Nạo Phá Thai: Phong trào nữ quyền song hành cùng quyền được phá thai
Phong trào nữ quyền song hành cùng quyền được phá thai
Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào nữ quyền, quyền được phá thai ra đời giúp phụ nữ nhiều nước không còn thực hiện việc này một cách lén lút, đồng thời nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ khi mang thai. Quyền được phá thai là nền tảng cho sự tiến bộ của người phụ nữ.
Phá thai là vấn đề chính trị hóa ở Mỹ
Có thể nói phá thai là một chủ đề gây tranh cãi trong suốt lịch sử xã hội loài người về các cơ sở tôn giáo, đạo đức, luân lý, thực tiễn và chính trị. Có nhiều nguyên nhân cũng như hoàn cảnh dẫn đến việc phá thai, có thể do bất thường của thai nhi, các vấn đề đe dọa sức khỏe bà mẹ, hay nhỡ mang thai ngoài ý muốn mà chưa sẵn sàng mọi điều kiện để sinh và chăm sóc… Ngoài ra, cũng có trường hợp phá thai do thai dị tật, khó nuôi, do bị xâm hại tình dục, cưỡng dâm, loạn luân hoặc nguy hiểm đến tính mạng thai phụ…
Riêng ở Mỹ, kể từ năm 1995, các nghị sĩ Cộng hòa cả Thượng viện và Hạ viện đều xúc tiến thông qua những đạo luật cấm phá thai. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu nay đều đưa ra cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tấn công vào quyền sinh sản của phụ nữ khi sắp xếp các nhà hoạt động chống phá thai vào những vị trí quan trọng trong cơ quan chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và cắt giảm ngân sách cho các dịch vụ y tế thực hiện hoạt động này.
Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục chính sách New Mexico cấm sử dụng ngân sách Mỹ cho các tổ chức hỗ trợ phá thai toàn cầu, cuộc sống phụ nữ sẽ càng trở nên khó khăn. Chính sách Mexico City được Tổng thống Ronald Reagan đưa ra năm 1984. Nó ngăn Mỹ tài trợ mọi tổ chức phi chính phủ cung cấp, tư vấn về kế hoạch hóa gia đình cùng lựa chọn sinh sản. Cấm đề cập đến phá thai khi phác thảo kế hoạch chăm sóc sức khỏe, Mexico City hay bị gọi mỉa mai là “luật khóa miệng toàn cầu".
Trong thời gian gần đây, các cơ quan lập pháp tại một số bang ở Mỹ đã thông qua dự luật cấm phá thai, trong một nỗ lực thách thức phán quyết của tòa án Tối cao Mỹ đưa ra năm 1973 về hợp pháp hóa nạo phá thai. Có đến 43 trong số 50 bang cấm phá thai, trừ khi việc mang thai ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Luật cấm phá thai nghiêm ngặt ở các bang như Ohio, Arkansas, Bắc Dakota và Texas. Bang Alabama đã bỏ phiếu dự luật cấm phá thai khi trứng được thụ tinh đã vào tử cung, thường xảy ra 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt thông thường. Lúc này, phụ nữ không thể ý thức được là mình mang thai vào thời điểm đó.
Luật “Heartbeat” ở bang Ohio cấm phá thai khi xác định được nhịp tim của thai nhi, tức là khi thai nhi được 6 tuần lễ. Những người phản đối cho rằng “Heartbeat” là một trong những luật áp đặt hạn chế phá thai nghiêm ngặt nhất ở Mỹ. Do vậy, bang Ohio đang sôi sục với tranh cãi về quyền được bỏ thai trong các vụ án cưỡng hiếp hoặc loạn luân. Sở Cảnh sát Ohio cuối tháng 4 thông báo trường hợp một bé gái 11 tuổi mang thai do bị một gã 26 tuổi cưỡng hiếp nhiều lần. Với đạo luật mới, trong tương lai, các nạn nhân như em gái này sẽ bị cấm phá thai. Nạn nhân sẽ phải sinh ra đứa con của kẻ cưỡng bức. Theo dữ liệu do FBI cung cấp, hơn 4.000 phụ nữ Ohio bị cưỡng hiếp năm 2017, trong đó 800 người bị chính thành viên gia đình tấn công. Những người ủng hộ quyền phá thai từ Liên minh Tự do Dân chủ Mỹ (ACLU) và Trung tâm Quyền Sinh sản tuyên bố sẽ kiện "luật tim thai" của bang Ohio.
“Cơ thể tôi là của tôi”
Những người theo thuyết nữ quyền có một khẩu hiệu đơn giản “Cơ thể tôi là của tôi” nhằm khẳng định quyền tự quyết của họ. Về mặt sinh sản, phụ nữ đòi quyền tự do làm chủ bản thân mình, trước tiên là quyền được phá thai. Phong trào này ủng hộ tích cực phong trào sinh sản có kế hoạch trong gia đình.
Theo các nhà hoạt động nữ quyền, lựa chọn phá thai là quyền của mỗi cá nhân người phụ nữ do vậy mọi quyết định đều đáng được tôn trọng và không ai có quyền chỉ trích hay lên án phán xét. Việc phá thai đã được cho vào điều luật hợp pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện có 34% các quốc gia cho phép phá thai vì lý do kinh tế-xã hội hoặc phá thai theo yêu cầu. Mục đích của các quốc gia khi quy định thời điểm cho phép phá thai hợp pháp là để bảo vệ sức khỏe của thai phụ do phá thai được thực hiện càng sớm thì càng ít có biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng. Không những thế, hợp pháp hóa việc phá thai cũng tránh được tình trạng nạo phá thai ở các cơ sở “chui”, hạn chế các tai biến và rủi ro cho thai phụ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, các nước có chính sách hạn chế phá thai thường có tỷ lệ nạo phá thai không an toàn cao hơn gấp 4 lần, đồng thời có tỷ lệ tử vong của thai phụ cao hơn gấp 3 lần so với các nước cho phép phá thai.
Canada là một trong những quốc gia tiên phong việc hợp pháp hóa quyền phá thai của phụ nữ. Tại đây, nạo phá thai được cho phép ở mọi giai đoạn của thai kỳ. Hành vi ngăn cản phụ nữ đến phòng khám chuyên khoa để thực hiện phá thai mới là vi phạm pháp luật. Phá thai ở Anh đã được hợp pháp hóa kể từ khi đạo luật năm 1967 có hiệu lực. Theo đó, phụ nữ được phép phá thai trong vòng 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Độ tuổi của thai phụ khi phá thai không bị giới hạn, miễn là có được sự tư vấn và đồng ý của bác sĩ.
Đan Mạch còn cho phép phá thai lớn hơn 12 tuần tuổi khi việc mang thai là hệ quả của hành vi phạm tội tình dục như hiếp dâm, loạn luân; người mẹ không đủ khả năng về thể chất hay trí tuệ để chăm sóc cho con; người mẹ không đủ khả năng chăm sóc cho con vì còn quá nhỏ hay việc mang thai, sinh con và chăm sóc cho đứa trẻ sẽ tạo thành gánh nặng và trở ngại nghiêm trọng không thể tránh được cho người mẹ trong việc chăm lo cho gia đình.
Bên cạnh đó, Pháp, Đức, Bỉ và một số nước châu Âu cho phép phá thai khi thai nhi chưa quá 12 tuần tuổi. Ở Bỉ, việc phá thai là hợp pháp khi thai phụ cảm thấy căng thẳng, chưa sẵn sàng để sinh con và phải có bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Các nước Ý, Hà Lan, Phần Lan, Nga cho phép nạo phá thai không quá 24 tuần tuổi.
Trước đây, những phụ nữ phá thai tại Hàn Quốc có thể phải ngồi tù 1 năm và bị phạt tới 2 triệu won (hơn 40 triệu đồng). Những bác sĩ, nhân viên y tế giúp phá thai có thể bị bỏ tù tới 2 năm. Theo kết quả khảo sát công bố năm 2019 của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, 3/4 phụ nữ tuổi từ 15-44 coi đạo luật này là không công bằng. Khoảng 20% số người được hỏi nói rằng họ đã phá thai mặc dù biết điều đó là bất hợp pháp. Ngày 11/4/2019, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết dỡ bỏ lệnh phá thai suốt 66 năm qua. Các nhà lập pháp sẽ có thời gian từ nay đến ngày 31/12/2020 để sửa đổi luật.
Năm qua, phong trào phụ nữ còn thu được thắng lợi đáng kể ở Ireland, nơi mà phá thai không bị hình sự hóa nữa. Các tranh cãi xung quanh vấn đề quyền phá thai đã kéo dài trong suốt gần 1 thập kỷ qua ở Ireland. Phụ nữ Ireland nếu muốn phá thai phải sang các nước láng giềng, chủ yếu là Anh để thực hiện việc này. Ngày 25/5/2018, người dân Ireland đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc bãi bỏ luật cấm phá thai quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 1983. Việc tiến hành cuộc trưng cầu này được cho là đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh của phụ nữ Ireland đòi quyền phá thai.
Còn ở Argentina, các tổ chức phụ nữ đã nhận được ủng hộ của công chúng và chính trị gia về Luật Quyền phá thai. Dù được thông qua ở Hạ viện và bị bác ở Thượng viện nhưng các tổ chức này tiếp tục hy vọng năm 2019 sẽ là năm phụ nữ Argentina giành được quyền phá thai.