Làm thế nào để trẻ em tránh bị hành hung, bắt nạt?
Từ những xích mích nhỏ có thể dẫn đến những sự việc thương tâm, đó là trường hợp nam sinh lớp 8 tại Hà Nội bị chết não do bị hành hung. Vì vậy, trẻ em cần được trang bị những kĩ năng để phòng tránh bạo lực trong nhiều tình huống có thể dẫn đến bạo lực.
- Theo báo cáo của Cục Trẻ em, ngày 17/3, nam sinh tên N.H.Đ (14 tuổi, lớp 8 Trường THCS Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) bị đánh chấn thương sọ não khi đang chơi bóng rổ tại khu vực sân bát giác, đình Lệ Mật (phường Việt Hưng). Nguyên nhân, theo T.V.K (12 tuổi), N.H.Đ có ngồi lên bụng cũng như tát K vì K không đánh một anh đang đỗ xe đạp điện gần đó. Sau đó, K. gọi anh trai là T.V.M. (16 tuổi) đánh Đ. bất tỉnh tại chỗ.
Ngay sau đó, N.H.Đ được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và trải qua hai lần phẫu thuật, song người thân cho biết bác sĩ chẩn đoán cháu bị chấn thương sọ não, tiên lượng xấu. Trung tâm Công tác xã hội Hà Nội đã cùng chính quyền địa phương đến hỏi thăm nạn nhân ngay sau vụ việc. Công an quận Long Biên đã mời những người liên quan đến trụ sở để làm việc, lấy lời khai và củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định. Ban đầu, cả T.V.M và T.V.K đều là trẻ em nên chỉ bị tạm giam điều tra và được thả ra sau đó.
Qua các chi tiết ban đầu, có thể thấy việc va chạm giữa trẻ em trong cuộc sống thường ngày là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, các bạn cần được trang bị những kỹ năng phòng chống bạo lực trong và ngoài nhà trường để có thể bảo vệ bản thân.
Xử lý tình huống khi xảy ra bạo lực
Khi thấy bạo lực nguy hiểm đến bản thân, bạn cần phải biết kêu cứu để được sự trợ giúp từ thầy cô giáo, gia đình, người thân hoặc những người xung quanh như bảo vệ, bạn bè,… Bạn có thể kêu cứu bằng cách hét lớn, chạy nhanh đến những nơi an toàn như gặp thầy cô giáo, phòng bảo vệ, nhà dân,… hoặc gọi điện thoại cho người thân ứng cứu. Đừng để bản thân rơi vào thế bế tắc, trở thành nạn nhân của những cuộc hành hung.
Để cảnh cáo kẻ gây rối, bắt nạt, bạn cần học cách tạo tư thế tự tin, bản lĩnh như đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Nhìn thẳng vào đối tượng đi gây gổ, ức hiếp, dùng câu trả lời dứt khoát mạnh mẽ, những lời ngắn gọn. Cảnh báo nguy cơ có thể xảy đến đối tượng nếu làm mình bị chấn thương. Nếu được trang bị những kỹ năng nhận biết các dấu hiệu nguy cơ bạo lực học đường, từ đó bạn sẽ biết cách né tránh khỏi bế tắc trong cách hành xử.
Bày tỏ chính kiến trước cái xấu
Bạn phải hình thành kỹ năng nhận biết, phân tích, đánh giá các hành vi, biểu hiện thái độ của những người xung quanh. Phải biết phân định đâu là đúng - sai, tốt - xấu. Nhờ đó bạn biết lựa chọn học hỏi hành vi tốt, phù hợp với chuẩn mực xã hội, tránh được hành vi xấu không được xã hội chấp nhận. Trong các vụ bạo lực, bạn có thể là nạn nhân và cũng có thể là thủ lĩnh, đầu gấu nhí, nhưng cả hai đều gánh chịu tổn thương về sự phát triển tâm sinh lý, nhân cách.
Khi bạn nhận định, phân tích, bạn cũng biết được gây ra bạo lực học đường là hành vi xấu, không được xã hội chấp nhận, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý và phải cải tạo trong trường giáo dưỡng, từ đó mà lựa chọn cách ứng xử phù hợp.
Ứng phó với hệ lụy xảy đến vì bạo lực
Nếu bạn là học sinh cấp THCS, thì hoạt động chủ đạo là thiết lập các mối quan hệ bạn bè. Chúng mình rất coi trọng tình cảm trong tình bạn. Một chút bất hòa cũng làm cho bạn “mất ăn, mất ngủ”, thậm chí rơi vào trạng thái căng thẳng. Thường trực có suy nghĩ bất mãn là bị bạn bè sỉ nhục thì không còn gì thể diện nên xuất hiện ý định tiêu cực.
Do đó, bạn đừng chịu đựng những điều đó một mình nhé. Hãy tìm đến những người lớn như ông bà, bố mẹ, anh chị để nhận được quan tâm, chia sẻ động viên. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn ban đầu, bản lĩnh hơn mà sống và học tập. Kỹ năng này giúp bạn cân bằng tâm lý, tránh được trạng thái nổi loạn, ẩu đả gây bạo lực, tránh được nguy cơ trầm cảm.
Nhận biết nguy cơ bạo lực
Bạn cần nhận biết sớm các dấu hiệu có nguy cơ bạo lực như: nhìn đểu, trêu đùa quá khích, bị cho ra rìa, tẩy chay,… Nếu bạn nhận biết các dấu hiệu nguy cơ này, bạn sẽ biết cách cách hành xử để né tránh khỏi bạo lực xảy ra.
Khi nhận thấy mình có nguy cơ bị bắt nạt, bạn nên chia sẻ với cha mẹ, thầy cô giáo hoặc bạn bè của mình. Phụ huynh và thầy cô giáo giúp bạn nhìn nhận sự việc, từ đó có những ứng xử phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng cần được rèn luyện trong cuộc sống để giúp trẻ mạnh mẽ về thể chất, tinh thần, năng lực. Điều này sẽ giúp bạn không bị yếu thế và tránh khỏi các đối tượng bắt nạt.
Giao tiếp, hòa nhập với bạn bè
Học sinh cần tham gia vào những hoạt động nhóm như: hoạt động thể thao, ngoại khoá, tiếng Anh,… Các hoạt động này sẽ giúp bạn có được những người bạn thân phù hợp để có thể chia sẻ khi gặp khó khăn. Từ đó, chúng mình sẽ có được hỗ trợ từ bạn bè nếu gặp có nguy cơ xảy ra bạo lực.
Hãy học cách kiềm chế cảm xúc
Ở lứa tuổi THCS, cảm xúc của bạn thường chưa ổn định, dễ bị xáo trộn, dễ bị kích động dẫn đến “làm càn”, hoặc bị trầm cảm quá mức dẫn tới hành vi tiêu cực tự tổn thương, tự sát… Nếu bạn bị rơi vào thế bị bạo lực (bị ức hiếp, tẩy chay, bị đánh đập) sẽ bế tắc, không kiểm soát được mình, dẫn tới hậu quả xấu.
Vì vậy, bạn cần học cách kiểm soát cảm xúc như: biết như hít thở sâu, đếm từ 1-10, nghĩ đến một câu chuyện hài, tìm mọi cách để hạ hỏa. Bạn phải tự nghĩ ra cách xử lý tình huống, nếu chưa hợp lý thì hỏi người lớn để điều chỉnh, uốn nắn phù hợp. Trong các tiết học phòng chống bạo lực trong trường, bạn phải lắng nghe những lời nói và hành động của người hướng dẫn. Hoặc tự bản thân tham gia đóng vai theo chủ đề các cảnh bạo lực, hướng dẫn thực hành, trình diễn.
TP
Link: https://thieunien.vn/lam-the-nao-de-tre-em-tranh-bi-hanh-hung-bat-nat-tbd60157.html