Bài Phát Biểu Về Bình Đẳng Giới Năm 2014 Của Emma Watson
Vào ngày 20 tháng 9 năm 2014, diễn viên người Anh kiêm Đại sứ Thiện chí cho Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc, Emma Watson, đã có một bài phát biểu vô cùng mạnh mẽ, hệ trọng, và xúc động về bất bình đẳng giới và cách để chống lại nó. Khi đó, cô đã phát động phong trào HeForShe (Vì những người phụ nữ quanh ta), nhằm huy động nam giới tham gia vào cuộc đấu tranh nữ quyền vì bình đẳng giới. Trong bài phát biểu, Watson đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi những quan niệm tiêu cực và có hại về nam tính cũng như những kỳ vọng về hành vi đối với nam giới nhằm đạt được bình đẳng giới.
Tiểu sử
Emma Watson là nữ diễn viên kiêm người mẫu người Anh sinh năm 1990, được biết đến nhờ vai diễn Hermione Granger trong 8 phần phim Harry Potter trong suốt 10 năm. Được sinh ra tại Paris, Pháp với một cặp luật sư người Anh đã ly hôn, cô đã kiếm được 60 triệu đô nhờ vai diễn Granger trong 8 phần phim Harry Porter.
Watson bắt đầu tham gia các lớp học diễn xuất từ năm 6 tuổi, và được chọn vào dàn diễn viên Harry Potter năm 2001 khi mới 9 tuổi. Cô theo học Trường Dragon ở Oxford, sau là trường nữ sinh tư thục Headington. Cuối cùng thì cô đã lấy được bằng cử nhân Văn học Anh tại Đại học Brown ở Hoa Kì.
Watson đã tích cực tham gia vào các hoạt động nhân đạo trong nhiều năm, cố gắng thúc đẩy thương mại công bằng và quần áo hữu cơ, đồng thời là đại sứ cho CAMFED International (Campaign for Female Education International: Chiến dịch Giáo dục Nữ giới Quốc tế), một phong trào giáo dục các bé gái ở vùng nông thôn Châu Phi.
Watson là một trong số rất nhiều phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã tận dụng địa vị nổi tiếng của mình để đưa các vấn đề về quyền phụ nữ ra trước công chúng. Danh sách này bao gồm Jennifer Lawrence, Patricia Arquette, Rose McGowan, Annie Lennox, Beyonce, Carmen Maura, Taylor Swift, Lena Dunham, Katy Perry, Kelly Clarkson, Lady Gaga và Shailene Woodley, mặc dù vài người đã từ chối tự nhận mình là “nhà hoạt động nữ quyền”.
Những người phụ nữ này vừa được tôn vinh vừa bị chỉ trích vì những lập trường của họ; thuật ngữ "người nổi tiếng ủng hộ nữ quyền" đôi khi được sử dụng để bôi nhọ thành tích hoặc nghi ngờ về tính chân thật của họ, nhưng chắc chắn rằng việc họ đấu tranh cho cho đại nghĩa đã làm sáng tỏ nhiều mối lo ngại.
Năm 2014, Watson được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí cho Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc, một chương trình thu hút sự tham gia của những người nổi tiếng trong các lĩnh vực nghệ thuật và thể thao để đẩy mạnh các chương trình của Liên hợp quốc. Vai trò của Watson là cố vấn cho chiến dịch bình đẳng giới HeForShe của Liên Hiệp Quốc.
HeForShe, do Elizabeth Nyamayaro của Liên Hợp Quốc đứng đầu và được chỉ đạo bởi Phumzile Mlambo-Ngcuka, là một chương trình cam kết nâng cao vị thế của phụ nữ và kêu gọi nam giới trên toàn thế giới đoàn kết với nữ giới khi họ nỗ lực biến bình đẳng giới thành hiện thực.
Bài phát biểu tại Liên hợp quốc là một phần trong những nhiệm vụ chính thức của cô với tư cách là Đại sứ Thiện chí cho Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc. Dưới đây là bản ghi đầy đủ bài phát biểu dài 13 phút của cô ấy; sau đó là phần thảo luận về việc tiếp nhận bài phát biểu.
Bài phát biểu của Emma Watson tại Liên hợp quốc
Hiện nay, chúng tôi đang phát động một chiến dịch có tên là “HeForShe”. Tôi đến đây vì chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn. Chúng tôi muốn chấm dứt bất bình đẳng giới, và để làm được điều này, chúng tôi cần tất cả mọi người cùng tham gia. Đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc có một chiến dịch về chủ đề này. Chúng tôi muốn cố gắng huy động nam giới nhiều nhất có thể để hỗ trợ cho sự thay đổi này. Và chúng tôi muốn đó không chỉ là lời nói, chúng tôi muốn biến nó thành hiện thực thông qua hành động.
Tôi đã được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc 6 tháng trước. Và càng bàn luận nhiều về nữ quyền, tôi càng nhận thấy rằng việc đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ thường bị đánh đồng với việc căm ghét nam giới. Có một việc mà tôi biết chắc chắn, đó chính là việc này phải chấm dứt.
Nữ quyền được định nghĩa là "Niềm tin rằng nam giới và nữ giới cần phải có những quyền lợi và cơ hội ngang nhau. Nó bao gồm: bình đẳng trong chính trị, kinh tế và xã hội."
Trước đây rất lâu, tôi đã bắt đầu đặt ra những nghi vấn về vấn đề giới tính. Khi tôi 8 tuổi, tôi đã rất băn khoăn khi bị cho là “hống hách” chỉ vì tôi muốn chỉ đạo những vở kịch cho bố mẹ xem, nhưng hội con trai thì không bị như vậy. Năm 14 tuổi, tôi bắt đầu bị định giới tính bởi các nhân tố truyền thông. Ở độ tuổi 15 tuổi, các cô bạn của tôi bắt đầu rời bỏ đội thể thao vì họ không muốn trông quá “cơ bắp”. Khi lên 18, những cậu bạn của tôi không thể biểu đạt cảm xúc của họ.
Tôi quyết định rằng mình sẽ trở thành một người đấu tranh cho nữ quyền, và điều này dường như không hề phức tạp đối với tôi. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã cho tôi thấy rằng, “nữ quyền” đã trở thành một từ không quen thuộc đối với mọi người. Phụ nữ hiện nay đang không muốn trở thành những nhà ‘nữ quyền’. Có thể thấy rõ rằng là tôi nằm trong số những phụ nữ có biểu hiện quá mạnh mẽ, quá hung hăng, độc đoán và chống đối đàn ông, thậm chí là không hề hấp dẫn.
Tại sao một từ lại có thể trở nên khó nghe như vậy? Tôi đến từ Anh và tôi nghĩ rằng việc mình được trả mức lương ngang bằng với các đồng nghiệp nam, và việc tôi có thể tự đưa ra những quyết định cho bản thân mình là một điều đúng đắn. Tôi nghĩ rằng việc phụ nữ được tham gia vào các chính sách và các quyết định có thể khiến cho cuộc sống của họ thay đổi, và rằng việc nữ giới có quyền được tôn trọng y như nam giới trong xã hội là một điều đúng đắn.
Nhưng thật đáng buồn, có thể nói rằng không có một quốc gia nào trên thế giới mà tất cả phụ nữ đều được nhận những sự đối xử công bằng như vậy. Không quốc gia nào trên thế giới có thể tuyên bố rằng họ đã đạt đến sự bình đẳng giới hoàn toàn. Những quyền lợi ấy, tôi coi là quyền con người nhưng tôi là một trong số những người may mắn. Cuộc sống của tôi là chuỗi những đặc ân tuyệt vời vì bố mẹ không yêu tôi ít hơn chỉ vì tôi sinh ra là con gái. Trường học không hề giới hạn tôi chỉ vì tôi là học sinh nữ. Những người cố vấn của tôi không hề cho rằng tôi sẽ vươn kém xa hơn chỉ bởi vì tôi sẽ sinh một đứa trẻ vào một ngày nào đó. Những yếu tố đó là cầu nối về bình đẳng giới đã tạo nên con người tôi hôm nay. Có thể họ không biết, nhưng họ chính là những nhà hoạt động nữ quyền thầm lặng đang góp phần thay đổi thế giới hôm nay. Và chúng ta cần nhiều những người như họ hơn nữa.
Và nếu bạn vẫn ghét bỏ từ “nữ quyền”, thì vấn đề không phải nằm ở từ ngữ đó. Mà chính là bởi ý niệm và tham vọng đằng sau nó, bởi vì không phải tất cả phụ nữ đều nhận được những quyền lợi mà tôi có. Theo thống kê, thực tế có rất ít.
Năm 1995, Hillary Clinton đã có một bài phát biểu nổi tiếng ở Bắc Kinh về quyền lợi của phụ nữ. Đáng buồn thay, rất nhiều điều bà mong muốn được thay đổi vẫn chưa được cải thiện. Nhưng điều nổi bật nhất đối với tôi là chỉ có chưa đến 30% khán giả lúc đó là nam giới. Làm sao chúng ta thay đổi và gây ảnh hưởng đến thế giới khi chỉ có một nửa của thế giới được mời hoặc cảm thấy được chào đón tham gia vào cuộc trò chuyện?
Những người đàn ông, tôi xin được nhân cơ hội này để đưa ra lời mời chính thức tới các ngài. Bình đẳng giới cũng là vấn đề của quý vị. Bởi vì cho đến nay, tôi đã chứng kiến thấy vai trò làm phụ huynh của cha tôi bị đánh giá thấp hơn, mặc dù một đứa trẻ như tôi cũng cần sự hiện diện của ông như của mẹ vậy. Tôi đã chứng kiến những thanh niên gặp trở ngại về tâm lý, không thể đi tìm sự giúp đỡ vì sợ làm vậy sẽ khiến họ mất đi sự nam tính của một người đàn ông. Trên thực tế, ở Anh, tự tử là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 49, hơn cả tai nạn giao thông, ung thư và bệnh tim mạch vành. Tôi đã thấy những người đàn ông trở nên yếu đuối và sợ hãi bởi sự bóp méo về định nghĩa của ‘sự thành công của đàn ông’. Nam giới cũng không hề được hưởng lợi từ sự bất bình đẳng giới.
Chúng ta thường không nói về việc đàn ông bị giam cầm bởi các định kiến giới, nhưng sự thực chính là như vậy. Và khi họ được giải phóng khỏi những định kiến ấy, mọi thứ cũng sẽ thay đổi đối với phụ nữ như một hệ quả tự nhiên. Nếu đàn ông không cần phải trở nên hung hăng, thì phụ nữ sẽ không bị buộc phải phục tùng. Cả đàn ông và phụ nữ nên cảm thấy tự do để trở nên thông cảm và mạnh mẽ hơn. Đã đến lúc tất cả chúng ta nhìn nhận giới tính trên một lăng kính thay vì nghĩ đó là hai ý tưởng đối lập nhau. Nếu chúng ta ngừng đánh giá nhau rằng mình không phải là ai và bắt đầu tự nhìn nhận bản thân rằng ta là ai, thì tất cả chúng ta sẽ trở nên tự do hơn, và đó chính là điều mà HeForShe hướng tới. Đó là thông điệp về sự tự do.
Tôi muốn những người đàn ông bỏ đi lớp vỏ bọc bên ngoài để để con gái, chị em và mẹ của họ có thể được giải phóng khỏi những định kiến; và cũng để con trai của họ được phép tỏ ra yếu mềm như một con người và nhờ vậy, có thể trở thành một người thực chất và hoàn thiện hơn.
Các bạn có thể đang nghĩ, "Cô nhóc Harry Potter này là ai và cô ta đang làm gì tại Liên Hợp Quốc?" Và, đó là thực sự là một câu hỏi hay. Tôi cũng đã tự hỏi mình điều tương tự.
Tất cả những gì tôi biết, là tôi thực sự quan tâm đến vấn đề này và tôi muố cải thiện nó. Và, sau những gì tôi đã chứng kiến và khi được trao cho cơ hội này, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng.
Nhà chính trị Edmund Burke đã từng nói: “Tất cả những gì cần thiết để thế lực hắc ám lên ngôi là việc những người đàn ông và phụ nữ lương thiện không làm gì cả.”
Trong những lúc lo lắng cho bài phát biểu này và nghi ngờ bản thân, tôi đã tự nhủ với một tâm thế vững vàng: “Không phải tôi thì thì sẽ là ai? Nếu không phải bây giờ thì sẽ là khi nào?” Nếu bạn cũng có những nghi ngờ tương tự khi cơ hội đến với bạn, tôi hy vọng những lời này sẽ hữu ích. Bởi vì thực tế là nếu chúng ta không làm gì, thì sẽ mất 75 năm, gần 100 năm cho toàn bộ phụ nữ có thể mong đợi được trả công công bằng với nam giới cho cùng một công việc. 15,5 triệu bé gái sẽ phải kết hôn khi còn là đứa trẻ trong vòng 16 năm tới. Và với tốc độ hiện tại, phải đến năm 2086, tất cả phụ nữ ở vùng nông thôn Châu Phi mới được tiếp cận nền giáo dục bậc trung học cơ sở.
Nếu bạn tin vào bình đẳng giới, bạn đã có thể vô tình trở thành một trong những người ủng hộ nữ quyền mà tôi đã đề cập trước đó, và vì điều này, tôi xin được vỗ tay hoan nghênh các bạn. Chúng ta đang đấu tranh cho một thế giới thống nhất, nhưng tin tốt là chúng tôi vẫn có một bước đi chung. Nó được gọi là “HeForShe”. Tôi mời bạn bước lên để được nhận diện và tự hỏi chính mình: “Không phải tôi thì thì sẽ là ai? Nếu không phải bây giờ thì sẽ là khi nào?”
Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Bài phát biểu của Watson được công chúng đón nhận rất tích cực và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt tại trụ sở Liên hợp quốc; Joanna Robinson gọi bài phát biểu là "tràn đầy nhiệt huyết" trên Vanity Fair; và Phil Plait cho rằng nó rất "tuyệt vời" trên Slate. Một số người đã ưu ái ví bài phát biểu của Watson với bài phát biểu của Hilary Clinton tại Liên Hợp Quốc 20 năm trước.
Các báo cáo báo chí khác lại có phản hồi ít tích cực hơn. Trên tờ The Guardian, Roxane Gay bày tỏ sự thất vọng rằng ý tưởng về việc phụ nữ đòi hỏi các quyền lợi giống như nam giới chỉ gây được tiếng vang khi được thể hiện "trong một gói phù gợp: một kiểu sắc đẹp, danh tiếng và/hoặc sự tự giễu cụ thẻ." Cô ấy khẳng định rằng nữ quyền không nên là thứ cần một chiến dịch tiếp thị mời gọi.
Trên Al Jazeera, Julia Zulwer đã thắc mắc tại sao Liên Hợp Quốc lại chọn một "nhân vật ngoại lai, xa lạ" làm đại diện cho phụ nữ trên thế giới.
Theo Maria Jose Gámez Fuentes và các đồng nghiệp, phong trào HeForShe được thể hiện trong bài phát biểu của Watson là một nỗ lực sáng tạo nhằm kết nối với trải nghiệm của nhiều phụ nữ mà không tập trung vào các chấn thương tâm lý. Tuy nhiên, phong trào HeForShe yêu cầu những người có thẩm quyền phải chủ động. Theo các học giả, điều này tước đi quyền tự quyết của phụ nữ vì họ bị coi là là mục tiêu của bạo lực, bất công và áp bức, thay vào đó, lại trao cho nam giới khả năng khắc phục tình trạng mất mát quyền tự quyết này, để trao quyền lợi cho phụ nữ và mang lại tự do cho họ. Ý chí xóa bỏ bất bình đẳng giới phụ thuộc vào ý chí của nam giới không phải là nguyên tắc nữ quyền truyền thống.
Tuy nhiên, tất cả những phản ứng tiêu cực này đều đã có trước phong trào #MeToo và cuộc bầu cử của Donald Trump, cũng như bài phát biểu của Watson. Có một số dấu hiệu cho thấy các nhà nữ quyền thuộc mọi tầng lớp trên toàn thế giới đang cảm thấy được truyền cảm hứng nhờ những lời chỉ trích công khai, và trong nhiều trường hợp là sự sụp đổ của những người đàn ông quyền lực vì sự lạm quyền. Vào tháng 3 năm 2017, Watson đã gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề bình đẳng giới với bell hooks, một biểu tượng mạnh mẽ của phong trào nữ quyền kể từ những năm 1960.
Như Alice Cornwall đã nói, "sự phẫn nộ được chia sẻ có thể tạo ra một nền tảng mạnh mẽ cho sự kết nối và đoàn kết, chúng có thể vượt qua những ranh giới có thể chia rẽ chúng ta." Và như Emma Watson đã nói, "Không phải tôi thì sẽ là ai? Không phải bây giờ thì sẽ là khi nào?"
----------
Tác giả: Nicki Lisa Cole
Link bài gốc: Emma Watson's 2014 Speech on Gender Equality
Dịch giả: Nguyễn Kiều Trang - ToMo - Learn Something New
Link bài gooac tiếng Việt xem tại đây: [ToMo] Bài Phát Biểu Về Bình Đẳng Giới Năm 2014 Của Emma Watson - YBOX