Chuyển đổi số với nữ trí thức ở Thành phố Hồ Chí Minh

 Phát huy vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi số không chỉ vì mục tiêu bình đẳng giới mà còn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề chuyển đổi số là một trong những vấn đề được các đại biểu dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2024 quan tâm 
Vấn đề chuyển đổi số là một trong những vấn đề được các đại biểu dự Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2024 quan tâm 

Chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, là yêu cầu cấp thiết, khách quan đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Là một trong những quốc gia sớm ban hành chương trình, chiến lược về CĐS quốc gia, trở thành quốc gia có nhận thức về CĐS cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Trong quá trình chuyển đổi này, Việt Nam gặp không ít thách thức và cần sự chung sức chung lòng của các cấp chính quyền để đảm bảo Chương trình Chuyển đổi tạo nền tảng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ (KH&CN); đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn. Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người chiếm khoảng 9% dân số cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước nhưng có đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước [6]. Trong đó, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo đang từng bước trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế – xã hội, gắn với phát triển kinh tế tri thức thông qua tập trung nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các nguồn lực xã hội được phát huy; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển vượt bậc; đời sống người dân ngày càng được nâng cao, là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thành quả đó là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn thể người dân thành phố cùng với sự đồng hành của nhân dân cả nước, trong đó không thể không kể tới những đóng góp của đội ngũ nữ trí thức TP.HCM. 

Các nhà khoa học, kỹ sư nữ, trí thức Việt Nam và nước ngoài tham dự  Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2024
Các nhà khoa học, kỹ sư nữ, trí thức Việt Nam và nước ngoài tham dự  Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương 2024

CĐS cũng là công cụ đắc lực để giải phóng phụ nữ, nâng cao vị thế, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Xác định CĐS ứng dụng CNS là xu thế tất yếu, giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng như tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao năng lực trình độ công tác, để từng bước khẳng định vị thế của mình đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững đúng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Một số vấn đề chung về công nghệ số và chuyển đối số hiện nay

Công nghệ số

Công nghệ số (CNS) là nền tảng cơ bản cho phép thực hiện quá trình CĐS nhằm thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất…thông qua việc phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị mới. CNS hiện nay đang thay đổi nhanh chóng và liên tục, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho cá nhân, doanh nghiệp và xã hội. Sự phát triển này góp phần không chỉ cải thiện hiệu quả và tiện ích mà còn mở ra những khả năng mới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Chuyển đổi số

 “CĐS là quá trình con người thay đổi cách sống, cách làm việc, và phương thức sản xuất với các công nghệ số” [1]. Từ đó, thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc từ môi trường thực sang môi trường số dựa trên các CNS. Chương trình, kế hoạch, đề án CĐS phục vụ ngành, lĩnh vực, quản lý ưu tiên vào phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội để xây dựng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Tầm quan trọng khi thực hiện chuyển đổi số trong thời đại hiện nay

CĐS không chỉ là sự tích hợp công nghệ; nó đại diện cho sự thay đổi cơ bản trong tư duy và quy trình của tổ chức, giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, kinh tế, xã hội. CĐS sử dụng dữ liệu và hệ thống CNS nhằm thay đổi trải nghiệm người sử dụng với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp. Việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động xã hội, năng lực cạnh tranh, hiệu quả chất lượng dịch vụ công, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, giúp Chính phủ ngày càng cải thiện chất lượng công việc của cán bộ, công nhân,viên chức; cải thiện dịch vụ công; giảm ách tắc và phục vụ nhu cầu của người dân hiệu quả hơn.

Theo mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của chính phủ, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lối sống làm việc và học tập của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cần nắm bắt, vận dụng cơ hội CĐS, bài toán phát triển nhân lực số được coi là khâu quan trọng. Chính phủ đã ban hành đề án, nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025, đến năm 2030 [2]. Đây là sự khẳng định về việc coi trọng nhân lực số trong giai đoạn tới, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia CĐS trên toàn quốc cùng dẫn dắt, lan toả quá trình CĐS góp phần bảo đảm CĐS quốc gia một cách nhanh, hiệu quả, bền vững và thành công.

Chuyển đổi số ở Thành phố Hồ Chí Minh với nữ trí thức khoa học công nghệ hiện nay Những cơ hội và thách thức

 Đảng và Nhà nước đặt biệt quan tâm việc phát huy vai trò của nguồn nhân lực thực hiện quá trình CĐS trong đó có lực lượng là trí thức nữ. Đây là lực lượng tinh hoa, hội tụ những phẩm chất tốt đẹp đặc trưng của người phụ nữ Việt - là những người không chỉ có trình độ học vấn cao, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực tham gia hầu hết các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đảm nhận nhiều vị trí, trọng trách quan trọng của đất nước. Thực hiện Quyết định 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án 939/QĐ-TTg về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 ngày 30/6/2017. Qua 4 năm thực hiện đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án [6].

Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến đội ngũ nữ trí thức, hiện nay, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã có hơn 5.500 hội viên trong đó có 23 giáo sư, trên 200 phó giáo sư, trên 700 tiến sĩ và khoảng trên 200 thạc sĩ [4] với nhiều ngành, lĩnh vực như giáo dục đào tạo, nông nghiệp, y tế, kinh tế, môi trường, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, ngoại giao, văn hoá nghệ thuật. Xây dựng đội ngũ nữ trí thức lớn mạnh góp phần nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc trong giai đoạn mới.

Cơ hội

Tại TP.HCM, đội ngũ nữ trí thức Thành phố đã có nhiều đóng góp trong các hoạt động phản biện xã hội, đề xuất chính sách và tư vấn hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống. Ngoài ra, còn đồng hành, góp sức cùng với các hoạt động đóng góp nguồn lực, vật chất hỗ trợ Hội Nữ trí thức Việt Nam trong các hoạt động trọng tâm và các sự kiện lớn của Hội, đặc biệt trong tổ chức Đại hội II Hội Nữ trí thức Việt Nam (2016), tổ chức Hội nghị Mạng lưới các Nhà khoa học nữ Châu Á – Thái Bình Dương (APNN) lần thứ 8. Hội luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ; luôn đồng hành kịp thời chia sẻ, kịp thời lắng nghe và mạnh dạn thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đề xuất chính sách, phát huy thế mạnh, khắc phục khiếm khuyết, phát huy tiềm năng của đội ngũ nữ trí thức Thành phố trong quá trình phát triển và hội nhập của đất nước, từng bước xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, chất lượng sống ngày càng cao.

Tính đến 31/12/2023, có 8.244 người đang làm việc trong các tổ chức KH&CN thuộc quản lý của TP.HCM (theo số liệu báo cáo của 256/407 tổ chức KH&CN). Trong đó, nhân lực nữ chiếm 46% và có chênh lệch lớn về giới tính ở trình độ tiến sĩ, các trình độ còn lại ít có sự khác biệt. Theo trình độ chuyên môn, phần lớn nhân lực làm việc trong các tổ chức KH&CN đều đạt trình độ từ đại học trở lên. Trong đó, nhân lực trình độ đại học và thạc sĩ chiếm đa số, với tỷ lệ lần lượt phần trăm nữ tri thức chiếm 20,1% có trình độ chuyên môn đại học và chiếm 16,8 % có trình độ thạc sĩ, nhân lực đạt trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ 4,2%. Ngoài ra, có 1,6% nhân lực trình độ cao đẳng và 3,1% nhân lực trình độ thấp hơn tham gia vào công tác hỗ trợ trong các tổ chức KH&CN (số liệu cá nhân đã thực hiện so sánh dựa trên số liệu thống kê) [7].

Bảng 1. Trình độ học vấn của người đang làm việc trong các tổ chức khoa học và công nghệ tại TP.HCM năm 2023

Trình độ

 

 

Giới tính

Tiến sĩ

Thạc sĩ

Đại học

Cao đẳng

Khác

Tổng số

Nữ

347

1386

1664

134

258

3789

Nam

795

1492

1656

122

390

4455

Tổng số

1142

2878

3320

256

648

8244

Nguồn: Thống kê số người trong tổ chức khoa học và công nghệ năm 2023

Vừa thực hiện thiên chức người vợ, làm mẹ, các nữ trí thức đang thực hiện "vai trò kép" với nhiều sự vất vả, vừa phải thực hiện công việc chuyên môn, nghiên cứu khoa học, vừa phải lo toan cho gia đình và đồng hành cùng con trẻ…gánh nặng đặt lên đôi vai của người phụ nữ. Để làm tốt vai trò đó, họ phải nỗ lực không ngừng, kiên trì và thật bền bỉ. Nữ trí thức TP.HCM đã chứng minh vị thế vững vàng của mình trong xã hội, nghiên cứu khoa học, nhiều lĩnh vực khó… đòi hỏi trí tuệ, sáng tạo, trách nhiệm, tâm huyết và sự kiên trì. Nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước do phụ nữ làm chủ nhiệm, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu được trao cơ hội cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía gia đình thì chắc chắn phụ nữ sẽ có thêm nhiều đóng góp cho xã hội. Quá trình đó là cần phải có sự tiếp cận, đồng hành xuyên suốt của đội ngữ nữ tri thức đối với phụ nữ tại địa phương, cơ sở để cùng nhau thực hiện phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Chuyển đổi số với nữ trí thức ở Thành phố Hồ Chí Minh

Quá trình CĐS thành công được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ thể tham gia trong quá trình thực hiện, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ nữ trí thức và sự  nỗ lực của cả hệ thống chính trị vào công cuộc CĐS quốc gia. Những chủ thể ấy tham gia lĩnh vực KH&CN, đóng góp công sức, sáng kiến, tham gia CĐS được xem là việc hết sức ngưỡng mộ và đáng trân trọng. Vừa thực hiện làm đúng chức năng, nhiệm vụ vừa đảm nhiệm nhiều vai trò trong các cơ quan, tổ chức như: hoạt động lãnh đạo, quản lý và công tác chuyên môn trong mọi lĩnh vực, hoạt động. CĐS đã tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới, mỗi người đều có điều kiện tiếp cận công nghệ một cách linh hoạt và phù hợp với nhu cầu cá nhân, không phân biệt địa vị giàu nghèo, vị trí địa lý hay độ tuổi. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ nữ tri thức luôn có cơ hội học tập, phát triển, tiếp cận KH&CN, được cập nhật kiến thức thường xuyên, tăng sự kết nối công nghệ là một vấn đề vô cùng bức thiết trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Theo Báo cáo MIWE 2021, khuyến khích khởi nghiệp dành cho phụ nữ đến từ những nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á (như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines) đôi khi còn ngang bằng với nam giới, mặc dù họ vẫn còn phải đối mặt với vô vàn những thách thức. Cùng với Philippines, phụ nữ Thái Lan và Việt Nam đều có vị trí xuất sắc trong cấu phần A, lần lượt xếp hạng thứ 4 và 11. Các nữ doanh nhân đã thể hiện ý chí và quyết tâm nhằm vượt qua thử thách, được thúc đẩy bởi nhiều cơ hội kinh doanh tốt, trao quyền cho các nữ doanh nhân để hướng tới công cuộc phục hồi kinh tế của Việt Nam [10]. Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp (COSTAS) đã lựa chọn và hỗ trợ 12 sáng chế của 08 nhà khoa học nữ và nhóm nghiên cứu tham dự Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của Phụ nữ lần thứ 17 (KIWIE 2024) góp phần “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” [9].

Thách thức

Có nhiều lý do là rào cản dẫn đến việc tỷ lệ phụ nữ làm việc và muốn được cống hiến trong lĩnh vực này còn hạn chế, như còn thiếu các chính sách đặc thù và chương trình thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ đặc biệt là đội ngũ nữ tri thức trong lĩnh vực công nghệ và CĐS. Những thách thức về định kiến giới tính thường ngăn cản sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động giáo dục và công việc có liên quan đến CNTT [3]. Một trong những định kiến giới biểu hiện khá rõ là phụ nữ không nên học cao, không nên lựa chọn các ngành kỹ thuật, nên gắn liền với gia đình, coi việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là công việc của người phụ nữ. Từ những suy nghĩ đó, nhiều phụ nữ đã bị hạn chế trên con đường học tập, lao động, phấn đấu và vươn lên trong sự nghiệp, giảm khả năng đóng góp nhiều hơn về sức lực, trí tuệ cho xã hội, khó có cơ hội tìm tòi và hướng đến những vấn đề có tính mới, sáng tạo. Qua đó, cần có sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với việc phát huy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, của đội ngũ trí thức nói chung trong đó có đội ngũ trí thức nữ. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thu hút nhân tài; tôn vinh và trọng dụng. Đó được coi là một công cụ hữu hiệu làm thay đổi nhận thức xã hội về vai trò và khả năng của phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động trong tất cả các lĩnh vực. Các quan điểm đó đều khẳng định một cách xuyên suốt và nhất quán: phụ nữ có quyền bình đẳng được tham gia, cống hiến, dân chủ, tự do trong hoạt động sáng tạo của mọi cá nhân, của trí thức; đảm bảo hành lang pháp lý cho sự tham gia của phụ nữ; phát huy vị trí và vai trò của trí thức nữ vào mọi mặt của đời sống xã hội, bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Ngoài ra, còn có “một bộ phận trí thức còn thiếu ý chí phấn đấu, không thường xuyên nghiên cứu và học tập, dẫn đến tụt hậu về chuyên môn, nghiệp vụ; một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực; một số trí thức trẻ chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên”. Bản thân nữ trí thức cũng chưa nhận thức hết được vai trò, vị thế và trách nhiệm của bản thân mình cần phải đóng góp trong xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó đã làm hạn chế quá trình tiếp xúc với tri thức, tiếp cận với tiến bộ KH&CN, bản thân chưa được phát huy đúng mức, tinh thần cống hiến chưa cao, chưa xứng tầm với sự phát triển hiện nay của khu vực. Vì vậy, người phụ nữ tri thức phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình, học tập nâng cao trình độ, phấn đấu trong phát triển sự nghiệp, bản lĩnh hơn và tạo cơ hội cho chính bản thân mình. Luôn có ý thức cầu tiến, độc lập, sống có mục đích, luôn tự tin, sáng tạo, biết hoạch định kế hoạch, suy nghĩ tích cực, biết đối mặt với áp lực, biết chăm sóc bản thân …Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội để tích lũy tri thức và kinh nghiệm sống, giao lưu, giao tiếp trong xã hội.

Bên cạnh đó, sự đầu tư cho KH&CN còn hạn chế, nhỏ, lẻ và tản mạn; tỷ lệ chi cho hoạt động KH&CN chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của Thành phố, với xu hướng chung của khu vực và thế giới, chưa tạo được sản phẩm KH&CN thực sự mang tính đột phá, chủ lực, mang thương hiệu của Thành phố. Đội ngũ cán bộ phục vụ chuyên ngành KH&CN tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính quyền cần xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học và điều kiện hoạt động nghiên cứu được thuận lợi góp phần thúc đẩy phát huy tư duy sáng tạo, sở trường, thế mạnh và nâng cao năng lực phát triển khoa học công nghệ quốc gia

CĐS đang là xu thế tất yếu, có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. CĐS cũng là công cụ đắc lực để giải phóng phụ nữ, nâng cao vị thế, phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Với sự tác động mạnh mẽ của thời đại CNS, CĐS, Nhà nước cần tiếp tục, xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển phụ nữ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, tăng cường giáo dục chất lượng cao cho phụ nữ, khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình CĐS quốc gia và hội nhập quốc tế. Trước cơ hội đi liền thách thức của quá trình CĐS và toàn cầu hóa, phụ nữ Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, ngay cả những lĩnh vực lâu nay được coi là thế mạnh riêng của nam giới. Điều đó đã đánh dấu sự phát triển của xã hội, quan niệm về tư duy, cách nhìn nhận và đánh giá cao vai trò của người phụ nữ, dù với cương vị nào cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đội ngũ nữ trí thức là bộ phận tinh hoa của phụ nữ Việt Nam, là một bộ phận quan trọng của đội ngũ trí thức trên cả nước. Đây là một lực lượng không thể thiếu trong tiến trình xây dựng hoà bình, an ninh, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Để phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng tổ chức vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ đồng thời thực hiện“đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số”.

  • Thứ nhất, cần tiếp tục, xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và phong trào phụ nữ. Hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển KH&CN, hội nhập, năng động và sáng tạo.
  • Thứ hai, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và xóa bỏ khuôn mẫu giới từ gia đình, nhà trường và xã hội. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, những kỹ năng cần có trong tương lai để tạo điều kiện cho phụ nữ được trang bị những thông tin đầy đủ, phù hợp nhất trong bối cảnh mới.
  • Với sự hỗ trợ tích cực từ phía khách quan, cùng với những nỗ lực chủ quan sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội, tạo vị thế cho bản thân để phụ nữ nói chung sẽ không còn gặp những trở ngại về giới trong việc tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc và nâng cao giá trị bản thân trong thời đại mới.

Không chỉ riêng TP.HCM mà tất cả địa phương trên cả nước cần sự chung tay của nhà chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng thực hiện chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, xây dựng nhiều đô thị thông minh trong thời gian tới. Những người phụ nữ rất nghị lực và phi thường ấy đã và đang khẳng định vai trò của mình trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những người phụ nữ, nhóm lao động yếu thế trong xã hội, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, xoá đói, giảm nghèo, bảm đảo an sinh xã hội… Điều đó, đã thúc đẩy tạo ra nhiều động lực mới, giải pháp mới trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện nay.

Võ Thu Hà

LINK: https://phunumoi.net.vn/chuyen-doi-so-voi-nu-tri-thuc-o-thanh-pho-ho-chi-minh-d321652.html