Trường học thế giới đối phó bạo lực học đường

 


Bạo lực học đường là vấn đề phổ biến của các trường học trên thế giới.
Sau dịch Covid-19, nạn bắt nạt ngày càng gia tăng và tại Thụy Điển cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, các chương trình chống bạo lực học đường ở nước này đã ghi nhận những kết quả tích cực.

Theo khảo sát năm 2021 của Tạp chí Tâm lý học đường toàn cầu, các chương trình ngăn chặn bạo lực học đường ở Thụy Điển đã giúp giảm tình trạng này từ 19 - 20%. Mô hình ngăn chặn bạo lực học đường ở Thụy Điển nhấn mạnh sự hợp tác giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh để giải quyết vấn đề từ mọi phía.

Giáo viên phải có kỹ năng xử lý tình huống ngoài giáo án, nhất là giải quyết tình trạng bắt nạt. Học sinh được giáo dục để nâng cao nhận thức về vấn đề này và chung tay đẩy lùi nó. Phụ huynh phối hợp chặt chẽ với nhà trường để phát hiện và ngăn chặn kịp thời khi vấn đề mới nhen nhóm.

Thụy Điển chú trọng phòng ngừa để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường

Bên cạnh đó, khi bắt nạt xảy ra, nhà trường cũng chú trọng chăm lo sức khỏe thể chất, tâm thần cho nạn nhân, kẻ bắt nạt cùng những người chứng kiến sự việc. “Cho dù đó là con bạn hay con người khác, là bản thân các em hay bạn bè các em bị bắt nạt, hãy liên hệ với nhà trường để cùng nhau tìm cách giải quyết”, bà Anna gợi ý.

Ngoài việc xử lý vấn đề khi nó xảy ra, trọng tâm lớn nhất là các biện pháp phòng ngừa. Anh Axel Geijer, Chủ tịch Tổ chức chống bạo lực học đường tại Trường Hjärter Ess, cho biết: Nhà trường thành lập nhóm hoạt động chống bạo lực nhằm nuôi dưỡng khả năng hòa nhập và các giá trị tốt đẹp cho học sinh.

Bằng cách này, bắt nạt được kiểm soát khi nó chưa nảy mầm, thay vì giải quyết khi vấn đề đã xảy ra và đi quá giới hạn.

Ngoài ra, Trường Hjärter Ess tổ chức các sự kiện toàn trường về giáo dục hòa nhập tích cực. Học sinh được khuyến khích “được là chính mình” và tôn trọng lẫn nhau.

Còn tại Trường Nội trú Sigtuna Humanistiska Läroverket (SSHL), một trong những trường lâu đời nhất tại Thụy Điển, ngăn chặn bạo lực học đường được đưa vào quy định và mục tiêu hoạt động của nhà trường.

Cam kết cốt lõi của trường là giúp học sinh thành công trong học tập, nuôi dưỡng niềm hạnh phúc và khả năng đồng cảm với mục tiêu “không để học sinh nào bị bắt nạt ở trường”.

Cô Anna Kalles, Trợ lý hiệu trưởng SSHL, cho biết nhà trường yêu cầu mỗi giáo viên phải tích cực chống nhũng nhiễu, bài ngoại và không khoan dung trước hành vi bắt nạt. Giáo viên phải trau dồi kiến thức, trò chuyện cởi mở với học sinh về các vấn đề bắt nạt và có biện pháp xử lý tích cực.

SSHL là trường nội trú với hơn 200 học sinh ở trong ký túc xá. Mỗi khu nội trú có từ 25 - 30 học sinh nên làm thế nào để đảm bảo các em hòa đồng và cùng nhau tiến bộ là vấn đề được nhà trường quan tâm.

Ông Mazdak Sarvari, Trưởng ban Nội trú tại SSHL, cho biết: Học sinh phải tuân thủ nghiêm túc các quy tắc do nhà trường đặt ra. Chúng tôi cấm học sinh sử dụng rượu bia, ma túy và có hành vi bắt nạt bạn bè. Giáo viên nội trú hướng dẫn học sinh cách làm bạn, cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh...

Nhà trường phổ biến tới từng học sinh, phụ huynh về quan điểm chống bắt nạt từ ngày đầu nhập học. Học sinh được yêu cầu ký biên bản chấp hành và phải chịu trách nhiệm khi làm sai quy định.

Ngoài ra, khi một tình huống bắt nạt được ghi nhận, nhà trường thành lập cuộc họp gồm đại diện ban giám hiệu, khu nội trú, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, phụ huynh, học sinh và các bộ phận của trường. Các ban chuyên môn cần hành động nhanh chóng, chạy đua với thời gian nhằm xử lý để vấn đề không trở nên trầm trọng hơn.

Link gốc : https://thieunien.vn/truong-hoc-the-gioi-doi-pho-bao-luc-hoc-duong-tbd57611.html