Nữ doanh nhân nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ
Reshma Saujani (47 tuổi) là luật sư, doanh nhân, tác giả và là người sáng lập “Girls Who Code” - một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ.
Saujani sinh năm 1975 tại Illinois (Mỹ), có cha mẹ là người nhập cư từ Ấn Độ và Uganda. Lớn lên ở vùng ngoại ô Chicago, Saujani trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn khi phải sống trong cảnh nghèo khó, bị phân biệt đối xử. Vì vậy, cô luôn học tập chăm chỉ hơn những người khác để đạt điểm A và được công nhận.
Năm 1997, cô tốt nghiệp cử nhân Khoa học Chính trị tại Đại học Illinois Urbana-Champaign. Cô tiếp tục học thạc sĩ Chính sách Công tại Trường John F. Kennedy của Đại học Harvard và tiến sĩ Luật tại Trường Luật Yale vài năm sau đó.
Saujani là người ủng hộ văn hóa đổi mới trong công tác quản lý và lãnh đạo. Năm 2021, cô thông báo từ chức Giám đốc điều hành của "Girls Who Code" sau hơn 10 năm thành lập để đảm nhận vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị. Đối với một nhà lãnh đạo, việc từ bỏ quyền quản lý là một quyết định khó khăn, đặc biệt đó là dự án tâm huyết của mình. Tuy nhiên, theo Saujani, một phần cơ bản trong việc thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng là nhận ra thời điểm thích hợp cần thay đổi, cũng như tạo điều kiện cho những quan điểm và tiếng nói mới.
"Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo không thể hoặc không nên ở mãi trong một tổ chức. Một tổ chức cũng không thể phát triển nếu cứ có mãi một người lãnh đạo", Saujani nói với Forbes.
Với Reshma Saujani “Để trở thành con người tốt nhất của chính mình, không có cách nào tốt hơn việc tìm ra điều chúng ta giỏi!”.
“Chấp nhận thất bại là đặc điểm quan trọng nhất mà tôi đã phát triển trong sự nghiệp của mình. Tôi đã cố gắng học hỏi từ những thất bại của mình và tôi tin rằng điều đó đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, tự tin hơn và kiên cường hơn”, Reshma Saujani chia sẻ
Một trong những phong cách lãnh đạo đáng chú ý của Saujani là sẵn sàng chấp nhận rủi ro và theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng. Khi thành lập "Girls Who Code" vào năm 2012, cô đã đặt mục tiêu dạy 1 triệu trẻ em gái viết code vào năm 2020. Mục tiêu này được nhiều người coi là tham vọng và phi thực tế, nhưng Saujani không nản lòng. Cô luôn tin rằng, với các nguồn lực và sự hỗ trợ phù hợp, tổ chức có thể đạt được mục tiêu này và tạo ra sự thay đổi thực sự trong ngành công nghệ.
Một trong những quan điểm tích cực của cựu CEO này là biết vượt qua nỗi sợ hãi của thất bại và coi thất bại như một cơ hội học hỏi. Saujani cho biết tranh cử vào Quốc hội là điều cô đã mơ ước từ năm 13 tuổi nhưng quá sợ hãi để thực hiện vì lo lắng thất bại. Khi thua cuộc trong cuộc tranh cử năm 2010, thay vì để thất bại đó ảnh hưởng tiêu cực đến mình, Saujani sử dụng nó để tạo ra động lực mới.
Phong cách lãnh đạo của Saujani đặc trưng bởi sự táo bạo, kiên cường và cam kết vững chắc đối với bình đẳng giới. Cô đã được Fortune bình chọn vào danh sách "Những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới" năm 2016 và vinh danh trong danh sách "40 Under 40", cũng như được Fast Company trao giải "Tổ chức phi lợi nhuận sáng tạo nhất" cho "Girls Who Code".