8-3, Bình đẳng giới và những điều bạn nên biết
Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái đều chịu tác động tiêu cực từ sự phân biệt đối xử giới tính.
Ngày Quốc tế Phụ nữ (IWD) đã được thành lập từ hơn 100 năm trước. Không chỉ là lễ kỷ niệm toàn cầu về những thành tựu xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị của phụ nữ, theo dòng thời gian, mùng 8/3 cũng là cơ hội phản ánh, thúc đẩy bình đẳng giới.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Phụ nữ là một tiến bộ hướng tới bình đẳng giới. Ảnh: Olia Danilevich/Pexels. |
Hầu hết phụ nữ và trẻ em gái đều chịu tác động tiêu cực từ sự phân biệt đối xử giới tính. Ở nhiều nơi, phụ nữ không được mặc quần áo mình thích, không có cơ hội được lái xe hay đi làm vào buổi tối, danh sách thừa kế tài sản cũng không có tên phụ nữ. Như vậy, không lạ gì khi họ cũng không có tiếng nói quyết định về việc kết hôn của bản thân.
Ngay cả ở Mỹ, một đất nước phát triển đang trao cho nữ giới nhiều quyền lợi, 42% phụ nữ cho biết họ vẫn bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc, khi cùng một công việc nhưng nam giới lại được trả lương cao hơn.
Dù thế giới đang ngày càng phát triển hơn, Ngày Quốc tế Phụ nữ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi một xã hội công bằng.
Nguồn gốc của Ngày Quốc tế Phụ nữ
Năm 1908, tại thành phố New York (Mỹ), 15 000 phụ nữ đã đứng lên biểu tình yêu cầu giảm số giờ làm việc, lương cao hơn cũng như quyền lợi được bầu cử. Sau đó một năm, Đảng Xã hội đã chính thức tuyên bố Ngày Phụ nữ đầu tiên.
Phụ nữ luôn phải đấu tranh cho quyền lợi của mình. Ảnh: Library of Congress/Unsplash. |
Lúc đầu, đây chỉ được coi là lễ kỷ niệm của nước Mỹ. Đến năm 1910, một người phụ nữ tên Clara Zetkin đã lên tiếng, đề nghị Hội nghị quốc tế lao động nữ ở Copenhagen (Đan Mạch) mở rộng tổ chức sự kiện này trên phạm vi quốc tế. Ý tưởng này được 100 phụ nữ tham dự nhất trí ủng hộ. Một năm sau, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức thêm cả ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ.
Năm 1975, Liên Hợp Quốc (LHQ) bắt đầu đánh dấu và tổ chức ngày lễ này. Chủ đề đầu tiên được Liên Hợp Quốc đưa ra năm 1996 có tên “Tôn vinh quá khứ, xây dựng tương lai”.
Chủ đề toàn cầu và Châu Á Thái Bình Dương 2023
Năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ là “DigitALL”: Thúc đẩy bình đẳng giới trong thời đại chuyển đổi số. Theo Lifestyle Asia, có 37% phụ nữ không sử dụng internet ngay cả khi họ chiếm gần một nửa dân số thế giới.
Sự kiện Ngày Quốc tế Phụ nữ tại Châu Á-Thái Bình Dương, một trong những hoạt động của chiến dịch toàn cầu, sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Liên Hợp Quốc ở Bangkok, Thái Lan.
Được tổ chức bởi UN Women (Hội phụ nữ Liên Hợp Quốc) và UN ESCAP (Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc), sự kiện này sẽ có sự tham gia của nhiều quan chức chính phủ và các chuyên gia để thảo luận về “bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái trong thời đại kỹ thuật số”.
LHQ chia sẻ: “Cho phép nữ giới và một số nhóm trường hợp khác tham gia tiếp xúc công nghệ giúp tăng năng suất sáng tạo cũng như có nhiều cơ hội đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới”.
Thế giới kỷ niệm ngày lễ như nào
Tại Anh, lễ hội tôn vinh nữ giới “The Women of the World festival” (WOW) được tổ chức hàng năm ở thủ đô London. Sự kiện thường có sự góp mặt của các diễn giả, nhà hoạt động, nghệ sĩ biểu diễn, và lan rộng ra ngoài thế giới qua các cuộc triển lãm, thảo luận.
Vào Ngày Quốc tế Phụ nữ, đất nước Chile xuất hiện khá nhiều các cuộc tuần hành ở thành phố, đặc biệt là thủ đô Santiago. Những người biểu tình thường đeo khăn tay màu xanh lá cây để tượng trưng cho sự ủng hộ của họ đối với quyền cơ bản của phụ nữ.
Công nhận nữ giới thể hiện sự thành công việc giáo dục con người bình đẳng. Ảnh: Samantha Sophia / Unsplash. |
Ở Romania, Ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức theo cách tương tự như Ngày của Mẹ, tạo lý do để mọi người, đặc biệt là nam giới có cơ hội trả ơn, bày tỏ cảm xúc bằng cách tặng hoa và thiệp cho người thân.
Trong khi phụ nữ Ý được trao tặng những bông hoa nhỏ vàng mimosas - biểu tượng sức mạnh của nữ giới - nhân dịp 8/3, phụ nữ Trung Quốc được cho phép nghỉ làm nửa ngày.