
Tài liệu Tập huấn Giáo dục giới tính - tình dục toàn diện và kỹ năng sống trong trường học
Hiện nay, giáo dục giới tính trở thành một phần không thể
thiếu của một nền giáo dục có chất lượng. Học sinh cần được trang bị những kiến
thức về giới tính và tình dục toàn diện để giúp cho các em bước đầu hiểu về giới
tính và biết cách tự bảo vệ.
Việc thiếu sự chuẩn bị kỹ càng không chỉ khiến các em dễ bị
tổn thương trước hiện tượng bóc lột và các hậu quả tiêu cực khác, mà còn cho thấy
sự thất bại của những người có trách nhiệm trong xã hội khi đã không hoàn thành
được nghĩa vụ của mình đối với cả một thế hệ. Nếu chúng ta không đáp ứng lời
kêu gọi của giới trẻ về một nền giáo dục giới tính toàn diện có chất lượng,
chúng ta sẽ không thể đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đã được đặt ra
đến năm 2030, cũng như thực hiện cam kết không bỏ ai lại phía sau.
Tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Quỹ
Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên
Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức thành công khóa tập huấn cho 30 giảng viên Quốc gia về
“Giáo dục giới tính, tình dục toàn diện và kỹ năng sống trong trường học”. Đồng
thời, với sự hỗ trợ kinh phí của UNFPA, Bộ GD-ĐT đã tổng hợp, biên soạn tài liệu
tập huấn và hy vọng rằng các nhà quản lí giáo dục, các giáo viên sẽ sử dụng cuốn
tài liệu này để giúp học sinh được đảm bảo các quyền của giới trẻ đối với giáo
dục, sức khỏe và phúc lợi, cũng như hình thành một cộng đồng hòa nhập và bình đẳng
giới.
Từ năm 2022, UNFPA đã hợp tác với Bộ GD-ĐT tiếp tục triển
khai nhiều hoạt động ý nghĩa dựa trên tài liệu tập huấn quan trọng này nhằm
nâng cao năng lực giảng dạy giáo dục giới tính và tình dục toàn diện (CSE). Nổi
bật là các khóa tập huấn cho giáo viên THCS, THPT tại 3 tỉnh Yên Bái, Vĩnh Long
và Khánh Hòa trong các năm 2023 và 2024.
Bên cạnh đó, UNFPA cũng đã phối hợp với Bộ GD-ĐT cập nhật và
tích hợp nội dung dành cho học sinh khuyết tật học hòa nhập cấp trung học vào
Hướng dẫn giáo dục giới tính và tình dục toàn diện trong Chương trình Giáo dục
Phổ thông 2018. Hướng dẫn cập nhật này đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt vào đầu năm
2024 và sẽ là công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc đảm bảo giáo dục toàn diện
và bình đẳng.
Trong năm 2025, các hoạt động tập huấn cho giáo viên về giáo
dục giới tính và tình dục toàn diện sẽ tiếp tục được mở rộng. UNFPA sẽ tiếp tục
phối hợp với Bộ GD-ĐT hỗ trợ các trường học trong việc tích hợp nội dung này
vào các môn học, đảm bảo mỗi học sinh đều được tiếp cận với một chương trình
giáo dục hiện đại, toàn diện và phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân. Những nỗ
lực này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của UNFPA đối với giáo dục giới tính
và tình dục toàn diện mà còn là bước đi thiết thực để hướng tới một thế hệ
thanh niên Việt Nam được phát huy tiềm năng, tôn trọng và trao quyền.
ĐỘC TIẾP TÀI LIỆU TỪ LINK GỐC TẠI ĐÂY: https://vietnam.unfpa.org/vi/publications/t%C3%A0i-li%E1%BB%87u-t%E1%BA%ADp-hu%E1%BA%A5n-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-gi%E1%BB%9Bi-t%C3%ADnh-t%C3%ACnh-d%E1%BB%A5c-to%C3%A0n-di%E1%BB%87n-v%C3%A0-k%E1%BB%B9-n%C4%83ng-s%E1%BB%91ng-trong-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng