Khoảng cách giới vùng dân tộc thiểu số làm cách nào rút ngắn?

 GD&TĐ - Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh: Minh Chuyên
Khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh: Minh Chuyên

Trong đó, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít; tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Những “điểm sáng”

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội Việt Nam khóa XII thông qua vào ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Luật này quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Từ năm 2007 đến nay, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào Quốc hội nhiệm kỳ 2016 – 2021 là 27,2%, cao hơn mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu, được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng đứng thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham gia chính trị.

Đồng thời, Việt Nam là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới ở mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao trình độ học vấn của trẻ em gái và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ cao hơn so với lao động nam. Công việc chăm sóc không được trả công trong gia đình phát sinh nhiều hơn và phụ nữ vẫn là lực lượng chính thực hiện các công việc này.

Những tồn tại này đã phần nào làm tăng khoảng cách giới trong lao động việc làm, gia đình. Từ đó, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Còn nhiều thách thức

Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên đưa ra Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 và gần đây là Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, xác định mục tiêu “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước".

Theo Bộ Nội vụ, bên cạnh những thành tựu về bình đẳng giới, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít, tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Do đó, vẫn còn phụ nữ dân tộc thiểu số chưa biết chữ. Vấn đề việc làm, dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số để tiếp cận với lao động chất lượng cao cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn của các cấp chính quyền, sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, bản thân phụ nữ cũng cần tự mình vươn lên, học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trước hết là sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ cán bộ nữ làm công tác quản lý, lãnh đạo còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung và so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010 (phấn đấu đạt từ 33% trở lên) và chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.

Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Một số chỉ tiêu đặt ra ở Chiến lược quốc gia bình đẳng giới về lao động, đào tạo… vẫn chưa đạt được.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 11,8% năm 2013. Con số này chỉ bằng gần một nửa so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Về mặt chăm sóc sức khỏe, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực. Mức giảm tỷ suất tử vong mẹ trong 10 năm qua còn chậm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số.

Tỷ lệ nữ có bảo hiểm y tế (tính trong số người khám chữa bệnh) tăng lên qua các năm, tuy nhiên còn thấp hơn nam giới. Theo số liệu điều tra mức sống dân cư năm 2010, khoảng 64,5% số phụ nữ có bảo hiểm y tế, so với 69,4% số nam có bảo hiểm y tế.

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tồn tại khá nghiêm trọng. Nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế. Chế tài thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa mạnh, chưa xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình.

Về mặt luật pháp, một số văn bản hướng dẫn, thể chế hóa quy định của pháp luật liên quan đến bình đẳng giới chậm được ban hành. Việc triển khai quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đạt kết quả chưa cao.


Vân Huyền

Link: https://giaoducthoidai.vn/khoang-cach-gioi-vung-dan-toc-thieu-so-lam-cach-nao-rut-ngan-post659749.html