Những người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Tòa án tối cao Mỹ
Tại Tòa án tối cao, có 4 trong số 9 thẩm phán hiện là phụ nữ: bà Ketanji Brown Jackson, bà Sonia Sotomayor, bà Elena Kagan và bà Amy Coney Barrett.
Tháng 4/2022, bà Ketanji Brown Jackson, 52 tuổi, đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm thẩm phán trong danh sách 9 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
Trải qua hơn 230 năm, lần đầu tiên Tòa án tối cao Mỹ có nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử. Vượt qua rào cản chủng tộc và giới tính, bà Ketanji Brown Jackson sẽ cùng 3 phụ nữ khác là Sonia Sotomayor, Elena Kagan, Amy Coney Barrett làm việc tại Toà án tối cao.
Ketanji Brown Jackson - nữ thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử Tư pháp Mỹ
Ketanji Brown Jackson sinh năm 1970 ở Washington và lớn lên ở Miami, Florida, Hoa Kỳ. Cha bà là giáo viên, sau đó trở thành luật sư của hội đồng quản trị trường học, còn mẹ bà giữ chức hiệu trưởng. Năm 1996, Ketanji Brown Jackson tốt nghiệp xuất sắc trường Luật Đại học Harvard, nơi bà từng đảm nhận vai trò biên tập viên chính của Tạp chí Luật Harvard.
Thẩm phán Ketanji Brown Jackson. Ảnh: CNN |
Sau đó, Ketanji Brown Jackson đã trải qua các vị trí thư ký cho thẩm phán Stephen Breyer, bộ phận kháng cáo của Văn phòng Luật sư công Liên bang thuộc Đặc khu Columbia. Năm 2012, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử bà Jackson vào làm việc tại Tòa án Quận Columbia và được phê chuẩn vào năm 2013.
Năm 2021, sau khi được Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đề cử, bà bà Jackson được phê chuẩn làm thẩm phán Tòa phúc thẩm Washington.
Theo nhóm ủng hộ tư pháp tiến bộ Liên minh vì Công lý (AFJ), bà Jackson đã soạn thảo gần 600 ý kiến trong những năm làm thẩm phán cho Tòa án Quận Columbia và Tòa phúc thẩm Washington.
Ketanji Brown Jackson có tư tưởng cởi mở và tôn trọng quy định của Tòa án Tối cao về quyền của Tu chính án thứ hai, quyền kết hôn của các cặp đồng tính, về quyền phá thai. Bà hy vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành luật.
"Tôi đã dành cả cuộc đời để ngưỡng mộ các luật sư và thẩm phán thuộc mọi gốc gác khác nhau, đặc biệt là những người Mỹ gốc Phi như tôi, những người đã làm việc rất chăm chỉ để đạt được vị trí của họ. Tôi đã được truyền cảm hứng bởi thẩm phán Constance Baker Motley, người phụ nữ da màu đầu tiên được bổ nhiệm làm thẩm phán tòa án liên bang. Bà là nguồn cảm hứng mang đến ý nghĩa rất lớn cho sự nghiệp của tôi và tôi hy vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho những người trẻ khác, những người muốn tham gia vào ngành tư pháp", bà Jackson bày tỏ.
Khi nhiệm kỳ của thẩm phán Stephen Breyer kết thúc vào cuối tháng 6/2022, bà Jackson sẽ thay thế ông và trở thành người mở chương mới cho cơ quan tư pháp cao nhất của nước Mỹ. Tờ Washington Post nhấn mạnh, đây là một sự thay đổi gần như hoàn toàn của Toà án Tối cao trong vòng chưa đầy một thế hệ. Lần đầu tiên trong lịch sử, người da trắng không còn chiếm thế đa số tại cơ quan công lý cao nhất nước Mỹ. Khoảng cách giới giữa các thẩm phán Toà án Tối cao cũng được thu hẹp.
Sonia Sotomayor – nữ Thẩm phán liên bang đầu tiên xuất thân từ khu vực Mỹ Latinh.
Sonia Sotomayor Sotomayor sinh ngày 25/6/1954, mồ côi cha từ lúc lên 9 tuổi. Bà lớn lên trong khu phố cần lao The Bronx của New York. Nhà nghèo, bà đã rất chăm chỉ học và không ngừng nỗ lực để vươn tới sự thành công trong công việc.
Nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor. Ảnh: americanlibrariesmagazine.org |
Năm 1976 bà Sotomayor tốt nghiệp trường Đại học Princeton với bằng cử nhân hạng danh dự. Sau đó, bà cũng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật tại trường Luật Yale. Tại Yale, bà Sotomayor đã làm biên tập viên cho tạp chí Luật ở địa phương. Khi trở lại New York bà làm phụ tá công tố viên trước khi chuyển sang hành nghề luật sư từ năm 1984.
Năm 1991, bà Sotomayor được Tổng thống Mỹ George H. W. Bush cử làm Thẩm phán Tòa án Sơ thẩm khu vực miền Nam New York và được phê chuẩn vào cương vị này vào một năm sau đó. Tại đây, bà đã xét xử tổng cộng 3.000 trường hợp. Bà Sotomayor là thẩm phán trong một số vụ án nổi tiếng. Bà từng quyết định cho phép tờ Wall Street Journal đăng lá thư tuyệt mệnh của Cố vấn Nhà Trắng Vince Foster.
Năm 1997, bà được Tổng thống Bill Clinton đề cử vào Tòa án Thượng thẩm Địa phận số 2 và cũng được phê chuẩn vào vị trí này một năm sau đó. Từ năm 1998 đến 2007, bà Sotomayor là phó giáo sư tại trường Đại học Luật New York. Bà cũng là giảng viên luật tại trường Đại học Luật Columbia từ năm 1999.
Năm 2009, Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử bà Sonia Sotomayor làm Thẩm phán Tòa án Tối cao và trở thành vị thẩm phán liên bang đầu tiên xuất thân từ khu vực Mỹ Latinh. Lý do ông Obama chọn vì bà không chỉ đem đến cho Tòa án tối cao kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn mà còn cả sự khôn ngoan đã tích lũy được từ cuộc đời của bà.
Elena Kagan – nữ thẩm phán trẻ tuổi nhất tại Tòa án tối cao Mỹ những năm 2010
Năm 2010, ở tuổi 50, bà Elena Kagan được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm thẩm phán, trở thành thẩm phán trẻ tuổi nhất tại Tòa án tối cao Mỹ lúc bấy giờ.
Bà Elena Kagan lớn lên ở Manhattan, trong gia đình có cha là luật sư và mẹ là giáo viên. Bà từng đảm nhiệm vai trò biên tập viên tạp chí luật của trường Đại học Princeton khi còn là sinh viên, sau đó trở thành nữ hiệu trưởng đầu tiên của trường này.
Nữ thẩm phán Elena Kagan. Ảnh: npr.org |
Bà Elena Kagan có sự nghiệp sáng chói trong ngành luật: nữ hiệu trưởng trường luật đầu tiên của Đại học Harvard, từng trải qua nhiều công việc hàn lâm, pháp lý, chính sách và là trợ lý ở Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Bà là người phụ nữ đầu tiên giám sát văn phòng xử lý vụ kiện cho chính phủ liên bang trước Tòa án tối cao.
Cựu Tổng thống Back Obama cũng khẳng định bà Kagan là người hội đủ các yếu tố như công bằng, độc lập, nhanh nhẹn, đầu óc sắc bén, am hiểu chính trị... Theo hãng tin AP yếu tố chủ chốt khiến ông Obama chọn bà Kagan là vì bà nổi tiếng có khả năng hòa hợp được những người có quan điểm ganh đua nhau và nhận được sự kính trọng từ họ.
Amy Coney Barrett – nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao trẻ nhất trong nhiều thế hệ
Amy Coney Barrett sinh năm 1972 tại TP New Orleans, bang Louisiana và có cha từng làm luật sư cho công ty dầu Shell của Mỹ. Bà kết hôn với một cựu công tố viên liên bang và là mẹ của 7 người con.
Bà Amy Coney Barrett từng là thư ký của cố thẩm phán Antonin Scalia, vốn được xem là nhân vật bảo thủ hàng đầu tại tòa án Mỹ trong 3 thập niên trước khi ông qua đời vào năm 2016. Bà cũng từng làm thư ký cho thẩm phán Laurence Silberman của Tòa án phúc thẩm Columbia, thư ký ở Tòa án Tối cao Mỹ.
Nữ thẩm phán Amy Coney Barrett. Ảnh: doanhnghieptiepthi.vn |
Năm 2002, bà đã giảng dạy luật hiến pháp, tố tụng dân sự... tại trường Luật Notre Dame, nơi bà được phong hàm giáo sư Luật năm 2010.
Năm 2017, bà được bổ nhiệm làm thẩm phán tại Tòa án Phúc thẩm bang Chicago. Năm 2019, sau khi một hội đồng gồm 3 thẩm phán ngăn cản một dự luật của bang Indiana khiến trẻ vị thành niên khó phá thai hơn nếu không thông báo cho bố mẹ biết, bà Barrett đã bỏ phiếu yêu cầu Tòa án xét xử lại.
Là người theo đạo Thiên chúa được đánh giá sùng đạo và cực kỳ bảo thủ, bà Barrett là người phản đối các quyền nạo phá thai - một vấn đề quan trọng đối với nhiều thành viên đảng Cộng hòa. Bà từng nhấn mạnh rằng nạo phá thai "luôn luôn trái đạo đức".
Tháng 9/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã đề cử bà Barrett vào Tòa án Tối cao thay thế chiếc ghế của cố Thẩm phán Ginsburg. Ông Trump gọi bà Barrett là “một người phụ nữ của những thành tích vô song, trí tuệ cao vời, bằng cấp đáng tin cậy và lòng trung thành kiên định với Hiến pháp”. Ở tuổi 48, Amy Coney Barrett trở thành nữ Thẩm phán Tòa án Tối cao trẻ nhất trong nhiều thế hệ, bà sẽ còn rất nhiều thời gian để giúp phe bảo thủ giữ vững những quan điểm chính sách của họ trong nhiều thập kỷ tới.