Già hóa dân số tăng nhanh đe dọa kinh tế toàn cầu
Theo nhật báo Le Figaro (Pháp), nhận thức của mọi người về tác động của tỷ lệ sinh thấp hơn và tuổi thọ cao hơn vẫn chưa đầy đủ.
Cảnh báo về ảnh hưởng của tốc độ già hóa dân số đối với nền kinh tế toàn cầu, nhật báo Le Figaro (Pháp) cho rằng hiện nhận thức của mọi người về tác động của tỷ lệ sinh thấp hơn và tuổi thọ cao hơn rõ ràng là chưa đầy đủ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã bày tỏ lo ngại về tình trạng già hóa dân số đang ngày càng gia tăng ở Pháp. Phát biểu với báo giới, ông đã khẳng định: "Phát triển công nghệ, biến chuyển nhân khẩu học, khủng hoảng khí hậu, căng thẳng địa chính trị đã tồn tại từ 10 năm trước. Nhưng những vấn đề này thực sự đang tăng nhanh".
Theo thống kê, số ca sinh ở Pháp vào năm 2022 là 723.000, thấp nhất kể từ năm 1946 đến nay. Và không chỉ có Pháp, tình trạng này đang được cảnh báo trên toàn thế giới. Theo dự đoán của Liên hợp quốc, với tỷ lệ sinh như hiện nay, số trẻ em ra đời trên thế giới có thể sẽ thấp hơn số người chết kể từ năm 2050. Vào thời điểm đó, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi, đạt 1,6 tỷ người, tức là hơn 16% dân số. Tại Liên minh châu Âu (EU), sự thay đổi thậm chí còn nhanh hơn. Vào đầu năm 2021, người cao tuổi đã chiếm gần 21% dân số, so với tỷ lệ 17% được ghi nhận 10 năm trước đó. Đến năm 2050, khoảng 30% dân số châu Âu; tức là cứ 3 người lại có 1 người, sẽ thuộc lớp người được gọi là "thế hệ cũ".
Thế hệ thời bùng nổ dân số đang già đi
Trong 50 năm qua, tuổi thọ trung bình đã tăng thêm 10 năm và thế hệ sinh ra thời bùng nổ dân số đã đến tuổi nghỉ hưu. Xu hướng này đang thúc đẩy sự tăng vọt của tình trạng già hóa dân số, dẫn đến chi phí lương hưu và chăm sóc y tế tăng lên, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe trở nên tồi tệ hơn khi tuổi thọ của người về hưu kéo dài.
Sự gia tăng dân số già trong khi dân số trẻ lại giảm sẽ tạo ra một cú sốc mạnh mẽ hơn. Ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phát triển và mới nổi, tỷ lệ sinh đang giảm rõ rệt. Đỉnh điểm có thể thấy ở châu Á, tại Hàn Quốc, nơi tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới 0,8, trong khi mỗi phụ nữ phải sinh ít nhất 2,1 con để duy trì dân số ổn định. Tại Trung Quốc, dân số có thể giảm một nửa vào năm 2100, theo những dự báo bi quan nhất. Châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Tỷ lệ người từ 15-29 tuổi đã thay đổi từ 18,1% năm 2011 xuống 16,3% vào năm 2021 tại EU.
Cùng với việc già hóa, dân số đang thực sự giảm đi ở nhiều quốc gia. Ở Tây Ban Nha, dân số được dự báo sẽ giảm hơn 30% vào năm 2100, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng từ 20% lên 39%. Dân số Italy có khả năng giảm một nửa. Ở Pháp, dân số vẫn sẽ tăng cho đến năm 2040, song cứ 3 người dân sẽ có 1 người trên 60 tuổi, so với tỷ lệ 25% hiện nay.
Đồng thời, tỷ lệ cư dân trong độ tuổi lao động, tức là từ 15 tuổi đến 64 tuổi, cũng đang giảm. Theo một báo cáo từ Ủy ban châu Âu (EC), đến năm 2050, tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi lao động trên mỗi người già ở châu Âu sẽ là ít hơn 2. Do đó, tỷ lệ phụ thuộc của dân số người cao tuổi so với dân số trong độ tuổi lao động, sẽ tăng lên 57, gần gấp đôi mức hiện tại. Tỷ lệ phụ thuộc cao thậm chí còn đáng lo ngại hơn nếu tỷ lệ dân số đang làm việc trong dân số thuộc độ tuổi lao động là thấp. Chuyên gia kinh tế Hippolyte d'Albis đã nhận định: "Pháp có 44% dân số đang làm việc, nhưng như vậy là chưa đủ". Tuy nhiên, tình hình đang được cải thiện. Maxime Sbaihi, tác giả của cuốn Grand Aging (Éditions of the Observatory), nhấn mạnh: "Chúng tôi tạo ra nhiều công việc hơn cho người trẻ tuổi và người cao tuổi và tỷ lệ người làm việc ở Pháp đã đạt mức kỷ lục 74%, gần bằng các nước như Đức".
Trước những thách thức lớn này, vấn đề nhận thức là rất quan trọng, nhưng hiện đang bị xem nhẹ. James Pomeroy và Herald van der Linde, chuyên gia phân tích của ngân hàng HSBC, tác giả của một nghiên cứu về tác động của nhân khẩu học đối với tăng trưởng kinh tế, nhấn mạnh: "Tỷ lệ sinh không nhận được sự chú ý của các nhà kinh tế hoặc thị trường, như dữ liệu GDP hoặc lạm phát, nhưng hiếm có biến số nào có tác động quan trọng như vậy đến nền kinh tế trong trung hạn".
Dân số trong độ tuổi lao động suy giảm gây áp lực lên thị trường lao động và các nhà nước phúc lợi (nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên và bảo vệ việc làm và đảm bảo một nền an sinh xã hội cao cho công dân của mình). Ngoài chi phí lương hưu tăng lên, dân số già hơn sẽ cần nhiều hơn nhu cầu về y tế, điều này đòi hỏi phải đầu tư, điều chỉnh trang thiết bị và cơ sở hạ tầng. Tình trạng thiếu lao động sẽ ngày càng trầm trọng. Theo Bộ Lao động Pháp, đến năm 2030, trung bình mỗi năm ở nước này chỉ có 640.000 thanh niên gia nhập thị trường lao động, trong khi có đến 760.000 vị trí tuyển dụng. Ngân hàng Thế giới dự đoán sẽ thiếu trên 4 triệu nhân viên y tế ở EU vào năm 2030.
"Những đứa trẻ sống lâu" có thể trở thành chủ đề chính trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo toàn cầu, khi điều đáng sợ không phải là sự bùng nổ dân số mà là sự già hóa của nó. Các chính phủ đang tung ra nhiều kế hoạch hỗ trợ gia đình nhằm động viên việc sinh đẻ. Nhưng lực cản đối với tỷ lệ sinh là rất đa dạng, từ những lo ngại về môi trường, khuynh hướng trì hoãn sinh con của phụ nữ, cho đến những cản trở liên quan đến tài chính như: Giá bất động sản, tiền thuê nhà, dịch vụ chăm sóc trẻ em, chi phí cuộc sống… Theo các nghiên cứu, những thách thức này đã khiến từ 13% đến 33% thanh niên không muốn lập gia đình.
Nhật Bản đi đầu
Trong bối cảnh này, các nước sẽ phải đưa ra những chính sách hỗ trợ cho các bậc cha mẹ một cách hào phóng nhất để giữ ổn định tỷ lệ sinh. Các chính phủ sẽ phải "quyết tâm mạnh mẽ hơn và sáng tạo hơn để đảo ngược xu hướng, nếu không dân số thế giới có thể sẽ bắt đầu giảm sớm hơn dự kiến", các chuyên gia của HSBC chỉ ra. Nhật Bản, có dân số trong độ tuổi 15 tuổi đến 24 tuổi đã giảm một nửa kể từ đầu những năm 1990, đã là nước đi tiên phong với chủ trương giữ người cao tuổi của mình làm việc càng lâu càng tốt, bằng hình thức áp dụng chế độ lương hưu thấp. Nhưng trên thực tế, một phần trong số hàng trăm trường học phải đóng cửa mỗi năm đã được chuyển thành nhà dưỡng lão. Sự thiếu hụt đang đẩy chi phí lao động lên cao và buộc các công ty Nhật Bản phải cắt giảm hoạt động hoặc phá sản.
Các tác động tiêu cực kinh tế và tài chính của hiện tượng già hóa dân số là điều tất yếu. Dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm sẽ làm suy yếu sự năng động, hạn chế tăng trưởng và cản trở sự đổi mới của một quốc gia, do người lao động cao tuổi làm việc kém hiệu quả hơn những người trẻ tuổi. Maxime Sbaihi chỉ ra : "Với dân số già, người cao tuổi nắm giữ phần lớn tài sản, điều này có hại cho nền kinh tế. Thay vì thúc đẩy đổi mới, tiền tiết kiệm hướng tới các khoản đầu tư không tạo ra sản phẩm và những người trẻ tuổi khó tiếp cận với thị trường bất động sản. Ngoài ra, nợ công ngày càng tăng và chi phí bảo trợ xã hội đang đè nặng lên thu nhập của người lao động".
Trừ khi có những bất ngờ về sự phát triển của nhân khẩu học hoặc năng suất lao động, các hiện tượng tiêu cực này đang ngày càng rõ nét. Theo các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, tình hình nhân khẩu học ngày càng xấu đi đã ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của các quốc gia. Theo S&P, một nửa số nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ bị hạ xuống bậc xếp hạng tín nhiệm thấp hoặc rủi ro cao vào năm 2060 nếu các biện pháp không được thực hiện để giảm bớt chi phí của dân số già.
Sự già hóa đòi hỏi sự trợ giúp, tương hỗ, và làm phức tạp cuộc sống của những lớp trẻ. Do đó, "xung đột giữa các thế hệ, giữa những người trẻ tuổi và người về hưu có khả năng sẽ tăng cao", đó là nội dung trích dẫn trong báo cáo mang tiêu đề "Chuyển đổi nhân khẩu học, chuyển đổi kinh tế" của trường Đại học Paris-Dauphine, trong đó chủ trương tăng cường hơn nữa cho việc đào tạo và hội nhập của những người trẻ tuổi.
Đức chọn nhập cư
Một vài lĩnh vực khác sẽ phải tính đến việc phát triển liên quan đến vấn đề nhà ở phù hợp với người cao tuổi, đào tạo nhân viên chuyên nghiệp để hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi, hay có thể đào tạo và tuyển dụng chính người cao tuổi để làm việc đó, nhằm khuyến khích họ làm việc lâu hơn.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ gia đình hoặc tổ chức công việc, các tác giả của báo cáo HSBC cũng nêu ra một số lựa chọn thay thế bao gồm "tăng tuổi nghỉ hưu" hoặc "cho phép nhập cư nhiều hơn". Tuy nhiên, cả hai cách tiếp cận này đều không đơn giản. Các cuộc biểu tình gần đây ở Pháp liên quan đến chế độ hưu trí đã chứng minh điều đó. Với chủ trương nới lỏng nhập cư, Đức đã lựa chọn giải pháp này khi chào đón 1 triệu người Syria, tiếp theo là nhiều người Ukraine và các nhà tuyển dụng Italy lại đang kêu gọi người di cư với khẩu hiệu "nguồn lực cho đất nước và doanh nghiệp của chúng tôi". Nhưng theo James Pomeroy và Herald van der Linde, "điều này lại đặt ra những thách thức lớn về mặt chính trị và hội nhập".
Việc già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh sẽ gây ra những hậu quả rất đa dạng. Do đó Maxime Sbaihi khẳng định: "Không thể chối bỏ vai trò của nhân khẩu học và các nước phải ý thức được tầm quan trọng của nó".