Coi thường phụ nữ là sự khuyết tật về văn hóa



Nhiếp ảnh gia T.P luôn lấy phụ nữ làm đề tài sáng tác. Nhưng anh ta lại thể hiện sự coi thường phụ nữ. Đây là cách ứng xử tự nhiên hay một sự khuyết tật về văn hóa?

Cách đây ít hôm, T.P – một nhiếp ảnh gia khá “tên tuổi” có đăng lên trang Facebook cá nhân của mình vài cảm nghĩ, đại ý nói rằng anh ta vừa giận vừa thương những người đàn bà trên 40 tuổi nhờ chụp ảnh nude, bởi anh ta chỉ thấy phụ nữ đẹp khi còn trẻ.

Giọng điệu của vị này sặc mùi bỡn cợt và coi thường phụ nữ.  Bài viết này được nhiều người hưởng ứng. Trong số này cũng có một số người giận dữ lên án. Tôi có vào bài viết bình luận, nói rằng trước đây tưởng anh là một nghệ sĩ tử tế, ai dè chỉ là phường thấp kém. Bài viết của anh ta sau đó đã bị xoá hoặc đặt ở chế độ tôi không xem được nữa.

Xét về đạo đức, nhiếp ảnh gia này thật lố bịch khi đưa chuyện phụ nữ lên mạng xã hội để bỡn cợt, nhất là những người đã tin tưởng và yêu mến, trở thành nhân vật trong tác phẩm của anh ta.

Xét về mặt nghệ thuật, anh ta có quan điểm quá lệch lạc và kém cỏi. Bởi vì cái đẹp của nghệ thuật khác với cái đẹp của cuộc sống. Là một nghệ sĩ, lẽ ra anh ta phải phân biệt được điều đó. Ngôn ngữ của nghệ thuật là một ngôn ngữ khác. Mỗi tác phẩm nghệ thuật thị giác cần đến tiếng nói riêng của tạo hình, màu sắc, đường nét, ánh sáng … để có được ngôn ngữ của nó.

Khi người nghệ sĩ không hiểu được thứ ngôn ngữ ấy, anh ta đã tự đẩy mình ra rìa của nghệ thuật đích thực. Điều này khiến tôi nghi ngờ rằng những bức ảnh nude từng ít nhiều gây tiếng vang của anh ta có được thành công là nhờ may mắn.

Thích ngắm gái trẻ, đấy là việc của anh ta. Nhưng khi anh ta công khai phát biểu rằng chỉ gái trẻ nên làm mẫu nude thì anh ta thật dốt về nghề và khuyết tật về văn hoá.

Quan điểm - Coi thường phụ nữ là sự khuyết tật về văn hóa

Nhà báo Đăng Tiêu.

Bình luận của người phụ trách chuyên mục Đa chiều: 

Trên đây là bài viết của nhà báo Đăng Tiêu, chị đồng thời là một nhà sưu tập nghệ thuật đang sống và làm việc ở Hà Nội. Bài viết đã không chỉ là phản ứng về quan niệm nghệ thuật đơn thuần, mà thực ra chính là cách phản ứng với hành vi phản văn minh trong ứng xử với phụ nữ.

Cuộc đời đã từng có hàng vạn các tiêu chuẩn “đóng đinh” người phụ nữ vào lề thói cũ. Nó phản ánh cách đàn ông chiếm hữu thế giới. Điều này là tất yếu trong một một đời sống thô mộc, đơn thuần, nơi “đàn ông thì săn bắn, đàn bà thì hái lượm”.

Cuộc sống mỗi ngày một đổi thay, phụ nữ ngày nay không còn gò mình vào một khuôn thước nào, mà dần dần đã tham gia vào những lĩnh vực người ta quen đánh giá là “chỉ dành cho đàn ông” Nhân loại đã chứng kiến nhiều phụ nữ chinh phụ đỉnh Everest, bay vào không gian, trở thành nguyên thủ, sinh ra các tư tưởng mới để thế giới soi chiếu, đoạt các giải thưởng Nobel…và vô vàn các thành tựu khác không thua kém gì đàn ông.

Phụ nữ đã và đang thay đổi rất nhiều, nhưng đồng thời, họ vẫn làm vợ, làm mẹ, là phần mềm mại để cân bằng lại sự thô ráp của nửa kia thế giới. Chỉ có đàn ông có vẻ như không thay đổi gì. Đàn ông ngày nay vẫn cần mẫn khai phá thế giới như cách các con đực đã làm sau hàng triệu năm tiến hóa.

Đàn ông thì luôn có nhu cầu biểu thị chất “con đực” trong mình, và không có cách nào trực quan hơn việc yêu thương, săn đuổi, chinh phục, nâng niu những người phụ nữ. Và trong số ấy, bao gồm cả bộc lộ những tư duy không tiến bộ tồn tại như một sự bất biến – tư duy coi thường phụ nữ.

...

Đọc tiếp bài từ LINK gốc tại đây: Coi thường phụ nữ hay sự khuyết tật về văn hóa (nguoiduatin.vn)