Giáo dục giới tính: Giải pháp 5 bước đưa giáo dục giới tính vào trường học

 GD&TĐ - Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên là một vấn đề xã hội rất quan tâm, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai sự nghiệp của các em, đến chất lượng dân số của toàn xã hội.

Giải pháp 5 bước đưa giáo dục giới tính vào trường học

Trong những năm gần đây, tình yêu tuổi học trò ngày càng được trẻ hóa, các em học sinh ngày càng “mạnh dạn” hơn trong việc thể hiện tình cảm của mình, nhiều em còn quan hệ tình dục sớm ở tuổi học trò nhưng gần như các em vẫn chưa có được những hiểu biết cần thiết về sức khỏe sinh sản vị thành niên.Chính vì vậy, hiện tượng học sinh nữ mang thai khi đang ngồi trên ghế nhà trường diễn ra ngày càng nhiều.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ tính riêng trong hệ thống các bệnh viện công lập trong toàn quốc đã có hơn 265.000 ca nạo phá thai trong năm 2016. Trong đó có tới 4.600 ca nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên. Trên thực tế con số này còn cao hơn vì tình trạng phá thai tại các cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa được kiểm soát và hậu quả mà nó để lại là rất nghiệm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh yêu và quan hệ tình dục sớm ngày càng gia tăng

Thứ nhất, do chế độ ăn uống, sinh hoạt tốt hơn nên thể chất của trẻ phát triển, kéo theo độ tuổi dậy thì đến sớm nên nảy sinh nhu cầu về tình cảm, muốn tìm hiểu người khác giới. Bên cạnh đó, các em còn chịu sự tác động từ nhiều chiều: Thấy các bạn có người yêu, các em dễ bắt chước; sự tác động từ truyền thông, qua phim ảnh, MV ca nhạc, video... có cảnh “nóng”, từ tò mò rồi học theo, từ ảo thành thật, gây hậu quả khó lường.

Thứ hai, xuất phát từ tâm lý của phụ huynh vẫn còn e ngại, không nhắc về vấn đề giáo dục giới tính, sợ vẽ đường cho hươu chạy và gần như tất cả vấn đề liên quan đến giới tính đều bị né tránh.

Thứ ba, Thực tế, tại các trường học hiện nay, việc giáo dục giới tính cho học sinh là có thực hiện theo hai phương pháp cơ bản là lồng ghép và ngoại khoá. Tuy nhiên, điều kiện mỗi nơi là khác nhau nên cách thức thực hiện là khác nhau dẫn đến chất lượng giáo dục giới tính cũng khác nhau.

Hơn nữa, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường chưa thật sự phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý sớm của học sinh, nội dung vẫn còn chung chung, không thiết thực. Nên đa số học sinh chưa có thái độ tích cực đối với vấn đề giáo dục giới tính trong trường học.

Trên thế giới, các quốc gia đã tiến hành giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên từ rất sớm.

Ở Thụy Điển là một trong những quốc gia tiên phong trong việc giáo dục giới tính cho trẻ em. Những chương trình giáo dục giới tính cho học sinh đã được Thụy Điển triển khai. Một trong số đó là “Giáo dục phòng tránh thai” - chương trình giáo dục giới tính đầu tiên được công nhận tại một trường học.

“Giáo dục phòng tránh thai” được đưa vào giảng dạy cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên nhằm trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về mang thai và sinh con. Khi lên bậc trung học, các học sinh sẽ được học về đặc tính sinh lý của nam và nữ.

Ở Anh, trẻ em bắt đầu được giáo dục giới tính khi còn mầm non. Pháp luật Anh quy định rất rõ rằng trẻ khi đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính một cách bắt buộc.

Ở Mỹ, việc giáo dục giới tính lại được phân theo các cấp học. Ở tiểu học, các em nhỏ được thầy cô giới thiệu sơ lược về những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể và sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà. Ở cấp trung học cơ sở trở lên, kiến thức về giáo dục giới tính được nâng cấp lên đáng kể, trực diện và hướng dẫn chi tiết. Học sinh được tìm hiểu về tình dục, giới tính, các căn bệnh truyền nhiễm, việc mang thai…

Ở châu Á, các quốc gia như Indonesia, Mông Cổ, Hàn Quốc cũng có những chính sách về giảng dạy giới tính tại trường học. Malaysia, Philippines và Thái Lan thiên về giáo dục chi tiết sức khoẻ sinh sản trong khi Ấn Độ lại có chương trình với mục tiêu hướng tới trẻ em từ 9 tới 16 tuổi.

Malaysia là một trong những quốc gia tiên phong tại khu vực Đông Nam Á về công tác phổ cập giáo dục giới tính cho trẻ em. Tương tự như Anh, Chính phủ Malaysia khuyến cáo trẻ em nên được giáo dục giới tính từ năm 4 tuổi. Chương trình học của các bé sẽ do Bộ Phát triển Phụ nữ, Gia đình và Cộng đồng, Bộ Giáo dục, những chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ biên soạn.

Tại Nhật Bản, giáo dục giới tính là bắt buộc từ 10 hay 11 tuổi, chủ yếu đề cập tới các chủ đề sinh học như kinh nguyệt và xuất tinh. Tại Trung Quốc và Sri Lanka, giáo dục giới tính truyền thống gồm đọc về giai đoạn sinh sản trong các cuốn sách giáo khoa sinh học.

Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học

Tại Việt Nam, năm 2016 cô giáo Lê Thị Bé Nhung - giáo viên trường THPT Phan Ngọc Tòng, Bến Tre đã đề xuất sáng kiến “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học”.

Đây là công trình, sáng kiến được ban giám khảo cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” đánh giá cao về sự mới mẻ, thiết thực và có khả năng ứng dụng rộng rãi vào hoạt động dạy học, hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục, đào tạo. Sản phẩm sáng tạo này có thể nhân rộng được ở ngoài thị trường, ứng dụng rộng rãi vào hoạt động dạy học.

Theo sáng kiến của cô giáo Lê Thị Bé Nhung, giải pháp 5 bước đưa giáo dục giới tính vào trường học như sau:

Bước 1 là đưa ra được hướng đi đúng đắn và cần thiết là xây dựng được chương trình giáo dục giới tính phù hợp với từng cấp học. Đây là một điều mà có lẽ nhiều người đã nghĩ tới, nhưng chưa có điều kiện để nói và trình bày suy nghĩ của mình.

Bước 2 là từ chương trình giáo dục giới tính vừa được thiết kế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình tập huấn; chọn lọc; hướng dẫn, rèn luyện kĩ năng cho những giáo viên phù hợp tham gia giảng dạy môn học giáo dục giới tính.

Bước 3 là điều chỉnh, bổ sung môn học giáo dục giới tính vào phân phối chương trình các lớp; nên xem môn học này là một môn điều kiện như môn học thể dục để tạo tâm lí học tập thoải mái cho học sinh nên không cần phải tính điểm; tổ chức giảng dạy từ 4-8 tiết cho một năm học tùy theo cấp, lớp.

Bước 4 là áp dụng giảng dạy đại trà trong trường học; đảm bảo đầy đủ thiết bị, dụng cụ, mô hình cho giáo viên giảng dạy phù hợp với nội dung giáo dục giới tính của từng cấp, lớp; khảo sát ý kiến của học sinh và giáo viên về nội dung, chương trình môn học và điều chỉnh nội dung cho phù hợp nhất sau ba năm dạy thử nghiệm đại trà; khuyến khích học sinh phổ biến nội dung giáo dục giới tính cho phụ huynh và gia đình để nhiều người hiểu hơn về những kiến thức giới tính cần thiết.

Bước 5 là thường xuyên tập huấn, rèn luyện kĩ năng giáo dục giới tính cho giáo viên phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Hi vọng rằng, sáng kiến của cô giáo Lê Thị Bé Nhung được áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước để giáo dục sức khỏe sinh sản vị hành niên thực sự đi vào trường học và hạn chế được tình trạng học sinh yêu và quan hệ tình dục sớm như hiện nay.

Theo Tiếng nói giáo viên

Nguyễn Thị Châu Thanh

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-5-buoc-dua-giao-duc-gioi-tinh-vao-truong-hoc-post321071.html