Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp hỗ trợ và bảo vệ một số nhóm phụ nữ đặc thù

 

Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp hỗ trợ và bảo vệ một số nhóm phụ nữ đặc thù

19/09/2023
Một số kết quả nghiên cứu chính (Đề tài độc lập cấp quốc gia (Mã số: ĐTĐL.XH-04/20))
 Ảnh minh họa

1. Giới thiệu

Sau hơn ba thập niên đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết mọi lĩnh vực. Đảng và Nhà nước đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội góp phần quan trọng bảo đảm ổn định xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần, mọi tầng lớp dân cư. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng nảy sinh những vấn đề bất cập, làm cho một bộ phận người dân - vì những đặc điểm đặc thù vốn có của họ - sẽ gặp bất lợi hơn và dễ bị tổn thương, có thể kể đến một số nhóm đông đảo như: phụ nữ di cư, phụ nữ cao tuổi và phụ nữ DTTS.

Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đã xác định nhiệm vụ “Xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư, chuyển đổi nghề”. Nghĩa là, để đảm bảo sự phát triển toàn diện cho các nhóm phụ nữ đặc thù, cần xây dựng các giải pháp đồng bộ, không chỉ góp phần giải quyết các vấn đề thực tế cản trở sự phát triển của phụ nữ, mà còn tạo cơ hội cũng như thúc đẩy khả năng tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, lợi ích của phụ nữ, giúp các vấn đề của phụ nữ được quan tâm và giải quyết đầy đủ, góp phần đảm bảo công bằng cho tất cả, đảm bảo mọi phụ nữ đều có cơ hội phát triển.

Đề tài “Cơ cở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù” được tiến hành trong hai năm 2020-2022 với trọng tâm nghiên cứu ba nhóm phụ nữ đặc thù, gồm: phụ nữ di cư, phụ nữ DTTS và phụ nữ cao tuổi với mục tiêu tổng quát nhằm đề xuất các giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.

Trong phạm vi nghiên cứu về nội dung của đề tài, (i) Bảo vệ các nhóm phụ nữ đặc thù được thực hiện trên những lĩnh vực cơ bản của đời sống phụ nữ, gồm: bảo vệ trong đời sống gia đình; bảo vệ trong đời sống kinh tế, lao động - việc làm; bảo vệ trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe; bảo vệ trong giáo dục và đào tạo; bảo vệ trong đời sống chính trị, văn hóa xã hội, vui chơi giải trí. (ii) Hỗ trợ là những tác động cụ thể đối với phụ nữ đặc thù, được thực hiện bằng cách cung cấp các dịch vụ/trợ giúp thiết yếu dựa trên quyền cơ bản, cũng như nhu cầu thực tế của mỗi nhóm phụ nữ đặc thù theo các lĩnh vực được bảo vệ nêu trên.

Về phương pháp, đề tài sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu tài liệu, khảo sát xã hội học, phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm tập trung, tọa đàm, tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học, trong đó, khảo sát xã hội học bằng bảng hỏi đối với 3 nhóm khách thể tham gia nghiên cứu (phụ nữ di cư, phụ nữ cao tuổi và phụ nữ DTTS) với cỡ mẫu 2140 phụ nữ tại 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Tp Hồ Chí Minh, Trà Vinh), trong đó: 755 phụ nữ di cư, 788 phụ nữ cao tuổi và 697 phụ nữ DTTS; thực hiện 103 phỏng vấn sâu, 30 thảo luận nhóm (240 người), 23 tọa đàm (385 người). Bảng hỏi được thiết kế các nội dung chung cho cả 3 nhóm khách thể và các phần dành riêng cho mỗi nhóm liên quan đến những đặc điểm bảo vệ, hỗ trợ riêng của từng nhóm.

2. Một số kết quả nghiên cứu chính

2.1. Hoạt động, mô hình bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS)

 

- Về mức độ hiểu biết, tiếp cận các chính sách bảo vệ, hỗ trợ: phụ nữ DTTS biết về các chính sách bảo vệ, hỗ trợ cho DTTS khá tốt, nhất là nhóm có trình độ và làm nghề kinh doanh buôn bán. Các hỗ trợ về chính sách hướng tới nhóm nghèo, đơn thân, là khá rõ. Điều đáng chú ý là khi phụ nữ chỉ có một mình (ly thân, ly hôn, góa), thì mức độ chủ động trong tiếp cận, tìm hiểu, tham gia là tốt hơn. 

Trong các loại hỗ trợ cho phụ nữ, gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong hầu hết các hoạt động bảo vệ và hỗ trợ, trong khi chính quyền đóng vai trò quan trọng nhất trong bảo vệ và hỗ trợ về pháp lý.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong y tế, chăm sóc sức khỏe: việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) của phụ nữ DTTS còn hạn chế. Phụ nữ DTTS cũng khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nhiều phụ nữ DTTS vẫn chọn sinh đẻ tại nhà. Phân tầng xã hội trong CSSK khá rõ khi nhóm có mức sống tốt hơn, học vấn cao hơn thì quan tâm hơn đến việc này.

Tỷ lệ có bảo hiểm y tế (BHYT) của phụ nữ DTTS khá cao nhưng vẫn thấp hơn so với trung bình cả nước. Yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đến tỷ lệ này là chính sách hỗ trợ BHYT của nhà nước. Việc sử dụng thẻ BHYT phản ánh tình trạng bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế đang tồn tại ở vùng DTTS hiện nay.  tầng xã hội cao hơn - những người học vấn tốt hơn, giàu hơn lại sử dụng BHYT nhiều hơn, tạo ra một bất bình đẳng mới trong tiếp cận và sử dụng BHYT.

Nơi khám chữa bệnh chủ yếu của phụ nữ DTTS là trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở vì thế là một ưu tiên quan trọng trong các công cụ chính sách bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ DTTS về y tế và chăm sóc sức khỏe.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong kinh tế, lao động, việc làm: việc làm của phụ nữ DTTS là khó khăn, thụ động nhất trong ba nhóm phụ nữ đặc thù do những đặc điểm về văn hoá, về lối sống gắn liền với dân tộc, và tiểu vùng văn hoá của họ. Tuyệt đại đa số phụ nữ DTTS làm việc không lương, không thu nhập, không có việc làm; đa số làm thuê theo sự vụ, nhất là phụ nữ đông con hay đang có chồng. Đặc điểm này còn do các gánh nặng chăm sóc con cái, sức ỳ, sự ngại ngần trong tâm lý do lối sống khép kín và an phận ở vùng sâu, vùng xa, tính năng động xã hội thấp, nhu cầu tìm việc ổn định cũng thấp. Đầu tư phát triển kinh tế, việc làm cho khu vực miền núi vì thế cần chú ý tới đặc điểm này.

Một thực tế rất rõ từ kết quả khảo sát, là thu nhập của nhóm phụ nữ đặc thù có học vấn cao, được đào tạo nghề, có việc làm ổn định cao hơn rất nhiều so với nhóm học vấn thấp và không có trình độ chuyên môn, nghề nghiệp nào. Điều này góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục định hướng nâng cao trình độ học vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho phụ nữ đặc thù.

Yếu tố nhận thức và nhu cầu nội lực mong muốn phát triển kinh tế của phụ nữ làm tăng cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay, một mặt cho thấy hiệu quả hỗ trợ từ chính sách vốn vay ưu đãi dành cho phụ nữ DTTS, mặt khác cần có chính sách hỗ trợ để mọi phụ nữ DTTS có sự tiếp cận vốn vay đảm bảo sinh kế ổn định, tạo cho họ niềm tin khả năng làm kinh tế của bản thân và nhận được sự ủng hộ của gia đình, xã hội và đoàn thể.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong giáo dục, đào tạo: trong bối cảnh hiện nay tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông hiện chưa đạt mục tiêu đề ra và còn khá thấp ở nhiều DTTS, gợi ra rằng cần có chính sách duy trì và nâng cao học vấn cho phụ nữ DTTS ở các nhóm tuổi. Tỷ lệ tham gia tập huấn nâng cao hiểu hiết của phụ nữ DTTS ở mức trung bình khá.

- Về đời sống gia đình: phụ nữ DTTS có tuổi kết hôn thấp hơn so với tuổi trung bình cả nước. Vẫn còn tỷ lệ đáng kể phụ nữ DTTS không đăng ký kết hôn. Mô hình phân công lao động trong gia đình phụ nữ DTTS theo hướng phụ nữ làm nội trợ, chăm sóc con cái còn nam giới (chồng) chịu trách nhiệm gánh vác công việc trụ cột kinh tế rõ hơn khi phụ nữ có đặc điểm cá nhân hạn chế. Những phụ nữ tự bản thân kiếm tiền chính thuộc hai nhóm chính: nhóm có nguồn lực cá nhân tốt hơn; và nhóm có nguồn lực cá nhân hạn chế hơnnhư: gia đình khó khăn, thiếu sự hỗ trợ từ chồng. Xu thế phân công lao động trong gia đình theo giới được bảo lưu rất rõ ràng trong hầu hết các hoạt động trong gia đình phụ nữ DTTS. Ở các trường hợp nam giới là người kiếm tiền chính trong gia đình thì việc họ tham gia ít hơn vào các hoạt động chăm sóc, nội trợ, chi tiêu ăn uống sinh hoạt hàng ngày là phù hợp. Nhưng với thực tế vẫn có tỷ lệ đáng kể phụ nữ là người kiếm tiền chính, cũng như cùng kiếm tiền với chồng, thì phụ nữ DTTS cũng đang chịu gánh nặng kép từ áp lực kiếm tiền và vai trò giới truyền thống cũng như các phong tục tập quán của địa phương.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong tham gia chính trị, đoàn thể, cộng đồng: phụ nữ DTTS thể hiện mức độ tham gia xã hội khá tích cực như họp thôn bản, giao dịch với chính quyền. Hoạt động họp khu dân cư có tỷ lệ rất cao các phụ nữ thuộc mọi nhóm kinh tế, văn hóa, xã hội tham gia. Tuy nhiên, do các rào cản về ngôn ngữ và trình độ học vấn, phụ nữ DTTS thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi; phụ nữ DTTS ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ DTTS chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập. Các hoạt động chính trị, đoàn thể, cộng đồng cũng thu hút rất hạn chế phụ nữ trẻ tham gia.

Có khác biệt rõ rệt về sự hiểu biết, tiếp cận, thụ hưởng, cơ hội được bảo vệ, hỗ trợ của các nhóm phụ nữ DTTS. Nhóm phụ nữ DTTS có đặc điểm cá nhân tốt nhất, năng động nhất, như học vấn cao hơn, được đào tạo, có mức sống từ trung bình trở lên, và có đặc điểm gia đình thuận lợi như có chồng, con thì có mức độ am hiểu về chính sách hơntham gia tâp huấn nhiều hơn nhất là những tập huấn của chính quyền về phát triển kinh tế; có tỷ lệ được hỗ trợ kinh tế, vốn vay, phát triển kinh tế, cũng như các hỗ trợ khác cao hơn, tham gia nhiều hơn và có chất lượng hơn vào hoạt động chính trị, cộng đồng. Điều này đặt ra vấn đề cần quan tâm về việc nắm bắt thông tin và tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ tốt hơn của các nhóm có nguồn lực tốt hơn và những vấn đề cần làm rõ thêm về khả năng tiếp cận và bảo vệ của chính sách với những nhóm thực sự khó khăn.

Nhóm phụ nữ DTTS trẻ tuổi nhất (dưới 30) cho thấy những đặc thù đáng quan tâm như ít biết, ít quan tâm đến chính sách bảo vệ, hỗ trợ, tham gia thấp vào hầu hết mọi hoạt động bảo vệ, hỗ trợ trên mọi lĩnh vực. Theo các nhóm dân tộc, những dân tộc có khả năng tiếng Việt tốt hơn thì tiếp cận các nguồn lực bảo vệ, hỗ trợ tốt hơn.

Nhiều địa phương có các mô hình hỗ trợ phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, truyền thông, chăm sóc sức khỏe, tập huấn. Tuy nhiên, đánh giá của phụ nữ DTTS về hiệu quả của các mô hình này còn rất khiêm tốn do khó áp dụng, các quy trình hướng dẫn phức tạp với chị em DTTS, chưa khơi gợi được ý chí và động lực vươn lên của chị em. Đa số phụ nữ DTTS xác định được khó khăn của bản thân và gia đình về kinh tế, việc làm, giao tiếp đi lại, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó, phụ nữ DTTS có nhu cầu lớn về kinh tế, lao động, việc làm, về đời sống gia đình, đời sống tinh thần, tình cảm và giáo dục đào tạo.

Có hai nhóm phụ nữ chính trong nhu cầu nàynhóm phụ nữ có điều kiện sống tốt hơn thì không có nhu cầu được bảo vệ và hỗ trợ, nhưng nhu cầu bảo vệ hỗ trợ theo hướng mở rộng làm ăn, sản xuất. Những phụ nữ này thể hiện sự tự tin, hiểu biết, điu kiện và kinh nghiệm sống để triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế cho gia đình; nhóm phụ nữ có đặc điểm yếu hơn như nghèo, công việc bấp bênh, chưa chồng/con thì mong muốn được tạo việc làm có thu nhập, đảm bảo đời sống cơ bản hoặc những hỗ trợ thụ động. 

 

2.2. Hoạt động, mô hình bảo vệ, hỗ trợ cho phụ nữ cao tuổi

- Mức độ biết về các chính sách bảo vệ, hỗ trợ nói chung và cho người cao tuổi (NCT) nói riêng còn hạn chế, trong đó, nhóm có trình độ học vấn thấp có mức độ am hiểu chính sách rất thấp. Những chính sách mà phụ nữ cao tuổi biết tường tận là những chính sách có liên quan thiết thực, trực tiếp nhất đến đời sống của họ và áp dụng cho người cao tuổi nói chung như chính sách trợ cấp xã hội đối với người từ 80 tuổi trở lên không hưởng lương hưu/trợ cấp và văn bản về chương trình bảo hiểm y tế tự nguyện.

Về bảo vệ, hỗ trợ trong kinh tế, lao động, việc làm: dù cao tuổi, nhưng tình trạng việc làm của PNCT khá tích cực, thậm chí tốt hơn nhóm phụ nữ DTTS. Có thể thấy dù đã qua tuổi nghỉ hưu, phần lớn phụ nữ cao tuổi vẫn đang tiếp tục làm việc. Do sự hạn chế của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt tỷ lệ phụ nữ có lương hưu còn thấp, phần lớn phụ nữ cao tuổi vẫn phải làm việc tạo thu nhập để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt và đạt được sự độc lập về kinh tế thay vì các mục tiêu liên quan đến duy trì sức khỏe và sức khỏe tinh thần như ở các nước phát triển.

Đối với các hoạt động được trả công, phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn, độ tuổi ít hơn, hiện không có chồng, là người dân tộc thiểu số, không có con và sống ở đô thị có khả năng làm các công việc được trả công cao hơn so với các nhóm còn lại. Trung bình mỗi tháng PNCT tham gia khảo sát nhận được khoảng 2,54 triệu đồng/người. Mức thu nhập này đang thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân chung đầu người cả nước cũng như ở cả khu vực thành thị và nông thôn và, thậm chí, không đủ để họ đảm bảo cho các nhu cầu ăn, mặc, ở đi lại tối thiểu so với bình quân chung cả nước.

14,3% phụ nữ cao tuổi không có nguồn thu nhập nào và phải phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình để đảm bảo trang trải cho cuộc sống. Điều này cho thấy một bộ phận không nhỏ PNCT hiện nay có đời sống rất khó khăn. Với mức thu nhập hiện nay, khoảng 50% PNCT được hỏi không có nguồn đảm bảo tài chính khi về già. 53% số PNCT được hỏi có thu nhập năm 2020 không đủ để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân, trong đó 19% không đáp ứng được hoàn toàn và 34% đáp ứng được một phần. Điều này khiến cho PNCT bị lệ thuộc hơn vào sự hỗ trợ từ gia đình và các nguồn khác, đồng thời phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu.

Tính riêng từng nguồn thu nhập, sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình là nguồn thu nhập chính phổ biến nhất của PNCT; trung bình, cứ 2 PNCT được hỏi thì có 1 người không cả khả năng độc lập về tài chính. Có khoảng 1/5 PNCT phải vay mượn để sinh hoạt. Đặc biệt là nhóm phụ nữ DTTS, sống trong các gia đình nghèo và ít tuổi hơn. 1/2 số người được hỏi vừa không có tích lũy vừa không có khả năng đáp ứng nhu cầu chi tiêu cá nhân, thậm chí phải vay mượn để trang trải cho sinh hoạt hàng ngày.

Có thể thấy, khả năng đảm bảo nguồn sống của PNCT ở nông thôn rất hạn chế do phần lớn PNCT trước đây hoạt động trong khu vực phi chính thức, khi về già không có lương hưu cũng như nguồn thu nhập ổn định, trong khi đó dịch vụ xã hội cho NCT ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng và giá thành. Chính vì vậy, gia đình vẫn đóng vai trò chủ yếu và tiếp tục được kỳ vọng là thiết chế chủ yếu đáp ứng hoạt động chăm sóc này. PNCT có độ tuổi càng cao thì mức độ phụ thuộc của vào sự chăm sóc của người thân trong gia đình càng lớn. Vai trò chăm sóc sức khỏe, bệnh tật cho PNCT của chính quyền ở thành thị được phát huy tốt hơn so với nông thôn.

PNCT hiện nay chưa tiếp cận nhiều đến các nguồn hỗ trợ chính thức về tài chính. PNCT là người DTTS có điều kiện kinh tế không ổn định, nhất là làm trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh. Hỗ trợ kinh tế cho nhóm PNCT có nguồn lực yếu hơn là cao hơn. PNCT ít nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ nhất trong nhóm các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế hộ gia đình như hỗ trợ phát triển kinh tế, cho vay vốn, hỗ trợ khởi nghiệp. Điều này một phần do PNCT ít nắm giữ các vị trí quyết định trong các hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh của hộ gia đình.  

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong y tế: Tỷ lệ có và sử dụng BHYT của PNCT là cao nhất trong các nhóm phụ nữ đặc thù. PNCT tiếp cận các cơ sở y tế khám chữa bệnh tương đối thuận lợi. Các dịch vụ y tế có chất lượng cao như bệnh viện tuyến trung ương có tỷ lệ PNCT học vấn cao, nhiều con, có lương hưu đến khám chữa bệnh (KCB) nhiều nhất. Y tế tuyến cơ sở là nơi KCB của nhóm PNCT ở nông thôn, là người DTTS, học vấn thấp, làm nông nghiệp. Phân tầng xã hội trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế là khá rõ, đặt ra yêu cầu cần tiếp tục quan tâm đầu tư về trang thiết bị, nhân lc cho hệ thống y tế tuyến cơ sở để tiếp cận được với các nhóm đặc thù, yếu thế.

Gia đình vẫn là nguồn chăm sóc sức khỏe chủ yếu cho NCT nói chung và phụ nữ cao tuổi nói riêng ở cả nông thôn và thành thị, cả trong đời sống thường ngày và khi ốm đau. Đồng thời, BHYT thể hiện rõ vai trò lưới an sinh quan trọng trong bảo vệ và hỗ trợ sức khỏe cho nhóm dân số cao tuổi.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong giáo dục, đào tạo: tỷ lệ PNCT tham gia các khóa tập huấn, đào tạo không cao và có sự khác biệt theo các nhóm xã hội. Học vấn, cư trú ở đô thị ảnh huởng thuận chiều với tham gia tập huấn. Những phụ nữ cao tuổi có trình độ học vấn thấp hơn quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh phát triển kinh tế. Ngược lại, những người có trình độ học vấn cao hơn thì quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh chăm sóc sức khỏe, nâng cao kiến thức. PNCT không vướng bận con cháu tham gia vào hầu hết các tập huấn, đào tạo, trừ tập huấn về phát triển kinh tế. PNCT đơn thân tham gia tích cực vào hầu hết mọi hoạt động.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong gia đình: tương tự như hai nhóm phụ nữ đặc thù được nghiên cứu, PNCT vẫn là người thực hiện chính hầu hết các công việc trong gia đìnhvẫn có vai trò quan trọng trong các công việc gia đình, phản ánh khuôn mẫu giới truyền thống khá đậm nét với nhóm này. Gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong hỗ trợ kinh tế, tinh thần, tình cảm cho PNCT. Chính quyền đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ pháp lý, cho vay vốn, việc làm.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong chính trị, đoàn thể, cộng đồng: phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các tổ chức dành riêng cho họ như Hội Phụ nữ, đặc biệt là các nhóm tự nguyện và các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệViệc tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội của PNCT cũng có những đặc trưng khác nhau. Hội Người cao tuổi, tổ chức chính trị đặc thù dành riêng cho NCT thu hút nữ cao tuổi hiện không làm việc, nữ cao tuổi người Kinh và nhóm nữ tuổi ngày càng cao. Trong khi đó, PNCT tham gia Hội Phụ nữ tập trung hơn ở nhóm có sức khỏe tốt hơn, tuổi trẻ hơn. 

- Mô hình chăm sóc, bảo vệ NCT quan trọng nhất, chủ yếu nhất là gia đình.  Độ tuổi càng cao, mức độ phụ thuộc của phụ nữ cao tuổi vào gia đình và con cháu càng lớn. Gia đình là chỗ dựa quan trọng nhất đối với PNCT trong việc đảm bảo nguồn sống, chăm sóc về tinh thần cũng như hỗ trợ các công việc nhà và sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, đã xuất hiện nhiều mô hình hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại cộng đồng hoặc thông qua các dịch vụ.

- Về những khó khăn hiện nay: bệnh tật và điều kiện kinh tế thiếu thốn là hai khó khăn lớn nhất hiện nay mà phụ nữ cao tuổi đang phải đối mặt Nhóm cư trú ở nông thôn, cao tuổi hơn, sức khỏe kém hơn gặp khó khăn nhiều hơn. Những phụ nữ cao tuổi có trình độ học vấn thấp, hiện đang có chồng, có nhiều con, sức khỏe yếu, đang lao động kiếm sống, sống trong các hộ nghèo/cận nghèo và ở nông thôn là nhóm gặp nhiều khó khăn về kinh tế hơn so với các nhóm còn lại. Đây cũng là  nhóm cần được quan tâm và hỗ trợ về kinh tế nhiều hơn. Cùng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những nhóm này cũng là những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này khiến cho cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn.

Nhu cầu chính yếu nhất của PNCT là được chăm sóc sức khỏe định kỳ tại một cơ sở y tế tại nơi ở và được đảm bảo có nguồn sống bằng các hỗ trợ về kinh tế, vật chất và hỗ trợ việc làm để họ có nguồn thu nhập, có thể tự chủ về tài chính và chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh. Nhóm nhu cầu lớn tiếp theo là đời sống tinh thần, tình cảm, thể hiện qua việc được gặp gỡ trò chuyện với con cháu thường xuyênTrình độ học vấn càng cao thì phụ nữ cao tuổi càng ít có nhu cầu được hỗ trợ về kinh tế hơn.

PNCT có nguyện vọng được hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức trợ cấp cho NCT hiện nay là quá thấp, và thiếu định hướng phát triển dịch vụ công cho người cao tuổi.

2.3 Hoạt động, mô hình bảo vệ, hỗ trợ cho phụ nữ di cư

Về tiếp cận, thụ hưởng các chính sách bảo vệ, hỗ trợ: Khả năng tiếp cận chính sách bảo vệ, hỗ trợ của phụ nữ di cư rất thấp. Số phụ nữ di cư ít nhận được chính sách bảo vệ, hỗ trợ cũng như khó tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là cao, do phần nhiều là không biết và không ai hỗ trợ họ. Lao động nữ di cư gặp khó khăn trong điều kiện sinh hoạt, như phải trả giá tiền điện, nước cao. Đa số phụ nữ di cư không biết nơi cung cấp các thông tin và nơi tư vấn về lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH) cho mình. Thêm vào đó, công việc của phụ nữ di cư thường bấp bênh, không ổn định, các cơ sở lao động cũng không quan tâm đến việc mua BHXH, BHYT cho người lao động. Trong khi chi phí để tham gia BHYT tự nguyện thường cao, dẫn đến tình trạng nhiều chị em phụ nữ không tham gia BHYT.

Đa số phụ nữ di cư có đăng ký thường trú dưới hình thức tạm trú, được coi là diện ít ổn định, không được xem là thành viên chính thức tại cộng đồng nơi đến, do đó, không nằm trong diện bình xét hộ nghèo để tham gia các chương trình hỗ trợ của địa phương.

Những nhóm phụ nữ thực sự yếu thế chịu khó khăn kép, vừa nghèo, vừa không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Mặc dù phụ nữ di cư đều có những khó khăn, nhưng nhóm khó khăn hơn là người DTTS, bán vé số, hàng rong, không có chuyên môn, học vấn thấp, đông con, cao tuổi, tức là nhóm có nguồn lực cá nhân yếu hơn, lại chưa được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Vì thế, trong nhiều trường hợp, nhóm phụ nữ di cư tự do bị ở bên lề chính sách hỗ trợ. Những hỗ trợ hiện nay chủ yếu được triển khai theo hệ thống hộ khẩu, đăng ký tạm trú, nhưng nếu người di cư tự do nay đây mai đó, tính chất công việc không ổn định thì khó có thể biết và tiếp cận được với các chính sách vốn được triển khai theo nhân khẩu được quản lý.

- Về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục đào tạo, việc làm, dịch vụ cộng đồng và trợ giúp xã hội… của phụ nữ di cư gặp nhiều khó khăn, rào cản nhất định, nhất là dịch vụ việc làm. Có tỷ lệ đáng quan tâm phụ nữ di cư bị người dân tại địa phương nơi đến phân biệt đối xử, xa lánh. Phụ nữ di cư chủ yếu là trẻ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, không đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nên chính sách tạo việc làm cho nhóm phụ nữ di cư này cần được quan tâm.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong y tế và CSSK: Phụ nữ di cư có tỷ lệ tham gia BHYT thấp nhất, mức độ sử dụng thẻ BHYT của nhóm này thậm chí còn thấp hơn và thấp nhất trong ba nhóm phụ nữ đặc thù, cho thấy sự thiệt thòi tiếp theo của phụ nữ di cư trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, việc có và sử dụng BHYT thấp không hoàn toàn liên quan đến việc khám chữa bệnh của phụ nữ di cư. Đa số phụ nữ di cư đều được tiếp cận và khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến cao, do đặc điểm cá nhân năng động, hiểu biết hơn trong quá trình di cư làm ăn của mình.

Việc sử dụng thẻ BHYT nhiều liên quan nhiều đến tình hình sức khỏe yếu, tuổi cao, tình trạng hôn nhân ly thân, ly hôn, và công việc làm thuê không ổn định. Những nhóm này thu nhập không ổn định, nên cần sử dụng BHYT để chia sẻ gánh nặng tài chính, và có điều kiện tâm lý, sức khỏe cũng không tốt. Gia đình là một mạng lưới bảo vệ quan trọng trong CSSK của phụ nữ di cư.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong kinh tế, lao động, việc làm: phụ nữ di cư chủ yếu làm các công việc ở khu vực phi chính thức. Phụ nữ di cư có nhiều thiệt thòi trong thang ngh nghiệp của thị trường lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy di cư là một phương thức giúp người lao động, bao gồm cả phụ nữ, có thể sử dụng để nâng cao vị thế của mình trên bậc thang ngh nghiệp.

Những người có trình độ, hiểu biết hạn chế thì thường nhờ sự giúp đỡ từ người ngoài trong tìm kiếm việc làm và thu nhập. Đặc điểm chung của những phụ nữ di cư tự tìm kiếm công việc là nhóm có trình độ cao hơn, có nguồn lực cá nhân tốt hơn. Chính những nguồn lực cá nhân này cũng góp phần giúp họ lựa chọn những công việc có tính năng động, hứa hẹn thu nhập cao hơn, như: kinh doanh thay vì những công việc tạm bợ, bấp bênh như bán vé số, nhặt phế liệu, bán hàng rong, vv.

Điều đáng chú ý là nhóm được coi là yếu thế về công việc, thu nhập, như: nhóm bán vé số, hàng rong, nhặt phế liệu lại nhận được hỗ trợ kinh tế thấp nhất trong các nhóm, cho thấy chính sách hỗ trợ chưa thực sự chạm tới được nhóm khó khăn, thường lang thang kiếm sống.

Những phụ nữ di cư vay vốn làm ăn đa số là những người có mức sống từ trung bình trở lên và nghề nghiệp liên quan đến kinh doanh, buôn bán khá nhiều. Nghĩa là nhóm mang những tiềm lực cá nhân tích cực và thực tế đã thực hiện những hoạt động kinh doanh buôn bán và muốn được mở rộng hơn các hoạt động của mình. Ngược lại những phụ nữ nghèo hơn, họ cần tiền, nhưng lại có tỷ lệ vay vốn thấp hơn hẳn. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra những khoảng cách lớn hơn về thu nhập, khi những người có điều kiện tốt hơn, thì lại sẵn sàng hơn trong vay vốn tiếp tục phát triển, còn những người vốn không có điều kiện, nhất là không có việc làm, nghèo túng, thì cũng khó tiếp cận được nguồn vay, và cũng không phải lúc nào cũng sẵn sàng và có kế hoạch vay vốn để phát triển kinh tế.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong giáo dục, đào tạo: tỷ lệ phụ nữ di cư được tham gia đào tạo, tập huấn rất thấp, với hàm ý là đa số phụ nữ di cư đang ở bên lề của những bảo vệ và hỗ trợ về giáo duc, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Mặc dù đều là phụ nữ di cư có những khó khăn, nhưng những nhóm yếu thế hơn trong nhóm phụ nữ di cư đang cho thấy mức độ bị lề hóa về chính sách bảo vệ và hỗ trợ về đào tạo, tập huấn cao hơn. Mặc dù có tỷ lệ nhất định những phụ nữ di cư ở độ tuổi dưới 30, nhưng vai trò của Đoàn thanh niên trong cung cấp bảo vệ, hỗ trợ cho thanh niên, đoàn viên là rất nhỏ.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong gia đình: ngay cả khi di cư, việc phân công lao động trong gia đình của phụ nữ di cư về cơ bản vẫn theo khuôn mẫu truyền thống, ít thay đổi. Nhưng một điều khá rõ là phụ nữ di cư có vai trò, vị thế cao trong gia đình, thể hiện ở việc họ nắm quyền chi tiêu, tham gia vào những hoạt động giao dịch với chính quyền, quan hệ với họ hàng bên ngoài, và các nghi lễ. Khi di cư, việc chăm sóc và dạy dỗ con cái cũng gặp khó khan, bao gồm thiếu sự chăm sóc của mẹ, khó xin trường công lập, môi trường sống của con thiếu thân thiện, thiếu kiến thức và kĩ năng chăm sóc con.

Những phụ nữ có xuất thân gia đình không thuận lợi, có đặc điểm cá nhân hạn chế thì cũng là người tự kiếm tiền chính trong gia đình cao nhất, họ phải bươn chải đi nơi khác làm ăn kiếm sống. Xu hướng này cũng tương tự với những gia đình phụ nữ di cư mà cả hai vợ chồng cùng là người kiếm tiền chính. Ngược lại, phụ nữ di cư có đặc điểm kinh tế, xã hội tốt hơn thì cũng nhận được hỗ trợ tốt hơn từ gia đình. Nói cách khác, khó khăn, tổn thương kép rơi vào nhóm phụ nữ di cư có đặc điểm nguồn lực cá nhân yếu và đồng thời cũng ít nhận được sự hỗ trợ từ gia đình.

- Về bảo vệ, hỗ trợ trong chính trị và hoạt động cộng đồng: đa số phụ nữ di cư không tham gia vào bất kỳ tổ chức đoàn thể nào ở cả nơi đi và nơi đến. Sự tham gia hoạt động chính trị, tổ chức đoàn thể ở những phụ nữ có nguồn lực kinh tế, văn hóa xã hội tốt hơn thì ít hơn do có họ nhiều mối quan tâm khác hơn. Những phụ nữ di cư, nhất là nhóm trẻ, không quan tâm hoặc tham gia vào hoạt động của khu dân cư. Họ là những người ngoài lề trong hầu hết các kế hoạch, chính sách thực hiện tại địa bàn mà họ di cư đến.

Các mô hình bảo vệ, hỗ trợ cho phụ nữ di cư hiện nay chủ yếu thông qua các dự án, hoạt động cụ thể theo từng tổ chức, từng địa phương, chưa thành chương trình, chính sách chung. Thông qua nghiên cứu, rà soát các mô hình hỗ trợ lao động nữ di cư cho thấy, lao động di cư có xu hướng nữ hoá và phần lớn làm việc ở khu vực phi chính thức với những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội nhưng lại ít được quan tâm, hỗ trợ can thiệp. Phụ nữ di cư là nhóm dễ bị “tổn thương kép” vì họ vừa là phụ nữ, vừa là người di cư, và họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ tại nơi đến.

- Những khó khăn chính của phụ nữ di cư hiện nay là thu nhập thấp, trả lương chậm, hoặc bị lừa gạt tiền lương, khó tìm được việc làm, chưa được đào tạo về nghề, công việc chân tay, nặng nhọc, độc hại bấp bênh, không ổn định. 

- Nhu cầu lớn nhất của phụ nữ di cư là hỗ trợ về việc làm, kinh tế, được vay vốn ưu đãi, được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh, BHYT thuận lợi. Về điều kiện sống, mong muốn lớn nhất của phụ nữ di cư là có nơi ở phù hợp, được sử dụng điện, nước theo giá nhà nước như người dân sở tại, đảm bảo an toàn an ninh trật tự. Các nhu cầu hỗ trợ tiếp theo liên quan đến việc được học tập nâng cao kiến thức, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng. Trong bối cảnh dịch COVID- 19, nhóm lao động nữ di cư làm việc tại khu vực phi chính thức là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi đặc điểm nhân khẩu cũng như đặc trưng sinh kế của họ.

3. Khuyến nghị, hàm ý chính sách

Nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số

Kết quả nghiên cứu cho thấy vấn đề thách thức nhất với phụ nữ DTTS là sự thụ động, vấn đề việc làm và thu nhập. Vì thế, cần đẩy mạnh một cách thực chất những hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là người DTTS về giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật, hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế, đặc biệt quan tâm đến những nhóm yếu thế nhất như đông con, học vấn thấp, nghèo, đơn thân. Tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề.

Cần tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ xã hội, dịch vụ công cơ bản cho khu vực miền núi, ưu tiên hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ tuyến cơ sở, dịch vụ hỗ trợ việc làm và các tiện ích xã hội.

Giải quyết tình trạng kết hôn sớm, đẻ con nhiều thông qua việc tạo cơ hội học vấn, việc làm cho phụ nữ DTTS.

Thực hiện hiệu quả, thực chất Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội khu vực DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em”.

Nhóm phụ nữ cao tuổi

Có sự khác biệt rõ rệt về đặc điểm sức khoẻ, tham gia xã hội theo các nhóm tuổi 10 năm của phụ nữ cao tuổi, nên cần có những chính sách và dịch vụ xã hội phù hợp cho từng giai đoạn tuổi già của phụ nữ. Những vấn đề lớn đang đặt ra với phụ nữ cao tuổi là an sinh, bảo hiểm xã hội, thu nhập thấp và sống riêng tăng.

Về chính sách, khuyến nghị điều chỉnh về độ bao phủ và mức hưởng trợ cấp cho NCT theo mức độ phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện các quyền ghi trong Luật Người cao tuổi cần được mở rộng phạm vi lẫn mức độ bao phủ của các chính sách. Đồng thời, các chính sách về bảo vệ và hỗ trợ NCT ở Việt Nam cần thể hiện rõ hơn bước chuyển về tiếp cận NCT từ đối tượng chăm sóc, phát huy vai trò sang các chính sách hướng tới tiếp cận NCT từ góc độ nguồn lực để phù hợp với bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam hiện nay.

Về gia đình, khuyến nghị bổ sung chính sách dành riêng cho phụ nữ cao tuổi trong bối cảnh tuổi thọ của phụ nữ cao hơn, và phụ nữ cao tuổi đảm nhiệm phần lớn các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình. Bổ sung các chính sách hỗ trợ gia đình trong chăm sóc NCT khi hiện nay trách nhiệm chính và hàng đầu trong việc chăm sóc, bảo vệ và hỗ trợ cho NCT là của gia đình.

Về kinh tế, lao động - việc làm, cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động để đảm bảo an sinh xã hội cho NCT trong tương lai và giảm bớt gánh nặng trợ cấp cho nhà nước. Ngoài số NCT được hưởng chế độ lương hưu hay mất sức, ngân sách nhà nước mới chỉ tập trung hỗ trợ đời sống NCT cô đơn, nghèo không nơi nương tựa, người có công với cách mạng, người từ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập nào.

Tăng cường các dịch vụ trợ giúp pháp lý, bảo trợ xã hội và các mô hình chăm sóc ban ngày cho NCT. NCT gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm được trả công, nếu có, họ chủ yếu làm nghề lao động giản đơn, lao động chân tay như làm giúp việc hoặc dọn dẹp, rửa bát đối với phụ nữ cao tuổi. Trong ngắn hạn, cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi một cách hợp lý cho các doanh nghiệp để khuyến khích họ sử dụng lao động cao tuổi. Trong dài hạn, cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nhằm cải thiện cơ hội việc làm cho lao động nữ giúp họ có nhiều cơ hội tìm được các việc làm bền vững với chế độ phúc lợi tốt để họ có thể có điều kiện kinh tế ổn định và độc lập về kinh tế.

Về tham gia chính trị, đoàn thể, cộng đồng, phụ nữ cao tuổi hiện nay vẫn là một nguồn lực quan trọng không chỉ trong gia đình mà cả ngoài cộng đồng. Trong bối cảnh hiện nay, phát huy vai trò của phụ nữ cao tuổi đối với các hoạt động cộng đồng và các tổ chức đoàn thể giúp cho NCT không chỉ thấy có ích cho cộng đồng mà còn liều thuốc tinh thần quý giá cho phụ nữ cao tuổi thông qua gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, gắn kết với bạn bè.

Nhóm phụ nữ di cư

Phụ nữ di cư mang đặc điểm nổi bật là tính năng động xã hội cao nhưng vấn đề lớn nhất đang đặt ra với phụ nữ di cư là tiếp cận dịch vụ thấp, nguy cơ bị lề hóa chính sách.

Về chính sách bảo vệ và hỗ trợ, hiện đang thiếu các chính sách đặc thù dành cho lao động nữ di cư, chưa có tổ chức đại diện cho nhóm lao động này do phần lớn là lao động khu vực phi chính thức. Khuyến nghị xây dựng chính sách đặc thù cho nhóm lao động di cư. Những hỗ trợ/chính sách hiện nay chủ yếu được triển khai theo hệ thống hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng, nhưng nếu người di cư tự do có tính chất công việc nơi ở không ổn định thì khó có thể biết và tiếp cận được với các chính sách vốn được triển khai theo nhân khẩu được quản lý.

Về quản lý di cư, cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ di cư đăng ký tạm trú, tạm vắng và mua BHYT. Nhanh chóng triển khai quản lý dân cư theo căn cước công dân và cho phép sử dụng căn cước công dân để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Về lao động - việc làm, phụ nữ di cư đang thiếu cơ hội tiếp cận việc làm bền vững. Chính sách đặc thù cho phụ nữ di cư trong lĩnh vực kinh tế, lao động - việc làm vẫn là “khoảng trống” trong hệ thống chính sách, chiến lược phát triển chung của Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh hệ thống luật pháp, chính sách hiện có và tăng cường hiệu quả các mô hình can thiệp nhằm bảo đảm phụ nữ di cư được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng đối với các chính sách an sinh xã hội, dịch vụ công và hòa nhập với cộng đồng.

Về gia đình, cộng đồng, cần nhìn nhận phụ nữ di cư trong mối quan hệ với gia đình - cộng đồng trên quan điểm phát huy năng lực nội tại của họ thay vì coi họ là nhóm yếu thế. Bên cạnh đó, để bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với phụ nữ di cư và các nhóm đối tượng di cư khác rất cần vai trò nòng cốt của các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ. Khuyến nghị cải thiện môi trường sống tại nơi di cư. Đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ di cư.

Cần tạo điều kiện ổn định và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho lao động nữ di cư; cải thiện mạnh mẽ các dịch vụ hỗ trợ tại nơi đến cho lao động di cư. Xây dựng hệ thống mầm non theo dân số trẻ em tại chỗ và dự báo xu hướng trẻ em di cư đến. Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động di cư để họ có chỗ gửi con an toàn, phù hợp về chi phí và thời gian lao động sản xuất.

Hỗ trợ an sinh xã hội là khâu then chốt làm cho quá trình di cư thực sự hữu ích cho phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Việc hỗ trợ các loại hình nhà ở như ký túc xá giá rẻ, an toàn và đảm bảo vệ sinh cho lao động nữ di cư, đặc biệt là tại những khu công nghiệp là vô cùng cần thiết. Cần đưa nội dung nhà cho thuê vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị; cung cấp các chương trình hỗ trợ, cơ chế tài chính để khuyến khích chủ nhà và người đi thuê bảo trì, nâng cấp chất lượng nhà ở hiện có. Hỗ trợ về nhà ở nói riêng và hỗ trợ về an sinh xã hội nói chung cần xóa bỏ rào cản tiếp cận giữa chính cư – ngụ cư, giữa khối chính thức – phi chính thức là giải pháp cốt lõi nhất để bảo đảm cho lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức được bảo vệ và hỗ trợ phát triển.

Quan tâm điều chỉnh và mở rộng chế độ hưởng trong hệ thống BHXH tự nguyện phù hợp với lao động di cư, nhất là phụ nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hữu Minh. 2020. “Quan niệm của cán bộ và người dân vùng dân tộc thiểu số về quyền ra quyết định trong gia đình: Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng”. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới số 1/2020.
  2. Quang Vinh. (2019). Phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trong xu thế xã hội già hóa, đăng tải trên http://consosukien.vn/phat-trien-dich-vu-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-trong-xu-the-xa-hoi-gia-hoa.htm
  3. Tạp chí Dân số và phát triển. 2018. Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho nhóm dân tộc thiểu số: thực trạng và hàm ý chính sách. http://gopfp.gov.vn/chi-tiet-an-pham/-/chi-tiet/tiep-can-dich-vu-xa-hoi-co-ban-cho-nhom-dan-toc-thieu-so-%0Athuc-trang-va-ham-y-chinh-sach-8308-3307.
  4. Thùy Trang. (2020). Rào cản trong chăm sóc sức khỏe đối với người di cư, Biên phòng, truy cập tại địa chỉ < https://www.bienphong.com.vn/rao-can-trong-cham-soc-suc-khoe-doi-voi-nguoi-di-cu-post432833.html>, ngày truy cập 20/11/2021.
  5. Tổng cục Thống kê (2020). Thông cáo báo chí về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020.
  6. Tổng cục thống kê. (2021). Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019: Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam.
  7. Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019: Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam. Thông tin tóm tắt.
  8. Trần Thị Minh Thi. (2020). Tham gia chính trị xã hội của người cao tuổi hiện nay và các yếu tố ảnh hưởng (Nghiên cứu trường hợp tại tỉnh Ninh Bình). Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, Số 4, 2020
  9. Trần Thị Minh Thi. (2020b). Vai trò của người cao tuổi trong xã hội Việt Nam đang già hóa. Báo cáo tổng hợp. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
  10. UN Women, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam. (2021). “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019”.
  11. UNFPA. (2011). Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam. Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách.
  12. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê. 2020. Kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế- xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Nxb. Thống kê, Hà Nội.

 

TS. Bùi Thị Hòa _ Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Chủ nhiệm đề tài;

ThS. Đào Thị Vi Phương _ Phó ban Chính sách-Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam - Thư ký khoa học đề tài