Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết quốc tế về bình đẳng giới

 Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới.

Hội nghị cấp bộ trưởng châu Á – Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh diễn ra tại thủ đô Bangkok của Thái Lan trong các ngày từ 19 - 21/11. 

Tham dự hội nghị Bộ trưởng có 1.200 đại biểu đến từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, đại diện các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà làm Trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện Vụ Bình đẳng giới và Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ, đại diện Thường trực Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á Thái Bình Dương (UN ESCAP).

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: UNESCAP
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: UNESCAP

Hội nghị nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm qua, tìm hiểu các bài học kinh nghiệm, các điển hình tốt cũng như những khó khăn, thách thức, hành động ưu tiên cần thiết để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; chia sẻ thông tin về các chính sách bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Hội nghị cũng là cơ hội để thúc đẩy sự đồng thuận tại khu vực về các hành động ưu tiên để đẩy nhanh việc thực hiện các cam kết trong Tuyên bố và chuẩn bị nội dung cho Phiên họp thứ 69 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ vào tháng 3/2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana nhấn mạnh, phụ nữ phải đi đầu hoặc đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề lớn của tương lai như hành động ngăn biến đổi khí hậu hay thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số. Bà cho biết:

“Đây là những xu hướng lớn của thời đại chúng ta và nếu không tập trung vào bình đẳng giới, sẽ có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng. Chúng ta phải cung cấp cho phụ nữ các công cụ, đào tạo và nguồn lực để lãnh đạo trong các lĩnh vực này nhằm đảm bảo họ không chỉ tham gia mà còn thúc đẩy các giải pháp cho ngày mai”.

Phát biểu tại phiên họp chính của Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã nhấn mạnh, trong 30 năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2019-2024, Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới, nổi bật là việc xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách của quốc gia.

Bà cho biết: “Việt Nam quyết tâm thực hiện các giải pháp đã nêu trong Báo cáo quốc gia 30 năm rà soát thực hiện Cương lĩnh và hướng tới hiện thực hóa Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ và các bên liên quan, trong đó có các cơ quan của Liên hiệp quốc, nhằm tối đa hóa sự hỗ trợ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ”.

Việt Nam nghiêm túc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật và chính sách nhằm xóa bỏ những quy định mang tính chất phân biệt đối xử đối với phụ nữ và nam giới. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 được ban hành với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, các chương trình về truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực đã được Chính phủ ban hành triển khai trên toàn quốc. Sự tham gia tích cực của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội từ trung ương đến địa phương trong việc thực thi pháp luật, chính sách đã đem lại nhiều kết quả quan trọng.

Những nỗ lực và quyết tâm trên đã cải thiện rõ rệt vai trò địa vị của phụ nữ Việt Nam. Cụ thể như chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 xếp hạng 72/146 quốc gia. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (đạt 30,26%).

Phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%. Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 28,2%. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh.

Đặc biệt, khoảng cách giới trong tất cả các cấp giáo dục được thu hẹp; hệ thống chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị được tăng cường; hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới được mở rộng và nâng cao về chất lượng.

Tại Hội nghị, Báo cáo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (BPFA) nhấn mạnh những thách thức phía trước cũng như các chiến lược và giải pháp hướng tới tương lai trong 6 lĩnh vực chủ đề: giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ thịnh vượng và việc làm tử tế; tự do khỏi bạo lực trên cơ sở giới; tham gia có ý nghĩa và hoạt động quản trị có tính đến yếu tố giới; xã hội hòa bình và công bằng; giới tính và môi trường.

Báo cáo cũng nhấn mạnh thêm 3 hành động then chốt nhằm củng cố nền tảng thúc đẩy tiến bộ về bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chuyển đổi các chuẩn mực về giới; tăng cường thu thập và sử dụng dữ liệu về giới; và thúc đẩy đầu tư thông minh về giới cũng như các quan hệ đối tác liên ngành.

PV/Tổng hợp

LINK: https://phunumoi.net.vn/viet-nam-quyet-tam-hien-thuc-hoa-cac-muc-tieu-cam-ket-quoc-te-ve-binh-dang-gioi-d324076.html