Bạo lực gia đình, vì sao phụ nữ cứ mãi cam chịu?

 Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội. Bạo lực gia đình bao gồm bạo hành thể xác, tinh thần, tình dục.

Những vụ việc gây xôn xao dư luận gần đây như tại Hà Nội, vụ nữ nhà báo bị chồng “võ sư” hành hung dã man dù đang bế con nhỏ; tại Tây Ninh, chồng tàn bạo dìm vợ xuống nước, đánh đập dã man trước mặt con. Vậy tại sao phụ nữ cứ mãi cam chịu ?

Bạo lực gia đình, vì sao phụ nữ cứ mãi cam chịu ?
Bạo lực gia đình, vì sao phụ nữ cứ mãi cam chịu ?

Bạo lực gia đình (BLGĐ) có thể xảy ra với bất cứ ai, cả nam giới, phụ nữ, trẻ em… Tuy nhiên, theo thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH-TT-DL, thì trong số các vụ BLGĐ bị phát hiện, nạn nhân là nữ chiếm đến hơn 74%, trẻ em là hơn 11%. Đặc biệt, có đến khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết, cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần.

Lý giải nguyên nhân phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực trong gia đình, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), cho rằng nguyên nhân chính vẫn là tư tưởng bất bình đẳng giới, nghĩa là đàn ông được quyền “dạy vợ”.

Nhiều trường hợp, chính các nạn nhân cũng chấp nhận việc bị chồng bạo hành bằng vũ lực, hoặc cả bạo hành tinh thần, lâu dần thành tâm lý phục tùng. Những quan niệm như “xấu chàng hổ ai, “đóng cửa bảo nhau”, “vạch áo cho người xem lưng”... đã ăn sâu vào tiềm thức phụ nữ Việt Nam. Thậm chí, có người còn cho rằng việc chịu đựng là hy sinh cao cả để giữ nhà cửa yên ấm, để các con sau này không bị coi thường.

Nhiều người chấp nhận một người chồng bạo hành gia đình từ thể xác đến tâm hồn nhưng họ vẫn sống chung 10 năm, 20 năm, chấp nhận bị đánh chỉ vì họ thấy bỏ chồng không hợp với thuần phong mỹ tục hay làm bố mẹ họ buồn, vì con cái họ không dám làm điều đó. Và họ than rằng mình bất hạnh, đau khổ dù họ có lựa chọn khác là họ dám, họ tin vào chính bản thân họ là làm được.

Theo chia sẻ của luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, việc tồn tại hành vi bạo lực gia đình chủ yếu là do nền tảng nhận thức pháp luật còn mơ hồ trong một bộ phận người dân. Những người này chưa tích lũy đủ hiểu biết pháp luật, chưa có điều kiện tiếp xúc hoặc công tác giáo dục pháp luật trong gia đình, nhà trường chưa cao dẫn đến có những hành vi bạo lực đối với người thân của mình.

Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết, trước hết phải khẳng định bạo lực gia đình là hành vi thiếu ý thức tôn trọng pháp luật. Có lúc, có nơi còn chưa xử lý nghiêm hành vi này và dư luận xã hội chưa lên án sâu sắc, thêm nữa nạn nhân của bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em còn có thái độ cam chịu, không tố cáo, thậm chí băn khoăn không biết đến đâu để tố cáo hay tố cáo với ai. Những lý do trên khiến bạo lực gia đình còn tồn tại và gây nên nhiều nỗi đau cho xã hội.

Hiện nay, đang có rất nhiều sự giúp đỡ những người bị bạo hành, từ tổ chức Hội phụ nữ, luật pháp đến sự chung tay của xã hội, vấn đề chỉ còn ở chính những người bị bạo hành. Sự can thiệp để giải thoát các nạn nhân sẽ vô nghĩa nếu tồn tại sự im lặng đáng sợ của nạn nhân.

Phụ nữ dễ dàng trở thành nạn nhân của bạo hành nhưng tự giải thoát khỏi bạo hành chưa bao giờ là việc dễ dàng, bởi sĩ diện cá nhân và định kiến xã hội là những thành trì quá lớn. Bởi vậy, từ thế hệ của chúng ta, hãy giáo dục cho các các con biết yêu và trân trọng bản thân, hiểu rõ về bình đẳng giới, quyền và cách tự bảo vệ bản thân của mình.

AN LY (T/H)

theo phunumoi

link gốc: https://phunumoi.net.vn/bao-luc-gia-dinh-vi-sao-phu-nu-cu-mai-cam-chiu-d183591.html