm với họ, coi họ như một dạng thể “chưa hoàn thiện”. Jordan Cofer, 22 tuổi, thiệt mạng trong vụ xả súng Dayton Mass, hay Yoshi Tsuchida, bị giết một cách dã man, là hai trong số vô số nạn nhân của những ác ý nhằm vào người chuyển giới.
Những tác động của “tính nữ độc hại” cho thấy những chuẩn mực cũ đã không còn phù hợp, thậm chí là trở nên ác ý và độc hại với bản thân người phụ nữ và xã hội nói chung. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của khoa học và tư tưởng đã cho thấy những cách tiếp cận khác về cả “tính nam” và “tính nữ” có thể góp phần thay đổi hiện trạng này.
Một góc nhìn khác về “tính nam” và “tính nữ”
Theo triết học phương Đông, vòng tròn âm dương thể hiện một cách tương đối rõ ràng một quan điểm vẫn còn có giá trị cho tới ngày nay: trong âm có dương, trong dương có âm. Như vậy, không có sự nữ tính nào phải tồn tại nhờ việc triệt tiêu hoàn toàn những nét “nam tính” truyền thống và ngược lại.
Trong khoa học hiện đại, Carl Jung, là người sáng lập ngành phân tâm học, đã cho chúng ta một cái nhìn khác về định nghĩa nam tính và nữ tính: Trong tâm trí của người phụ nữ tồn tại những khía cạnh nam tính (animus), và ngược lại, tâm trí của một người đàn ông cũng sở hữu những khía cạnh nữ tính (anima). Nghiên cứu này dẫn tới kết luận rằng nam tính hay nữ tính, xét trên góc độ phân tâm học, đều phải là sự cân bằng và tích hợp của cả những đặc điểm nam tính và nữ tính bên trong một cá thể, không có sự lấn lướt hay nổi trội của một bên nào.
Trong tâm trí của người phụ nữ tồn tại những khía cạnh nam tính (animus), và ngược lại, tâm trí của một người đàn ông cũng sở hữu những khía cạnh nữ tính (anima).
Từ đó, nếu một chàng trai có được quyền thể hiện cảm xúc, yêu cầu sự giúp đỡ - hay nhìn chung, chấp nhận khía cạnh nữ tính bản năng của mình, một cô gái cũng có thể trở nên mạnh mẽ, quảng giao và độc lập, phá đi những ràng buộc cũ về một tiêu chuẩn cần có để được công nhận là phụ nữ.
Tính nữ độc hại: cần làm gì để thay đổi?
Thay đổi những quan niệm về cả tính nam và tính nữ độc hại, đồng thời thúc đẩy một sự phát triển cân bằng và lành mạnh hơn là một nhiệm vụ tương đối khó khăn, bởi những nếp suy nghĩ lưu cữu của xã hội cả trăm năm hiện vẫn là một rào cản nặng nề. Bởi vậy, cuộc cách mạng tư tưởng đòi hỏi một thế hệ với những tư tưởng tự do và hiện đại, vượt khỏi những rào cản ngăn cản cả hai giới tiến tới sự bình đẳng và cùng phát triển toàn diện. Thế hệ ấy phải là mắt xích quan trọng nhất, dùng tiềm lực của mình để thúc đẩy công cuộc thay đổi hệ tư tưởng cũ, như:
- Cho và nhận sự hỗ trợ: Khi đối mặt với những ý tưởng và sự tồn tại sâu sắc của nữ tính độc hại, trẻ em gái và phụ nữ cần làm việc cùng nhau, thay đổi nhau và giúp nhau lên tiếng.
- Tăng cường “sức mạnh để hành động”: Cung cấp những thông tin chính xác và cần thiết cho trẻ em gái và phụ nữ nhằm củng cố niềm tin vào khả năng của phụ nữ, lấy lại vị trí xứng đáng cho một người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
- Xây dựng và liên kết sức mạnh: Cần nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hoạt động về quyền và trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ, nhằm tăng cường sức mạnh tập thể để tạo ra sự thay đổi.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng: cách mạng thay đổi tư tưởng không đồng nghĩa với xoá bỏ hoàn toàn những chuẩn mực cũ. Những chuẩn mực đã tồn tại chỉ nên được xem là một trong những tiêu chí để tôn vinh người phụ nữ, thay vì là những gông xiềng trói buộc thái độ và hành vi mà người phụ nữ được phép thể hiện. Mục đích cao nhất của thay đổi tư tưởng là đem lại tiếng nói mới cho phụ nữ, khẳng định rằng sự mặc định “phái yếu” là vô căn cứ, chống lại những khuôn mẫu tiêu cực và mở rộng cơ hội được phát triển đồng đều cho tất cả mọi người.
Trên thực tế, rất nhiều phụ nữ đang mạnh mẽ đả kích những ý tưởng phân biệt giới tính về những gì phù hợp với một người phụ nữ, đồng thời khẳng định rằng không có gì mà một người phụ nữ không thể làm được. Tính nữ không chỉ bao hàm sự đoan trang hay thuỳ mị; nó bao hàm cả quyền lực, khả năng tự làm chủ và tiếng nói riêng. Điều quan trọng là phải nắm bắt sự đa dạng này trong vai trò phụ nữ, để trao cho họ đầy đủ quyền được phát triển và đóng góp cho xã hội.
Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng phụ nữ có quyền bình đẳng để sống cuộc đời của mình theo cách mình muốn, phải ngừng dán nhãn và kiểm soát phụ nữ về cách họ nên tỏ thái độ, hành động hay cư xử. Đã tới lúc giải phóng cả những thế hệ trước, những người đã chịu những đàn áp nặng nề của tư tưởng thiếu công bằng. Đã tới lúc phụ nữ có thể làm được mọi việc mà đàn ông có thể, mà không gì có thể ngăn trở được.
Bài viết có sử dụng các thông số từ Viện Quốc gia về Truyền thông và Gia đình (National Institute on Media and the Family), Mỹ và booklet Understanding Masculinities and Violence Against Women thuộc nghiên cứu của Liên Hợp Quốc.
Thu Hà
LINK gốc bài viết: [Trạm Nghiền Ngẫm] Vì một thế giới không còn nữ tính độc hại (tramdoc.vn)