Gen Z - Một Thế Hệ Tài Năng Nhưng Dễ Vỡ

 

Gen Z - Một Thế Hệ Tài Năng Nhưng Dễ Vỡ

"Đủ lớn để làm, thì đủ lớn để chịu

Mày đủ lớn để học, phải đủ lớn để hiểu

Đủ sức chìa tay ra xin tiền

Thì phải đủ tự trọng không dùng tiền đó mua sĩ diện…"

( Con trai cưng - Bray ) 

Đối với những tín đồ yêu âm nhạc, đặc biệt là nhạc trẻ thì câu hát trên cực kì quen thuộc gắn liền với tên tuổi của Bray, chủ nhân của rất nhiều tác phẩm triệu view. Dòng lyric trong bài rap “Con trai cưng” của Bray không chỉ là một lời trách móc mà còn mang ý nghĩa thức tỉnh, một hồi chuông cảnh tỉnh dành cho thế hệ trẻ, gen Z, là những “con trai cưng” của bố mẹ với đầy tài năng, lớn lên với sự đùm bọc, mang theo hi vọng của gia đình nhưng “dễ vỡ”, mãi sống trong chiếc kén mà không chịu trưởng thành. “Đủ lớn để làm, thì đủ lớn để chịu” - đó không chỉ là câu nói, mà còn là thái độ sống. Một thế hệ mạnh mẽ không phải là thế hệ chỉ biết sống dưới sự bảo vệ, mà là thế hệ dám bước đi trên đôi chân của mình, dám đương đầu với khó khăn để chứng minh giá trị bản thân.

Gen Z - Một thế hệ với nhiều tài năng thiên bẩm. 

Khi nói đến cụm từ gen Z, ắt hẳn ai trong chúng ta đều có cái nhìn đầy thiện cảm về thế hệ “tương lai” của đất nước khi những bạn trẻ sinh ra trong những năm giữa đến cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010 đều mang trong mình nhiều tài năng thiên bẩm, sự sáng tạo, nguồn năng lượng dồi dào tạo nên nhiều khác biệt với các thế hệ trước. Nếu gõ từ khóa: “Gen Z tài năng” trên công cụ tìm kiếm Google sẽ cho ra 8.890.000 kết quả chỉ trong 0,22 giây. Các bạn trẻ được thiên phú khả năng về công nghệ với sự nhạy bén từ việc sử dụng đến khám phá, phát minh ra chúng. Bên cạnh đó, ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực thời trang, kinh doanh, nghệ thuật, ta thấy gen Z đang dần từng bước khẳng định tài năng và có chỗ đứng riêng cho bản thân mình. Các từ khóa “2k2 làm chủ doanh nghiệp trăm tỉ, 2k3 startup thành công thương hiệu thời trang, triệu phú gen Z…” không phải điều gì mới lạ. Lướt ngang các mạng xã hội thịnh hành như Facebook, Youtube, TikTok, các video, clip xu hướng… đều bắt nguồn hay được tạo ra từ các bạn trẻ gen Z. 

Gen Z - Tài năng, tâm lí và các vấn đề chỉ riêng thế hệ trẻ. 

Thế hệ tài năng này “dễ vỡ ” theo đúng nghĩa đen của nó? Câu hỏi này thật khó để trả lời. Nếu xét một cách khách quan, gen Z gặp nhiều các vấn đề về tâm lý hơn hẳn các thế hệ trước đó. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z (sinh năm 1996-2012) cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn về thống kê này, bao gồm Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%). Trên thực tế, số liệu được đưa ra ở hội thảo “Trầm cảm – Hãy cùng trò chuyện” (Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm – nhiều hơn gấp 2,5 lần người chết vì tai nạn giao thông. Gần đây, thế hệ trẻ nổi lên trào lưu: “Healing, chữa lành” những tâm hồn bị tổn thương với xu hướng thư giãn cuối tuần, đi du lịch hay đơn giản là nghe những bản nhạc du dương. Điều này càng cho thấy vấn đề tâm lý là một bài toán nan giải mà nhiều gen Z mắc phải. 

Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khi gen Z mang trên vai nhiều sứ mệnh cùng với nhiều kỳ vọng đi cùng với những áp lực đè nén lên đôi vai của những bạn trẻ, trước hết đến từ gia đình. Khi mạng xã hội phát triển, cùng với sự tiện lợi, nhanh chóng, hữu ích thì đi kèm với đó sự lan truyền thông tin xuyên đến muôn nơi, xuyên quốc gia vô tình làm gia tăng sự so sánh. Và cụm từ “con nhà người ta” trở thành một câu nói trở nên quen thuộc, mang đến nhiều áp lực vô hình cho các bạn trẻ phải hướng đến những mục tiêu của ba mẹ thay vì những gì mà những đứa trẻ mong muốn. 

Bên cạnh đó, Gen Z, thế hệ sở hữu tài năng thiên bẩm về công nghệ dường như đang bị mắc kẹt trong chính thế giới đó. Giao tiếp, công việc, trò chuyện… dường như những hoạt động thường ngày đều có thể thực hiện được trên các trang mạng xã hội nên chính vì vậy, thế hệ trẻ đang đắm chìm vào thế giới ảo mà quên đi sự giao tiếp hàng ngày. Không còn quá nhiều những cảnh trò chuyện giữa ông bà, bố mẹ, con cái sau những bữa cơm, những tiếng cười đùa hằng ngày dần được thay bằng nụ cười khi xem các video giải trí trên TikTok. Và việc một người sử dụng các thiết bị di động từ 4-5h/ngày, thậm chí 7-8h/ngày không còn là câu chuyện gì quá mới mẻ. Chính sự thiếu giao tiếp ấy là một nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về tâm lý như trầm cảm ở Gen Z ngày một gia tăng.

Gen Z - Thế hệ cần nhiều hơn hai chữ : Gia đình.  

Một yếu tố không thể chối cãi được dẫn tới Gen Z gặp nhiều vấn đề như vậy là do yếu tố khoảng cách giữa các thế hệ dường như quá lớn và càng trở nên rõ ràng hơn trong thời buổi công nghệ. Những cuộc trò chuyện giữa con cái và bố mẹ thường diễn ra chóng vánh và thiếu chiều sâu, thường diễn ra chỉ 3-5 phút. Những áp lực của cuộc sống làm cho thế hệ đi trước quên đi mình cần trò chuyện nhiều hơn với con cái và khoảng thời gian ngày càng ngắn đi khi con cái hứng thú sử dụng mạng xã hội hơn là nói chuyện. Và từ đó, những câu chuyện, những vấn đề cần tâm sự, những thắc mắc của những bạn trẻ gen Z sẽ không được giải quyết thấu đáo. Theo thời gian, chúng sẽ trở thành các tác nhân khiến cho các bạn trẻ gặp nhiều vấn đề về tâm lý. 

Vậy câu hỏi lớn nhất được đặt ra, vai trò của gia đình ở đâu trong câu chuyện này ? Dường như, chúng ta lãng quên vai trò to lớn của bố mẹ đối với con cái. Giữa thành phố nhộn nhịp, cuộc sống dường như nhanh hơn, người lớn cũng dường như bị cuốn vào guồng quay công việc mà quên đi con cái, những thế hệ tương lai của đất nước. Hiện tại, việc gửi con cho ông bà chăm là chuyện thường xuyên xảy ra. Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, trong số gia đình đình nữ công nhân di cư được khảo sát, có 30,2% trẻ đang phải sống xa cha mẹ. Với đặc thù công việc, đa số công nhân phải tăng ca, làm thêm giờ dẫn đến họ phải lựa chọn giải pháp gửi con về quê vì không có thời gian chăm sóc. Con số này có giảm đối với các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng chuyện gửi con cho ông bà chăm vẫn không phải là chuyện hiếm. Thiếu thốn tình cảm, nguy cơ sống khép kín, thu mình, ngại giao tiếp với thế giới xung quanh, mặc cảm, thiếu tự tin, ngại kết bạn là những gì mà đứa trẻ phải đối mặt với khi thiếu sự quan tâm của bộ mẹ. Đáng báo động hơn, nhiều phụ huynh cho rằng việc gửi con cho ông bà rồi chu cấp hàng tháng là điều hiển nhiên, làm cho tình trạng con trẻ thiếu sự quan tâm từ bố mẹ ngày càng gia tăng. 

Bên cạnh đó, sự nuông chiều quá mức từ gia đình cũng là một nguyên nhân làm các bạn trẻ thiếu trải nghiệm, thiếu kiến thức, từ đó trở nên “mong manh” trên đường đời vốn khắc nghiệt. Ngay từ nhỏ, các bạn ấy được sống trong sự chở che, bao bọc như những công chúa, hoàng tử ngay trong chính gia đình, từ việc nhỏ như quét nhà, rửa bát hay đến những việc phụ giúp bố mẹ, hiển nhiên không cần làm. Hàng ngày, sáng đi học trên trường, tối về học thêm các môn năng khiếu như ca hát, đàn, nhảy, quần áo, ăn uống đều được bố mẹ làm hết. Bất kì điều gì xảy ra, chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, một là mẹ, hai là bố là những “ông bụt, bà tiên” giải quyết hết tất cả các vấn đề cho các bạn ấy. Rồi lớn lên, vào đại học, thử hỏi bao nhiêu sinh viên biết tự nấu cơm, giặt giũ, quét dọn hay cơm thì ăn ngoài quán, quần áo thì giặt ở các tiệm giặt ủi.Việc bao bọc, quan tâm con cái quá mức có thể dễ hiểu khi chúng ta chịu ảnh hưởng của văn hóa Phương Đông. Theo chuyên gia, nhiều cha mẹ, đặc biệt những người thuộc thế hệ 8X, sống trong thời kỳ bao cấp thiếu thốn nên muốn bù đắp những thiếu hụt vật chất, tinh thần trong quá khứ cho con, dẫn đến quá nuông chiều trẻ. Nhưng quan tâm khác nuông chiều, yêu thương con cái nhưng không có nghĩa là bắt các bạn ấy sống trong vỏ bọc của gia đình. Như con nhộng muốn hóa thành bướm, phải nỗ lực, dựa vào nội lực để tự thay đổi mình, để tự phá vỡ chiếc kén từ bên trong, và con trẻ cũng vậy, các bạn ấy cần tự trưởng thành, học tập và lớn lên dưới sự quan tâm, yêu thương đúng mực của ba mẹ. 

Kết luận: Gen Z - Khi con bướm điều kiện để tự bay trên chính đôi cánh của mình

Để giải quyết vấn đề này, xã hội cần nhìn nhận một cách chính đáng về các vấn đề mà Gen Z đang gặp phải, xem nó như một vấn đề của cuộc sống thay vì có những góc nhìn tiêu cực về thế hệ tài năng này. Gia đình - nền tảng của xã hội càng cần đóng vai trò quan trọng hơn trong việc quan tâm, giáo dục thế hệ tương lai của đất nước. Cha mẹ cần có cái nhìn đúng đắn hơn trong viêc quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cho các bạn trẻ có những trải nghiệm đúng hơn với các lứa tuổi của mình thay vì dành hầu hết thời gian cho việc học trên trường lớp hay dành thời gian cho các thiết bị điện tử.

Các giải pháp cần được đồng bộ, và hơn hết mang tính thực tiễn chứ không phải hình thức. Cần nhiều hơn các phòng tâm lý, chuyên gia tâm lý ở nhà trường để giải quyết các vấn đề hiện nay thay vì hiện trạng phòng thì có những người phụ trách thì không. Nếu cả xã hội cùng chung tay thì không những giải quyết được vấn đề mà còn tạo nên một thế hệ tương lai của đất nước không chỉ tài năng mà còn vững về lý trí, có vậy mới đủ sức gánh vác sứ mệnh của tuổi trẻ. 

Người giải bài toán tốt nhất chính là người gặp vấn đề, chính các bạn trẻ phải học cách trưởng thành từng ngày qua những bài học từ cuộc sống, từ hướng dẫn của cha mẹ, thầy cô, và sách. Dường như các bạn trẻ đang quên đi sách - người thầy lớn nhất của mỗi người mà chúng ta có thể học mọi nơi, mọi lúc và sự thật là thế hệ trẻ có đọc sách nhiều đâu. Sách không chỉ mang lại kiến thức mà còn giúp các bạn trưởng thành hơn thông qua các góc nhìn đa chiều từ các cuốn sách mà các bạn đọc, trong sách có vàng, hãy tìm lấy chính kho báu của bản thân mình được gửi gắm qua từng trang sách.

Gửi tới các bạn trẻ, “Ngọc Không Mài Không Sáng / Người Không Trải Qua Nghịch Cảnh Không Thể Thành Tựu” khó khăn không chỉ là thử thách mà là cơ hội để các bạn vượt qua giới hạn của thành công, để bước lên đỉnh vinh quang của bản thân mình. Chính vì vậy, hãy vững bước trên con đường mà bạn đã chọn, thành công chỉ đến khi bạn thật sự nỗ lực. 

Tác Giả: Tớ làm content-Tuổi Trẻ Triết Học

LINK: https://ybox.vn/triet-hoc-tuoi-tre/gen-z-mot-the-he-tai-nang-nhung-de-vo-6757bcd87332e5518b965afa