Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng thì chính họ mới không bị bỏ lại phía sau

 Sáng 2/3, lần đầu tiên diễn đàn quốc gia “Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo giới” đã được tổ chức tại Hà Nội.

Diễn đàn quốc gia “Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo giới” được đánh giá là một sự kiện lịch sử trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Đây là cơ hội để các tổ chức và các nhóm, câu lạc bộ nam giới trên toàn quốc giới thiệu và chia sẻ các mô hình, bài học kinh nghiệm và thách thức trong việc huy động sự tham gia của nam giới vào công tác thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Sự kiện do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới (GBVNet) tổ chức với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Úc. Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu bao gồm những đại biểu trực tiếp có mặt tại sự kiện và những đại biểu trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá đây là “một sự kiện lịch sử”, góp phần lan tỏa những thay đổi tích cực của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

Ông Kamal Malhotra chia sẻ: Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực giới, có 2/3 phụ nữ đã từng chịu bạo lực về thể chất, tinh thần, tình dục. Bạo lực gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với cộng đồng về năng suất lao động, kinh tế, xã hội. Ước tính, tình trạng bạo lực khiến năng suất lao động sụt giảm, gây thiệt hại lên tới khoảng 100 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch COVID-19. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi những hành vi có hại này. 

Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia “Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo giới”.
Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia “Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo giới”.

Tại diễn đàn, Ông Kamal Malhotra đã đặc biệt kêu gọi sự quan tâm của tất cả nam giới:

  • Hãy lên tiếng khi bắt gặp tình trạng bạo lực giới.
  • Tiên phong trong việc thể hiện sự tôn trọng với phụ nữ và trẻ em gái
  • Tham gia các Diễn đàn thúc đẩy bình đẳng giới.
  • Truyền cảm hứng cho những người khác.

"Tôi tin rằng, với sự tham gia tích cực của nam giới, phụ nữ và các giới khác, tiến trình đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam sẽ được đẩy nhanh. Tôi hy vọng rằng, Diễn đàn sẽ tạo ra một không gian mở để tạo điều kiện thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới. Bởi vì thúc đẩy bình đẳng giới là công việc của tất cả mọi người và vì lợi ích của tất cả chúng ta!” - Ông Kamal Malhotra bày tỏ.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Con đường đi đến bình đẳng giới đi đến xã hội bình yên, hạnh phúc cho mọi người vô cùng đặc biệt, không được đo bằng khoảng cách địa lý mà được đo bằng cách vượt qua những thách thức trở ngại được đặt ra bởi sự thiếu hiểu biết, của sự thờ ơ của rất nhiều người trong xã hội. Song, những thay đổi gần đây cho thấy phụ nữ không còn độc hành trên con đường đó. Và tôi tin rằng, đi cùng nhau chúng ta sẽ đến đích nhanh hơn."

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội phát biểu tại Diễn đàn.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội phát biểu tại Diễn đàn.

"Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà sức mạnh cơ bắp hay là sự khéo léo tỉ mỉ không còn được viện dẫn như là những lý do để khẳng định ưu thế của giới này hay giới kia. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, nhiều quan niệm gắn liền với đặc tính về giới đã được thay đổi. Công nghệ là công cụ hữu hiệu để giúp thu hẹp khoảng cách giới, nhưng công nghệ cũng khiến những khoảng cách đó trở nên sâu sắc hơn nếu, thậm chí là gia tăng bất bình đẳng xã hội nếu nam giới vẫn bị gắn chặt với vai trò trụ cột gia đình và phụ nữ vẫn bị gắn chặt với vai trò nội trợ, chăm sóc. Chỉ khi đồng hành cùng nhau, từ trong gia đình đến ngoài xã hội thì chúng ta: phụ nữ - nam giới và tất cả các giới khác mới có thể tránh khỏi những viễn cảnh xấu đó. Diễn đàn này chính là một trong những “sải bước đầu tiên” của chúng ta trên con đường tiến tới bình đẳng giới." - TS. Khuất Thu Hồng nhận định.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện thực tế, những thay đổi tích cực khi tham gia các Câu lạc bộ Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới. Tại diễn đàn, các khách mời cũng tiến hành thảo luận tích cực xung quanh vấn đề nam tính và nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới, đưa thêm nhiều góc nhìn đa chiều hơn giúp nam giới cởi bỏ những quan niệm cũ, những áp lực, chuẩn mực cứng nhắc.

Các khách mời tích cực thảo luận xung quanh vấn đề nam tính và nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh: Hoàng Toàn
Các khách mời tích cực thảo luận xung quanh vấn đề nam tính và nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới. Ảnh: Hoàng Toàn

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thống nhất thành lập “Mạng lưới Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực giới ở Việt Nam”.

Đóng vai trò đồng tổ chức Diễn đàn và nêu sáng kiến thành lập mạng lưới, TS Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chia sẻ: “Nhiều nam giới Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng để không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh phát triển mới, họ cần phải tham gia nhiều hơn vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới cùng với phụ nữ, cùng chia sẻ những áp lực và cơ hội thành công trong cuộc sống. Đó là lý do chính khiến chúng tôi đi đến ý tưởng thành lập mạng lưới. Tôi mong muốn nhiều nam giới hưởng ứng ý tưởng này để trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, mỗi người đàn ông đều được đồng hành và sẻ chia với mẹ, với vợ, với con gái, với các chị em gái và các nữ đồng nghiệp cũng như các bạn nữ của mình.”

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam hoan nghênh sáng kiến thành lập “Mạng lưới Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực giới
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam hoan nghênh sáng kiến thành lập “Mạng lưới Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực giới" ở Việt Nam.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện của UN Women tại Việt Nam đánh giá cao thành công của các câu lạc bộ nam giới tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội và hoan nghênh sáng kiến thành lập “Mạng lưới Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực giới" ở Việt Nam. Bà tin tưởng Mạng lưới khi được thành lập sẽ lan tỏa rộng rãi những quan niệm tích cực về nam tính, thay đổi những chuẩn mực giới cứng nhắc, giúp nam giới cởi bỏ những áp lực mà các chuẩn mực đó gây ra và thu hút họ vào những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới đang ngày càng được nhiều nam giới Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn cùng bày tỏ quyết tâm hành động thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn cùng bày tỏ quyết tâm hành động thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

NGUỒN: PHỤ NỮ MỚI-DIỆU THUẦN - ẢNH: HOÀNG TOÀN

link gốc: https://phunumoi.net.vn/nam-gioi-tham-gia-thuc-day-binh-dang-thi-chinh-ho-moi-khong-bi-bo-lai-phia-sau-d225030.html