Khi “rửa bát quét nhà” còn là một biểu tượng

 Những quan niệm truyền thống cứng nhắc về giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới ở Việt Nam

Dù đã có nhiều tuyên ngôn, nhiều nỗ lực quan phương nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn chưa thật sự được hưởng những điều tốt đẹp trong lý tưởng về bình đẳng giới. Để thay đổi thực tại này còn nhiều việc phải làm.  

Câu hỏi đang được đặt ra

Nếu so với những thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua, những tiến bộ về bình đẳng giới của Việt Nam chưa có sự tương xứng. Tiến bộ bình đẳng giới ở Việt Nam còn chậm, đôi khi còn trì trệ và ở một số lĩnh vực còn có sự thụt lùi và còn có sự lúng túng về các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ. Điều này đặt ra câu hỏi về nguyên nhân sự chậm và trì trệ này, về cách giải quyết những thách thức và gỡ bỏ các rào cản đang chống lại những nỗ lực thu hẹp khoảng cách hai giới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những yếu tố chủ chốt quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam là gắn việc chăm sóc gia đình - thậm chí được tôn lên mức là “Thiên chức”, cho phụ nữ. Gia đình cũng chính là “điểm yếu nhất” của người phụ nữ. Người phụ nữ thường có xu hướng đặt gia đình lên trên hết mọi thứ.

Để giữ cho gia đình “ổn định”, hầu hết phụ nữ Việt Nam sẽ sẵn sàng hy sinh sự bình đẳng của mình. Phải chăng suy nghĩ này dường như đã “ở trong máu” của người phụ nữ? Và vì nó đã “nằm trong máu” nên chúng ta không dễ gì mà bỏ đi được? Nói đến những công việc trong gia đình, “làm trai rửa bát quét nhà” cho đến nay vẫn là một câu chế giễu dành cho đàn ông.

“Rửa bát quét nhà” đã và vẫn là một biểu tượng để đánh giá “nam tính” (?) của một người đàn ông, để phân biệt vị trí cao - thấp trong gia đình, để cho rằng có “uy” hay không có “uy”, “sợ” hay không “sợ” vợ... của những người đàn ông làm và không làm công việc đó chứ không phải là một công việc hàng ngày bình thường như bao công việc khác mà người nào, dù nam hay nữ, cũng cần và đều có thể làm được.

Quan niệm sai trong gia đình từ lịch sử…?

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử đã chịu tác động sâu sắc và lâu dài của những quan niệm truyền thống đạo đức Nho giáo “về tôn ti trật tự” trong gia đình/gia tộc, về vị trí thấp kém của người phụ nữ trong thang bậc địa vị xã hội phong kiến. Những quan niệm này chủ yếu có nguồn gốc xuất phát từ những tín điều của Nho giáo khi “tề gia, trị quốc”.

Mỗi người phụ nữ từ khi sinh ra, gần như đã được đặt sẵn trong một “khuôn phép” gia đình và rộng hơn là gia tộc. Vì những giá trị truyền thống đó, họ sẵn sàng hy sinh cả sự tiến bộ và hạnh phúc của mình để làm tròn vai người phụ nữ “hiền, ngoan”, chỉ chăm chú chăm sóc gia đình. Những giá trị đó đã/còn bám rễ ăn sâu trong tâm thức và ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của cả nam giới và phụ nữ trong mọi tầng lớp xã hội - từ chuyện “trọng nam” (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô) trong quan niệm về con trai, con gái đến việc coi thường năng lực của phụ nữ trong mọi công việc xã hội nói chung.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vẫn tồn tại dai dẳng quan niệm cho rằng con trai gắn liền với những giá trị biểu trưng truyền thống liên quan đến việc “nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên” còn con gái chỉ liên quan đến những công việc thực tế hơn: đẻ và nuôi con, chăm sóc cha mẹ...

Trong gia đình, phụ nữ không có thời gian dành cho mình, không được tin tưởng và phải làm phần lớn việc nhà. Kết quả phỏng vấn trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết: Trong 14 công việc gia đình chủ yếu, phụ nữ đảm nhiệm 12 đầu việc, đặc biệt là những công việc liên quan đến chăm sóc con cái. Hơn 60% phụ nữ được hỏi đã trả lời rằng họ đã làm những việc nhà từ trước 18 tuổi trong khi con số này ở nam giới chỉ là 25%.

Những công việc gia đình của phụ nữ còn mở rộng đến cả việc chăm sóc hai bên gia đình nội - ngoại (gia đình bên nội thường được chú ý nhiều hơn) còn nam giới chỉ xuất hiện trong những tình huống cần đến “hình ảnh đại diện” (nhưng quan trọng) - cúng giỗ, dự các cuộc họp bàn công việc của cộng đồng, của gia tộc hoặc đi họp phụ huynh (?!) Phần lớn phụ nữ cũng không phải là chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu với nam giới về đất đai và những tài sản lớn. Và đương nhiên trong nhiều trường hợp, con gái không được chia hoặc được chia phần ít hơn những tài sản này so với con trai v.v..

Bất bình đẳng giới còn “hiện hình” rõ trong những tiêu chí về đạo đức: “Khoan dung” tự do tình dục hơn với nam giới và khắt khe lên án hơn nhiều với phụ nữ nếu họ có hành vi tương tự. Dưới bộ mặt khác, hệ quả khác của bất bình đẳng giới có thể dễ nhận rõ: Người phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo hành tình dục, thường phải chấp nhận tình dục không mong muốn và hiếm khi có sự thỏa mãn. Họ cũng “mất” phần lớn hoặc thậm chí không có quyền chủ động với những biện pháp kế hoạch hóa gia đình được khuyến cáo... 

… đến thực trạng xã hội

Ngoài xã hội, phụ nữ thường chịu nhiều định kiến và ít có cơ hội. Về phân công lao động xã hội, phụ nữ cũng thường dễ chấp nhận không đi làm hoặc làm công việc có thu nhập thấp để dành thời gian cho việc chăm sóc chồng con cũng như cả hai bên gia đình nội, ngoại.

Việc “khuôn” phụ nữ vào vai trò chăm sóc gia đình đã hạn chế các cơ hội của họ trong học tập, theo đuổi sự nghiệp, tham gia các công việc xã hội và chính trị. Cũng theo điều tra xã hội học của ISDS, có tới 20% phụ nữ phải nghỉ học vì phải làm việc nhà so với tỷ lệ 7,3% của nam giới.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năng lực học tập của phụ nữ cũng thường được đánh giá thấp hơn nam giới. Phụ nữ cũng không được khuyến khích học cao hơn chồng (để tránh những xung đột gia đình). Thậm chí nhiều bé gái phải nghỉ học để nhường nguồn kinh phí eo hẹp cho anh hoặc em trai.

Có thể dẫn ra rất nhiều ý kiến cho rằng: Nam giới học tốt hơn phụ nữ (nhất là ở các môn khoa học tự nhiên) và  phụ nữ chỉ nên học đến một trình độ nhất định rồi để dành thời gian cho gia đình. Nhiều nam giới không muốn yêu và kết hôn với phụ nữ có học vấn cao hơn mình, thậm chí họ cho rằng một gia đình sẽ không hạnh phúc nếu người vợ có học vấn cao hơn chồng v.v..

Trong lĩnh vực nghề nghiệp và việc làm, tỷ lệ phụ nữ làm nông/lâm/ngư nghiệp cao hơn hẳn so với nam giới. Phụ nữ chiếm số đông ở những khu vực việc làm tự doanh, không chính thức và phần lớn có quy mô nhỏ. Ở nhà, họ thường phải làm công việc chăm sóc vật nuôi, quản lý gia đình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quyền lợi xã hội của họ (về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...). Tính chất công việc của phụ nữ thiên về phía khu vực “không chính thức” cũng làm họ mất đi nhiều cơ hội học tập hoặc thăng tiến trong sự nghiệp. 

Cơ hội tham gia bộ máy chính quyền của nam giới vượt hơn so với phụ nữ. Thời gian tham gia các hoạt động xã hội của phụ nữ cũng ngắn hơn nam giới. Nam giới tham gia các công tác và đảm nhiệm các vị trí xã hội khi tuổi còn trẻ hơn và thời gian tham gia kéo dài hơn phụ nữ. Phụ nữ tham gia khi ở độ tuổi không còn trẻ và giảm đi khi họ chưa đủ già.

Số liệu điều tra (2016) của ISDS cho biết: Tỷ lệ nam giới tham gia chính quyền địa phương cao gấp 3 lần so với phụ nữ. Tỷ lệ nam giới giữ vị trí lãnh đạo trong Đảng ủy hiện nay đang gấp đôi phụ nữ và trong UBND cao gấp 7 lần so với phụ nữ. Định kiến giới trong lĩnh vực này rất rõ nét. Một trong những nguyên nhân để lý giải hiện tượng này được số đông cho là vì “Nam giới có “tố chất” lãnh đạo hơn phụ nữ; nam giới quyết đoán, khoáng đạt, có tầm nhìn; phụ nữ thì phức tạp, ganh tị, nghĩ ngắn...”.

Những quan niệm truyền thống cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ được xem là nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Cả phụ nữ cũng tự định kiến mà giới hạn mình trong một “khuôn khổ giới”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh trong lời đề tựa cho cuốn sách “Lean In” (Dấn thân) của Sheryl Sandberg đã viết: “Ở Việt Nam, việc kiên định gìn giữ cái được gọi là những phẩm chất và vai trò truyền thống dường như đã khiến người phụ nữ trong nhiều trường hợp trở thành con tin trong chính những lâu đài được mạ vàng của họ” (ISDS, 2016) - (Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam, Nxb Hồng Đức, tr. 148). Điều đáng nói là cả xã hội cũng vẫn mặc nhiên chấp nhận như vậy, mặc nhiên công nhận bất bình đẳng giới như một điều “có sẵn và không (cần) thay đổi”(!)

Không thể biện minh và cần thay đổi

Sự khác biệt sinh học giữa các giới tính không thể là cơ sở để biện minh cho bất bình đẳng giới. Quan điểm cũ bảo vệ sự bất bình đẳng giới do sự phân biệt nam/nữ có nguồn gốc sinh học đang bị phê phán và thay thế bằng quan điểm cho rằng: Giới là một thiết chế, một cấu trúc xã hội. Đó không phải là một biểu hiện của sinh học hay của sự phân cực bất biến của nhân loại hay một đặc tính của con người. Đó là một khuôn mẫu trong cách vận hành xã hội của chúng ta và các hoạt động sống hàng ngày đã được định hình bởi những sắp xếp đó.

Giới được khẳng định là một thiết chế xã hội vì đã được luật lệ hóa thông qua một tập hợp các quan niệm, các khuôn mẫu hành vi, các quy tắc ứng xử (quy định điều gì được phép hoặc không được phép hay điều đó phải được thực hiện như thế nào) cho cả hai giới. Những khuôn mẫu, quy tắc này đã được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngày nay nhờ hệ thống giáo dục đã tương đối ổn định, học sinh đã được dạy phải “ứng xử đúng đắn” với vai trò giới tương ứng với những đặc điểm sinh học có sẵn (nam/nữ) của chúng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam trước hết cần thay đổi từ nhận thức (chủ yếu là nam giới nhưng cũng gồm cả nữ giới): Phải loại bỏ dần cách nghĩ cũ về vai trò của phụ nữ trong truyền thống, khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm gánh nặng gia đình, khuyến khích phụ nữ tăng tính tự chủ, mạnh dạn nắm bắt các cơ hội, khẳng định vai trò lãnh đạo trong các công việc cả trong gia đình và xã hội.

Giải phóng phụ nữ khỏi nhiệm vụ triền miên là chăm sóc cho gia đình không có nghĩa là khuyến khích họ từ bỏ vai trò chăm sóc mà khuyến khích nam giới cùng chia sẻ. Và cần khẳng định rằng: Sẽ không có bình đẳng giới nếu nam giới tiếp tục từ chối chia sẻ việc nhà, độc quyền ra quyết định và bạo hành với phụ nữ.

Không thể đạt tiến bộ bình đẳng giới ngay lập tức mà cần một quá trình nỗ lực của cả xã hội cũng như từng chủ thể. Trong tầm nhìn trung và dài hạn, các hoạt động xã hội thực tiễn cần có sự đa dạng: Thông qua các phương tiện truyền thông để giáo dục công chúng, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ, thúc đẩy vai trò chăm sóc gia đình, chăm sóc phụ nữ của nam giới; Lập và thực thi các chương trình nhằm nâng cao những quyền lợi của phụ nữ; Cải thiện các dịch vụ xã hội để giảm gánh nặng việc nhà cho phụ nữ; Tăng thêm tính khả thi và “sức nặng” của những chính sách và pháp luật liên quan đến việc thúc đẩy sự tiếp cận của phụ nữ với các cơ hội phát triển học vấn và sự nghiệp.

Bên cạnh đó, để đạt các mục tiêu phát triển bền vững về giới cũng như các mục tiêu phát triển bền vững nói chung còn tiếp tục cần nhiều nghiên cứu sâu để có thể cung cấp những cơ sở khoa học, để định hướng thay đổi nhận thức và hành vi thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật... để bình đẳng giới ở Việt Nam trở nên thực chất và bền vững.

Thiên Phương
LINK: https://phunumoi.net.vn/khi-rua-bat-quet-nha-con-la-mot-bieu-tuong-d324626.html