Vai trò giới thật sự là gì?
“Con trai mà khóc à, yếu đuối thế!”
“Đàn ông không có sự nghiệp trong tay thì không phải là đàn ông.”
“Con gái phải biết nội trợ, để sau này lấy chồng còn chăm chồng chăm con.”
“Phụ nữ thì sao làm lãnh đạo được!”
…
Những câu nói ở trên, chúng mình tin là bạn đã từng nghe qua ít nhiều. Mẫu câu mở đầu bằng “con gái/con trai/đàn ông/phụ nữ thì phải…” chính là điển hình của việc quy chụp, định kiến, áp đặt những quy chuẩn xã hội đã lỗi thời lên giới nam và nữ. Đó là biểu hiện của bất bình đẳng giới.
Định nghĩa về bất bình đẳng giới, chúng mình cũng tin là bạn đã từng nghe qua. Nhưng liệu bạn có biết, khái niệm này có liên quan mật thiết như thế nào tới vai trò giới? Vậy thì vai trò giới là gì nhỉ, chúng có liên hệ gì với bất bình đẳng giới? Hãy cùng Vietnam Youth Alliance đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!
Định nghĩa
Vai trò giới là gì?
Vai trò giới là những chuẩn mực về cách hành xử, ăn mặc và lời nói dựa trên giới tính mặc định. Phổ biến nhất là chuẩn mực “đàn ông phải mạnh mẽ” còn “phụ nữ phải nữ tính và dịu dàng”.
Mỗi xã hội, mỗi dân tộc, mỗi văn hóa đều có những kỳ vọng về vai trò giới khác nhau. Những kỳ vọng này cũng có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ, ở Mỹ, màu hồng từng được cho là nam tính và màu xanh là nữ tính. Nhưng ở thời điểm hiện tại, hai màu sắc này gần như đã đổi ngược vị trí cho nhau. Màu xanh thể hiện sự nam tính còn nữ tính gắn liền với màu hồng.
Lịch sử phát triển của khái niệm
Sự quan tâm về vai trò giới gia tăng
Cuối thế kỷ 19, vai trò giới bắt đầu trở thành đối tượng nghiên cứu trong khoa học. Một số các nhà tình dục học như Havelock Ellis (1859 –1939) và nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856 –1939) bắt đầu dành nhiều sự quan tâm đến vấn đề tình dục. Đặc biệt là đối với đối tượng có ham muốn khác với vai trò giới thông thường lúc bấy giờ.
Các nhà phân tích đặt ra câu hỏi về cách những đối tượng trên định vị bản thân trong các khía cạnh của giới. Ví dụ, nếu một người cho rằng ham muốn tình dục đồng giới xảy ra khi một người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học (đảo ngược giới), vậy cụ thể đảo ngược là như thế nào?
Càng đi sâu vào phân tách riêng từng khái niệm, càng gợi lên nhiều những thắc mắc về giới tính, cơ thể, vai trò giới tính và ham muốn tình dục. Các ngành tâm lý học, sinh học, xã hội học đều có những giải đáp về nguồn gốc của giới. Nhưng cách mỗi người nhìn nhận giới cũng như ý nghĩa của tiêu chuẩn giới trong xã hội là rất linh hoạt và không thống nhất.
Thuật ngữ “vai trò giới” ra đời
Cuối những năm 1950, nhà tình dục học John Money (1921–2006) đã đề ra thuật ngữ “vai trò giới” để phân biệt hành vi liên quan đến giới tính sinh học và hành vi liên quan đến thực tiễn xã hội với bản dạng giới. Bên cạnh đó, vai trò giới cũng không được xác định dựa vào bộ phận sinh dục.
Khái niệm này có tác động lớn đến cách giải thích trật tự xã hội và những kỳ vọng của vai trò giới truyền thống. Vào những năm 1970, các nhà nữ quyền, nổi bật là Gayle Rubin (sinh năm 1949), đã xâu chuỗi các yếu tố kinh tế, xã hội và tâm lý hình thành nên giới dựa trên những quan niệm về sự khác biệt giới tính. Nghiên cứu lịch sử cuối thế kỷ 20 về giới cũng cho thấy rằng, theo thời gian, các chuẩn mực xã hội sẽ là thước đo xác định vai trò giới. Bên cạnh đó, sự khác biệt về vai trò giới giữa những nhóm văn hóa khác nhau, hoặc giữa các tầng lớp trong cùng một xã hội, cũng sẽ ngày càng trở nên rõ nét.
Những quan niệm sai lệch
Theo dòng phát triển của nhân loại, đồng tính nam/nữ, song tính và chuyển giới đã thách thức những vai trò giới quen thuộc. Giới và xu hướng tính dục từng được cho là có liên hệ chặt chẽ với nhau. Khái niệm thể hiện giới từng bị gắn liền, thậm chí là thống nhất với xu hướng tính dục.
Chính quan niệm sai lệch về thể hiện giới và xu hướng tính dục này đã dẫn đến những phản ứng tiêu cực của nền văn hóa dị tính đối với người đồng tính nam/nữ, song tính và chuyển giới. Ví dụ, nếu một người có giới tính sinh học là nam nhưng lại thể hiện những nét nữ tính truyền thống, họ sẽ được cho là đồng tính nam. Tương tự, người có giới tính sinh học là nữ thể hiện ra những đặc điểm nam truyền thống sẽ được cho là đồng tính nữ.
Các khuôn mẫu giới điển hình theo từng thời kỳ
Khuôn mẫu về giới nam
Việc ủng hộ bình đẳng giới có sự gia tăng
Từ nhỏ, nam giới Việt đã tiếp xúc với chuẩn mực của xã hội về hai giới nam và nữ. Điển hình là việc người nam phải mạnh mẽ và dành sự ưu tiên cho sự nghiệp. Những chuẩn mực này dần in sâu trong cuộc sống hàng ngày. Chúng trở thành một điều dĩ nhiên và cứ như vậy truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xã hội hiện đại dần hướng sự quan tâm đến công nghệ, môi trường và sức khỏe con người. Đây chính là một cú hích tạo cơ hội thay đổi những quy chuẩn truyền thống rập khuôn về giới. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của mạng xã hội cũng tạo điều kiện cho các chiến dịch bình đẳng giới tiếp cận rộng rãi được tới nhiều người thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Từ đó mở ra nhiều góc nhìn mới tích cực về giới cũng như vai trò giới.
Nhiều cuộc khảo sát đã cho thấy việc ủng hộ bình đẳng giới ở nhóm nam giới trẻ tuổi có sự gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Họ sẵn sàng chia sẻ với vợ quyền sở hữu tài sản, gánh nặng việc nhà, trách nhiệm đưa ra quyết định liên quan tới gia đình cũng như trách nhiệm nuôi dưỡng con cái.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những quan điểm định kiến tiêu cực…
Tuy vậy, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội – ISDS tại Hà Nội, đa số nam giới Việt Nam vẫn có tính gia trưởng và thói quen hút thuốc, uống rượu bia. Bên cạnh đó, phần đông cũng thường phải chịu áp lực về việc có một sự nghiệp ổn định để trở thành trụ cột cho gia đình.
Ngày nay, nam giới trẻ tuổi, có học vấn ở thành thị đã cởi mở hơn về vai trò giới. Nhưng không thể phủ nhận rằng, hầu hết nam giới Việt Nam vẫn giữ quan điểm định kiến gán nam giới với sức mạnh, với những công việc bên ngoài và có tính chất quan trọng hơn; còn nữ giới gắn liền với sự dịu dàng, địa vị thấp hơn, phải hy sinh cho gia đình.
Thay đổi phân công lao động theo giới là nhiệm vụ khó nhất trong xóa bỏ bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, có tới 1/3 nam giới được hỏi chưa từng làm việc nhà khi dưới 18 tuổi. Con số này phần nào cho thấy nữ giới vẫn đảm đương hầu hết các công việc gia đình hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa cũng như chăm sóc con cái.
Vai trò giới tuyền thống của nam giới Việt Nam
Vai trò giới truyền thống của nam giới Việt Nam nhẹ nhàng hơn. Điều này cho phép họ có nhiều cơ hội hơn so với nữ giới. Những đứa trẻ sẽ lấy họ và quê quán theo cha. Lý do là bởi người nam luôn được coi là bộ mặt, là đại diện của gia đình. Điều này càng thể hiện rõ qua thói quen hàng ngày của người dân, nhất là ở vùng nông thôn. Hầu hết mọi người sẽ gọi những thành viên trong một gia đình theo mối quan hệ với thành viên nam lớn tuổi nhất, thay vì gọi tên và danh tính chính xác của người đó. Trong các nghi lễ quan trọng nam giới cũng là người đại diện đi mời, đón, đãi khách; còn nữ giới thường chỉ tập trung nấu nướng, dọn dẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, người nam trong xã hội truyền thống Việt Nam cũng phải gánh vác nhiều trách nhiệm. Vì người vợ đảm đương việc nhà và chăm con, người chồng phải là trụ cột chính của gia đình. Điều này kéo theo rất nhiều áp lực; đặc biệt là kỳ vọng nam giới phải có sự nghiệp ổn định và địa vị cao trong xã hội. Do đó, vai trò giới truyền thống cho rằng con trai có nhiều cơ hội đến trường hơn con gái. Lý do là bởi sau này, họ là người sẽ mang lại danh tiếng và tiền bạc cho gia đình.
Khuôn mẫu về giới nữ
Phụ nữ vẫn phải chịu nhiều bất công
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng kể để đẩy thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên,vẫn còn đó rất nhiều thách thức. Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê năm 2010, 58% phụ nữ đã kết hôn từng phải trải qua bạo lực gia đình. Các chuẩn mực về sự gia trưởng tạo nên một xã hội chấp nhận bạo lực đối với phụ nữ. Thậm chí, những hành vi bạo lực còn dễ dàng được che giấu. Do đó, phụ nữ thường có xu hướng nhẫn nhịn và chịu đựng. Đa số họ không lên tiếng để tìm kiếm sự hỗ trợ từ luật pháp và cộng đồng.
Tâm lý chuộng con trai vẫn còn tồn tại phổ biến ở Việt Nam. Kéo theo đó là thực trạng phá thai để lựa chọn giới tính của con. Bằng chứng là trong nhiều năm liền, số trẻ em trai được sinh ra luôn nhiều hơn trẻ em gái. Trong giáo dục, cũng dễ nhận thấy sự chênh lệch giới trong các lĩnh vực nghiên cứu. Con gái vẫn thường tham gia nhiều hơn vào các nghiên cứu khoa học xã hội; còn con trai thì nghiên cứu về khoa học và kỹ thuật.
Số lượng phụ nữ nắm vị trí cao trong tổ chức chính phủ hay các doanh nghiệp cũng hạn chế hơn rất nhiều so với nam giới. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa mức lương của nam và nữ trong cùng một vị trí công việc cũng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.
Định kiến về giới tạo ra nhiều rào cản cho phụ nữ
Những định kiến về giới đang giam giữ phụ nữ và nam giới trong những vai trò, vị trí và nghề nghiệp nhất định. Theo báo cáo của UNDP, rất ít phụ nữ đạt được các vị trí cấp cao trong chính phủ. Trong nền công vụ, phụ nữ nắm giữ rất ít chức vụ cao cấp: chỉ 9% trong số các bộ trưởng, 8% thứ trưởng và 7% ở cấp tổng giám đốc.
Ở Việt Nam, những vai trò giới bình thường vẫn bị xem là “bất bình thường”. Điều này dễ dàng được bắt gặp ở gia đình, trường học, nơi làm việc. Thậm chí là ngay cả trong những thói quen và cuộc trò chuyện hàng ngày:
- Nữ giới bị cho là không có đủ năng lực lãnh đạo như nam giới;
- Nhiều cặp vợ chồng lựa chọn phá thai để chọn giới tính vì muốn có con trai;
- Các hành vi bạo lực và quấy rối phụ nữ không bị lên án một cách triệt để;
- Phụ nữ hoàn toàn chịu trách nhiệm chăm sóc con cái. Trong khi nam giới có thể tham gia các hoạt động “nam tính” như uống rượu và chơi thể thao.
Những tiêu chuẩn được đặt ra cho phụ nữ Việt Nam
Sống trong một xã hội chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những giá trị Nho giáo thời phong kiến, phụ nữ Việt Nam phải tuân theo rất nhiều tiêu chuẩn. Tam tòng và Tứ đức là điều mà nhiều phụ nữ Việt thuộc nằm lòng. Thậm chí nó còn được truyền qua nhiều thế hệ trong cùng một gia đình.
Tam tòng bao gồm:
- Trước khi kết hôn, phải nghe theo cha với tư cách một người con gái;
- Sau khi kết hôn, phải nghe theo chồng với tư cách một người vợ;
- Nếu chồng qua đời thì phải nghe theo con trai.
Tứ đức là “Công – Dung – Ngôn – Hạnh”:
- Kỹ năng nội trợ tốt: Thêu thùa, nấu ăn, đặc biệt là nuôi dạy trẻ;
- Vẻ đẹp dịu dàng: Phải biết chăm sóc sắc đẹp, gọn gàng, sạch sẽ;
- Nói năng đúng mực: Các cô gái phải học cách nói năng nhỏ nhẹ và khiêm tốn. Dễ nhận thấy, trong phim Việt, các vai nữ không bao giờ nói quá to;
- Ứng xử một cách gương mẫu, đức hạnh: Đây được cho là điều quan trọng nhất với người phụ nữ. “Hạnh” được thể hiện nhiều qua cách họ đối xử với mọi người xung quanh. Họ phải biết kính trên nhường dưới, nghe lời chồng, chăm con và hòa thuận với gia đình chồng. Ngoài ra, phải khiêm tốn khi ra ngoài để không làm xấu mặt bản thân và gia đình.
Có một câu nói quen thuộc: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.”. Người phụ nữ Việt Nam luôn được kỳ vọng phải đặt gia đình lên hàng đầu. Ngay cả khi hôn nhân không hòa thuận, chồng ăn chơi, họ vẫn phải gánh vác công việc gia đình.
Khác
Liên giới tính
Những kiến thức và thông tin về người liên giới tính hiện chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, không khó để ta bắt gặp những định kiến quen thuộc như sau:
- Tạo hóa chỉ tạo ra đàn ông và phụ nữ. Do đó, không có người liên giới tính. Đây là quan điểm phổ biến nhất khi nhắc đến người liên giới tính. Tuy vậy, ta đều biết rằng có những người được sinh ra với đặc điểm cơ thể của cả nam và nữ, hoặc không thể hiện rõ đặc điểm cơ thể của nam hay nữ. Bạn có thể đọc thêm về người liên giới tính ở đường link sau: [Liên giới tính và những điều bạn cần biết];
- Người liên giới tính nhất định phải trở thành đàn ông hoặc phụ nữ. Việc người liên giới tính có muốn thực hiện phẫu thuật hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào họ chứ không phải từ những định kiến hay sức ép từ gia đình và xã hội. Việc phẫu thuật khiến một người liên giới tính thành một giới tính mà họ không muốn hoặc ép họ tiến hành phẫu thuật sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt tinh thần và thậm chí là thể chất;
- Ngay cả khi không phẫu thuật, họ phải được nuôi dạy và cư xử như một người đàn ông hoặc phụ nữ. Đây là hệ quả khi coi giới tính là nhị nguyên – một người phải là đàn ông hoặc phụ nữ. Tuy nhiên, những người liên giới tính nên có quyền tự do nhận dạng bản thân là nam, nữ, đa dạng giới, phi nhị nguyên giới, hoặc thuộc các giới khác.
Two Spirit
Hiện nay, khái niệm “two-spirit” có thể được bao hàm trong LGBT. Tuy nhiên thuật ngữ này không chỉ đơn giản là một người Mỹ bản địa/thổ dân Alaska đồng tính.
Theo truyền thống, người Mỹ bản địa two-spirit chính là những người nam, nữ và cả liên giới tính – những người tham gia các hoạt động của cả nam và nữ và sở hữu các đặc điểm two-spirit riêng biệt. Trong hầu hết các bộ lạc, họ không được coi là nam hay nữ, họ có địa vị và giới tính khác biệt. Tại một số bộ lạc, nam và nữ two-spirit sẽ được gọi bằng một thuật ngữ riêng. Điều này tạo nên một “giới thứ ba” (không phải thuật ngữ “giới tính thứ ba” mang tính kỳ thị) và thậm chí là “giới thứ tư” đối với một tên gọi dành riêng cho phụ nữ two-spirit.
Những người two-spirit trên khắp Bắc Mỹ thường có một số đặc điểm chung:
Công việc đặc biệt
Những người two-spirit thường được mô tả bằng các sở thích, thành tích mà họ đạt được trong công việc. Một số two-spirit là những chuyên gia trong nghệ thuật truyền thống – chẳng hạn như làm đồ gốm, đan giỏ, và sản xuất và trang trí các mặt hàng làm từ da. Mặt khác, trong bộ tộc Navajo, những người đàn ông two-spirit thường trở thành thợ dệt – công việc hay được đánh giá là của cả nam giới và nữ giới, hay chữa bệnh – công việc thường được đánh giá là của nam giới. Ngoài ra, phụ nữ two-spirit cũng sẽ tham gia vào các hoạt động như săn bắn và chiến tranh. Họ có thể trở thành những người lãnh đạo trong các cuộc chiến và thậm chí là tù trưởng.
Khác biệt về giới
Có nhiều điểm khác nhau giữa đàn ông, phụ nữ và two-spirit. Những đặc điểm khác biệt này gồm tính cách, cách ăn mặc, lối sống, các vai trò trong xã hội…
Sự công nhận về mặt tâm linh
Nhiều người tin rằng two-spirit là kết quả của sự can thiệp của các thế lực siêu nhiên thông qua viễn cảnh hoặc giấc mơ. Niềm tin này được củng cố bởi những câu chuyện thần thoại của bộ lạc. Vì thế, trong nhiều bộ lạc, two-spirit đảm nhận các vai trò tôn giáo đặc biệt. Ví dụ như là người chữa bệnh, pháp sư và người điều hành các nghi lễ…
Quan hệ đồng giới
Những người two-spirit thường hình thành các mối quan hệ tình dục và tình cảm ngắn hạn lẫn dài hạn với các thành viên không phải two-spirit và có cùng giới tính với họ. Trong các bộ tộc Lakota, Mohave, Crow, Cheyenne và nhiều tộc khác, người two-spirit được cho là may mắn trong tình yêu và có thể đem lại sự may mắn này cho những người khác.
Hầu hết các cộng đồng bản địa đều có các thuật ngữ gọi các thành viên thuộc các giới khác nhau, vai trò xã hội và tinh thần của họ bằng ngôn ngữ riêng. Ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng với hơn 500 nền văn hóa thổ dân Mỹ còn sót lại, những góc nhìn về giới và giới tính có thể rất đa dạng. Hiện tại, thuật ngữ chung là “two-spirit” đã được sử dụng một cách phổ biến. Tuy nhiên, không phải tất cả các nền văn hóa bản địa đều nhìn nhận người two-spirit theo cách giống nhau, hoặc chấp nhận sử dụng một thuật ngữ chung để thay thế các thuật ngữ đã có trong nền văn hóa của họ.
Bàn luận về vai trò giới
Vai trò giới là tốt hay xấu?
Hiện nay, một số người lo sợ rằng “vai trò giới” quá bó buộc và rập khuôn. Thậm chí có những vai trò được nhận định là “sai”. Việc gộp chung những quan niệm này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành các trách nhiệm giới của một người. Ví dụ, một người cảm thấy họ không phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội. Từ đó, họ cho rằng mình không thể hòa nhập được. Đây rõ ràng không phải mục đích của vai trò giới.
Việc nhận định vai trò giới cơ bản và truyền thống thường sẽ tạo ra lợi ích cho cá nhân và xã hội. Nam giới và nữ giới có những khả năng riêng biệt cho phép mỗi người đảm nhiệm những vai trò khác nhau và bổ sung cho nhau. Nữ giới được nhìn nhận là “người sinh nở” và đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái. Còn nam giới thường được cho rằng sẽ đảm bảo về vật chất và tài chính cho gia đình.
Tuy nhiên, những vai trò này luôn có khả năng chuyển đổi. Mỗi gia đình và cá nhân đều có những nhu cầu khác nhau. Các bà mẹ có thể đi làm, và ông bố hoàn toàn có thể ở nhà chăm con. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là ta sẽ phủ định và loại bỏ những vai trò truyền thống. Trái lại, khi ta công nhận sự độc đáo của cả hai giới sẽ tạo ra những nhu cầu về vai trò giới. Cả hiện đại lẫn truyền thống sẽ giúp ta dễ dàng giúp đỡ nhau trong các mối quan hệ. Từ đó, xây dựng xã hội ngày càng vững mạnh hơn.
Tại sao mọi người lại lựa chọn tuân theo/không tuân theo vai trò giới?
Theo khảo sát trên Debate.org, một số người cho rằng phải có kỳ vọng cụ thể về giới. Vì mỗi giới đều có những nhiệm vụ riêng “để xã hội vận hành một cách tự nhiên”. Vài người khác tin rằng không thể xóa bỏ vai trò giới vì sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Việc cư xử theo giới một cách truyền thống nằm trong “bản chất của chúng ta”. Daniel Miesser giải thích rằng họ luôn tin: “Các cô gái hành động nữ tính là do bẩm sinh. Việc thiết lập vai trò giới không liên quan đến nó”. Theo họ, phụ nữ nên làm việc nhà và những việc “nữ tính” khác bởi đó là “bẩm sinh”. Một số tôn giáo cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ về vai trò giới, như Cơ đốc giáo, Hồi giáo,…
Một số người cho rằng vai trò giới truyền thống đã tồn tại quá lâu. Chúng dần trở thành yếu tố then chốt trong sự phát triển của con người. Vì thế, chúng nên được giữ nguyên. Một số người lại cho rằng trong xã hội ngày nay, vai trò giới truyền thống không quá cần thiết. Bởi cả đàn ông và phụ nữ đều có khả năng trong các công việc thiết yếu như nhau. Vì vậy những việc chỉ đặc biệt dành cho một giới trở nên thừa thãi. Tuy vậy, khi xem xét một cách toàn diện hơn, cả vai trò giới truyền thống và hiện đại cần được bổ sung cho nhau. Từ đó, giúp các mối quan hệ trong xã hội ngày càng được bền chặt và vững mạnh hơn.