Định kiến giới, bất bình đẳng giới: Rào cản cần xóa bỏ

 Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là 1 trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua, đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới. Tuy nhiên, vấn đề định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, tỉ lệ phụ nữ bị xâm hại, bạo lực còn ở mức rất cao.

 Hình minh họa

Những con số "biết nói"

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì giai đoạn từ năm 2011 - 2015, số nạn nhân bị bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia là 120.452 lượt người. Con số này năm 2016 là 18.104 lượt người, năm 2017 là 14.972 lượt người, năm 2018 là 8.580 lượt người, năm 2019 là 7.838 lượt người.

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy: Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất 1 hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng bạn tình gây ra trong đời và 31,6% bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua); tỉ lệ phụ nữ bị chồng bạn tình bạo lực tình dục trong đời năm 2019 là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 là 9,9%; 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.

Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chồng bạn tình gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ.

Về vấn đề bạo lực tình dục, cứ 8 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (13%) từng bị chồng bạo lực tình dục trong đời và 6% bị chồng bạo lực tình dục hiện thời. Bị ép buộc quan hệ tình dục trái với ý muốn của người vợ - một dạng của cưỡng dâm trong hôn nhân - là hành vi bạo lực tình dục phổ biến nhất được phụ nữ chia sẻ.

Ảnh minh họa

Theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến định kiến giới, bất bình đẳng giới dẫn tới bạo lực trên cơ sở giới xuất phát từ suy nghĩ, quan niệm chấp nhận của phụ nữ. Nhiều phụ nữ có quan niệm sai lầm rằng, chồng, bạn trai có quyền được ra quyết định, có quyền được đánh vợ.

Số liệu thống kê cho thấy, 1/3 phụ nữ ở Việt Nam ủng hộ nam giới, chứ không phải phụ nữ, phải là người ra quyết định và là chủ gia đình. Phụ nữ ở khu vực nông thôn đồng tình với quan điểm này nhiều hơn hẳn so với phụ nữ ở thành thị. Tỷ lệ chung phụ nữ đồng tình với quan điểm này không thay đổi kể từ năm 2010, mặc dù nhóm phụ nữ trẻ hơn ít đồng tình với quan điểm này hơn.

Hơn một nửa phụ nữ được phỏng vấn (52%) đã đồng tình với ít nhất 1 lý do hoặc tình huống mà có thể chấp nhận việc chồng đánh vợ ví dụ việc người vợ "không chung thủy" (45%) hoặc "không chăm sóc con cái" (27%). Những quan điểm này được nhóm phụ nữ có trình độ học vấn thấp và phụ nữ sống ở khu vực nông thôn ủng hộ nhiều hơn so với nhóm phụ nữ sống ở khu vực thành thị.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã chỉ ra rằng, vấn đề bất bình đẳng giới đang còn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, khía cạnh vị thế của người phụ nữ còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, sự tiến bộ về vị thế của người phụ nữ có phát triển nhưng chưa đạt được mục đích.

Cần thay đổi từ nhận thức đến hành động

Nhìn thẳng vào thực tiễn, tính đến nay, tình hình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới chỉ có 8 chỉ tiêu thống kê đã tiệm cận đạt, đạt và vượt so với yêu cầu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Đó là các vấn đề như: mất cân bằng giới tính khi sinh có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng ở cả nông thôn, thành thị, ở tất cả các vùng, miền. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ.

Sự bất bình đẳng về giáo dục vẫn còn tồn tại khi tỷ lệ học sinh nữ ở cấp tiểu học và THCS thấp hơn học sinh nam, nhất là ở các vùng nông thôn nghèo và vùng dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ lệ tử vong sản phụ còn cao so với một số nước trong khu vực.

Các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh, giữa phụ nữ và nam giới chỉ có sự khác biệt về mặt sinh học chứ không có sự khác biệt về mặt xã hội. Để điều chỉnh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải tiến hành liên tục, đồng bộ, kiên trì và sáng tạo.

Trong đó, việc đầu tiên là tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, trong đó, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường: giáo dục, nhà trường, gia đình và xã hội, những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Định kiến giới tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Theo đó, muốn xóa bỏ định kiến giới phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học.

 

Ảnh minh họa

Truyền thông cũng là một lực lượng quan trọng góp phần tác động để thay đổi những nhận thức sai lầm về phụ nữ và đàn ông. Ở một số nước phát triển, bên cạnh việc tôn vinh người phụ nữ, truyền thông còn cổ súy rất nhiều cho vai trò của người đàn ông trong gia đình. Chẳng hạn, những chương trình vào bếp cùng người nổi tiếng, những diễn đàn đưa người cha về với trái tim gia đình… là những chương trình được nhiều người yêu thích, ủng hộ.

Ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và xã hội, cho rằng, hiện nay, những vấn đề về kiến thức, khoa học công nghệ có thể thay đổi rất nhanh, trong khi vấn đề về nhận thức, định kiến vẫn còn tồn tại và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thay đổi. Vì vậy, trước mắt, chúng ta cần phải có dự báo về lao động mất việc, sự tác động của công nghệ đến việc làm của người lao động, để đưa ra những chính sách luật pháp căn cơ nhằm bảo vệ lao động nữ. Đồng thời, cần chuẩn bị cho người lao động có khả năng học tập suốt đời, tham gia đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp một cách linh hoạt để tiếp cận thị trường lao động khi lâm vào tình huống bị mất việc. Vì so với nam giới, phụ nữ đang chịu tác động tiêu cực nhiều hơn trong trong kỷ nguyên số.

Theo ông Đào Quang Vinh, vẫn còn nhiều định kiến về phụ nữ lãnh đạo. Ví dụ định kiến về việc nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ khi làm lãnh đạo bị soi xét, để ý hơn so với nam giới và đặt ra nhiều vấn đề khắt khe hơn.

Nhiều chuyên gia về giới nêu quan điểm, cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách pháp luật… thì việc đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.

Những con số thống kê trên cho thấy rào cản và thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.

Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên cơ sở xác định những vấn đề bất bình đẳng giới cần ưu tiên giải quyết. Hội LHPN Việt Nam đang tích cực thực hiện phản biện xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới trong thời gian tới.

Một trong các hoạt động đó, vào sáng 25/9, Đoàn Chủ tịch TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.