Phát huy tứ đức của phụ nữ ngày nay

 

GD&TĐ - Theo Nho giáo, 'công - dung - ngôn - hạnh' hay còn gọi là tứ đức là thước đo cơ bản để đánh giá và là mục tiêu để mỗi phụ nữ hướng tới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhìn ở một góc độ nhất định, “công - dung - ngôn - hạnh” thời phong kiến là lực cản kìm hãm sự phát triển của phụ nữ; thể hiện sự bất bình quyền về giới. Nó là sự áp đặt ý chí của đàn ông để nữ giới phải phục tùng, tuân theo trong khuôn khổ định kiến khắt khe của xã hội...

Cùng với sự phát triển của đất nước trong mỗi thời kỳ, “công - dung - ngôn - hạnh” đã có sự thay đổi.

Nếu như trước kia, “công” được hiểu là nữ công gia chánh, tức là, một người phụ nữ trong gia đình phải biết thế nào là “cơm dẻo, canh ngọt” ngày phục vụ nấu ăn ba bữa cho chồng con, biết may vá thêu thùa, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc các thành viên trong gia đình, sinh nở và nuôi dạy con cái. Thì nay, “công”, được hiểu theo chiều hướng rộng hơn.

“Công” là công tác xã hội, là sự phát triển, thăng tiến bản thân của người phụ nữ tại cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể. Một phụ nữ tháo vát, là biết kết hợp giữa công việc cơ quan, xã hội, với công việc gia đình.

Công việc nhà không nhất thiết phải trực tiếp làm, mà chỉ cần quán xuyến và thể hiện sự quan tâm, sẻ chia với người khác. Trong xã hội có sự phân công lao động, họ có thể thuê giúp việc để thay mình công việc nội trợ cho gia đình; có thể thuê gia sư để dạy dỗ con cái... Nhưng tình yêu thương, sự quan tâm chân thực dành cho gia đình thì không ai có thể làm thay được.

“Dung” là dung nhan của người phụ nữ, nhưng “dung” cũng là vẻ đẹp về tâm hồn. Nếu vẻ đẹp bên ngoài là nhan sắc trời cho, thì vẻ đẹp của người phụ nữ xưa: Nết na, thùy mị, đảm đang... rất được coi trọng.

Trong xã hội hiện đại, nhan sắc không còn là đặc ân của tạo hóa. “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”!. Vậy nên, cùng với đời sống vật chất được nâng cao, nhiều chị em phụ nữ, nhất là chị em ở các thành phố lớn có điều kiện đầu tư để tân trang những khiếm khuyết trên cơ thể mình bằng sự chau chuốt, quần áo thời trang đắt tiền; mĩ phẩm hoặc can thiệp bằng phẫu thuật thẩm mĩ.

Nhưng ở thời nào thì một người phụ nữ cuốn hút vẫn toát ra vẻ đẹp từ tâm hồn, vẻ đẹp nội tâm ấy chỉ được dựng xây, hoàn thiện bằng lòng trắc ẩn của chính người phụ nữ ấy.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

“Ngôn” là lời ăn tiếng nói khoan thai, dịu dàng, mềm mỏng, kín đáo, lễ phép. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, kèm theo đó là những cử chỉ phù hợp, cư xử đúng phép, nói đúng chỗ, đúng nơi và đúng lúc...

Thời xưa, tiếng nói của phụ nữ không được coi trọng, nên những chuẩn mực trong phát ngôn của họ chỉ giới hạn trong gia đình. Ngày nay, tiếng nói của người phụ nữ ngày càng được coi trọng. Tỷ lệ phụ nữ giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan, đoàn thể; phụ nữ là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta ngày một tăng...

Thông qua tiếng nói của mình, họ thẳng thắn phát biểu, dám đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực; đưa ra những sáng kiến, đường lối, chủ trương để thay đổi các quan điểm lạc hậu, sai chuẩn mực, làm cho xã hội ngày một tốt hơn. Vị thế của họ càng được nâng cao khi xã hội tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của phụ nữ.

“Hạnh” là phẩm chất quan trọng cuối cùng trong tứ đức của phụ nữ. Hạnh chỉ đạo đức, lòng trung thành, lòng nhân hậu, giữ gìn uy nghiêm nền nếp gia phong của người phụ nữ trong gia đình.

Đức hạnh của phụ nữ được thể hiện qua mối quan hệ với cha mẹ, con cái, chồng, anh em... Trong xã hội hiện đại, đức hạnh còn thể hiện trong quan hệ, ứng xử giữa con người với con người.

Đức Phật đã dạy rằng: Nếu như hương của loài hoa bay theo chiều gió thì hương của lòng thơm thảo có thể bay được ngược chiều gió, tỏa khắp bốn phương. Người phụ nữ có đức hạnh là người phụ nữ chiếm được thiện cảm với người khác, giữ được chữ tín với khách hàng, với đối tác. Hương thơm của lòng hiếu hạnh gieo mầm và lan tỏa, để cuối cùng, họ sẽ gặt hái được những thành công trong gia đình và cuộc sống.

Như vậy, tứ đức xưa vẫn là chuẩn mực của người phụ nữ nhưng đã được cải tiến, lược bỏ những cái cũ kĩ, lạc hậu, để bổ sung thêm nhiều điểm mới, thể hiện sự bình quyền trong xã hội hiện đại.

Song điều làm nên cốt cách trân quý của người phụ nữ Việt Nam, thời nào cũng được tôn vinh, đó là sự bao dung và đức hy sinh. Chính nhờ những đức tính quý báu ấy đã làm rạng rỡ non sông đất nước bởi những tên tuổi lẫy lừng như bà Trưng, bà Triệu; thời đại Hồ Chí Minh có bà Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình...

Đặc biệt là sự hy sinh to lớn của rất nhiều những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.


Trần Minh

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/phat-huy-tu-duc-cua-phu-nu-ngay-nay-post657634.html