Bạn Có Đang Là Nạn Nhân Của Bất Bình Đẳng Giới?
Lời mở đầu
Theo như chúng ta biết rằng Việt Nam là một trong những nước phương đông có quan niệm từ thời xa xưa là trọng nam khinh nữ. Tư tưởng này vẫn còn duy trì cho đến ngày nay, từ những chốn đô thị phù hoa cho đến những vùng nông thôn hẻo lánh, không kể giai cấp dù thấp hay cao. Nó chưa hẳn là mất đi mà vẫn còn đang hiện hữu trong những ngôi nhà đặt nặng vấn đề giới tính. Luật bình đẳng giới được ban hành vào năm 2006 đã phần nào rút ngắn khoảng cách cho sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Trẻ em là mầm non của tương lai, của đất nước, là vấn đề quan trọng cần phải đặt lên hàng đầu của mỗi quốc gia. Bởi vậy, nhà nước cần phải quan tâm, chú trọng đến vấn nạn bất bình đẳng này. Họ cần tạo dựng cho trẻ em có một cuộc sống đầy đủ, phù hợp nhất để mỗi đứa trẻ đều có thể phát triển một cách toàn diện, sẵn sàng hành trang để từng bước xây dựng nước nhà.
Khái niệm bình đẳng giới
Theo định nghĩa, bình đẳng giới là sự bình đẳng giữa các giới tính với nhau, cụ thể là nam và nữ. Chúng ta thừa nhận và coi trọng mọi đặc điểm giống và khác nhau giữa con gái và con trai. Cả hai giới tính đều có vị thế ngang hàng, không ai hơn ai và cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Tất cả giới tính đều có điều kiện được sinh sống, làm việc, học tập bình đẳng, cùng phát huy hết khả năng của bản thân và được phép tự đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của mình. Họ đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng các thành quả đạt được trong công việc một cách bình đẳng, Không vì sự khác biệt giới tính mà lại có những khác biệt trong việc công nhận thành tựu. Dưới góc độ Luật bình đẳng giới, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật bình đẳng giới năm 2006: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình trong sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau thành quả của sự phát triển”.
Vậy trong gia đình, bình đẳng giới được hiểu như thế nào? Chắc chắn đó là sự bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái. Trước tiên thì nó bao gồm sự cân bằng giữa vị trí, vai trò, thù lao và thụ hưởng của người vợ và người chồng. Họ cũng được bình đẳng về các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội. Điều tiếp theo là sự bình đẳng giới giữa những người con trong gia đình. Tất cả trẻ em đều cần được yêu thương, chăm sóc, nuôi nấng từ bố mẹ. Chúng cần được bình đẳng trong mọi vấn đề, có quyền học tập, vui chơi, công việc trong nhà cũng như sự giải trí là cần thiết. Bất cứ ai trong gia đình cũng không có quyền ngăn cấm một đứa trẻ thực hiện điều gì đó chỉ bởi vì giới tính của nó. Điều này sẽ làm ngăn cản sự phát triển thể chất cũng như về mặt tinh thần của giới trẻ. Nó sẽ gây hệ lụy xấu tới trẻ em nói chung và xã hội nói riêng. Thế niên, việc bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình giúp cho cả nam và nữ đều có cơ hội phát huy hết khả năng của mình cho sự phát triển của xã hội, đất nước.
Thực trạng của vấn nạn bất bình đẳng giới
Mặc dù sự bất bình đẳng chưa được xóa bỏ hoàn toàn nhưng vị trí của những người phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình đã được nâng lên so với thời trước. Xã hội đang trên đà phát triển, hàng ngàn những chuyên ngành khoa học ra đời như ngành Tâm lý học, ngành Dân số học, ngành Xã hội học,... Tất cả đều đang nghiên cứu về các vấn đề xoay quanh cuộc sống con người nhưng dưới góc độ khác nhau. Đây là bước phát triển quan trọng, đánh dấu sự nhận thức đúng đắn trong suy nghĩ con người. Ta dễ dàng thấy được, khoa học chính là cơ sở quan trọng để nghiên cứu các vấn đề trọng nam khinh nữ trong xã hội. Đồng thời, nó cũng là cơ sở để chính phủ đưa ra các chính sách, ban hành các văn bản pháp luật về vấn đề bình đẳng giới. Đã có hàng ngàn các quan điểm, chính sách được đưa ra để bảo vệ sự khác biệt giới tính trong xã hội như Hiến pháp, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Bình đẳng giới… Khoảng 10 năm gần đây, Việt nam đã có sự dẫn đầu khu vực Đông Nam Á khi cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục bình đẳng cho cả nam và nữ. Đến nay, các tỉnh đều có trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, từ đấy mà trẻ em được quan tâm hơn nhiều về mặt y tế.
Càng có nhiều sự ra đợi của pháp lệnh dân số, Luật bình đẳng giới, Luật bảo vệ quyền lợi trẻ em,... Từ đó, tình trạng phân biệt đối xử trong các gia đình có cả con trai lẫn con gái đã giảm đi đáng kể. Nhiều gia đình tuân thủ kế hoạch hóa gia đình, không sinh cố thêm một đứa con trai để đảm bảo đời sống đầy đủ, có thời gian chăm sóc cho những người con của mình.
Song song với việc quan tâm về sức khỏe của giới trẻ, nhà nước còn thực hiện nhiều chính sách giảm học phí cho trẻ em, tạo điệu kiện cho cả nam và nữ đều có cơ hội đến trường học tập. Các gia đình ở vùng nông thôn lạc hậu hay dân tộc thiểu số cũng được nhà nước khuyến khích cho con em tham gia trường lớp, làm tăng số lượng học sinh đi học theo thời gian. Phái nữ được tạo điều kiện bình đẳng trong quá trình học tập, nâng cao kiến thức và trình độ văn hóa giống như các bạn nam khác. Nhờ vậy mà số trẻ em gái biết chữ đã tăng lên đáng kể, sự chênh lệnh giữa số học sinh nam và nữ được đến trường đã được thu hẹp. Giới trẻ ở cả hai giới tính đều được bảo đảm quyền học tập, vui chơi. Ngoài ra, nhà nước cũng có những chính sách quan tâm đến trẻ em khuyết tật, giúp các em dễ dàng hòa nhập với xã hội.
Giữa những nỗ lực xóa đi quan niệm “Trọng nam khinh nữ” của tất cả mọi người thì vẫn có người thực hiện hành vi đi ngược lại với số đông. Tình trạng người dân đến khám ở những phòng khám tư nhân để siêu âm giới tính của thai nhi xảy ra rất thường xuyên. Sau khi biết được giới tính của con mình là nữ, có người sẵn sàng từ bỏ con của mình ngay lập tức, không chút đắn đo. Thực trạng nạo phá thai để lựa chọn giới tính trước khi đứa trẻ được sinh ra là một hành vi đáng lên án. Chính những bà mẹ lại tước đi quyền được sinh ra và lớn lên của con mình. Có vẻ như áp lực từ phía gia đình là một trong những nguyên do dẫn tới sự việc thiếu suy nghĩ này. Vì sự ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, các gia đình từ xưa tới nay vẫn có sự coi trọng nhất định dành cho con trai. Họ quan niệm “ nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” tức là mười người con gái cũng không sánh bằng một người con trai. Điều này vô hình chung dẫn đến sự chênh lệch giới tính giữa nam và nữ ở đất nước ta.
Dù cho sự bất bình đẳng đang suy giảm, nhưng ở những khu vực lạc hậu, thiếu thốn vật chất như ở các vùng tây nguyên thì hiện tượng này vẫn xảy ra như một lẽ thường tình. Việc một gia đình đông con nhưng nghèo khổ, người con gái chắc chắn sẽ không được kì vọng và được phép học tập. Thay vào đó, những gia đình đó sẽ đặt niềm tin vào những người con trai của họ. Điều này càng khiến cho tỉ lệ mù chữ ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ, ngày một trầm trọng. Theo nhiều báo cáo điều tra cho thấy, những người phụ nữ có trình độ học vấn cao sẽ có hành vi nuôi con cái tốt hơn. Chính từ những bất bình đẳng này mà kéo thêm nhiều hệ lụy cho nguồn nhân lực nước nhà. Nếu giả định cả nam và nữ đều có khả năng thiên bẩm như nhau, nhưng vì ý nghĩ con trai luôn tài giỏi hơn và chỉ tập trung vào sự phát triển cho phái nam thì chẳng phải đất nước đã tự xóa đi những người dân có tài năng không kém đấy sao?
Ngoài việc không nhận được sự giáo dục tử tế, người con gái còn phải chịu rất nhiều những điều tiếng và các điều luật vô lý khác. Chắc hẳn ai cũng từng nghe qua hủ tục “Bắt vợ” của dân tộc H’mông. Đối với người dân thành thị khi biết đến thì sẽ thấy khá khó tin vì ở đó họ được bảo vệ bởi luật pháp. Nhưng sự thật là tục lệ này vẫn đang diễn ra hàng ngày trên các đồi cao hút khói, ở chính nơi mà họ được sinh ra và lớn. Nữ giới chịu nhiều thiệt thòi từ danh dự đến của cải, vật chất, ngay cả việc chọn bạn đời cho mình, họ cũng không có quyền quyết định. Các bạn thử nghĩ đến cảnh tượng cứ đặt chân ra ngoài là bị đám đàn ông nhăm nhe đòi bắt về làm vợ, mặc cho đấy là người mình không hề quen biết, thì thử hỏi các bạn còn muốn tiếp tục sống nữa không? Một tục lệ khác không kém phần gây tranh cãi đó là nạn “Tảo hôn”, là sự kết hôn khi cô dâu hoặc chú rể còn trong độ tuổi quá nhỏ. Đất nước ngày một phát triển nhưng tại sao vẫn còn những tập tục khôi hài này hiện hữu? Thế mới thấy sự phát triển chưa đồng đều ở nước Việt Nam chúng ta
Giải pháp
Để có thể thay đổi được những vấn đề bất bình đẳng trong giới tính, nhiệm vụ tác động đến nhận thức mỗi người là một điều quan trọng. Chúng ta cần có sự giáo dục đúng đắn cho các em từ khi còn bé, dạy cho giới trẻ biết cách tôn trọng giới tính còn lại. Đối với người lớn cũng cần có sự thay đổi trong suy nghĩ, không nên chỉ giữ mãi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Bởi đối với bố mẹ thì con ở giới tính nào cũng là con của mình. Không phải vì là con gái thì sẽ không tài giỏi bằng con trai. Mỗi người có thành công hay không tất cả đều phụ thuộc vào cách nuôi nấng của bố mẹ
Để thực hiện tốt nhiệm vụ xóa nhòa khoảng cách giữa nam và nữ, nhà nước cần tăng cường tuyên truyền giáo dục các vấn đề liên quan đến hai giới tính, ban hành các quy định, luật pháp, chính sách để bảo vệ những người phụ nữ yếu thế hơn. Từ cơ sở đó, khi mỗi người đã có kiến thức đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới, họ sẽ có thể xây dựng được một gia đình ấm no, hạnh phúc của riêng mình. Việc tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ em cả trai và gái được học tập, chăm sóc về mặt sức khỏe cần phải được đặt lên hàng đầu. Trẻ em được phát triển toàn diện sẽ là cơ hội để xây dựng đất nước ta ngày một giàu mạnh.
Kết luận
Cách để bình ổn những vấn nạn liên quan đến bình đẳng giới là một nhiệm vụ khó khăn và trường kì, không chỉ ở trên đất nước ta nói riêng mà còn trên toàn thế giới nói chung. Chúng ta khó có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong một sớm một chiều. Bởi vậy mà mỗi người cần phải chung tay, góp sức kéo gần khoảng cách giữa hai giới tính. Việc làm này không chỉ giúp cho những người đang gặp trắc trở vì bất bình đẳng giới tính, mà còn giúp bản thân khẳng định được vị trí của mình trong xã hội.